Chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn
kỹ thuật xử lý nước thải cơ bản kỹ thuật xử lý nước thải cơ bản Chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh, với tổng đàn hiện nay trên 35.460 con… Hằng năm, đàn gia súc…
Chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn
Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh, với tổng đàn hiện nay trên 35.460 con… Hằng năm, đàn gia súc trên đã thải ra môi trường với khối lượng rất lớn, nếu không có giải pháp xử lý tốt sẽ là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Để hạn chế tối đa dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hiện nay nhiều nông dân trong tỉnh đã áp dụng chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn, xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ, vừa giải được bài toán môi trường vừa mang lại nguồn phụ thu cho người chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn khép kín của gia đình chị Hoàng Thị Kim Tuyến ở thôn Kim Tháp, xã Đồng Tiến (Khoái Châu) |
Đến thăm trang trại của gia đình anh Trần Văn Thạch ở thôn La Mát, xã Phù Ủng (Ân Thi), chúng tôi ấn tượng với quy trình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn khép kín chăn nuôi gia súc – nuôi giun quế – trồng cây. Với 12 mẫu ruộng, năm 2016, anh Thạch đầu tư xây dựng 1 mẫu chuồng trại (chăn nuôi bò, giun quế, gà), 7 sào ao thả cá, diện tích còn lại anh trồng cây ăn quả và cỏ voi làm thức ăn cho bò. Chăn nuôi thường xuyên khoảng 120 con bò thịt, bò sinh sản, lượng chất thải hằng ngày từng là bài toán khó, giờ đã được gia đình anh tìm ra lời giải bằng việc kết hợp nuôi giun quế. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được anh thu gom, ủ men vi sinh trong 2 đến 3 ngày, sau đó nuôi giun quế – giun quế làm thức ăn cho gà – phân giun làm phân bón cỏ voi, cây ăn quả – cỏ voi lại làm thức ăn cho bò. Cách làm này giúp anh tận dụng tối đa phế thải nông nghiệp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.
Anh Thạch cho biết: Với quy mô chăn nuôi như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi xuất bán trên 10 tấn bò thịt; 20 con bê; 2 – 3 tấn gà thịt; trên 4,5 tấn giun quế; 120 tấn phân giun quế… thu về lợi nhuận trên 600 triệu đồng.
Trang trại tổng hợp vườn – ao – chuồng của gia đình chị Hoàng Thị Kim Tuyến ở thôn Kim Tháp, xã Đồng Tiến (Khoái Châu) rộng hơn 3ha cũng mang lại hiệu quả vượt trội khi áp dụng chăn nuôi theo hướng tuần hoàn. Khu vực chuồng nuôi, ao nuôi cá và trồng cây ăn quả được bố trí hợp lý, thuận tiện sử dụng phụ phẩm của trồng trọt để nuôi bò, cá, sử dụng chất thải của chăn nuôi để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Trang trại có khu chuồng rộng hơn 500m2 thường xuyên nuôi 50 con bò; diện tích ao cá trên 1 mẫu, còn lại là diện tích trồng các loại cây ăn quả và cỏ làm thức ăn cho bò.
Đối với khu vực nuôi bò, gia đình chị xây dựng chuồng nuôi kín. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó diện tích nền chuồng phía sau thấp hơn so với diện tích nền chuồng phía trước; phía cuối chuồng đặt ống thoát nối với hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Với lượng phân hữu cơ và nước thải sau khi xử lý qua hầm biogas được sử dụng tưới cho diện tích cây ăn quả, rau màu, cỏ và cỏ sẽ quay trở lại làm thức ăn cho đàn bò. Mô hình đã giúp gia đình chị Tuyến tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền mua phân bón mỗi năm. Qua 4 năm áp dụng chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, môi trường được bảo đảm. Mỗi năm, trang trại mang lại cho gia đình chị lợi nhuận trên 600 triệu đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, những mô hình chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn như gia đình chị Tuyến, anh Thạch ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn đang gặp một số khó khăn như: Diện tích đất nông nghiệp ở một số địa phương bị thu hẹp, không quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; phương thức chăn nuôi theo hướng tuần hoàn hiện nay mới chỉ áp dụng cho các mô hình trang trại tổng hợp. Các trang trại chăn nuôi tập trung do chưa có cơ chế ổn định liên kết với các hợp tác xã, người dân chuyên canh sản xuất rau màu để sử dụng hợp lý chất thải chăn nuôi…
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Phát triển chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường. Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò theo hướng tuần hoàn, ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho các chủ trang trại; tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới cho nông dân, nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn có hiệu quả bền vững…
Hương Giang