Cách sử dụng phèn xanh trong ao nuôi tôm đúng cách
nuôi trồng thủy sản,đánh bắt. nuôi trồng thủy sản,đánh bắt. Phèn xanh là một trong những chất tự nhiên phổ biến nhất được dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, phèn xanh được dụng để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, tảo gây bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng…
Phèn xanh là một trong những chất tự nhiên phổ biến nhất được dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, phèn xanh được dụng để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, tảo gây bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng phèn xanh hiệu quả và đảm bảo an toàn cho tôm, quý bà con cần phải biết cách dụng chúng đúng cách. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách sử dụng phèn xanh trong thủy sản một cách đúng cách để đảm bảo sức khỏe cho tôm cũng như các phương pháp giải độc ao nuôi bị nhiễm phèn xanh!
1. Vai trò Sulfat đồng (phèn xanh) trong diệt tảo
– Quản lý mật độ tảo thích hợp trong ao là một vấn đề kỹ thuật rất quan trọng. Khi tảo trong ao phát triển quá mạnh, người nuôi thường nghĩ tới biện pháp ngắn nhất và nhanh nhất là diệt tảo. Tuy nhiên, ta cần phải thấy rằng, tảo muốn phát triển thì cần phải có dinh dưỡng và ánh sáng. Do đó giảm dinh dưỡng trong nước là biện pháp cắt nguồn dinh dưỡng để hạn chế tảo phát triển quá mức. Tuy vậy, dùng hóa chất để diệt tảo vẫn là một biện pháp cuối cùng khi những biện pháp áp dụng vẫn không kiểm soát được tảo.
Hình 1.1: Tảo sợi phát triển trên ao nuôi
– Ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng tại các thủy vực nuôi trồng, nguyên nhân do hàm lượng tăng quá cao của P và N tổng số làm các loài tảo độc đặc biệt như tảo Lam, tảo Mắt, tảo Giáp bùng phát. Việc xử lý tảo không phải luôn dễ dàng, một phần vì quần thể tảo vô cùng đa dạng, thứ hai như các sinh vật khác sức đề kháng của chúng tăng dần, thứ ba nhiều loài tảo tự nhiên có sức đề kháng mãnh liệt, cuối cùng liều lượng xử lý phải đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Đó là lý do Phèn xanh, Đồng và các Phức Đồng được ưa chuộng khắp nơi do có khả năng xử lý tảo hiệu quả cao với nồng độ thấp.
Hình 1.2: Tảo Lam phát triển trong ao nuôi
– Tác dụng của phèn xanh trong nuôi tôm, cá: CuSO4. 5H2O là chứa Cu2+ làm ức chế quá trình quang hợp và sự phát triển của tế bào đảm nhận các quá trình quang hợp, hô hấp, tổng hợp chlorophyll và phân chia tế bào của thực vật.
– Phèn xanh (CuSO4.5H2O) được dùng rộng rãi ở nhiều nước để kiểm soát tảo lam và tảo sợi thân lớn, trị bệnh và ký sinh trùng trong ao nuôi. Hàm lượng phèn xanh có thể sử dụng phụ thuộc vào loại tảo và các yếu tố trong nước tại thời điểm tiến hành.
– Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, đối với đồng trong nước ở mức 1,3 mg/l sẽ giết chết nhiều loài sinh vật, đặc biệt là tôm và cá. Phèn xanh thường tác dụng nhanh do sự phóng thích Cu2+, ngoài diệt tảo người nuôi thường dùng rộng rãi để sát khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Dùng diệt ốc đinh và 2 mảnh vỏ như diệt hến bằng phèn xanh, chem chép, hào chỉ…do chi phí thấp nên thường bị lạm dụng xài quá liều cho phép trong ao nuôi tôm cá (một số nơi sử dụng tới 5-25ppm). Từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Gây mất tảo, khó gây màu nước và tôm thả không đạt, bị chết sau thả giống.
- Đồng sulfat gây độc cho thủy sinh vật, điều này có thể gây nhiễm độc trên tôm, làm tôm chậm lớn, trường hợp nhiễm nặng gây tổn thương gan tụy tôm và chết tôm.
- Phèn xanh (Đồng sulfat) tồn tại trong ao lâu dài và không tự hủy sinh học và có thể làm đất bị cằn cỗi vì tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong môi trường đất.
