ASEAN- Một số kết quả ban đầu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Vấn đề phát triển nông nghiệp – Bài 22 – Địa lí 12 – Cô Nguyễn Huyền (HAY NHẤT) Vấn đề phát triển nông nghiệp – Bài 22 – Địa lí 12 – Cô Nguyễn Huyền (HAY NHẤT) Để tiếp nối, mở rộng và phát triển ở tầm cao hơn Mục tiêu Phát triển Thiên…
Để tiếp nối, mở rộng và phát triển ở tầm cao hơn Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, năm 2015, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/Res/70/1, đề ra Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Thực hiện cam kết này, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã có nhiều nỗ lực để đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đạt được những kết quả nhất định giai đoạn 2016-2018 ở một số mục tiêu.
Trong vai trò Chủ tịch Thống kê ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và nhận được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thực hiện sáng kiến “Thiết lập hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững của ASEAN”. Sáng kiến nhằm góp phần hình thành một hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững đồng bộ, thống nhất trong cộng đồng ASEAN; bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám sát và đánh giá phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác trong thực hiện các chỉ tiêu; nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên trong việc thu thập, biên soạn các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững cũng như tăng cường vai trò điều phối của thống kê ASEAN.
Với sự nỗ lực của các quốc gia thành viên, sự chủ động của Thống kê ASEAN, Nhóm công tác về các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của ASEAN và sự hỗ trợ của dự án ARISE Plus, Báo cáo đầu kỳ các chỉ tiêu phát triển bền vững của ASEAN đã được hoàn thiện và Cổng thông tin dữ liệu trực tuyến về các chỉ tiêu phát triển bền vững của ASEAN đã được thiết lập.
Báo cáo đầu kỳ về các chỉ tiêu Phát triển bền vững của ASEAN được Ban Thư ký ASEAN công bố ngày 23/10/2020 tại Hà Nội, gồm các nội dung chủ yếu sau:
Mục tiêu 1: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi
Đối với chỉ tiêu 1.2.1 Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo theo chuẩn quốc gia, theo Báo cáo, trong số 8 quốc gia có chuẩn nghèo quốc gia, năm 2018 trung bình có 13,0/100 người sống dưới mức chuẩn nghèo của các quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ này không thể so sánh giữa các quốc gia do mỗi quốc gia đưa ra mức chuẩn nghèo khác nhau. Tại Myanmar, tỷ lệ dân số sống dưới mức chuẩn nghèo của quốc gia này là 24,8/100 người vào năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Philippines cũng trong năm 2017 là 16,7/100 người (thấp hơn đáng kể mức 23,5/100 người của năm 2016. Cũng theo báo cáo, Indonesia và Thái Lan có khoảng 10% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia trong năm 2018. Tại Việt Nam, tỷ lệ hộ gia đình sống dưới chuẩn nghèo đa chiều quốc gia năm 2018 là 6,8%.
Hình 1: Tỷ lệ dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc gia trong ASEAN, 2016-2018
Nguồn: Ban Thư ký ASEAN
Năm 2018, khu vực ASEAN có tỷ lệ nghèo ở nông thôn cao hơn tỷ lệ nghèo chung với 18,0% người dân nông thôn sống dưới mức nghèo năm 2018. Trong đó, Myanmar là quốc gia có tỷ lệ nghèo nông thôn cao nhất với 30,2% vào năm 2017. Tiếp đến ở Lào và Philippines là khoảng 24% năm 2018.
Mục tiêu 2: Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo độ tuổi) theo Tiêu chuẩn Tăng trưởng Trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là khác nhau đối với mỗi quốc gia thành viên. Tỷ lệ này trong toàn khu vực ASEAN đạt giá trị trung bình là 27,0%, hay cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi vào năm 2016. Tỷ lệ SDD thể thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là khá cao ở Philippines (33,4%), Campuchia (32,4%) và Myanmar (29,2%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm (cân nặng/tuổi) trung bình trong khu vực là 8,6/100 trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2016. Trong các nước thành viên ASEAN, Brunei có tỷ lệ này thấp nhất ở mức 2,9/100 trẻ em dưới 5 tuổi. Tại các quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Philippines, Malaysia và Lào có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ dưới 5 tuối dao động ở mức 5,4% – 9,0% vào năm tuổi (2017). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt cao ở Campuchia và Indonesia với tỷ lệ khoảng 10/100 trẻ em.
