Giới thiệu khái quát thành phố Thanh Hoá
Giới thiệu khái quát thành phố Thanh Hoá Thành phố Thanh Hoá: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hoá. Toạ lạc trên vùng đất cổ của nền văn hoá Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa là đô thị trẻ, nằm hai bên bờ sông Mã,…
Giới thiệu khái quát thành phố Thanh Hoá
Thành phố Thanh Hoá: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hoá. Toạ lạc trên vùng đất cổ của nền văn hoá Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa là đô thị trẻ, nằm hai bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, là vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hoà, ẩn chứa trong lòng nhiều tầng văn hoá.
Nằm trên trục giao thông chính xuyên Bắc – Nam, cách Thủ đô Hà Nội 155km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.600km về phía Nam, cách biên giới Việt Lào 135km về phía Tây, cách bãi biển Sầm Sơn 16km về phía Đông.Thành phố Thanh Hoá là điểm giao thoa có ảnh hưởng và đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tới vùng Bắc Trung bộ, Nam Bắc bộ và tới nước bạn Lào.
Với diện tích tự nhiên 146,77 km² với 20 phường và 17 xã, dân số 406.550 người, Thành phố là một trong những đô thị có quy mô dân số và diện tích lớn nhất của khu vực phía bắc có kết cấu hạ tầng đô thị, Bưu chính viễn thông, giao thông, điện, cấp nước tương đối đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp.
Về di tích – danh thắng với 50 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đang được quy hoạch, tôn tạo và phát huy giá trị; nguồn nhân lực dồi dào, có kiến thức văn hoá và trình độ chuyên môn cao, thành phố Thanh Hoá có thể phát triển một nền kinh tế phong phú, đa dạng trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Thành phố Thanh Hóa là cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, là đô thị có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng, được định hướng để trở thành một trong những trung tâm tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe của vùng phía nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngày 8 tháng 4 năm 2014 bộ xây dựng đã thẩm định và kết luận đủ tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh với điểm số 84,18. Bộ Xây dựng đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I .Thành phố sẽ trở thành đô thị loại 1 vào tháng 4 năm 2014 năm mà thành phố kỉ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập thành phố, 10 năm đô thị loại 2.
Thành phố Thanh Hoá: Luôn rộng mở sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các điều kiện thuận lợi nhất, các thủ tục hành chính nhanh nhất.
Điều kiện tự nhiên
- Địa hình
Thành phố Thanh Hóa nằm hai bên bờ sông Mã hùng vĩ, phía bắc và đông bắc giáp huyện Hoằng Hóa, phía nam giáp huyện Quảng Xương, phía đông nam giáp thị xã Sầm Sơn, phía tây giáp huyện Đông Sơn, phía tây bắc giáp huyện Thiệu Hóa. Thị xã Thanh Hóa trở thành thành phố Thanh Hóa năm 1994. Thành phố Thanh Hóa hiện nay có diện tích tự nhiên 146,77 km² với 20 phường và 17 xã, dân số 435.298 người (2016). Thành phố là một trong những đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số,diện tích và có số đơn vị hành chính lớn nhất trong các đô thị trực thuộc tỉnh của Việt Nam.
Hệ thống đô thị Thanh Hóa hình thành từ lâu đời và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, thành phố Thanh Hóa là đô thị trẻ, nằm hai bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa.
Thành phố Thanh Hóa nằm ở trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, có nhiều núi đất, núi đá nằm rải rác với những cánh đồng rộng – hẹp, nông – sâu.