Hình 1.3: Nước trong, mất tảo khi dùng phèn xanh CuSO4 quá liều
tác dụng của đồng sunfat trong nuôi trồng thủy sản khi dùng quá liều
2. Đặc tính của đồng sulfat (phèn xanh) – Phèn xanh có tác dụng gì?
Phèn xanh là một dạng muối đồng ngậm nước (CuSO4.5H2O), ở dạng tinh thể có màu xanh, không mùi. Được bắt đầu đưa vào dùng trong xử lý rong tảo và trị bệnh ký sinh trùng trên động vật thủy sản vào những năm 1950. Khi dụng phèn xanh vào trong nước chúng sẽ phân ly thành ion Cu2+ và SO42-. Cu2+ không bị thủy phân nên độc đối với tảo, ký sinh trùng và tôm cá nuôi cho đến khi bị loại thải ra khỏi môi trường nước do hấp thụ bởi bùn đáy ao, kết tủa với các hợp chất vô cơ trong môi trường kiềm hoặc tạo phức với các hợp chất hữu cơ trong môi trường acid (EPA, 1985).
Sử dụng Phèn xanh trong ao nuôi có pH và độ kiềm cao, Cu2+ sẽ nhanh chóng phản ứng với các ion như CO32-, HCO3– và OH– tạo thành dạng không hòa tan và sẽ mất tác dụng. Trong khi đó ở ao nuôi có pH và độ kiềm thấp, Cu2+ sẽ tồn tại thời gian dài, làm tăng độc tính đối với tảo, ký sinh trùng và cả tôm cá nuôi.
Hình 2.1: Tinh thể đồng sulfat (phèn xanh) trên thị trường
3. Các dạng hợp chất của đồng tồn tại trong môi trường nước
– Trong môi trường có độ kiềm cao, CuCO3, CuCO3H–, CuOH–, Cu(OH)2 và Cu2(OH)2- được hình thành do đó làm giảm tính độc của phèn xanh CuSO4. Trong nước tự nhiên, phần trăm của các hợp chất đồng như sau: (ACP, 1999)
- 0.01% to 0.1% dạng ion tự do (Cu2+•6[H2O])
- 1% to 10% dạng vô cơ [CuCO3, Cu(OH)2], CuOH–, CuCO3H–
- 30% to 99% tạo phức với các chất keo hữu cơ (Cu-humic acid).
- 25% to 99% kết hợp với vật chất lơ lửng trong nước
– Theo một số nghiên cứu cho thấy khi sử dụng phèn xanh thì bùn đáy sẽ hấp thụ Cu2+ nhanh. Trong môi trường có pH thấp, Cu2+ trong bùn đáy ao sẽ hòa tan vào trong nước và có thể lên đến 2,000 mg/L (Nelson et al., 1969; Teggins và Slinn,1985). Đối với những ao sâu, khi dùng sulfate đồng, 95% lượng Cu2+ sẽ hòa tan ở tầng mặt cho đến độ sâu 1,75 m, sau đó Cu2+ sẽ hòa tan đến tầng đáy trong vòng 24 giờ sau xử lý (Masuda và Boyd, 1993).
– Trong môi trường, Cu2+ sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự hình thành phức với những tác nhân tạo phức trong môi trường như là các amino acid, polypeptide, các hợp chất humic, alcohol, urê,… Các hợp chất humic (acid humic và acid fulvic) ở hàm lượng 1,0 đến 2,0 mg/L sẽ làm giảm hoạt tính của Cu2+ đối với thủy sinh vật.
– Các dạng của đồng bao gồm Cu2+, CuOH+, Cu2(OH)22+, Cu(OH)2, các dạng như CuCO3, malachite [Cu2CO3(OH)2] và cuprite [Cu2(O)] cũng có khả năng gây độc. Cu2+ trong nước không tự hủy bởi các tác nhân vật lý hay sinh học. Tuy nhiên, khi bón vôi sẽ cung cấp OH–, CO32-, HCO3– thì Cu2+ sẽ hình thành ở dạng phức chất [CuCO3 Cu(OH)2] và nấm, thực vật, vi sinh vật sẽ hấp thụ chúng. Bên cạnh đó, H2S sẽ phản ứng các ion Cu2+ để tạo ra CuS, Cu2S, CuFeS2 kết tủa ra khỏi dịch đất.
