Con đường đến top 15 thế giới của nông nghiệp Việt Nam
Thăm quan 3 nông trại hữu cơ lớn nhất thế giới Thăm quan 3 nông trại hữu cơ lớn nhất thế giới Nhờ tái cơ cấu và hướng đi đúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá trị, ngành nông nghiệp ngày càng tăng trưởng cao, phấn đấu lọt vào top 15 nền nông…
Nhờ tái cơ cấu và hướng đi đúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá trị, ngành nông nghiệp ngày càng tăng trưởng cao, phấn đấu lọt vào top 15 nền nông nghiệp lớn nhất thế giới.
Anh Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhãn chín muộn (tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nhớ lại cách đây 5-6 năm, nhắc đến nông nghiệp Sơn La, nhiều người chỉ nghĩ đến ngô, sắn và một số loại cây giá trị thấp. Không ai nghĩ, nông nghiệp Sơn La sẽ là “vựa trái cây” của cả nước, có những sản phẩm xuất khẩu, giá trị cao, cạnh tranh với nhiều địa phương thế mạnh về nông nghiệp như Tiền Giang, Hưng Yên, Bắc Giang…
Chỉ khoảng 5 năm qua, nông nghiệp Sơn La đã vươn lên vượt bậc, cùng với Tiền Giang trở thành một trong 2 vựa trái cây lớn nhất cả nước. Tỉnh này đi theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản phẩm có giá trị cao, được chế biến sâu để xuất khẩu, từ đó trở thành mũi nhọn về kinh tế.
Đến nay, Sơn La đã có 86.000 ha cây ăn quả, sản lượng 280.000 tấn mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,2% mỗi năm, cao gấp rưỡi tốc độ trung bình của cả nước.
Cách làm của Sơn La cũng đang là điều mà ngành nông nghiệp hướng tới trong nhiệm kỳ qua. Đó là tái cơ cấu theo hướng hiệu quả, bền vững, ứng dựng công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, được chế biến sâu, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển kinh tế nông nghiệp cũng là cách hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của hàng triệu nông dân cả nước.
“Cả xã chặt nhãn đi trồng cà phê. Thế nên nhiều người bảo bố con tôi điên khi đi trồng nhãn lúc đó”, anh Hải nhớ lại năm 2009. Khi đó, cơ cấu cây nông nghiệp của Sơn La chủ yếu là ngô, một số nơi là lúa một vụ và chè. Nhãn được nhiều người đi làm kinh tế mới mang lên trồng theo từ những năm 1960-1970, nhưng chủ yếu năng suất thấp, chất lượng không cao, thậm chí chỉ để khai thác củi.
Để thay đổi, cha con anh Hải bắt đầu thử nghiệm cải tạo 3 ha nhãn đã già cỗi bằng cách chặt cành đi, rồi ghép mắt với giống nhãn mới. Gốc nhãn cũ đã có bộ rễ phát triển, cộng thêm mầm cây mới nên phát triển rất tốt, ngay vụ đầu tiên đã đạt năng suất cao. Số tiền thu được từ nhãn là 850 triệu đồng, gấp 43 lần mức 20 triệu đồng thu được trước khi cải tạo.
Thành công của gia đình anh Hải là một trong những minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La. Tỉnh này hoàn toàn có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay vì trồng cây năng suất thấp như ngô mà chuyển thành cây ăn quả giá trị cao.
Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư tỉnh ủy Sơn La, nhớ lại để chuyển đổi nhanh sang cây ăn quả, Sơn La đã quyết định hỗ trợ cách làm “vô tiền khoáng hậu” mà hiếm có địa phương nào áp dụng. Tỉnh này dùng mắt ghép để hỗ trợ chuyển đổi cây trồng. Mỗi hộ nhận được 15 mắt ghép và 200.000 đồng để cải tạo các giống cây như nhãn, cam, quýt…
Khi người dân ghép mắt mới trên chính những gốc cây cũ, sẽ thấy thấy cây ăn quả ra 2 loại khác nhau, có thể tự so sánh được chất lượng quả sau thu hoạch. Đó cũng chính là cách thuyết phục người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 90.000 hộ gia đình ở Sơn La được hỗ trợ ghép cây trên diện tích 25.000 ha. Song song với đó, Sơn La cũng chuyển đổi hàng chục nghìn đất lúa, đất ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Đến nay, Sơn La được ví như “vựa trái cây”, với nhiều loại cây trồng hấp dẫn như na, nhãn, thanh long, chanh leo, mận, cam, bưởi, quýt, mít, xoài… Sở Nông nghiệp Sơn La cho biết tính trung bình đất chuyển đổi sang cây ăn quả hiệu quả 3-8 lần. Điển hình như 1 ha chanh leo có thể thu về 300 triệu đồng/năm, 1 ha trồng na có thể cho thu nhập gấp 10-12 lần trồng ngô.