Núi:
Hàm Rồng: Chạy từ làng Dương Xá xã Thiệu Dương, men theo hữu ngạn sông Mã về đến chân cầu Hàm Rồng. Núi Hàm Rồng vừa dài vừa uốn lượn,đến khúc cuối thì phình to ra như một cái đầu có miệng khổng lồ, vì thế, dân gian đặt tên là núi Hàm Rồng. Núi Hàm Rồng nằm án ngữ cửa ngõ phía Bắc thành phố, theo tương truyền, núi Hàm Rồng có 99 đỉnh. Đặc điểm địa hình độc đáo đã vô tình tạo nên một cứ điểm phòng không vững chắc góp phần tạo ra huyền thoại về chiếc cầu Hàm Rồng không thể bị đánh sập trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Sông:
sông Mã: Theo tương truyền, nước sông chảy xiết và dũng mãnh như một con ngựa phi nước đại nên có tên là sông Mã. Con sông mở đầu bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng(‘Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi’) khi chảy vào địa phận thành phố trở nên hiền hòa, uốn lượn quanh núi Hàm Rồng trước khi đổ ra biển. Sông Mã đã được chọn làm trục xương sống để xây dựng một thành phố hiện đại bên bờ sông Mã trong tương lai.
Hệ thống sông đào bao gồm: sông Thọ Hạc, sông Cốc, sông Lai Thành, sông Nhà Lê, sông Kênh Bắc trước đây được xây dựng để cung cấp tưới tiêu, chống hạn, chống lụt cho nhân dân trên địa bàn thành phố. Cùng với những con sông đào này là những cây cầu mà người dân thành phố thường dùng tên chúng để chỉ những khu vực không mang địa danh hành chính chính thức như cầu Cốc, cầu Sâng, cầu Hạc…
- Khí hậu
Với vị trí trong vùng nhiệt đới gió mùa, trong một năm thành phố Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của hai mùa nóng và lạnh rõ rệt.
Mùa nóng: Bắt đầu từ cuối Xuân đến giữa mùa thu. Ở khoảng thời gian này trong năm, thời tiết nắng lắm, mưa nhiều, gây ra lụt lội và hạn hán. Những ngày có gió Lào, nhiệt độ còn được đẩy cao tới 39-40 độ C.
Mùa lạnh: Bắt đầu từ giữa mùa thu đến hết mùa xuân năm sau. Mùa này thường hay xuất hiện gió mùa Đông Bắc, lại mưa ít; đầu mùa thường hanh khô. Mùa lạnh nhiệt độ có thể xuống thấp tới 5 – 6 độ C.
Nhiệt độ trung bình cả năm từ 23,3 đến 23,6 độ C.
- Gió
-Do nắm trong vùng đồng bằng ven biển, thành phố Thanh Hóa hàng năm có 3 mùa gió:
Gió Bắc: (gió mùa Đông Bắc) Không khí lạnh từ vùng Siberia thổi vào, gây ra mùa đông lạnh và giá buốt.
Gió Tây Nam: (gió Lào) Từ vịnh Bengan qua Thái Lan rồi qua Lào, mang theo không khí nóng và khô rát vào những ngày hè. Cường độ gió Lào ở thành phố Thanh Hóa không mạnh bằng ở các tỉnh miền Trung khác.
Gió Đông Nam: (gió Nồm) Là gió từ biển vào mang theo khí hậu mát mẻ.
- Lượng mưa
Lượng mưa hàng năm trung bình đạt 1730 1980 mm.
Lịch sử hình thành và phát triển
Năm 1804, vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa nay là xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn), gọi là Hạc Thành.
Ngày 22 tháng 7 năm 1889, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa bao gồm 7 làng: Đức Thọ Vạn, Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phủ Cốc (thuộc tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn); Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (thuộc tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn).
(Chấn thành Thanh Hoa)
Ngày 29 tháng 5 năm 1929, người Pháp quyết định thành lập thành phố Thanh Hóa, là một thành phố cấp 3.
Sau Cách mạng tháng 8 thành công (1945), chuyển thành thị xã Thanh Hóa.
Sau năm 1954, thị xã Thanh Hóa có 5 phường: Ba Đình, Điện Biên, Lam Sơn, Ngọc Trạo, Phú Sơn và 1 xã Đông Thọ.
