Bình Dương thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
>> Becamex IDC và The Connected Places Catapult ký kết hợp tác phát triển thành phố thông minh Bình Dương Thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước…
>> Becamex IDC và The Connected Places Catapult ký kết hợp tác phát triển thành phố thông minh Bình Dương
Thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao An Thái.
Hướng đi tất yếu
Bình Dương được biết đến là tỉnh công nghiệp, có chỉ số phát triển công nghiệp rất nhanh và cao. Cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 66,94%, 21,98% và 3,15%. Mặc dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%, nhưng, Bình Dương có nhiều điều kiện và tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đây cũng là nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Dương, thời gian qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cùng với nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, Bình Dương đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.
Tỉnh Bình Dương đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thành các Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị – nông nghiệp ứng dụng CNC … Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng CNC được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Hạn mức vay ưu đãi từ 80% – 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị – nông nghiệp ứng dụng CNC.
Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp Unifarm ở huyện Phú Giáo.
Để nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động người dân cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất… Cùng với việc xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, từng bước sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.
Đến nay, Bình Dương đã có 4 khu nông nghiệp CNC gồm Khu nông nghiệp CNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp CNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp CNC tại xã Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) và Khu nông nghiệp CNC An Thái (huyện Phú Giáo). Đặc biệt, Khu nông nghiệp CNC An Thái (Unifarm) do Công ty Cổ phần đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích trên 410ha…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng CNC với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm CNC tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 1 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày. Khu nông nghiệp CNC Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5ha) với tổng đàn 300.000 con gà đẻ và 95.000 con gà hậu bị; số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm. Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng CNC, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao trên 470ha; tổng đàn bò sữa của công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác khoảng 199.771 kg/tháng. Mô hình chuồng trại được thiết kế theo CNC, tự động hóa hoàn toàn các công đoạn như thu hoạch, chế biến thức ăn, thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa…
Phát triển bền vững
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Dương, cho biết trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập huấn tuyên truyền các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế. Mặt khác, tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển giao các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Bưởi da xanh của HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát, huyện Bắc Tân Uyên
Trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và triển khai chính sách phát triển nông nghiệp, Bình Dương tiếp tục tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tạo nên sức bật mới. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, giảm các loại cây có giá trị kinh tế thấp được thực hiện theo đúng định hướng. Trong đó, ưu tiên phát triển thế mạnh về cây ăn quả, rau, cây đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Tỉnh cũng đã và đang quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm Văn Bông, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao – công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Thời gian tới, ngành tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nông nghiệp như: Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp đô thị; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết để cắt giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao và ứng dụng KH – CN trong sản xuất nông nghiệp…
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.