Mục tiêu 3: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi
Theo báo cáo, năm 2016, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống là 235 người. Tỷ số này thấp nhất tại Brunei Darussalam và Singapore ở mức dưới 5 ca tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống. Ngược lại, Indonesia ghi nhận tỷ số ở mức cao nhất là 305 tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống.
Năm 2018, có 83,3% ca sinh trong khu vực được chăm sóc bởi các nhân viên y tế có chuyên môn. Brunei, Malaysia và Singapore là 3 quốc gia có 100% ca sinh được chăm sóc bởi các nhân viên y tế có chuyên môn trong giai đoạn 2016-2018. Tuy nhiên có sự chênh lệch khá lớn trong khu vực khi tỷ lệ số ca sinh được chăm sóc bởi các nhân viên y tế có tay nghề tại Lào chỉ 64,4%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trong khu vực ASEAN là khoảng 30/1.000 trẻ em sống trong các năm 2016-2018. Điều đáng nói là có sự khác biệt lớn về tỷ lệ này giữa các nước ASEAN. Singapore, Malaysia và Thái Lan là các quốc gia có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi thấp trong khu vực, dao động từ 2,7-8,8/1.000 trẻ đẻ sống. Trong khi tỷ lệ này ở Lào ghi nhận mức 46,0/1.000 trẻ em sống trong năm 2017 và Myanmar là 61,2/1.000 trẻ đẻ sống vào năm 2018.
Năm 2018 toàn khu vực ASEAN có tỷ lệ tử vong sơ sinh trung bình khoảng 15 trẻ sơ sinh tử vong trên 1.000 sinh trực tiếp. Với ngành y tế phát triển, Brunei và Singapore chỉ ghi nhận tỷ lệ tử vong sơ sinh là khoảng 1/1.000 trẻ đẻ sống. Myanmar là quốc gia có tỷ lệ cao nhất với 25 trẻ sơ sinh tử vong/1.000 trẻ đẻ sống năm 2016.
Báo cáo đầu kỳ các chỉ tiêu Phát triển bền vững của ASEAN còn cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh lao trong các nước thành viên là 236 trường hợp/100.000 dân vào năm 2018. Tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở mức thấp với khoảng 0,5/1.000 dân số trong giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ trong khu vực là 13,7 người chết/100.000 dân. Năm 2016, 25,4% dân số từ 15 tuổi trở lên ở ASEAN sử dụng thuốc lá.
Mục tiêu 4: Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời ho tất cả mọi người
Các nước trong khu vực ASEAN đã đạt được khá nhiều kết quả mục tiêu số 4, cụ thể: Tỷ lệ trẻ em từ 5 đến 6 tuổi trở xuống tham gia học mầm non trong khu vực năm 2018 đạt 78,8%. Điều đáng mừng là ASEAN đã gần đạt đến bình đẳng giới về tỷ lệ nhập học ở cấp giáo dục tiểu học giữa trẻ em gái và trẻ em trai vào năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ nhập học gần bằng so với nam ở cấp học giáo dục trung học, thậm chí tỷ lệ nữ giới theo học đại học nhiều hơn so với nam giới, với sự chênh lệch giới rõ rệt hơn trong một số quốc gia thành viên nghiêng về nữ giới.
Năm 2018, tỷ lệ biết chữ của cả hai giới trong khu vực ASEAN đạt tới 93,4%, trong đó có 7/10 quốc gia có tỷ lệ biết chữ trên 90%. Tính riêng, năm 2018, tỷ lệ biết chữ của nam giới trong khu vực ASEAN đạt 94,8% và tỷ lệ biết chữ của nữ đạt 91,9%.
Về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục cấp tiểu học, năm 2018 có 86,1% trường học trong khu vực ASEAN được sử dụng điện; 48,2% trường được sử dụng máy tính cho mục đích sư phạm và 52,7% trường được sử dụng các thiết bị vệ sinh cơ bản dành cho nam giới.
Về chất lượng giáo viên, toàn khu vực ASEAN có 84,5% giáo viên mầm non được đào tạo để giảng dạy ở cấp mầm non; tỷ lệ này đối với giáo viên tiểu học và giáo viên ở bậc trung học cơ sở lần lượt là 90,3% và 95,3%.
