Ai đã ăn dày từ đất công?

20 năm xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn 20 năm xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn UBND TP.HCM bị qua mặt? Công tác quản lý sử dụng đất là một trong bốn nhóm sai phạm của Tổng công ty Nông nghiệp…

20 năm xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn
20 năm xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn

UBND TP.HCM bị qua mặt?

Công tác quản lý sử dụng đất là một trong bốn nhóm sai phạm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) và một số đơn vị thành viên nổi lên tại Thông báo Kết luận Kiểm toán số 386/TB-KTNN (Thông báo 386) của Tổng kiểm toán Nhà nước ký ngày 15.8.2018.

Theo Thông báo 386, Sagri, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Tổng công ty) ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 1.920ha (làm tròn). Trong đó, Tổng công ty bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri khoảng 140ha, cho Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri khoảng 452ha.

Cả hai dự án này đều chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền, là không đúng quy định tại khoản 5 Điều 6, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19.1.2007 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 2, Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 16.9.2013 của UBND TP.HCM về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM: “Quản lý sử dụng đất đúng mục đích… và không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa nêu một loạt sai phạm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri). Ảnh: Trung Dũng

Ngoài dự án 140ha, Trung Thủy còn một số duyên nợ với Sagri. Một là dự án Dreamplex 2 cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng tại 195 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Địa chỉ này cũng là trụ sở của Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn, đơn vị trực thuộc của Sagri. Hai là hợp đồng số 90/HĐNT/2016 ngày 2.8.2016 giữa Trung Thủy và Sagri để thực hiện dự án hợp tác đầu tư Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất có diện tích 650,04ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.HCM). Vốn điều lệ của Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri khai thác dự án này là 164 tỉ đồng, trong đó Sagri góp 59,04 tỉ đồng (36%).

Điều đáng lưu ý là phần vốn góp vào dự án của Sagri là khoản vay ba năm không tính lãi từ Trung Thủy tính từ thời điểm thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri. Một điều khoản quan trọng cần lưu tâm là vốn điều lệ có thể tăng thêm để đáp ứng nhu cầu vốn của dự án. Kịch bản tương tự lặp lại với hợp đồng hợp tác thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri như đã nêu. Trả lời phỏng vấn Người Đô Thị, một lãnh đạo Tập đoàn Trung Thủy cho biết khu đất 650ha vẫn chưa đi vào sản xuất.

Chuyện gì sẽ xảy ra với công sản nếu Sagri không đủ khả năng tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu vốn của dự án khi mà vốn góp dự án cũng phải đi vay. Theo Thông báo 386, tính đến 31.12.2017, Tổng công ty đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với giá trị ghi sổ kế toán là 1.038,905 tỉ đồng. Năm 2017, có 9/25 doanh nghiệp kết quả kinh doanh lỗ; 10/25 doanh nghiệp có lỗ lũy kế đến 31.12.2017 là 382,959 tỉ đồng. Tổng số dự phòng giảm giá đầu tư tài chính phải trích lập theo quy định là 102,710 tỉ đồng nhưng Sagri không thực hiện.

Không bình luận về nội dung liên quan trong Thông báo 386, một lãnh đạo của Tập đoàn Trung Thủy nói với phóng viên Người Đô Thị rằng doanh nghiệp chấp nhận phương án xử lý của UBND TP.HCM, kể cả tình huống xấu nhất. Về phần Vineco Sagri, chúng tôi cũng đã gửi một số câu hỏi đến bộ phận truyền thông nhưng trước khi bài báo lên khuôn, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức.

Tổng công ty còn ký hai hợp đồng hợp tác có ngành nghề kinh doanh bất động sản, thuộc ngành nghề phải thoái vốn theo quy định tại Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ. KTNN cũng chỉ ra 6 hợp đồng hợp tác (chưa thành lập pháp nhân mới) đã được Tổng công ty thông báo cho đối tác việc dừng hợp tác nhưng chưa thanh lý hợp đồng hợp tác; 7 hợp đồng hợp tác (không thành lập pháp nhân mới) với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích đất khoảng 114ha.

Chưa hết, KTNN còn phát hiện 6 hợp đồng hợp tác thực hiện theo phương thức mà việc tổ chức kinh doanh trên khu đất hoàn toàn do các đối tác toàn quyền quyết định, Sagri được hưởng một khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên khu đất. Thực chất của hợp đồng hợp tác là Sagri cho thuê lại đất, không đúng quy định tại khoản 5 Điều 6, Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 4225/UBND-TM ngày 4.7.2008 của UBND TP.HCM về phê duyệt phương án tổng thể nhà đất của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Điều 2 Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 16.9.2013 của UBND TP.HCM về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bò sữa. Việc hợp đồng hợp tác trên các khu đất nêu trên không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP.HCM.

Đối với dự án Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò, Sagri thay đổi đối tác từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hồng Lĩnh sang Tổng công ty cổ phần Phong Phú nhưng không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP.HCM.

Về hoạt động chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9), Sagri không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch của dự án; cam kết chưa huy động vốn của khách hàng không đúng thực tế; xác định giá trị chuyển nhượng không đúng, làm giảm số thuế phải nộp ngân sách nhà nước.