4. Ảnh hưởng của các hợp chất đồng lên thủy sinh vật
4.1 Ảnh hưởng của phèn xanh đối với tảo
Nguyên lý tác dụng của Cu2+ là ức chế quá trình quang hợp và sự phát triển của tế bào. Tảo trong môi trường sẽ bị ảnh hưởng khi hàm lượng Cu2+ gây độc trong nước dao động từ 0,001~4,0 mg/L. Rất nhiều loài tảo sẽ bị ảnh hưởng ở nồng độ 0,06 mg/L kể cả các loài thuộc ngành tảo lam. Một số loài rất nhạy với sulfate đồng và chelate bao gồm: Spirulina platensis, Scenedesmus sp. (tảo lục), Skeletonema costatum và Nitzschia closterium (tảo khuê) và một số loài tảo nước lợ mặn khác như Gymnodinium splendens, Scrippsiella faroense, Thalassiosira pseudonana, và Asterionella japonica. Các chelate đồng có thể tiêu diệt một số tảo lam như là Anabaena spiroides và Microcystis aeruginosa, tảo lục (Spirogyra sp.) và tảo khuê (Peridinium inconspicuum) ở nồng độ 0,05~0,2 mg/L Cu2+ sau 3 ngày.
4.2 Công dụng của phèn xanh Đối với động vật phiêu sinh và động vật đáy
LC50 48 giờ dao động từ 0,01~9,0 mg/L Cu2+ đối với giáp xác là 0,039-2,6 mg/L Cu2+ đối với nhuyễn thể (Harrison, 1985). Nhóm giáp xác râu ngành Daphnia, LC50 48 giờ là 68~87 µg/L (Harrison, 1986). Nồng độ 0,028 mg/L Cu2+ sẽ ức chế sự phát triển của một số loài ốc như Physa integra, Campeloma decisum.
4.3 Tác dụng của phèn xanh trong nuôi tôm, cá
Hình 4.1: tác hại của đồng sunfat, tôm còi cọc chậm lớn và teo gan khi ao nhiễm CuSO4 nặng
Hình 4.2: tác hại của đồng sunfat, tôm còi cọc chậm lớn và teo gan khi ao nhiễm phèn xanh CuSO4 nặng
Trên tôm sú Penaeus monodon giống, nồng độ LC50 96 giờ là 3,13 và 7,73 mg/L trong môi trường nước mặn 15‰ và 25‰ tương ứng. Tôm được nuôi trong môi trường có hàm lượng Cu2+ là 0,9 mg/L sẽ làm cho tăng trưởng của tôm giảm. Ở nồng độ 5,0 mg/L Cu2+ tôm sẽ ngừng ăn (Chen và Lin 2001). Đối với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei, ở nồng độ 1 mg/L Cu2+ sẽ làm suy giảm miễn dịch của tôm trong 24 giờ và gia tăng tính mẫn cảm đối với nhóm vi khuẩn Vibrio (Yeh et al., 2004).
Trên cá da trơn Ictalurus punctatus, 100% cá sẽ chết khi dùng phèn xanh sulfat đồng ở liều 7,2 mg/L Cu2+ (Wurts và Perschbacher, 1994; Perschbacher và Wurts, 1999).
Phèn xanh có độc không?
Phèn xanh CuSO4 có thể gây ra các tác động độc hại cho cơ thể, tùy thuộc vào liều lượng và cách tiếp xúc. Nếu phèn xanh CuSO4 tiếp xúc với da hoặc mắt, nó có thể gây kích ứng và gây đau, rát hoặc sưng. Nếu phèn xanh CuSO4 được nuốt phải, nó có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau đầu. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra hội chứng tương tự như ngộ độc đồng, bao gồm các triệu chứng như mệt mỏi, co giật và suy nhược thần kinh.
Do đó, khi sử dụng phèn xanh CuSO4, cần tuân thủ các hướng dẫn và quy định an toàn cụ thể để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và môi trường. Nếu bạn nghi ngờ đã tiếp xúc với phèn xanh CuSO4 hoặc bị ảnh hưởng bởi nó, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc tổ chức y tế cục bộ để được tư vấn và điều trị.
