Có một trang trại nuôi trồng tảo xoắn Nhật Bản ở Nghệ An
CÁCH PHÂN BIỆT, LỰA CHỌN TỪNG GIỐNG ỚT SEN HỒNG ĐỂ TRỒNG SAO CHO THÍCH HỢP NHẤT CÁCH PHÂN BIỆT, LỰA CHỌN TỪNG GIỐNG ỚT SEN HỒNG ĐỂ TRỒNG SAO CHO THÍCH HỢP NHẤT Những tưởng chỉ ở nước Nhật xa xôi mới sản xuất được tảo xoắn Spirulina để chăm sóc sức khoẻ bổ…
Những tưởng chỉ ở nước Nhật xa xôi mới sản xuất được tảo xoắn Spirulina để chăm sóc sức khoẻ bổ dưỡng cho con người, nhưng ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, một cơ ngơi lớn được đầu tư bài bản chuyên nghiệp với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài đã cho ra đời sản phẩm tảo xoắn Spirulina với đủ hàm lượng đảm bảo các sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế.
Con đường ven biển men theo núi và biển Quỳnh dẫn chúng tôi đến khu nuôi trồng và chế biến tảo xoắn Spirulina của doanh nhân Nguyễn Văn Hùng.
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phấn khởi giới thiệu từng phòng, từng khâu sản xuất tảo – nơi bao ngày qua với tất cả tâm huyết của anh cùng các nhà khoa học ứng dụng công nghệ nghiên cứu nuôi trồng thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ. Công việc gian khó, đòi hỏi mất nhiều công sức, sự tỉ mẩn, nhẫn nại và chuyên tâm cũng như hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật rất cao. Nhưng sau 2 năm bao khó khăn dường như đã qua, hiện nay khu sản xuất liên tục đón các nhà khoa học, các đoàn khách trong nước, ngoài nước đến tham quan và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hội thảo. Tất cả các khâu từ sản xuất giống tảo, quy trình nuôi, mở rộng sản xuất, thu sinh khối, xử lý sinh khối, thu sản phẩm, sấy, xay… đến khâu cuối cùng là cho ra sản phẩm luôn được sự giúp đỡ và kiểm soát của Ban Quản lý Dự án FIRST – Bộ Khoa học – Công nghệ và các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Đặc biệt có tư vấn quốc tế GS.TS Franz Peter Monforts (CHLB Đức) hiện đang tiếp tục cộng tác với Công ty.
Tổng diện tích nuôi trồng tảo xoắn của Công ty rộng 5 ha, trong đó 3 ha đã nuôi trồng tảo, 2 ha ven biển còn lại đang điều chỉnh làm khu nghỉ dưỡng sinh thái tâm linh biển với tên gọi là “Làng chài Bắc Trung bộ”.
Khu sản xuất tảo xoắn Spirulina ứng dụng công nghệ sinh học vi tảo bao gồm nhiều công đoạn từ sàng lọc chủng giống vi tảo, nhân giống các cấp, sau đó nhân sinh khối ở quy mô lớn trong các hệ thống kín photobioreactor, sau đó ra các bể hở.
Sinh khối tảo sau khi thu có thể được sử dụng trực tiếp dưới dạng sản phẩm tảo tươi (bảo quản đông lạnh) hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, hút ẩm bảo đảm nguyên màu, nguyên chất của sản phẩm. Từ bột tảo xoắn, Công ty điều chế thành dạng viên nang, viên nén hoặc làm nguyên liệu để tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học ứng dụng trong dược phẩm làm thuốc chữa các bệnh nan y.
Hiện nay, nhu cầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam về sản phẩm chế biến từ tảo Spirulina ngày càng lớn, trong đó với công nghệ được Ban Quản lý Dự án FIRST – Bộ KHCN chuyển giao và sự quan tâm chăm sóc của chuyên gia trong và ngoài nước, anh Hùng hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm mà Công ty anh sản xuất tại Nghệ An. Đặc biệt, giá cả các sản phẩm là đảm bảo cho người dân bình thường có thể sử dụng được và sử dụng thường xuyên như một loại thực phẩm bổ dưỡng quý giá. Bí quyết để tảo Nghệ An giảm được giá thành đó chính là sản xuất quy mô lớn, khối lượng lớn, theo quy trình chuẩn mực và các chi phí đầu vào giảm: như nhân công, đất đai, nhà xưởng, điện…
Anh Hùng cho biết thêm, ngoài việc sản xuất, chế biến sản phẩm tảo, Công ty còn hợp tác với các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm, phế phẩm tảo để xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất phân bón hữu cơ. Ngoài ra, Công ty đã nghiên cứu công nghệ tách chiết, phân lập các hợp chất màu chlorophyll từ tảo xoắn Spirulina và điều chế các dẫn xuất của Chlorophyll thành Chlorin e6 trimethylester và Chlorin e6 monomethylester để ứng dụng điều trị bệnh ung thư bằng liệu pháp quang.
“Cho đến nay, nhờ sự đầu tư của Ban Quản lý Dự án FIRST – Bộ Khoa học – Công nghệ, chúng tôi đã làm chủ được quy trình, công nghệ nuôi trồng phù hợp, tận dụng xử lý nguồn nước, chủ động về con giống và kiểm soát được quá trình nuôi và quy trình chế biến sản phẩm. Năng suất sản xuất trung bình của Công ty là khoảng 5 tấn tảo sấy khô trên một năm. Các sản phẩm tảo xoắn Spirulina, đậu tương lên men Nattokinaza và rượu Đông trùng hạ thảo của Công ty cũng đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, phân tích và được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm chất lượng tốt”- anh Hùng cho biết.
Hiện nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt khắp nơi trên thị trường cả nước và được người tiêu dùng đánh giá phản hồi rất tích cực. Đặc biệt là những người dân ở quê hương sau khi được tham quan mục sở thị quy trình nuôi trồng và chế biến tảo xoắn Spirulin, đậu tương lên men Nattokinaza và Đông trùng hạ thảo, được sử dụng các dòng sản phẩm Công ty đều chung một tiếng nói: “Đây là sản phẩm nông nghiệp sạch công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả cho sức khỏe con người, giá cả phù hợp với người dân, người sử dụng”.
Thật vui mừng sau Hội nghị gặp mặt với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao kết hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại TP. Vinh, Công ty CP Khoa học xanh Hidumi Pharma đã ký kết thành công hợp đồng với Việt kiều tại Mỹ để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Thực sự 3 dòng sản phẩm: Tảo xoắn Spirulina, đậu tương lên men Nattokinaza và Đông trùng hạ thảo là 3 dòng sản phẩm vàng bảo vệ sức khỏe cho con người được ông Hùng tâm sự bằng cả tấm lòng của mình và mong được đóng góp một phần nâng cao sức khỏe cộng đồng cho người dân.
Từ bàn tay chuyên dựng xây công trình nay về với quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng đã đồng thời tạo việc làm cho hơn 50 lao động, kỹ sư tại địa phương. Ông thổ lộ: “Với tất cả tấm lòng của tôi, giờ đây tôi mong một ngày không xa, tảo xoắn Spirulina của Nghệ An sẽ được xuất khẩu đi các nước trên thế giới”, đồng thời là sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho người dân quê hương.