Các loại cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng về quy mô
Cùng tìm hiểu những Loại Cây ăn quả Phổ Biến có giá trị kinh tế cao tại Việt Nam Cùng tìm hiểu những Loại Cây ăn quả Phổ Biến có giá trị kinh tế cao tại Việt Nam Thứ 4, Ngày 26/04/2023 – Cà chua bi được trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ…
Thứ 4, Ngày 26/04/2023 –
Cà chua bi được trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 7.600ha các loại cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 277 ha rau, củ quả, hoa (chủ yếu ở huyện Kon Plông), chiếm khoảng 20% rau, củ quả và hoa toàn tỉnh; 7.057 ha cà phê (chủ yếu ở huyện Đăk Hà, một số ít ở huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei); 202 ha cây ăn quả.
Các công nghệ cao được ứng dụng phổ biến tại tỉnh hiện nay là công nghệ chuyển gene trong tạo giống cây; Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; Công nghệ tưới tiết kiệm nước; tự động hóa trong bón phân, hệ thống thủy canh; ứng dụng nano, bạt phủ trong giữ ẩm đất; nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp…
Thực tế cho thấy, các công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất trồng trọt là công nghệ chuyển gene trong chọn tạo giống cây ăn quả, rau, hoa được áp dụng chủ yếu trên các loại cây họ cà như cà chua, cà tím, ớt ngọt…Ngoài ra, công nghệ ghép còn được áp dụng phổ biến trên các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để áp dụng cho nhân giống quy mô công nghiệp (cây lan kim tuyến, sâm dây, đương quy…); Công nghệ tưới tiết kiệm nước (diện tích trồng trọt sử dụng công nghệ tưới tự động đạt khoảng 7.334 ha, trong đó, cà phê, tiêu 7.057 ha còn lại là cây rau các loại), tự động hóa trong bón phân, hệ thống thủy canh (2.400 m2); công nghệ giá thể; kỹ thuật GPS trong kiểm soát sâu bệnh; Công nghệ cao trong ứng dụng vật liệu mới như ứng dụng nano, bạt phủ trong giữ ẩm đất: Công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, công nghệ giống mới….
Đối với ứng dụng công nghệ canh tác theo phương pháp hữu cơ bảo vệ môi trường. Đến nay, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Hương Đất đã tổ sản xuất được 1,8 ha rau các loại theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng 102 tấn/năm; Tập đoàn Vingroup – Công ty CP VinEco Kon Tum đang đầu tư xây dựng Dự án phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy mô 511,23 ha; Dự án xây dựng vùng sản xuất rau hữu cơ cho Nico Nico Yasai đang triển khai thực hiện sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật, quy mô 01 ha.
Việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp người dân giảm chi phí sản xuất, năng cao năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với sản xuất truyền thống và đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 90% cơ sở chế biến thực phẩm nông thủy sản đã sử dụng máy móc, công nghệ để chế biến sản phẩm (máy rang, xay, sấy, hấp, máy đóng date, bắn màu…).
Trong sản phẩm cà phê đã có một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình chế biến cà phê như sử dụng máy bắn màu để loại quả xanh, nhân đen, công nghệ Enzym tách nhớt trong quá trình chế biến cà phê nhân; sử dụng rang xay cà phê bằng điện hoặc ga có cài các chế độ tự động để kiểm soát chất lượng hạt… để sản xuất ra được những sản phẩm tinh và sâu như cà phê bột, bột chồn …tuy nhiên sản lượng chưa cao đạt khoảng 500 tấn/năm.
Công nghệ chế biến mía đường cũng được Công ty Cổ phần đường Kon Tum ứng dụng công nghệ cao như việc áp dụng công nghệ Xyclong ướt để tách tro ra khỏi khói thải, thay hệ thống thiết bị lọc bùn bằng vải bằng thiết bị lọc bùn bằng lưới lọc inox nhằm mục đích giảm mức độ ô nhiễm khí thải và nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
Công ty Biophap áp dụng công nghệ sấy lạnh để chế biến sản phẩm bột gừng, nghệ, sả, ớt, chùm ngây; lá mã tiên thảo, hương thảo, cỏ ngọt, hương nhu, cỏ xạ hương, xô thơm sấy khô; hoa bụp giấm…
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng trong phạm vi toàn tỉnh và cả nước. Đặc biệt, một số doanh nghiệp có xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, đơn cử như cà phê xuất khẩu sang một số nước Singapore, Bỉ, Thụy sĩ, Tây Ban Nha, Mexico…; sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…
Với lợi thế và tiềm năng hiện có, tỉnh Kon Tum xác định tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp và địa phương.
Cụ thể, tỉnh đã và đang hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại những địa bàn có điều kiện thuận lợi nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng công nghiệp.
Trước mắt, xây dựng và thành lập 03 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Đồng thời, xác lập ít nhất 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 01 vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn, cá nước lạnh, sản phẩm từ gia súc ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và 01 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành ít nhất 02 cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có khả năng cạnh tranh cao để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đạt 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế./.
Bài, ảnh: Dương Nương
Tin tức liên quan