5. Một số điều cần lưu ý quan trọng khi dùng phèn xanh đồng sulfat trong ao tôm
- Trước khi dụng phèn xanh bất kỳ ở hình thức nào, người nuôi cần đo tổng độ kiềm của nước vì độc tính của đồng ảnh hưởng đến tôm tăng khi tổng độ kiềm giảm.
- Mức độ an toàn sử dụng phèn xanh đồng CuSO4.5H2O trong các ao nuôi trồng thủy sản là 0,01 lần của tổng kiềm. Nếu độ kiềm là 100 mg/lít, mức dùng phèn xanh an toàn tối đa là 1 mg/lít, hoặc khoảng 0,25 mg/lít. Nếu tổng độ kiềm dưới 50 ppm, các chuyên gia khuyến cáo không nên xử lý đồng vì có nguy cơ cao giết chết tôm. Và trong trường hợp độ kiềm lớn hơn 250 ppm, không dng liều lớn hơn 2,5 ppm phèn xanh.
- Nên pha loãng phèn xanh càng nhiều càng tốt và chú ý kỹ khi cho xuống ao, tránh việc tạo ra các khu vực có nồng độ cao hơn, thường được gọi là “điểm nóng”.
- Khi xử lý tảo, phương pháp điều trị bằng phèn xanh, hợp chất đồng có thể làm cho hàm lượng oxy giảm, dẫn đến chết tôm. Tảo là một nguồn sản xuất oxy chính và loại bỏ nó tức là loại bỏ nguồn oxy. Ngoài ra, oxy sẽ được tiêu thụ khi tảo phân hủy. Vì vậy, nếu trong trường hợp diệt tảo thì cần xử lý các liều nhỏ hơn theo thời gian hoặc tăng cường bổ sung oxy bằng cách sục khí khẩn cấp.
- Phèn xanh là dạng rắn, có thể tạo bụi nguy hiểm do quá trình vận chuyển, sử dụng. Ngoài ra, phèn xanh tồn tại ao lâu dài và không tự hủy sinh học dẫn đến có thể làm đáy ao bị nghèo dinh dưỡng do tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong môi trường ao nuôi.
- Chỉ dùng phèn xanh cho ao khi thật cần thiết, không nên lạm dụng xài quá liều. Không nên dùng khi thời tiết âm u, mưa to vì khả năng có thể gây tràn bờ. Không nên tháo nước từ các ao trong ít nhất 72 giờ sau khi sử dụng đồng.
- Khi sử dụng phèn xanh trong thủy sản cần phải tính toán liều dùng chính xác không để dư lượng trong ao. Bởi lẽ, nếu lượng phèn xanh tồn tại quá lâu trong môi trường nước sẽ không thể tự hủy sinh học khiến đất bị cằn cỗi, gây độc cho tôm, kiến tôm chậm lớn.
- Do đó thực tế cần một hợp chất đồng thay thế đồng vô cơ, diệt tảo cực mạnh, nhưng không bị mất hoạt tính bởi pH cao trong vuông nuôi cũng như hàm lượng cacbonat và chất hữu cơ hòa tan là rất cần thiết. Từ yêu cầu đó các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu dùng Phức Đồng Hữu Cơ TEA (Triethanolamine), hoạt động tốt ở pH 7-10, có cấu trúc bảo vệ cho phép không phản ứng tủa với nhóm OH-, cacbonat hay các chất hữu cơ hòa tan, đồng thời hoạt tính của Phức chất này bền vững trong nước và an toàn với vật nuôi hơn.
- Chelate đồng có hiệu quả lâu hơn sulfat đồng vì tồn tại lơ lửng trong cột nước lâu hơn.
- Chelate đồng ít độc đối với thủy sinh vật hơn sulfat đồng vì chúng phóng thích Cu2+ chậm hơn và hoạt động hiệu quả tốt hơn trong môi trường có độ kiềm cao.
Hình 5: Bộ sản phẩm công ty AEC xử lý tảo và giải độc nước nhiễm phèn xanh CuSO4
Âu Mỹ (AEC) bảo lưu QTG
ThS Hoàng Tuấn
Ghi rõ nguồn aumyaec.com khi đăng lại thông tin này.
Mời bà con xem qua cảm nhận của khách hàng về sản phẩm ZAM giải độc nước nhiễm độc, thuốc trừ sâu, nhiễm phèn xanh nặng:
Cảm nhận của khách hàng về sản phẩm giải độc nước ZAM