Cây Mộc Hương – Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cho cây ra hoa đẹp
Chìa. sẻ cách sang chậu và trồng cây hoa mộc hương đúng cách Chìa. sẻ cách sang chậu và trồng cây hoa mộc hương đúng cách Cây Mộc Hương không chỉ là cây cảnh đẹp mà còn có nhiều tác dụng, ý nghĩa trong đời sống. Cùng tìm hiểu cách trồng và chăm sóc cây…
Cây Mộc Hương không chỉ là cây cảnh đẹp mà còn có nhiều tác dụng, ý nghĩa trong đời sống. Cùng tìm hiểu cách trồng và chăm sóc cây trong bài viết sau đây.
Cây mộc hương là loại cây cảnh được rất nhiều gia chủ lựa chọn trồng trong khuôn viên nhà. Không chỉ có nhiều ý nghĩa đối với gia chủ mà còn có nhiều tác dụng với sức khỏe con người. Sau đây là những chia sẻ toàn bộ thông tin về cây mộc hương.
Đặc điểm của cây Mộc Hương
Cây mộc hương là loài cây thuộc họ Oleaceae, chi Osmanthus với tên khoa học là Osmanthus Fragrans. Ở Việt Nam, cây còn có nhiều tên gọi khác như cây quế hoa, cây hoa mộc, cây mộc tê. Là loài thực vật bản địa của châu Á, nên chúng khá phổ biến ở các khu vực như phía đông dãy Himalaya, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Cây Mộc Hương là cây thân gỗ nhỏ hoặc cây bụi mọc hoang, chiều cao trung bình khoảng từ 3 – 12m. Lá cây có màu xanh và có chiều dài từ 6 – 15cm, rộng từ 2.6 – 5cm, dạng hình bầu, mép có răng cưa và trên lá có xuất hiện các đường gân rõ rệt. Hoa của cây có màu trắng, vàng đậm hoặc nhạt, có mùi hương nhẹ nhàng tỏa ra giống như mùi đào chín hoặc mơ chín. Bông hoa thường có khoảng 4 cánh, cánh hoa dày và chắc chắn.
Hình ảnh hoa Mộc Hương
Mùa hoa Mộc Hương nở đẹp nhất là vào mùa thu, tuy nhiên hoa có thể nở quanh năm nên rất nhiều người ưa thích mang loại cây này về trồng trong vườn nhà. Khi cây phát triển, cành lá và hoa mọc xum xuê nhìn vô cùng rực rỡ.
Khi kết quả, quả cây mộc hương có màu tím đen, quả dài từ 10 – 15mm, sau khoảng 6 tháng, quả bắt đầu chín (thường chín vào mùa xuân).
Phân loại cây Mộc Hương
Hiện nay trên thị trường chủ yếu bán 2 loại cây Mộc Hương chính, đó là cây Mộc Hương ta và cây Mộc Hương tàu. Nhiều người mới chơi cây cảnh cũng khó có thể phân biệt giữa hai loại cây này với nhau. Bởi giá trị giữa cây Mộc Hương ta và Mộc Hương tàu có sự chênh lệch khá lớn.
1. Cây Mộc Hương ta
Lá của cây Mộc Hương ta thường dày hơn, viền xung quanh lá có răng cưa. Lá cây có dạng hình bầu, hơi thon nhọn về phía đuôi và khi mọc thì sẽ mọc hướng lên phía trên. Ngoài ra, lá cây Mộc Hương ta nổi vân đậm và rõ nét hơn, có màu xanh thẫm hơn so với lá cây Mộc Hương tàu.
Mộc hương ta đẹp hơn, hoa tỏa mùi hương thơm hơn so với mộc hương tàu nên giá trị của mộc hương ta lớn hơn. Chính vì vậy, mộc hương ta được các thương lái trung quốc săn tìm rất nhiều.
Phân biệt lá cây Mộc Hương tàu với Mộc Hương ta
2. Cây Mộc Hương tàu
Lá của cây Mộc Hương tàu mỏng hơn, viền xung quanh không có răng cưa. Lá cây có dạng hình trứng, thuôn gọn về phía đuôi nhưng khi mọc thì lại cắm xuống phía dưới. Ngoài ra, vân lá cây Mộc Hương tàu mờ nhạt và ít rõ nét hơn, màu xanh nhạt hơn so với lá cây Mộc Hương ta.
Cây Mộc Hương có tác dụng gì?
