Cách trồng và chăm sóc cây táo trên sân thượng để vụ mùa bội thu
Để táo Thái đậu trái quanh năm khi trồng trong chậu | THÍCH TRỒNG CÂY TV Để táo Thái đậu trái quanh năm khi trồng trong chậu | THÍCH TRỒNG CÂY TV “Tôi chỉ trồng một gốc táo mà 4 năm rồi năm nào cũng thu hoạch được đầy rổ, quả to, giòn ngọt và…
“Tôi chỉ trồng một gốc táo mà 4 năm rồi năm nào cũng thu hoạch được đầy rổ, quả to, giòn ngọt và cây ít sâu bệnh. Không phải chỉ có đất rộng mới trồng được táo hay các loại cây ăn quả; trồng trong chậu nếu biết cách thì cây cũng cho năng suất cao và cây có sức đề kháng tốt”, chị Ngọc Trân (TP HCM) đã nói như thế khi được hỏi về bí quyết để có những mùa táo bội thu.
“Nông dân phố” cho biết khoảng thời gian thích hợp để trồng táo là từ tháng 1 đến tháng 4 và thu hoạch vào cuối năm. Chị chọn giống táo Thái Lan, mua cây ghép với giá khoảng 100.000 – 150.000 đồng/cây ở khu bán cây giống trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp, TP HCM). Vì trồng trong chậu trên sân thượng nên chị Trân không cần chọn cây quá cao, chỉ chú ý tới gốc to, lá xanh tươi không bị héo.
Chọn được cây ưng ý rồi, các bước tiếp theo là làm đất, chăm sóc, phòng bệnh, tăng năng suất… cũng được chị Ngọc Trân nghiên cứu từ sách vở, diễn đàn… Chị Trân cho biết, có những điều trên báo không viết nhưng chị may mắn được người quen có gia đình trồng táo lâu năm chia sẻ nên từ đó tự đúc rút bí quyết của riêng mình.
Dù không có vườn, bà mẹ 8X vẫn trồng được cây ăn quả trên sân thượng.
Dưới đây là quy trình từng bước trồng và chăm sóc cây táo của chị Ngọc Trân:
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng
– Dụng cụ trồng: Có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng phuy đựng nước, thùng xốp có sẵn trong nhà. Thùng to tối thiểu khoảng 60×80 cm, mỗi năm thay thùng to hơn hoặc mua miếng nhựa cơi thêm đất cho cây đủ sức phát triển.
Lưu ý: Đục lỗ xung quanh khay, thùng để thoát nước.
– Đất trồng: Đất sạch Tribat trộn với phân bò hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa (tỉ lệ trộn 2 bao đất: 1 bao xơ dừa : 1 bao vỏ trấu : 1 bao phân bò hoai mục : 1 bao nhỏ phân trùn quế). 3-5 ngày trước khi trồng, bón lón vôi bột rồi phơi nắng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Khi trồng, đặt gốc cây cách mặt đất 20 cm để chống úng. Sau đó, lấy rơm rắc xung quanh gốc một lớp dày 2-3 cm để giữ ẩm và tưới đẫm nước.
– Các điều kiện khác: Cây táo ưa nắng, sáng, không gian thoáng đãng cây sẽ cho nhiều quả và ít sâu bệnh. Cây chịu được nhiệt độ khoảng 25-32 độ C, ánh nắng nhiều trực tiếp từ 5giờ/ngày. Tuy nhiên, cây táo ưa ẩm nên trong giai đoạn trưởng thành, cây cần nhiều nước và nên tưới vào buổi sáng cho cây; giai đoạn cây ra hoa, đậu quả, nếu tưới quá ít nước, hoa bị rụng, quả nhỏ, quả có vị chát.
Vì không dùng hóa chất để diệt trừ sâu bệnh cho cây nên chị Trân yên tâm về chất lượng quả, có thể ăn ngay sau khi hái.