|
Gia đình anh Hải đã mở rộng diện tích trồng nhãn, xây dựng cả phân xưởng chế biến và thành lập Hợp tác xã nhãn chín muộn. Trên khắp tỉnh Sơn La, đến nay đã có 80 hợp tác xã nông nghiệp như vậy, tạo chuyển biến vượt bậc về ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết chuyển đổi được cây trồng sang giá trị cao hơn mới chỉ là bước một. Tỉnh này tích cực thu hút các nhà máy chế biến theo công nghệ tiên tiến đến với Sơn La. Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Sơn La nhớ lại lãnh đạo tỉnh đã phải trực tiếp gặp các nhà đầu tư khắp cả nước để mời gọi đầu tư và trình bày những cơ hội của tỉnh.
Nhiều thương hiệu chế biến rau quả xuất khẩu nổi tiếng đã xuất hiện ở Sơn La như Đồng Giao, Lavifood, TH, Devesco… Đã có 11 nhà máy chế biến rau quả lớn được xây dựng tại Sơn La 5 năm qua. Có những nhà máy công suất chế biến lên tới hàng trăm nghìn tấn quả tươi để đóng hộp, làm nước ép, sấy khô…
Sơn La được coi là một trong những mô hình thành công nhất trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một nỗ lực được Bộ NNPTNT thực hiện kiên trì và nhất quán suốt nhiệm kỳ qua.
Ngành phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chủ lực; cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng.
Theo Bộ NNPTNT, giai đoạn 2016-2020, cả nước đã chuyển đổi khoảng 464.000 ha diện tích lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giá trị sản xuất cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt giai đoạn 2013-2019 là 30,5%. Tổng diện tích cây ăn quả cả nước năm 2019 đạt 1,06 triệu ha, tăng 360.000 ha so với năm 2013. Sản lượng cây ăn quả đã đạt 12,8 triệu tấn, tăng 6 triệu tấn so năm 2013 (6,8 triệu tấn). Một số loại quả như thanh long, vải, chuối, cây có múi (bưởi, cam), dứa, xoài, nhãn từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập vùng quy mô lớn.
Không chỉ trong trồng trọt, Bộ NNPTNT cũng khuyến khích các địa phương cơ cấu lại ngành chăn nuôi, lâm nghiệp thủy sản. Trong đó, xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính… hoặc chuyển đổi sao cho phù hợp theo tín hiệu thị trường.
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải luôn gắn với chế biến sâu. Ông nhấn mạnh chế biến sâu tác động trở lại cho sản xuất, hình thành sản xuất vùng chuyên canh lớn. Thứ hai, chế biến sâu giúp thay đổi nhận thức trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thứ ba, chế biến sâu sẽ giúp thay đổi giá trị gia tăng cho chính sản phẩm nông nghiệp.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách phát triển Nông nghiệp, đánh giá tái cơ cấu ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và là hướng đi đúng đắn của ngành. Kết quả của tái cơ cấu những năm qua rất đáng mừng, hiện thực bằng những con số cụ thể. Ông cho biết sản xuất nông nghiệp trước kia chủ yếu dựa theo thế mạnh của từng vùng hoặc theo tập quán cũ. Việc sáng tạo, tìm tòi những cây trồng vật nuôi mới, gắn công nghệ hiện đại, đi kèm chế biến sâu sẽ giúp giá trị tăng nhanh, đạt nhiều lợi ích cùng lúc.