Ngoài là một loại cây cảnh, thì cây mộc hương còn có tác dụng nào khác không? Theo như nghiên cứu của các nhà khoa học, cây mộc hương có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe của con người. Cùng chúng tôi tìm hiểu trong phần sau đây nhé.
1. Làm cây cảnh trong nhà
Cây mộc hương thuộc loại cây thân gỗ nhỏ có kích thước không quá lớn. Bạn có thể đặt cây trong phòng khách, phòng ngủ để trang trí thêm cho không gian căn phòng. Ngoài ra, mùi thơm từ cây toả ra cũng giúp căn phòng luôn có hương thơm đặc biệt. Bên cạnh đó, cây mộc hương có khả năng thanh lọc không khí, giúp không khí trong phòng trong sạch hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình.
Những cây mộc hương lớn hơn có thể trồng trong vườn hoặc đưa lên chậu cảnh. Vừa giúp thanh lọc không khí môi trường xung quanh, vừa tạo cảnh quan đẹp mắt mỗi khi đến mùa mộc hương nở hoa.
Một trong những lý do mà cây quế hoa được nhiều người tìm mua đó là khả năng tạo thế dễ dàng, tuổi thọ lâu. Vì vậy, cây quế hoa còn được dùng để làm cây bonsai, tiểu cảnh để trang trí vườn cây.
2. Làm trà thảo dược
Trong dân gian, người ta thường sử dụng búp non và hoa mộc hương để làm trà thảo mộc. Với hương thơm độc đáo, vị trà thanh thanh dễ uống nên trà mộc hương cũng có giá trị rất cao. Trà mộc hương giúp điều hoà khí huyết, giảm mỡ máu và ổn định huyết áp.
Ngoài ra, trà mộc hương còn giúp điều trị tình trạng kinh nguyệt không đều. Mỗi “mùa dâu đến” chị em hãy pha cho mình một tách trà mộc hương ấm để uống sẽ giúp giảm tình trạng đau bụng kinh.
3. Làm dược liệu
Hoa mộc hương có vị cay cay, tính nóng ấm có khả năng tiêu hàn rất tốt. Vì vậy, trong đông y, hoa loài cây này được sử dụng để làm thuốc trị ho, tiêu đờm, giải cảm lạnh và chữa trị một số bệnh về răng miệng khác.
Không chỉ hoa, rễ cây mộc hương cũng được sử dụng như là một vị thuốc giúp điều trị các bệnh về xương khớp, đau lưng, đau mỏi vai gáy do thận yếu. Quả mộc hương giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về gan và dạ dày rất hiệu quả.
Cây Mộc Hương có thể được dùng làm dược liệu
Ngoài ra, lá cây và hoa mộc hương còn được sử dụng như một loại hương liệu dùng cho các chị em phụ nữ tắm rửa và gội đầu hàng ngày. Giúp tóc sẽ trở nên mềm mượt, làn da mịn màng, tươi tắn hơn.
4. Làm nước hoa
Với hương thơm nhẹ nhàng đầy cuốn hút, tinh dầu của cây Mộc Hương được con người chiết xuất để làm nước hoa. Đây là một trong những hương liệu không thể thiếu trong nhiều dòng nước hoa nổi tiếng trên thế giới.
5. Làm món ăn
Khi nhắc đến cây mộc hương, không thể không nhắc đến món đặc sản của Tân Đô được làm từ hoa của loài cây này, đó chính là món bánh Quế hoa. Bánh quế hoa là một loại thạch, có vị ngọt nhẹ. Được làm bằng cách thu thập hoa mộc hương, lọc để khử vị đắng, sau đó ướp hoa với đường hoặc mật ong rồi mang đi hấp cùng bột gạo nếp, kỳ tử và đường phèn. Cuối cùng, cùng đổ ra khuôn chờ nguội là ta đã có món bánh quế hoa ngon tuyệt.
Theo dân gian, nếu ăn bánh quế hoa thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, dương khí, điều tiết dịch dạ dày, cải thiện khả năng tiêu hoá. Ngoài ra, loại bánh này còn giúp giảm các cơn đau do kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, da dẻ mịn màng hơn, mắt sáng hơn, làm chậm quá trình lão hoá và tăng cường sinh lý.
Ý nghĩa của cây Mộc Hương
Cây Mộc Hương mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, phổ biến nhất là một số ý nghĩa như sau:
Do đặc tính của loài cây này là có khả năng sống rất lâu nên cây hoa mộc mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường tồn, bền bỉ với thời gian. Dù cho có khó khăn thế nào thì con người cũng sẽ thích nghi và vượt qua được.