Mục tiêu 5: Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái
Năm 2016, ASEAN có 1,6% phụ nữ ở độ tuổi 20-24 tuổi đã kết hôn hoặc ở chung trước 15 tuổi và 14,0% đã kết hôn hoặc ở chung trước 18 tuổi. Ở Singapore, tỷ lệ này là 0% trong giai đoạn 2016-2018. Cũng trong giai đoạn này, Brunei có tỷ lệ tảo hôn trước tuổi 15 ở phụ nữ từ độ tuổi 20-24 với giá trị gần như bằng không. Lào là quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong khu vực, ở mức 7,1% vào năm 2017.
Bình đẳng giới còn được thể hiện ở tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội của các quốc gia. Tỷ lệ này tính chung cho khu vực ASEAN vào năm 2018 là 19,6%. Tỷ lệ ghế do phụ nữ nắm giữ trong quốc hội ở Philippines là cao nhất trong khu vực trong năm 2016, ở mức 28,7%. Tiếp theo là Lào và Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 27,5% và 27,0% năm 2017. Tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí trong quốc hội thấp nhất tại Brunei với 8,3%.
Hình 2: Tỷ lệ ghế do phụ nữ nắm giữ trong quốc hội các nước ASEAN, 2016-2018
Nguồn: Ban Thư ký ASEAN
Cùng với đó, năm 2018 có 43,6% vị trí quản lý trong 8 nước thành viên ASEAN do phụ nữ đảm nhiệm. Trong đó, Philippines có tỷ lệ vị trí quản lý do phụ nữ nắm giữ cao nhất, ở mức 52,7%, tiếp theo là Brunei Darussalam và Singapore với các con số lần lượt là 41,1% và 37,9%. Trong khi đó, tỷ lệ vị trí quản lý do phụ nữ nắm giữ tại Campuchia (2017) và Myanmar (2018) chỉ ở mức khiêm tốn 0,4%
Mục tiêu 6: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người
Tính đến năm 2018, tỷ lệ dân số trong khu vực ASEAN được tiếp cận với nước uống được cải thiện đạt 83,8%. Tỷ lệ này ở Brunei và Singapore gần như 100%. Tại Thái Lan, Malaysia (năm 2017) và Việt Nam (2018) cũng có tỷ lệ khá cao trên 95%. Dù đã được cải thiện đáng kể so với trước, song tỷ lệ dân số được tiếp cận với nguồn nước uống được cải thiện tại Campuchia chỉ là 64,8% vào năm 2017.
Bên cạnh đó, có trung bình 79,7% người dân ASEAN khu vực được tiếp cận với điều kiện vệ sinh được cải thiện vào năm 2018. Trong đó, Singapore và Malaysia (2016) có 100% dân số của họ tiếp cận với điều kiện vệ sinh được cải thiện cơ sở vật chất, còn tại Lào là 54,1% (năm 2017), một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Mục tiêu 7: Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người
Với nỗ lực của các quốc gia thành viên, tỷ lệ người dân trong khu vực ASEAN được sử dụng điện là 92,0% vào năm 2018. Có 5 quốc gia gần như đạt được tỷ lệ 100% trong giai đoạn 2016-2018 là: Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tỷ lệ người dân được sử dụng điện ở Campuchia là thấp nhất, ở mức 85,9% trong năm 2017.
Trên cơ sở số liệu của 6 nước thành viên ASEAN, có 22,6% mức tiêu thụ năng lượng của năm 2016 được lấy từ các nguồn tài nguyên tái tạo. Cường độ năng lượng trong khu vực ASEAN đạt trung bình 3,8 tấn dầu tương đương (TOE) vào năm 2018.
Mục tiêu 8: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người
Theo số liệu của Báo cáo, năm 2018, GDP thực tế bình quân đầu người trong khu vực ASEAN tăng 4,5%. Trong tổng số 10 nước ASEAN, Campuchia có mức tăng trưởng GDP cao nhất ở mức 7,5%, còn Brunei chỉ đạt được mức tăng trưởng 2,9%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng GDP thực tế trên mỗi người có việc làm trong khu vực ASEAN là 4,3%. Tỷ trọng việc làm phi chính thức trong việc làm phi nông nghiệp là khoảng 44% trong toàn khu vực trong giai đoạn 2016-2018. Trong năm 2018 ASEAN có tỷ lệ thất nghiệp trung bình đối với lao động từ 15 tuổi trở lên là 3,7%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức cao là 12,7%. Điều đáng nói là ASEAN vẫn có tới 19,5% thanh niên từ 15-24 tuổi trong khu vực không qua đào tạo trong năm 2018.
Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới
Theo thống kê, có khoảng 584,5 triệu người đã đi lại trong khu vực ASEAN bằng phương tiện hàng không trong năm 2018, trong khi số người di chuyển bằng đường sắt là 2,5 tỷ người. Đồng thời có 7,8 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không; 81,2 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua đường sắt và 2,1 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển trong khu vực vào năm 2018.
Ngoài ra, năm 2018 toàn khu vực có tỷ trọng giá trị gia tăng ngành sản xuất (MVA) trong GDP đạt trung bình 19,1%; MVA bình quân đầu người đạt mức 775 USD so với giá so sánh năm 2010. Tỷ trọng việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong tổng số việc làm là 12,6%…
Mục tiêu 13: Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai
Giai đoạn 2016-2018 có sự khác biệt lớn về thiệt hại do thiên tai liên quan đến khí hậu giữa các quốc gia trong khu vực và giữa các năm do sự diễn biến bất thường của thời tiết khắc nghiệt. Theo thống kê, có 8/10 quốc gia trong khu vực đã phải gánh chịu thiệt hại do những thiên tai liên quan đến khí hậu trong giai đoạn 2016-2018, ngoại trừ Brunei và Singapore. Năm 2016, ASEAN có số người chết, mất tích và chịu ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai liên quan đến khí hậu là cao nhất với khoảng 3.500 người/100.000 dân số.
Mục tiêu 15: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất
Trong năm 2018, ASEAN có diện tích rừng tự nhiên chiếm 43,8% tổng diện tích đất toàn khu vực. Tỷ trọng diện tích rừng trên tổng diện tích đất ở Brunei là cao nhất khu vực với 72,0%, tiếp sau đó là Malaysia với 55,0% (năm 2017) và Indonesia là 49,8%. Các quốc gia Việt Nam, Myanmar và Campuchia có tỷ trọng lần lượt là 41,7%, 41,3% và 41,0%. Tỷ trọng diện tích rừng tự nhiên trên tổng diện tích đất của Thái Lan, Philippines và Singapore là khá thấp với các con số tương ứng là 31,6%, 23,4% và 21,6% (năm 2016).
Dựa trên Chỉ số Danh sách Đỏ cho thấy, nguy cơ tuyệt chủng của các loài trong khu vực ASEAN là 0,76 vào năm 2018, trong đó tại Brunei và Campuchia là 0,82.
Mục tiêu 16: Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp
Theo báo cáo, toàn khu vực có khoảng 77/100 trẻ em dưới 5 tuổi sinh ra được đăng ký khai sinh trong giai đoạn 2016-2018. Tính đến năm 2016, việc đăng ký khai sinh hầu như đã được thực hiện toàn bộ đối với trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia Brunei, Singapore và Thái Lan. Trong khi đó tại các quốc gia Philippines, Campuchia, Indonesia và Lào (2017) có trên 70% trẻ dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh.
Mục tiêu 17: Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững
Năm 2018, số lượng đăng ký internet băng thông rộng cố định của toàn khu vực ASEAN đạt trung bình là 7,2/100 người dân; 55,1% dân số ở các nước ASEAN sử dụng Internet. Singapore là quốc gia có số lượng người dân đăng ký băng thông rộng cố định cao nhất là 26,4/100 người dân. Tiếp đến là Việt Nam với 13,6/100 người dân, Brunei Darussalam 10,0/100 người dân. Hai quốc gia thành viên có số lượng đăng ký băng thông rộng cố định thấp hơn mức trung bình của khu vực là Philippines với mức 3,7 và Myanmar 0,4/ 100 người dân.
Bên cạnh đó, tất cả các nước thành viên ASEAN đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thống kê chính thức và phát triển các năng lực có liên quan để đạt được các mục tiêu của hệ thống thống kê quốc gia cũng như đạt hiệu quả trong việc thực hiện và giám sát các chương trình, chính sách về thống kê./.
Lê Hữu