Vào cuối tháng 6/2020, truyền thông trong nước xôn xao khi những quả vải đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trên kệ siêu thị tại Nhật Bản. Vải được đóng vào hộp nhỏ 200 gram, bán với giá là 489 yen (giá gốc là 537 yen) tương đương hơn 100.000 đồng/hộp. Tính ra, giá vải thiều Việt Nam bán tại Nhật trên 500.000 đồng/kg. Con số này gấp 20-30 lần vải thiều bán trong nước lúc đó.
Không chỉ vải, 5 năm qua, nhiều loại rau quả của Việt Nam đã vào được những thị trường khó tính như xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp) được xuất vào Mỹ vào tháng 4/2019, sau đó tháng 10/2019 là vú sữa. Chôm chôm xuất sang New Zealand vào năm 2018; thanh long và nhãn sang Australia năm 2018…
Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu rau quả là một trong những điểm sáng nhất cho thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ qua. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,75 tỷ USD, đứng thứ nhất trong các mặt hàng nông sản, tăng bình quân 23,1% mỗi năm. Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã vươn xa tới gần 190 thị trường trên thế giới. Riêng các loại quả như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… đã có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng mở được thị trường. Bưởi đào đường của Bắc Giang lần đầu tiên xuất khẩu sang Nga. Vải thiều tươi được chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi siêu thị Lotte tại Hàn Quốc chính thức đưa chuối Việt Nam lên quầy hàng. Nông sản Việt đang dần nâng tầm thương hiệu, vị thế trên trường quốc tế.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 vẫn lập kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD bất chấp dịch Covid-19, cao nhất từ trước đến nay. Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 7 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,8 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD.
Một điểm sáng là ngành gỗ Việt Nam khi vẫn đạt tăng trưởng 2 con số trong năm dịch bệnh hoành hành toàn thế giới. Nhiều xưởng gỗ ở vùng Đông Nam Bộ hiện kín đơn hàng đến hết quý I/2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2019. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,8% trong tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng này.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA cũng đóng góp quan trọng trong việc mở ra các thị trường mới cho nông sản Việt. Điển hình như khi EVFTA được thực thi, nông sản Việt Nam vào EU cũng “rộng cửa” hơn rất nhiều. Hiện đã có 39 sản phẩm của Việt Nam đã được EU bảo hộ chỉ dẫn địa ý.
|
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng 80-200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Năm 2020, gạo Việt Nam cũng lập kỷ lục về giá xuất khẩu, bình quân đạt gần 500 USD/tấn. Khối lượng gạo xuất khẩu giảm 3,5% nhưng tăng 9,3% về giá trị. Năm 2020, gạo chất lượng cao chiếm 85% gạo xuất khẩu và sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ghi nhận mức tăng trưởng 15,7%, đạt 58,8 triệu USD, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay.
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thị trường rau quả thế giới có trị giá tới 360 tỷ USD và tăng trưởng 5-6%/năm. Đây là dư địa quan trọng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải nghiên cứu thị trường, trồng và xuất khẩu những mặt hàng mà thế giới cần, đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng. Đó sẽ là hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Cầm trên tay lọ ruốc hàu, anh Đình Tú (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), đầy tự hào khoe về thương hiệu Bavabi. Bavabi được viết tắt với nghĩa là “báu vật biển”, cũng là cách mà doanh nghiệp này nghiên cứu những loại hải sản ngon của Quảng Ninh, chế biến sâu để trở thành những sản phẩm hấp dẫn.
Ruốc hàu Bavabi là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao của tỉnh Quảng Ninh, đang được ưa chuộng tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Trước kia, người Vân Đồn luôn tự hào về độ ngon của hải sản tươi sống, nhưng rào cản là khó có thể mang hải sản bán rộng rãi trên cả nước. Tuy vậy, giờ Bavabi đã có ruốc trai, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc cá… Những sản phẩm này đang được phân phối trên các chuỗi nông sản uy tín trên cả nước.
Ruốc hàu là một trong hàng trăm sản phẩm nông sản đang chinh phục thị trường nội địa bằng việc chế biến sâu, tiện dụng, đóng gói đúng quy chuẩn.