Ngày 16 tháng 3 năm 1963, xã Đông Giang (gồm 3 làng Nghĩa Phương, Đông Sơn và Nam Ngạn) thuộc huyện Đông Sơn và xóm Núi xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóasát nhập vào thị xã và chia thành 2 phường: Hàm Rồng và Nam Ngạn. Ngày 28 tháng 8 năm 1971, 3 xã: Đông Vệ, Đông Hương, Đông Hải thuộc huyện Đông Sơnvà xã Quảng Thắng thuộc huyện Quảng Xương sát nhập vào thị xã. Lần lượt năm1991 và 1993, thị xã Thanh Hóa được xếp vào đô thị loại 4 và loại 3. Từ đó thị xã Thanh Hóa có 7 phường: Ba Đình, Điện Biên, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn và 5 xã: Đông Hải, Đông Hương, Đông Thọ, Đông Vệ, Quảng Thắng.
Ðể phát huy và nâng cao vai trò, vị thế của trung tâm tỉnh lỵ của một tỉnh thuộc hàng lớn nhất cả nước, ngày 1 tháng 5 năm1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 37/CP nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa với 15 phường, xã, tổng diện tích tự nhiên 57,8 km2, dân số gần 20 vạn người. Ngày 28 tháng 6 năm 1994, Chính phủ ra Nghị định số 55-CP thành lập một số phường thuộc thành phố Thanh Hóa, chuyển 2 xã Đông Thọ và Đông Vệ thành 2 phường có tên tương ứng; chia xã Đông Hải thành xã Đông Hải và phường Đông Sơn; chia phường Nam Ngạn thành 2 phường: Nam Ngạn và Trường Thi.
Ngày 6 tháng 12 năm 1995, Chính phủ ra Nghị định số 85-CP điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Thanh Hóa, sáp nhập xã Đông Cương thuộc huyện Đông Sơn, các xã Quảng Thành, Quảng Hưng và một phần đất của xã Quảng Thịnh (sáp nhập vào phường Đông Vệ) thuộc huyện Quảng Xương vào thành phố, nâng tổng số phường xã lên 17 phường xã. Ngày 11 tháng 4 năm 2002, Chính phủ ra Nghị định 44/2002/NĐ-CP chia phường Phú Sơn thành 2 phường: Phú Sơn vàTân Sơn.
Ngày 29 tháng 4 năm 2004, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại 2.
Năm 2008, thành phố Thanh Hóa có diện tích 57,94 km² [10], với 12 phường: Ba Đình, Điện Biên, Đông Sơn, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Lam Sơn, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Tân Sơn, Trường Thi và 6 xã: Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Quảng Hưng, Quảng Thắng, Quảng Thành. Dân số năm 2009 là 207.698 người.
Ngày 29 tháng 2 năm 2012, Chính phủ ra Nghị quyết 05/NQ-CP điều chỉnh địa giới để mở rộng địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, sáp nhập 19 xã, thị trấn bao gồm: 22,53 km² và 28.127 người của huyện Hoằng Hoá (gồm các xã Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại và thị trấnTào Xuyên); 24,00 km² và 31.761 người của huyện Đông Sơn (gồm các xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinhvà thị trấn Nhồi); 14,97 km² và 26.098 người của huyện Thiệu Hoá (gồm các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân); 27,36 km² và 37.308 người của huyện Quảng Xương (gồm các xã Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm,Quảng Cát); chuyển thị trấn Tào Xuyên thành phường Tào Xuyên và chuyển thị trấn Nhồi thành phường An Hoạch.
Ngày 19 tháng 8 năm 2013, theo Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, quyết định thành lập các phường: Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng thuộc thành phố Thanh Hóa trên cơ sở các xã tương ứng.
Tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên đất đai:
Tổng diện tích tự nhiên là gần 60km2, định hướng qui hoạch mở rộng đến 2025 có diện tích 260km2.
- Tài nguyên rừng:
Thành phố có khu vườn thực vật Hàm Rồng 500ha, chủ yếu là Thông và các loại cây bản địa đặc trưng của xứ Thanh
- Tài nguyên biển:
Thành phố Thanh Hoá cách bờ biển Sầm Sơn khoảng 16km. Trong tương lai, khi liên kết đô thị Thanh Hoá – Sầm Sơn thì tài nguyên biển sẽ có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế của thành phố.
