Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao (Bài 3)
Nông dân U70 thu tiền tỉ mỗi năm từ ao nuôi cá chình Nông dân U70 thu tiền tỉ mỗi năm từ ao nuôi cá chình Biên phòng – “Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vươn ra khơi xa nuôi biển. Từ đây đến năm…
Biên phòng – “Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vươn ra khơi xa nuôi biển. Từ đây đến năm 2030, công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu, đạt 4 tỷ USD. Vấn đề là cần đào tạo nguồn nhân lực, liên kết chuỗi giá trị, kết nối cung cầu, kết nối đối tác đa ngành… Từ đó, phát triển bền vững ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam kỳ vọng về chiến lược mới.
Bài 3: Liên kết hợp tác cùng thắng lợi
Đấu thầu sản xuất con giống
Đề án nuôi biển đến năm 2030 với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang… có địa thế thuận lợi để nuôi cá biển quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, ngành thủy sản cần tập trung giải quyết 3 vấn đề cốt tử trong chiến lược nuôi cá biển quy mô công nghiệp gồm: Chọn con giống tốt; công nghệ và môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chọn được giống cá tốt, có giá trị kinh tế cao đưa vào nuôi công nghiệp đã quyết định phần thắng. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang nuôi 3 loại: cá chim, cá chẽm, cá bớp, bằng lồng vòng tròn lớn, theo hướng quy mô công nghiệp. Ngành thủy sản cần chọn ra những giống cá chủ lực, vừa dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá trị kinh tế cao, thị trường thế giới sử dụng nhiều.
Muốn làm được điều này, khi triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, Chính phủ nên thay đổi cách phân bổ ngân sách nghiên cứu và sản xuất giống cá biển (kể cả kinh phí hằng năm) về cho một số ngành, viện nghiên cứu, sở khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Xóa bỏ độc quyền, cho các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia đấu thầu trực tiếp các đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất giống cá biển từ nguồn ngân sách. Thực tiễn hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân đã tự bỏ tiền ra nghiên cứu và cho sinh sản nhiều giống cá nuôi biển thành công nên gần như thị trường cá giống do tư nhân thống trị từ Bắc vào Nam.
“Nếu cứ để cho các viện nghiên cứu “quen thuộc” nhận tiền ngân sách sản xuất giống cá biển như những năm qua, 10 năm sau không có bước đột phá nào, nguy cơ con giống bị cận huyết rất cao, dẫn đến nguồn giống kém chất lượng, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nuôi trồng. Cần môi trường cạnh tranh nghiên cứu lành mạnh, giữa cơ sở của Nhà nước và tư nhân được bình đẳng về sản xuất giống cá biển, sẽ chọn ra được loại giống cá chất lượng, giá trị kinh tế cao” – Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang đề xuất.
Chọn công nghệ và môi trường nuôi
Nuôi cá biển quy mô công nghiệp, sử dụng lồng lớn, đáy lưới chìm xuống sâu. Vùng biển nuôi thích hợp với mức nước từ 20-25m, dòng chảy vừa phải.
Tuy nhiên, vùng biển nước ta thường xuyên chịu gió mùa Đông Bắc, gió Nam, đặc biệt bão lớn là mối đe dọa cho nuôi biển công nghiệp. Điển hình như cơn bão số 12, năm 2017, gió giật đến cấp 17, đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Khánh Hòa, vịnh Vân Phong đã san phẳng lồng, bè nuôi trồng thủy sản của dân. Bão số 12 đã “chỉ” ra nhiều khiếm khuyết về sử dụng vật liệu không đúng chủng loại làm lồng nuôi biển, không đủ sức chịu đựng của hệ thống neo ở dưới đáy biển và sức chịu của lưới nuôi.
“Bão lớn đổ bộ vào vịnh Vân Phong năm 2017, là “bài kiểm tra” thực tiễn trên biển khắc nghiệt và hiệu quả nhất. Chẳng hạn, những ống nước do Việt Nam sản xuất đưa vào làm lồng nuôi biển, nó bị bể, nước vào chìm lồng. Những ống nhựa do Na Uy sản xuất cho nuôi biển thì không vấn đề gì. Nếu người nào muốn đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp, dứt khoát phải sử dụng loại ống nhựa chuyên dụng. Đừng ham rẻ, sử dụng ống nhựa không đúng, coi chừng bị mất trắng” – kỹ sư Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin.
Môi trường nước sạch là yếu tố quyết định thắng lợi hay thất bại trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Theo các chuyên gia nuôi biển, ngay từ bây giờ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần xác định rõ những vấn đề cốt lõi nuôi biển quy mô công nghiệp tại địa phương mình. Tránh tình trạng ban hành chính sách quản lý bị chậm, dẫn đến làm theo “đuôi” thực tiễn, gây khó khăn cho người nuôi trồng, thậm chí thiệt hại nặng về kinh tế.
Hướng tới thị trường toàn cầu
Dự báo, sản lượng nuôi cá biển quy mô công nghiệp có thể lên cả triệu tấn/năm, phải xuất khẩu mạnh mới tiêu thụ hết lượng cá làm ra. Đa số các thị trường nhập khẩu hàng thủy sản trên thế giới yêu cầu có giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành quy định nuôi biển quy mô công nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP. Đây là “tấm vé” quan trọng để bán cá ở “chợ toàn cầu”. Nếu nuôi cá quy mô công nghiệp vẫn còn theo tiêu chuẩn VietGAP thì coi chừng cá không xuất khẩu được, vì chuẩn VietGAP chỉ có giá trị ở thị trường trong nước.
Thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ khó áp dụng vào những hộ, doanh nghiệp làm nhỏ, sản lượng chỉ vài chục tấn/năm. Tiến sĩ Mạnh nêu giải pháp: “Cần liên kết lại nhiều hộ hoặc doanh nghiệp ở trong vùng nuôi với nhau, có thể áp dụng giống như hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Làm theo cách này, nâng tổng diện tích nuôi và sản lượng cá lớn, cùng áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, “chia” chi phí ra trên đầu lồng cùng gánh, sẽ dễ chịu hơn. Mặt khác, hợp tác xã có sản lượng cá lớn, đủ uy tín đứng ra đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp cung cấp thức ăn với giá tốt. Có thể trực tiếp làm luôn khâu chế biến và xuất khẩu, coi như “mua gốc, bán ngọn” thành chuỗi khép kín”.
“Khánh Hòa là trung tâm nuôi cá biển lớn nhất nước, hội tụ đủ lý luận và thực tiễn rồi, cần sớm ban hành chính sách, quy chuẩn nuôi cá biển quy mô công nghiệp của địa phương, không chờ Trung ương làm trước. Từ đó, tỉnh mới có căn cứ xác định được thứ tự ưu tiên phát triển, phải đi tiên phong làm trước để các tỉnh, thành làm sau đúc rút kinh nghiệm. 3 vấn đề quan trọng cần bàn sâu: Công nghệ cao, tính bền vững, giá trị kinh tế gia tăng. Cần có sự hợp tác chặt chẽ từ chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và ngân hàng. Đây là biện pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển chiến lược kinh tế biển” – ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thông tin.
Bài 4: Đưa sản phẩm mới vào thị trường thế giới
Hải Luận