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nói rằng thị trường nội địa Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân là “cơ hội vàng” cho nông sản Việt. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là ngành nông nghiệp chỉ cần chiếm lĩnh được thị trường này sẽ mở ra những cơ hội lớn. Sự thật là những năm qua, ngành nông nghiệp đang dần chiếm được tình cảm của người tiêu dùng trong nước bởi những sản phẩm ngon, hấp dẫn, không kém sản phẩm ngoại nhập.
|
Ở Thái Nguyên, ít người nghĩ rằng sẽ có một ngày nào đó, chè được coi là một trong những sản phẩm quà biếu sang trọng, có giá trị. Tại hợp tác xã Tân Việt đang dần thay đổi nhận thức bằng cách biến chè đinh thành loại quà biếu đắt tiền. Chè đinh, loại chè ngon nổi tiếng được chế biến cầu kỳ, sau đó được đóng gói bằng những hộp trạm chổ kỳ công bằng gỗ hương. Tất cả tạo thành một bộ sản phẩm sang trọng, lịch sự có giá 3-5 triệu đồng/hộp, trở thành loại quà biếu được nhiều người chọn mua.
Ở Đà Lạt, nhiều loại nông sản như hồng giòn, khoai lang, thanh long, hoa cúc, hoa hồng… được chế biến cầu kỳ thành những loại quà biếu sang trọng, là mặt hàng quen thuộc của nhiều gia đình.
Những năm qua, một làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành. Theo Bộ NNPTNT, năm 2020, cả nước có 1.055 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 13.280. Năm 2021, cơ quan này phấn đấu có 2.500 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 15.600. Cả nước cũng có 17.000 hợp tác xã, trong đó có 2.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 42.000 trang trại.
Những năm gần đây, chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm – đang được coi là thành công khi giúp cho nhiều sản phẩm, đặc sản được xây dựng thương hiệu, chế biến theo quy mô lớn, giúp đáp ứng thị trường. Ở đó, cả người nông dân và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.
Theo TS Đặng Kim Sơn, thị trường trong nước luôn là một trong những nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt nhất cho chính nông nghiệp Việt Nam. Hơn ai hết, ngành nông nghiệp phải nhắm đến và phục vụ thị trường trong nước, với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng.
Tuy vậy, ông Đặng Kim Sơn cho rằng điều đáng bàn là làm sao giúp được nông sản Việt vào được những chuỗi phân phối hiện đại. Muốn vậy các sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định, đồng thời phải được các đơn vị bán lẻ chấp nhận.
Việc phát triển kinh tế nông nghiệp đang giúp cải thiện đời sống của hàng triệu nông dân, đóng góp tích cực vào phòng trào xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đã đạt trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%.
Đáng chú ý, đến nay cả nước đã thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; cả nước có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%.
Với những thành tựu 5 năm qua, Bộ Nông nghiệp đánh giá việc cơ cấu lại nông nghiệp đạt được tiến bộ cả 3 mục tiêu cốt lõi về kinh tế, xã hội, môi trường. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển lên một tầm cao mới, quy mô và sức sản xuất tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho tiêu dùng trong nước và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á.
Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 44,2 triệu đồng/lao động, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,8%/năm, gấp 2 lần mục tiêu đề ra (tăng 3,5%/năm).
Ngành nông nghiệp đang có nhiều triển vọng lọt vào top 15 trên thế giới vào năm 2030.
Ở Sơn La, anh Hải cho biết lãnh đạo tỉnh này đang đặt mục tiêu tăng sản lượng hoa quả lên 1-2 triệu tấn trong những năm tới. Bản thân hợp tác xã của anh cũng đang tính đến việc xây dựng thêm nhà máy chế biến, mở rộng vùng trồng. Anh nhấn mạnh thu nhập của người dân đã tăng vượt bậc nhờ hướng đi đúng đắn. “Chúng tôi làm giàu trên chính mảnh đất tưởng chừng như đầy khó khăn. Đó là điều chúng tôi tự hào nhất”, anh Hải chia sẻ.