- Tài nguyên khoáng sản:
– Kim loại sắt: có mỏ sắt Dinh Xá có trữ lượng lớn.
– Các mỏ vật liệu xây dựng:
+ Về cát: có trữ lượng lớn trên sông Chu, sông Mã.
+ Về đá: Có đá vôi, đá xây dựng, đá ốp lát… trữ lượng khoảng 44.179.000m3
+ Sét gạch ngói: Trong địa bàn Thành phố Thanh Hoá có một số điểm với trữ lượng lớn như điểm Đồng Luộc (Đông Hương), điểm Bến phà II (Thiệu Dương), điểm Đông Ngạn (Đông Vinh).
+ Ngoài ra còn sét xi măng, đá phiến sét, bột két, vật liệu chịu lửa, các mỏ nước khoáng…
- Tài nguyên nước:
– Nguồn nước mặt:
Nguồn nước mặt của thành phố Thanh Hoá chủ yếu do hệ thống Sông Mã, sông Chu cung cấp.
– Nguồn nước ngầm:
Thành phố có tầng ngậm nước với trữ lượng khá lớn ở khu vực Hàm Rồng cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây Bắc.
Cơ sở hạ tầng
1. Hệ thống giao thông
– Về giao thông đối nội: Tổ chức theo dạng ô bàn cờ theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây gồm các tuyến tỉnh lộ, đường nội thành và ngoại thành.
– Về giao thông đối ngoại: Thành phố Thanh Hoá có Quốc lộ 1A đi qua và nằm trên tuyến đường sắt xuyên Việt. Ngoài ra còn một số tuyến quốc lộ chạy qua thành phố như Quốc lộ 47, 45.
+ Giao thông đường thuỷ
Hiện thành phố có cảng sông Lễ Môn, tàu 1.000 tấn có thể cập cảng; đang xúc tiến lập dự án xây dựng các bến cảng du lịch tại Hàm Rồng, Nam Ngạn…
+ Giao thông đường sắt
Thành phố có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, ga Thanh Hoá có năng lực vận chuyển 400 lượt hành khách, bốc dỡ 600 tấn hàng hoá/ngày đêm.
+ Đường hàng không:
Sân bay Sao Vàng cách thành phố 45km về phía Tây; đã có hướng quy hoạch sân bay dân dụng ở xã Quảng Lợi, cách thành phố 20km về phía Nam
- Hệ thống cấp điện:
Thành phố đã hoàn thành dự án cải tạo lưới điện có số vốn 236 tỷ đồng (vốn ODA) có hệ thống cao thế 110KV và trung thế 22KV với 160 trạm biến thế, đảm bảo cấp điện ổn định với công suất 64 MW/năm. 100% số phường, xã của thành phố đã có điện, tỷ lệ số hộ dùng điện đạt 100%.
- Hệ thống cấp thoát nước và thu gom chất thải rắn:
– Cấp nước:
Nước được cung cấp từ 2 nhà máy nước: Nhà máy nước Mật Sơn (phường Đông Vệ), công suất 30.000m3/ngày đêm và nhà máy nước Hàm Rồng, công suất thiết kế giai đoạn I là 20.000m3 nước/ngày đêm, giai đoạn II dự kiến đến năm 2020 là 35.000m3/ngày đêm.
– Thoát nước:
+ Các sông Thọ Hạc, kênh Vinh, sông Nhà Lê, sông Thống Nhất là trục tiêu chính của thành phố.
+ Hệ thống thoát nước mặt tự chảy là chính. Thành phố đang tích cực triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước đô thị bằng nguồn vốn ADB.
– Hệ thống thu gom chất thải rắn và vệ sinh môi trường:
Hiện nay, rác thải được thu gom đạt 70% nhu cầu của thành phố.
- Hệ thống bưu chính – viễn thông:
Tỷ lệ người sử dụng điện thoại bình quân là 37 máy/100 dân, số người sử dụng Internet là 64.568 người năm 2006.