Ngoài ra, cây Mộc Hương có ngoài mộc mạc, thô ráp, thế nhưng ẩn sâu bên trong là hương thơm quyến rũ ngây ngất lòng người. Điều này tượng trưng cho vẻ đẹp tiềm ẩn, thanh tao, không cầu kỳ, phô trương.
Cuối cùng, cây Mộc Hương còn thể hiện nét đẹp của con người Việt Nam. Đó là sự mộc mạc, chân thành, giản dị, yêu lao động, hòa đồng và gần gũi với mọi người. Đó chính là những đức tính được rất nhiều bạn bè trên thế giới công nhận và coi trọng.
Theo dân gian, cây mộc hương là loài cây trừ tà tốt nên thường được trồng khá nhiều tại đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ họ.
Cây mộc hương hợp mệnh, tuổi nào?
Theo phong thuỷ, cây mộc hương mang ý nghĩa của sự may mắn và tài lộc. Nên khi trồng trong nhà sẽ giúp mang đến tài lộc, vượng khí tốt cho gia chủ. Loài cây này phù hợp với cả 5 bản mệnh ngũ hành.
Tuy nhiên, khi nở hoa, hoa loài cây này có màu vàng, vàng nhạt, trắng, vàng cam nên đặc biệt phù hợp với những người mệnh Kim. Hợp với những tuổi sau: Nhâm Thân (1932, 1992), Quý Dậu (1933, 1993), Canh Thìn (1940, 2000), Tân Tỵ (1941, 2001), Giáp Ngọ (1954, 2014), Ất Mùi (1955, 2015), Nhâm Dần (1962), Quý Mão (1963), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985).
Cách trồng cây mộc hương giúp nở hoa đẹp
Dù cây quế hoa phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam nên rất dễ sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, để cây nở hoa đẹp, bạn nên nắm vững kỹ thuật trồng cây mộc hương sau đây.
1. Chuẩn bị đất trồng
Cây Mộc Hương không hề kén đất trồng, chúng có thể sinh trưởng trên nhiều điều kiện đất trồng khác nhau. Tuy nhiên để thuận lợi, bạn nên lựa chọn loại đất thịt dày, có độ tơi xốp tốt và khả năng thoát nước ổn để trồng cây. Điều này sẽ giúp cây không bị úng rễ, gây ra tình trạng chết cây. Ngoài ra, bạn nên trộn thêm phân chuồng ủ hoại và xơ dừa, vỏ trấu để tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng cho đất trồng.
2. Phương pháp trồng
Cây Mộc Hương hiện nay chủ yếu được trồng theo hai phương pháp sau đó là gieo hạt hoặc chiết cành. Do phương pháp gieo hạt khá rườm rà và tốn thời gian để cây có thể mọc và phát triển. Vì vậy, người ta sử dụng phương pháp chiết cành trên những cây giống khỏe mạnh để rút ngắn thời gian sinh trưởng.
Trồng cây Mộc Hương có thể theo phương pháp chiết cành hoặc gieo hạt
3. Trồng cây mộc hương theo phương pháp chiết cành
Với phương pháp chiết cành, bạn hãy tham khảo các bước thực hiện như sau:
– Bước 1: Chọn lấy cành cây Mộc Hương khỏe mạnh, đang trong giai đoạn trưởng thành và không bị sâu bệnh. Khi cắt cành để chiết cần khéo léo, nhẹ nhàng để không làm hỏng các đường dẫn trong cành cây được chọn.
– Bước 2: Tiến hành đào một hố đất sâu tầm 15-20cm và đặt cành cây đã chiết ở trên vào trong hố. Vun đất trồng đã chuẩn bị vào hố đã đào và cố định để cành cây không bị ngã đổ sau này.
– Bước 3: Tưới nước thường xuyên để cành cây Mộc Hương có thể ra rễ và phát triển. Sau khoảng 1 tháng là cành đã ra rễ, lúc này bạn có thể đem cành đi trồng trong chậu hoặc bất cứ vị trí nào nếu muốn.
Hướng dẫn cách chăm sóc cây mộc hương
Mặc dù cây quế hoa dễ trồng và sinh trưởng tốt nhưng bạn vẫn nên nắm vững cách chăm sóc cây mộc hương sau đây để cây phát triển tốt nhất.
1. Nhiệt độ và độ ẩm phù hợp
Cây Mộc Hương khá ưa ẩm, do đó bạn nên trồng cây vào thời gian mát nhất trong năm để cây có thể sinh trưởng tốt hơn. Nhiệt độ lý tưởng để trồng cây nên từ 18-25 độ C. Nên trồng vào khoảng đầu mùa Xuân hoặc đầu mùa Thu.
2. Điều kiện ánh sáng phù hợp
Cây Mộc Hương là cây thân gỗ nhỏ, có mức phát triển chiều cao thuộc dạng trung bình. Cây rất cần có ánh sáng để sinh trưởng và nở hoa, thiếu ánh sáng sẽ khiến cây chậm lớn, lâu ra hoa; còn ánh sáng quá mạnh có thể khiến cây dễ bị khô héo, mất nước. Do đó bạn cần có biện pháp che chắn cây cho phù hợp.
3. Tưới nước
Cây Mộc Hương rất ưa ẩm và có thể sinh trưởng thuận lợi nếu được tưới nước thường xuyên và đầy đủ. Do đó, bạn cần đảm bảo tưới nước đủ ít nhất mỗi ngày một lần, vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, tránh tưới vào giữa trưa. Độ ẩm của đất cũng vừa phải, tránh tích quá nhiều nước có thể gây úng rễ và chết cây.
4. Bón phân
Nếu như bạn muốn cây Mộc Hương nở hoa nhiều, đều và đẹp thì nên tiến hành bón lót định kỳ hàng năm phân NPK để tăng thêm dinh dưỡng cho cây. Bạn nên quan sát kỹ tình trạng của cây để có biện pháp điều chỉnh hàm lượng trong phân bón cho phù hợp.
5. Phòng sâu bệnh hại cho mộc hương
Cây Mộc Hương dễ thu hút các loại côn trùng lên cây làm tổ và ăn lá. Do đó, khi chăm sóc mộc hương, bạn chú ý quan sát và loại bỏ những cành lá bị tấn công và tiến hành phun thuốc ngừa sâu bệnh cho cây. Việc phun thuốc cần rất hạn chế và chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến mùi hương của hoa. Một số loại sâu bệnh hại thường gặp trên cây mộc hương như:
Các loại sâu ăn lá, hút mật, kiến, bọ cánh cứng: Đối với những loài sâu bọ gây hại này, bạn nên sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học để tránh ảnh hưởng đến hương thơm của cây, nếu cây nhỏ thì nên tìm và bắt bằng tay. Đối với cây lớn hơn, bạn có thể kết hợp basudin và cát để rắc quanh gốc cây, sẽ tránh được sự tấn công của các loại sâu bọ kể trên.
Bệnh thối rễ: Thối rễ là bệnh thường gặp trên cây mộc hương, do loài cây này có khả năng chịu nước kém, thường xảy ra khi đất trồng quá ẩm hoặc đất thoát nước kém. Để phòng ngừa bệnh thối rễ, khi trồng cây, bạn nên chọn loại đất tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt. Khi trời mưa to, mưa liên tục nhiều ngày, bạn nên có biện pháp che chắn cho cây và tiêu úng nước ở chậu cây.
Bệnh loét sẹo, đốm lá, đốm thân và đốm cành lớn: Đối với những loại bệnh này, không thể xử lý bằng biện pháp sinh học thông thường được. Bắt buộc bạn phải sử dụng các loại thuốc phun như Rhidomil MZ 73 WP, Score 250 EC và thuốc gốc đồng.
6. Cắt tỉa
Do cây phát triển cành lá khá um tùm, cho nên nếu như bạn định trồng cây trong chậu với mục đích làm cảnh, thì việc cắt tỉa cành lá cho cây Mộc Hương thường xuyên là điều cần thiết. Lưu ý cắt tỉa bớt những cành bị yếu và khô héo để tạo điều kiện cho cây có thể sinh trưởng các cành mới và khỏe mạnh hơn.
Ngoài ra, khi cây xuất hiện các loại nấm, bệnh gây hại, bạn cũng nên cắt tỉa những cành, lá bị hại sau đó mang chúng đi tiêu huỷ.
Trên đây là những thông tin về cây mộc hương mà chúng tôi đã chia sẻ đến quý bạn đọc. Việc trồng và chăm sóc cây quế hoa rất đơn giản nếu bạn nắm vững kiến thức và thực sự quan tâm đến cây cảnh mà mình đang trồng. Chúc bạn trồng được cây mộc hương phát triển tốt, ra hoa đẹp.