1.200 gốc cau vú bò đẹp như tranh của lão nông miền Tây cho lãi tiền tỷ
Sáu năm trước, khi nhận thấy giá thanh long có xu hướng thấp dần, ông Nguyễn Ngọc Tần (60 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang) đã có quyết định táo bạo, phá 6 công vườn trồng thanh long, chuyển sang trồng cau. “Trồng thanh long tốn công chăm sóc, thuê…
Sáu năm trước, khi nhận thấy giá thanh long có xu hướng thấp dần, ông Nguyễn Ngọc Tần (60 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang) đã có quyết định táo bạo, phá 6 công vườn trồng thanh long, chuyển sang trồng cau.
“Trồng thanh long tốn công chăm sóc, thuê nhân công ngày càng khó mà giá cứ thấp dần nên không hiệu quả. Năm 2016 tôi quyết định chuyển đổi, tìm lên khu Bà Điểm (Hóc Môn, TPHCM) mua giống cau vú bò về trồng.
Đất trồng đã sẵn luống liếp, ông cứ thế trồng cau lên. Cau giống lúc đó mỗi kg chỉ 15 nghìn đồng, chưa đến một triệu đồng tiền giống đã đủ để trồng kín vườn. Tính ra chi phí không tốn bao nhiêu cả, chỉ tốn công mua gom trái giống”, ông Tần chia sẻ.
Khu vườn bao quanh nhà, khá vuông vức. Ông Tần trồng cau vú bò thành hàng dọc ngang thẳng tắp, mật độ hàng cách hàng 4m, cây cách cây 1,5m. Mỗi liếp đất trồng 2 hàng cau, 2 liếp ngăn cách nhau bởi một mương nước.
Vườn cau được lão nông trồng theo hàng lối thẳng tắp (Ảnh: Nguyễn Cường).
Ông Tần cho biết, trồng cau không tốn công chăm sóc, cơ bản chỉ dọn cỏ trong vườn. Cau cũng không bị sâu bệnh hại. Mỗi năm ông Tần chỉ mua phân hữu cơ về bón cho cau vài lần. Trong vườn ông trồng cây họ đậu để tăng hàm lượng đạm trong đất.
Cau trồng 4 năm bắt đầu cho trái và liên tục ra buồng chứ không phải cho trái theo mùa. Đến nay, vườn cau vú bò 1.200 cây của ông Tần đã cho trái được 2 năm, sản lượng ngày càng cao.
Thăm vườn không chỉ là công việc mà còn là thú vui của lão nông (Ảnh: Nguyễn Cường).
Phần lớn trái cau của ông Tần được thương lái mua phục vụ xuất khẩu, phần nhỏ phục vụ làm cau cúng, cau lễ, cau ăn trầu trong nước. Ông Tần cho biết, có bao nhiêu cau trái, thương lái đều mua sạch, thậm chí thương lái còn đặt trước, giành hàng.
“Bình quân mỗi cây một năm cho khoảng 50kg trái, giá dao động từ 23 nghìn đồng đến 45 nghìn đồng mỗi kg tùy thời điểm trong năm. Tiền lãi tính theo đầu cây rất lớn. Năm nay tôi tính chắc có lãi cỡ một tỷ đồng”, ông Tần chia sẻ thêm.
Ông Tần đang xem xét chất lượng buồng cau chuẩn bị cho thu hoạch (Ảnh: Nguyễn Cường).
Để chứng minh mức lợi nhuận tính toán có cơ sở, ông Tần chia sẻ, đã có thương lái ngỏ ý thuê hẳn khu vườn với giá 600 triệu đồng mỗi năm để tự chăm sóc, tự khai thác. Tuy nhiên ông Tần nói, một là sợ người ta khai thác quá sức, hỏng cây, hỏng vườn; hai là nếu không chăm vườn thì ông chẳng biết làm gì, cuồng chân tay không chịu nổi nên đã từ chối.
“Mình cứ giữ vườn tự chăm, tự hái, được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, sáng ra vườn ngửi hương hoa cau thơm ngát là vui cả ngày rồi” – ông Tần cười hiền khô.
Ông hái cau theo định kỳ 10 ngày một lần, phân loại trái non bán cho thương lái xuất khẩu, trái già đẹp bán làm cau lễ, cung cấp cho thị trường trong nước.
Những buồng cau chất lượng sẽ được giữ lại để ươm giống (Ảnh: Nguyễn Cường).
Ngoài bán cau trái, ông Tần còn ươm, bán cau giống. Năm nay ông Tần dự định ươm 3 vạn cây con, trong đó có 2 vạn đã được khách đặt trước. Với giá bán từ 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng mỗi cây cau con, riêng tiền bán giống đã giúp ông Tần thu về trên 600 triệu đồng.
Mỗi sáng những chùm hoa cau nở rộ khiến cả khu vườn thơm ngát (Ảnh: Nguyễn Cường).