Đưa con đặc sản nước lạnh về nơi ‘chảo lửa’, người đàn ông thu hàng trăm triệu
Trò chuyện người phụ nữ chủ trang trại cá lóc,cá diếc, cá trê Trò chuyện người phụ nữ chủ trang trại cá lóc,cá diếc, cá trê Đưa con đặc sản nước lạnh về nơi ‘chảo lửa’, người đàn ông thu hàng trăm triệu Tham gia làm công tác bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý…
Đưa con đặc sản nước lạnh về nơi ‘chảo lửa’, người đàn ông thu hàng trăm triệu
Tham gia làm công tác bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tiêm (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê) từ năm 2010 đến nay, ông Lê Khắc Tân (SN 1961, trú tại thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) có thời gian dài gắn bó với núi rừng, khe suối.
Lán trại của ông Tân và anh em công nhân bảo vệ rừng đóng tại Tiểu khu 239, thuộc địa bàn thôn Phú Lâm (xã Phú Gia) cách nhà vài chục cây số. Vì đường sá đi lại khó khăn nên thời gian đầu, thỉnh thoảng ông Tân mới ghé thăm nhà, tiện thể lấy thêm lương thực, thực phẩm.
Do lán trại cách xa chợ búa và khu dân cư nên anh em công nhân phải hái thêm măng rừng, bắt cá khe để cải thiện đời sống. Nhiều khi mưa rừng ngập lối, thức ăn cạn dần, cả nhóm phải dựa vào những sản vật tự nhiên để tồn tại.
Tuy nhiên, măng phải có mùa, cá thì không phải lúc nào cũng bắt được, ông Tân đã cải tạo những ao hồ tự nhiên để nuôi cá trắm, cá chép, cá mè…, phục vụ cho anh em công nhân bảo vệ rừng. Từ đó, cuộc sống có phần ổn định hơn, anh em cũng yên tâm công tác hơn.
Quá trình sống tại lán trại, ông Tân nhận thấy rằng, nguồn nước từ khe Giàng chảy ra mát lạnh (một nhánh chảy ra từ Rào Trình). Mùa hè, thời điểm nắng nóng nhất, nhiệt độ trên 40 độ C nhưng nước khe tại đây chỉ khoảng 23 độ C, còn mùa đông thì chỉ 9 – 10 độ C.
Sau một thời gian dài nuôi cá trắm, cá chép, cá mè nhưng không hiệu quả. Qua tìm hiểu và được bạn bè giới thiệu, ông Tân nảy sinh ý tưởng nuôi cá tầm. Để chuẩn bị cho việc chăn nuôi thử nghiệm của mình, ban đầu ông Tân mời cán bộ kỹ thuật về kiểm tra khí hậu, nguồn nước cũng như môi trường sống thì cho kết quả rất khả quan.
Đầu năm 2021, ông Lê Khắc Tân tiến hành ngăn khe, đắp bờ trải bạt, tạo nên một cái hồ rộng khoảng 2000m2 với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Nguồn nước được lấy từ Rào Trình thông qua khe Giàng thường xuyên chảy vào hồ rồi từ hồ lại chảy ra ngoài, môi trường nước luôn thay đổi nên ao hồ luôn sạch sẽ.
Sau đó, ông Tân cải tạo khoảng 100m2 ở chính giữa (chia hồ lớn thành 3 hồ nhỏ), rồi nạo vét, láng xi măng dưới đáy hồ, đồng thời tạo 1 hệ thống xả đáy ngầm để nuôi cá tầm.
Hồ phía thượng nguồn, ông Tân dùng để bảo tồn loài cá mát (loài cá đặc sản của vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh) bằng cách dẫn cá vào hồ thông qua đường ống cấp nước, cá vào nhưng không thể ra được. Hồ phía hạ nguồn để nuôi cá rô phi, còn cá diếc dùng làm thức ăn cho cá tầm khi trưởng thành.
Sau khi hoàn thành việc cải tạo hồ, tháng 10/2021 ông Tân mua 500 con cá giống tại Sa Pa với số tiền gần 20 triệu đồng. Thời điểm đó, cá giống chỉ dài khoảng 8cm – 10cm, trọng lượng khoảng 150 con/kg.
Sau gần 1 năm vừa học vừa nuôi thử nghiệm, đến nay đã cho kết quả ngoài mong đợi, tỷ lệ đạt rất cao. Đợt dịp lễ 2/9 vừa qua, ông Tân bắt cá bán cho một số khách hàng thì trọng lượng mỗi con đạt từ 2kg – 2,2kg, giá bán từ 250.000 đồng – 300.000 đồng/kg. Dự kiến doanh thu đạt gần 300 triệu đồng.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Khắc Tân cho biết: “Sau khi cải tạo hồ xong thì đúng vào đợt dịch Covid-19 lây lan diện rộng. Do dịch dã nên tôi không thể ra Sa Pa tham quan, học hỏi cách nuôi, mà chủ yếu trao đổi qua điện thoại. Cá giống cũng nhờ con trai ở Hà Nội lên Sa Pa lấy rồi gửi về cho”.
“Điều kiện thích nghi của cá tầm từ 12 độ – 27 độ C, trong khi đó, vào mùa hè nóng bức, nước ở khe Giàng chỉ có 23 độ C nên rất thích hợp, vì thế cá phát triển tốt, tỷ lệ sống rất cao, đạt 95%”, ông Tân chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Tân, do đặc thù của loài cá tầm là ăn chìm nên phải sử dụng cám riêng và rất đắt, một bao cám trọng lượng 25kg có giá 1 triệu đồng. Khi cá trưởng thành thì không cho ăn cám nữa, mà chuyển sang cho ăn thức ăn tự chế biến từ cá rô phi, cá diếc để giảm chi phí và thịt được ngon hơn.
Vui mừng vì đã thử nghiệm thành công việc đưa giống cá quý về nuôi, tạo nên sự đa dạng về vật nuôi tại địa phương, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui của ông Tân vẫn ẩn chứa một nỗi niềm lo lắng về thị trường tiêu thụ.
Nói về hướng đi sắp tới, ông Tân cho biết, sau khi kết nối được đầu ra, nếu thuận lợi thì sẽ mở rộng quy mô thả khoảng 5.000 con giống.
Ông Phan Đình Long, Phó chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm của gia đình ông Lê Khắc Tân đạt hiệu quá khá tốt. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng mô hình phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.
Cũng theo ông Long, vấn đề quan trọng là thị trường tiêu thụ. Tới đây chính quyền địa phương sẽ kiến nghị trên các diễn đàn làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho họ. Ông Long cũng nhấn mạnh về công tác bảo vệ môi trường, bởi đây là khu vực đầu nguồn nước.
Cá tầm là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao, xuất hiện trong nhiều bữa ăn của các quốc gia khác nhau. Về chất lượng, thịt cá tầm có vị ngọt, thơm và săn chắc, chứa một lượng lớn vitamin A, selenium, canxi, phốt pho, DHA tự nhiên. Ngoài ra, sụn cá chứa lượng lớn collagen, omega-3, omega-6…, giúp tăng cường thể lực và bồi bổ cơ thể, là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho phái đẹp đặc biệt là các bà mẹ đang mang thai. Tại Việt Nam, hiện chỉ có Sa Pa và Lâm Đồng, nơi được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết và khí hậu mới đủ điều kiện để phát triển loài cá này. |
Trần Hoàn