2. Chăm sóc
Khi trồng táo được khoảng 20-30 ngày, tiến hành bón lót đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế. Mỗi tuần bón một lần trong 2 tháng đầu. Sau đó, cứ khoảng 30 ngày bón thêm lần nữa. Dùng xẻng xới đất xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây sâu 5-10 cm, rải phân, lấp đất rồi tưới nước.
Hàng năm, vào mùa mưa, tiến hành vun xới và bồi gốc cây.
3. Đốn cây để cây ‘trẻ lại’ cho chất lượng trái, năng suất tốt
Có hai cách đốn là đốn phớt và đốn đau:
– Đốn phớt làm hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch. Cắt các cành đã cho quả, chỉ để lại một đoạn 20-30 cm. Có thể tỉa bớt nhánh nhỏ trên đầu cành, chỉ để lại vài cành phân bố đều trên tán.
– Đốn đau nhằm mục đích tạo tán từ khi cây còn nhỏ trên một năm tuổi đến khi lớn. Cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc của vài cành lớn đã ra trong năm trước, cây sẽ cho nhiều cành mới, giúp năng suất và chất lượng quả tốt hơn.
Rạch gốc cây để kích thích cây ra trái.
4. Mẹo để cây cho nhiều trái
Khi cây ra hoa, rạch nhẹ hình tròn quanh gốc cây khoảng 1 cm, thu hoạch xong lấy đất mùn trét vào vết rạch. Mỗi vụ ra hoa, rạch một lần, mỗi vết rạch cách nhau khoảng 10 cm.
5. Các bệnh trên cây táo và cách phòng trừ
Vì được trồng chậu trên sân thượng nên cây táo không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh nhiều. Tuy vậy, với một số bệnh cơ bản dưới đây, chị Ngọc Trân bày cách xử lý không cần phun thuốc hóa học.
– Rệp sáp phấn: Rệp bám từng ổ trên đọt non, mặt dưới lá và chùm hoa, bên ngoài có lớp bột trắng bao phủ. Rệp chích hút nhựa làm lá và chùm hoa xoăn lại, đồng thời có nấm bồ hóng phát triển. Nếu rệp ít, có thể xử lý bằng tay hoặc dùng tia nước mạnh xịt rửa ổ bệnh. Khi rệp nhiều, phun thuốc trừ sâu tự chế từ gừng, tỏi, ớt.
– Sâu cuốn lá: Sâu non nhả tơ cuốn một hoặc vài lá thành tổ, nằm trong đó ăn lá, có thể phòng trừ bằng bắt giết hoặc phun hỗn hợp gừng, tỏi, ớt.
– Ruồi đục quả: Ruồi đục gây giòi trong quả. Phòng trừ bằng các biện pháp không để quả chín lâu trên cây, thu nhặt, tiêu huỷ các quả rụng. Biện pháp bao quả có tác dụng tốt, hạn chế ruồi và sâu đục quả.
– Bệnh phấn trắng: Vết bệnh lúc đầu có màu trắng xám ở mặt dưới lá, phiến lá cuốn lại, đọt non bị chùn và khô chết. Hoa cũng bị xoắn và khô cháy, quả nhỏ và bị nứt khi chín. Đây là bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất đối với cây táo. Phòng trừ bằng cắt bỏ, tiêu huỷ bộ phận bị bệnh, phát tán cây thông thoáng cho cây quang hợp ánh nắng, lưu ý tạo độ ẩm cho cây nhưng phải thoát nước tốt.
– Bệnh ghẻ: Trên lá có đốm bệnh tròn, màu xám xanh, hơi gồ lên. Trên quả, vết bệnh màu nâu đen, gồ lên như nốt ghẻ và nứt, quả méo mó và rụng sớm. Phòng trừ bằng cách sau thu hoạch cần đốn tỉa triệt để và thu gom hết tàn dư cây bệnh, đem tập trung và đốt để tránh lây lan. Không để tán quá dày làm cây thiếu ánh sáng; cắt tỉa, tạo hình để cây sinh trưởng phát triển tốt, có độ thông thoáng, tránh được ẩm độ cao.
Cây táo trĩu quả nhà chị Ngọc Trân |