Hàng đoàn xe đổ về Thuỷ Trầm mua cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo
Nuôi cá chép vàng trong hồ kính Nuôi cá chép vàng trong hồ kính Chất lượng cá của thôn Thủy Trầm có mẫu mã đẹp và đỏ hơn các nơi khác như Nam Định, Vĩnh Phúc…, nên không chỉ tiêu thụ nhanh mà giá bán bao giờ cũng cao hơn từ 20.000 đến 40.000/kg. Ảnh:…
Chất lượng cá của thôn Thủy Trầm có mẫu mã đẹp và đỏ hơn các nơi khác như Nam Định, Vĩnh Phúc…, nên không chỉ tiêu thụ nhanh mà giá bán bao giờ cũng cao hơn từ 20.000 đến 40.000/kg. Ảnh: Trần Quang
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là ngày Tết ông Công, ông Táo. Trước đây, người dân thường mua cá chép trắng để tiễn ông Táo về trời, những năm gần đây người dân lại chuộng cá chép đỏ.
Nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, người dân làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã phát triển nghề nuôi cá chép đỏ và xây dựng thành công thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng khắp cả nước.
Cá chép đỏ nuôi ở Thủy Trầm. Ảnh: Ngô Phong/Lao động
Theo tìm hiểu, để chuẩn bị số lượng cá lớn cho dịp cúng ông Táo, người dân xã Thủy Trầm đã phải chuẩn bị ao và ươm cá giống từ đầu năm. Giữa năm người dân cho cá bố mẹ đẻ giống cá chép đỏ và chính thức nuôi để phục vụ cho dịp cúng ông Táo từ khoảng tháng 4-6 âm lịch.
Trước ngày cúng ông Công ông Táo khoảng 1 tuần, thường có hàng đoàn xe tải, xe máy từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, miền Nam, miền Trung… đổ về chợ cá chép nằm ngay giữa làng để thu mua cá.
Người dân làng Thủy Trầm bắt cá chép đỏ xuất bán dịp cúng ông Công ông Táo.
Lúc này, cá chép đã được các hộ gia đình tát ao, chuyển vào bể xi măng, phân loại theo kích thước để tiện cho thương lái thu mua, đóng gói, vận chuyển đi các địa phương.
Ông Bùi Văn Chữ (sinh năm 1952), Giám đốc hợp tác xã sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết: “Hiện cả làng có khoảng 30ha diện tích của hơn 200 hộ nuôi với tổng sản lượng nửa năm lên đến 40 tấn. Hàng năm, giá cá chép đỏ dao động từ khoảng 90.000 – 120.000 đồng/kg, có năm cao nhất lên tới 170.000 -180.000 đồng/kg”.
Với giá này, các hộ nuôi cá nơi đây ít cũng thu về chục triệu đồng, nhiều thì lên tới cả trăm triệu đồng một vụ cá. Nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ cá chép đỏ, xây được nhà mới, tậu xe đẹp… Có lẽ với người dân Thủy Trầm cá chép đỏ không chỉ là một nghề mà còn là nguồn thu nhập chính giữa nơi núi đồi này.
Anh Hà Công Thắng ở khu 3, thôn Thủy Trầm và những chú cá chép đỏ chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Trần Quang
Cũng theo ông Bùi Đình Chữ, loại cá trung bình thường được người dân chọn mua là loại 50-60 con/kg. Năm nay số hộ nuôi cá giảm so với năm trước, lượng cá cung cấp vừa đủ, không dư nên giá cá năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Càng gần ngày 23 tháng Chạp, giá cá càng tăng và cá đẹp càng khan hiếm, người đến thu mua tấp nập nên các hộ nuôi cá rất phấn khởi.
Thị trường tiêu thụ cá chép đỏ Thủy Trầm chủ yếu là các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hà Nội…, nhưng từ năm ngoái, các thương lái từ Vinh, Thanh Hóa và các tỉnh miền trong cũng đã bắt đầu tới xã để thu mua cá chép đỏ.
Anh Trần Văn Tiếp (sinh năm 1983), đã có kinh nghiệm nuôi cá hơn 20 năm cho biết giống cá chép đỏ hầu như rất ít có mầm bệnh. Mỗi năm gia đình anh đầu tư khoảng 10 triệu đồng để nuôi cá từ tháng 5, tháng 6, khi bán thu lại được khoảng 40 -50 triệu.
Cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Ngô Phong/Lao động
Khi xuất bán cá phải đạt những tiêu chuẩn như khỏe mạnh, đẹp, có màu đỏ như màu cờ và không có đốm, thường sẽ rơi vào khoảng 50-60 con/kg. Tiêu chuẩn này cũng liên quan đến văn hóa tâm linh khi nhiều người quan niệm, cá chép càng đỏ sẽ càng giúp công danh thuận lợi, rực rỡ hơn.
“Cá chép đỏ rất mẫn cảm với nguồn nước sạch, hàng tháng phải tháo nước và tiêu nước ô nhiễm. Còn về khó khăn cũng không đáng kể, vì cá có khả năng chịu nhiệt độ thấp nên thời tiết rét đậm, rét hại có thể không bị ảnh hưởng” – ông Chữ cho biết.
Cá khi xuất bán phải khỏe mạnh, không có đốm. Ảnh: Ngô Phong
Người dân xã Thủy Trầm đã bắt đầu phong trào nuôi cá đỏ từ những năm 80, cho đến nay đã được hơn 40 năm. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và tạo điều kiện đầu tư các cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước.
Tháng 12. 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận cá chép đỏ của xã Thủy Trầm và bảo vệ thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm trên phạm vi toàn quốc.
Nông dân ở thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang tấp nập thu hoạch cá chép đỏ bán cho thương lái các tỉnh. Ảnh: Trần Quang
Một vài địa phương khác cũng nuôi được cá chép đỏ, nhưng cá chép đỏ Thủy Trầm được đông đảo người dân cả nước ưa chuộng nhất, do có có mầu sắc đỏ đậm, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.
Nhờ bán cá giống và cá trưởng thành, người dân thôn Thủy Trầm đã có nguồn thu nhập khá, nhiều gia đình đã xây được nhà to, mua sắm được đồ gia dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt.