Bi kịch của người trồng lúa: Làm 1 mẫu ruộng, tạm đủ ăn là may lắm
Hàng chục khoản chi trên 1 sào ruộng Gia đình bà Đỗ Thị Tươi ở xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu (Nam Định) trước đây cấy 8 sào ruộng, nhưng nay chỉ cấy 5 sào. Bà Tươi cho biết, chi phí đầu tư cho trồng lúa ngày càng cao, trong khi lời lãi thu lại…
Hàng chục khoản chi trên 1 sào ruộng
Gia đình bà Đỗ Thị Tươi ở xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu (Nam Định) trước đây cấy 8 sào ruộng, nhưng nay chỉ cấy 5 sào. Bà Tươi cho biết, chi phí đầu tư cho trồng lúa ngày càng cao, trong khi lời lãi thu lại chẳng được bao nhiêu. Một sào lúa chăm sóc trong thời gian 3,5 – 4 tháng, năng suất trung bình 1,5 – 2 tạ thóc/sào/vụ, thu nhập tương đương 1,6 triệu đồng.
Chăm sóc lúa mùa tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Hiền
Trrước đây TP.Tam Điệp từng có tình trạng 800ha đất lúa nhưng bỏ hoang đến một nửa ở vụ mùa. Bây giờ đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã chuyển đổi mục đích, nhưng đời sống những người dân trồng lúa ở những xã ngoại thành vẫn chưa lấy gì làm khá giả, dù bà con vẫn nai lưng cần mẫn trên đồng… |
“Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản chi phí như tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rồi công cày bừa, thuê gặt…, tính ra, mỗi sào ruộng mà chúng tôi vất vả một nắng hai sương trong suốt 4 tháng trời chỉ cho lãi 200.000 – 300.000 đồng”.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Đối trồng hơn 1 mẫu ruộng ở xã Hải Toàn – số ruộng được coi là khá nhiều ở miền Bắc, nhưng gia đình bà vẫn chỉ tạm gọi là đủ ăn, lấy công làm lãi là chính.
Bà Đối nhẩm tính cụ thể với 1 vụ: Công cấy 150.000 đồng/sào, công cày bừa 90.000 đồng/sào, các chi phi thuốc trừ sâu, giống hết khoảng 200.000 đồng/sào, phân bón 200.000 đồng/sào. Đến lúc thu hoạch, nếu chân ruộng khô thuê gặt máy 120.000 đồng/sào, còn nếu không phải thuê gặt tay là 200.000 đồng/sào. Các chi phí như công phun thuốc, công làm 3 đợt cỏ lúa khoảng 300.000 đồng…
Tính tổng chi phí đầu tư cho 1 sào ruộng là 1 – 1,1 triệu đồng/vụ. Nếu cấy giống lúa Bắc thơm, năng suất đạt bình quân 1,6 tạ/sào/vụ, bán với giá 800.000 – 850.000 đồng/tạ, trừ chi phí thì tính ra lãi thu về được khoảng 100.000 – 200.000 đồng/vụ.
“Năm nào thời tiết thuận lợi thì còn có tí lãi, chứ như vụ mùa năm nay mưa to liên tục trong 18 ngày, đúng đợt cao điểm gieo cấy lúa mùa nên hầu hết diện tích ruộng bị ngập úng thiệt hại, phải cấy lại. Đơn cử như gia đình tôi có 1,6 mẫu ruộng thì phải cấy lại đến 9 sào. Tính ra mỗi sào ruộng cấy lại phải chịu chi phí thêm 250.000 đồng tiền gieo mạ, phân bón, lại vừa mất công mất sức… Vậy nên nhiều lúc cũng chán nản việc trồng lúa lắm” – bà Đối chia sẻ.
Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Hải Hậu, vừa qua do ảnh hưởng trực tiếp từ những trận mưa lớn kéo dài gây ngập úng, đã làm nhiều diện tích lúa mới sạ, cấy trên địa bàn huyện bị thiệt hại. Trong đó, các xã Hải Đường, Hải Sơn, Hải Tân, Hải Phương, Hải Toàn, Hải Phong, Hải Phú, Hải Cường là những nơi bị ngập úng nặng nhất huyện Hải Hậu. Theo thống kê, vụ mùa năm 2018, toàn huyện có 5.500ha diện tích lúa mùa phải cấy lại.
Bỏ nghề làm ruộng, đi làm ô sin
Cũng theo bà Nguyễn Thị Đối, do nghề làm ruộng vất vả, chân lấm tay bùn, hầu như chỉ lấy công làm lãi nên nhiều người trong xã Hải Toàn đã bỏ nghề làm ruộng, hoặc cho người khác thuê lại ruộng, còn bản thân mình đi làm thợ xây, thợ may với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. “Hiện chỉ có người có tuổi mới ở nhà làm ruộng” – bà Đối nói.
Mỗi vụ lúa, nông dân huyện Kim Sơn phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Hoàng Long
Đã 3 năm nay, chị Phạm Thị Hiên, 50 tuổi, ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) để lại công việc nhà cửa, đồng áng cho chồng lo toan, còn chị ra Hà Nội đi làm ô sin, công việc chính là trông trẻ và dọn nhà với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Chị Hiên cho biết: “Hàng chục năm nay gia đình tôi gắn bó với nghề trồng lúa, dù cấy gần 2 mẫu ruộng, 2 vụ/năm nhưng hầu như vụ nào thu cũng bằng chi. Năm nào thời tiết thuận lợi, lúa được mùa được giá thì có lãi chút ít, để ra được vài đồng tích lũy, còn hầu như cấy lúa để giữ ruộng và không phải đi đong gạo ăn.
Mà trồng lúa vất vả quá, còng lưng trên đồng trong khi rủi ro thời tiết, sâu bệnh thì luôn rình rập, mỗi lần đi phun thuốc trừ sâu bệnh về tôi lăn ra ốm cả tuần. Tôi đành bàn với chồng bỏ bớt ruộng cho người khác thuê lại, còn tôi ra Hà Nội làm thuê. Đi làm ăn xa nhà nhưng lương mỗi tháng bằng cả năm cấy lúa, lại nhàn hơn rất nhiều”.
Ông Trần Văn Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình cũng xác nhận, ở các huyện như Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, TP. Tam Điệp… có hiện tượng một số nông dân bỏ ruộng không cấy lúa, nhất là trong vụ mùa. Nguyên nhân là ruộng đồng còn manh mún, máy móc thiếu, chi phí sản xuất cao nên làm lúa không hiệu quả so với các loại cây trồng khác.
Từ khi Ninh Bình thực hiện tốt dồn đổi đất đai, đầu tư thủy lợi, việc làm lúa đỡ tốn công hơn xưa bởi có máy móc phụ trợ, nhưng thực tế cho thấy nghề trồng lúa vẫn đem lại hiệu quả thấp hơn so với trồng rau, nấm, nuôi thủy sản…