Đấy là chưa kể một số diện tích đất mà công ty mẹ, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM và Công ty TNHH Cây trồng TP.HCM cho mượn, tranh chấp, lấn chiếm chưa được thu hồi. Hai đơn vị thành viên này còn giao khoán đất sản xuất cho một số hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú ngoài địa bàn có đất giao khoán, giao khoán vượt hạn mức quy định tại Điều 3 Nghị định 01/1995/NĐ-CP ngày 4.1.1995, Điều 2 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, Điều 70 Luật Đất đai năm 2003, Điều 129 Luật Đất đai năm 2013.

Từ nay đến 2020, TP.HCM sẽ chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp theo Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ. “Thời gian còn quá ít, sẽ là một áp lực không nhỏ đối với TP.HCM”, báo Thanh Niên dẫn lời một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Đất nông nghiệp người dân quản lý, sử dụng manh mún, nhỏ lẻ trong khi đất nông nghiệp tập trung ở những công ty quốc doanh liền bờ, liền thửa, chẳng hạn như tình huống Sagri, thì lại đang sử dụng kém hiệu quả. Khẩn trương thực hiện một cuộc tổng rà soát đất nông nghiệp ở những doanh nghiệp nhà nước, căn chiếu theo quy hoạch và quy định pháp luật để có thể chuyển đổi đất nông nghiệp mà Nhà nước đang quản lý là một gợi ý để TP.HCM tăng tốc khi mà thời hạn thực hiện chỉ còn hơn hai năm nữa.

Bãi giữ xe trên đất vàng

Nếu như một số sai phạm ở Sagri có dấu hiệu UBND TP.HCM bị qua mặt thì những khuất tất trong hoạt động chuyển nhượng khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) được cho là gây thiệt hại ngân sách Nhà nước bị Thanh tra Chính phủ quy trách nhiệm cá nhân trực tiếp đối với ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015. Nhiều năm qua, mảnh đất vàng gần 5.000m2 trở thành bãi giữ xe lý tưởng ở khu vực trung tâm thành phố.

Tại phiên họp thường kỳ về kinh tế xã hội đầu tháng 10.2018, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin Sở Nội vụ TP.HCM được yêu cầu tham mưu kế hoạch tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức, kể cả cán bộ nhiệm kỳ trước sai phạm liên quan đến việc bán rẻ công sản theo quy định pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được giao nhiệm vụ thu hồi khu đất và tổ chức đấu giá khu đất vàng kinh doanh dịch vụ giữ xe nhiều năm qua. “Việc này thành phố sẽ làm công khai. Làm tới đâu thành phố sẽ thông tin cho báo chí tới đó chứ không có gì phải giấu diếm” – ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Zing.vn, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định không tư túi, “không cố ý làm trái” như quan điểm của Thanh tra Chính phủ. Về kiến nghị thu hồi toàn bộ dự án để đấu giá theo quy định, ông Thành Tài cho rằng “mất quá nhiều thời gian”, “các đơn vị tham gia dự án đã đóng tới 700 tỉ đồng tiền sử dụng đất rồi nhưng mấy năm qua không triển khai được”. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản cái gì được thì nhìn nhận là được, không được thì nên nhận khuyết điểm và tiếp tục thúc đẩy triển khai, để cải thiện tích cực môi trường đầu tư”, Zing.vn dẫn lời ông Thành Tài.

Theo Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, tiếp cận đất đai vẫn là chỉ số ít được cải thiện nhất kể từ khi VCCI và USAID triển khai sáng kiến PCI lần đầu năm 2006. Thật khó có thể tin rằng môi trường đầu tư được cải thiện tích cực khi mà tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, rộng ra là nguồn lực, vẫn được duy trì. Việc tiếp tục thúc đẩy triển khai dự án số 8-12 Lê Duẩn vô hình trung khiến trách nhiệm cá nhân của những bên liên quan nhẹ bớt. Vị thế của doanh nghiệp thường yếu hơn chính quyền ngay cả khi đôi bên đồng thuận dấm dúi vì lợi ích cục bộ. Đành rằng kinh doanh phải có rủi ro, nhưng cũng sẽ khiên cưỡng khi đặt niềm tin bền vững vào những doanh nghiệp bất chấp rủi ro pháp lý. Động cơ khiến doanh nghiệp sẵn sàng đặt cược có thể xuất phát từ khả năng chi phối, thậm chí thao túng quyền lực hành chính, trở thành lợi thế cạnh tranh tuyệt đối nhờ lợi nhuận siêu ngạch. Dung dưỡng cho lối làm ăn “đánh quả” mới chính là góp phần làm xói lở những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Về nguyên tắc, vai trò và nhiệm vụ của cấp phó giống như một “người giúp việc” cho chức danh cấp trưởng trong hệ thống hành chính. Thế nên cũng cần làm rõ những văn bản liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn mà ông Nguyễn Thành Tài ký là với tư cách nào, được thừa lệnh hay ủy quyền từ cấp trưởng?

Thượng Tùng – Trung Dũng

Bạn đang xem bài viết: Ai đã ăn dày từ đất công?. Thông tin được tạo bởi Gia Sư Minh Đức chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Rate this post

Similar Posts