- Hạ tầng kinh tế:
– Khu công nghiệp Lễ Môn:cách trung tâm thành phố 5km về phía Đông, trên tuyến Quốc lộ 47 nối liền thành phố với thị xã Sầm Sơn. Diện tích qui hoạch của khu công nghiệp là 87ha; tổng số vốn đầu tư hạ tầng trên 700 tỷ đồng và đã có 14 doanh nghiệp đi vào hoạt động với số vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
+ Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư: Các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch, các mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao bao gồm các nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giày da, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, lắp ráp cơ khí, điện tử, thiết bị viễn thông.
– Khu công nghiệp Đình Hương – Tây ga:
+ Khu công nghiệp Đình Hương – Tây ga có diện tích 150 ha nằm ở phía Bắc thành phố, cách trung tâm thành phố 2km, cách ga Thanh Hoá 2,5km; vốn đầu tư hạ tầng 135 tỷ đồng.
+ Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư: Sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, viễn thông, may mặc, bao bì, sản xuất đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống, thức ăn gia súc, gia cầm, các ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp và dịch vụ.
– Khu công nghiệp Hoàng Long: Khu công nghiệp này thuộc xã Hoằng Long. Hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và kinh doanh hiệu quả như: Công ty TNHH Hungfu Việt Nam(Doanh nghiệp Đài Loan)…. , Công ty nước mắm Thiên Hương… Thành phố còn dự định xây dựng Khu công nghệ cao ở phía Nam thuộc địa bàn xã Quảng Thịnh.
- Công trình công cộng đô thị:Thành phố có nhiều công trình công cộng thuộc các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và các công viên, vườn hoa, tượng đài tạo diện mạo kiến trúc mỹ quan đô thị.
Dân số, lao động và nguồn nhân lực
- Đến năm 2012: dân số của Thành phố khoảng 393.294 người, trong đó nội thành 259.631 người, ngoại thành 133.663 người.
- Đến năm 2015: dân số của Thành phố khoảng 550.000 người, trong đó nội thành khoảng 450.000 người, ngoại thành khoảng 100.000 người.
- Đến năm 2025: dân số của Thành phố khoảng 850.000 người, trong đó nội thành khoảng 500.000 người, ngoại thành khoảng 350.000 người.
- Đến năm 2035: dân số của Thành phố khoảng 1.000.000 người, trong đó nội thành khoảng 800.000 người, ngoại thành khoảng 200.000 người.
Di tích – Danh thắng
Động Long Quang (còn gọi là hang Mắt Rồng) nằm ngay trên núi Rồng, sát bờ Bắc sông Mã.
Đây là thắng cảnh đẹp của xứ Thanh, từ xa xưa đã là nơi du lãm, ngâm vịnh thơ ca của các bậc vua chúa, tao nhân mặc khách các triều đại như: Các vua nhà Lê, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh Động nằm ở giữa, thông suốt hai bên núi đầu Rồng, đúng vị trí đôi mắt của Rồng. Cửa động mở ra hai phía Đông Bắc – Tây Nam, con mắt phải nhìn về hướng Tây Nam, xưa kia là Hạc Thành, nay là thành phố Thanh Hoá; con mắt trái nhìn về hướng Đông Bắc, một vùng đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh. Hiện nay, trên trần hang, vách đá còn lưu giữ các bia ma nhai đề thơ của vua Lê Thánh Tông (năm 1478), vua Lê Hiến Tông (năm 1501). Thời kỳ chống Mỹ phá hoại cầu Hàm Rồng (1965 – 1972), hang là nơi làm việc của đồn Công an bảo vệ cầu. Khu vực di tích hang Mắt Rồng mới được cải tạo lối vào. Vị trí của di tích như sau: Phía Nam giáp đường giao thông, phía Tây và phía Bắc giáp núi đá, phía Đông giáp sông Mã và cầu Hàm Rồng.
– Tổng diện tích đất theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ của di tích hang Mắt Rồng là 0,1 ha. Diện tích đất nghiên cứu Quy hoạch dự kiến là: 0,1 ha.