Hành trình đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh trồng ở Tây Bắc
ngày 2 tháng 8, 2022 ngày 2 tháng 8, 2022 Hành trình đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh trồng ở Tây Bắc Lâu nay, “quốc bảo” sâm Ngọc Linh vốn được biết đến mọc tự nhiên và trồng trên núi Ngọc Linh trải dài qua các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai… Thế nên,…
Hành trình đưa “quốc bảo” sâm Ngọc Linh trồng ở Tây Bắc
Lâu nay, “quốc bảo” sâm Ngọc Linh vốn được biết đến mọc tự nhiên và trồng trên núi Ngọc Linh trải dài qua các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai… Thế nên, khi biết tin loài sâm quý này hiện được trồng và sinh trưởng tốt trên đỉnh núi mờ sương vùng Tây Bắc, tôi quyết định phải “mục sở thị”. Và khi có mặt tại vườn sâm ở độ cao 1.640m so với mặt nước biển, tôi vô cùng cảm phục người đã di thực thành công hàng vạn cây sâm quý về đây, mở ra một hướng làm giàu cho người dân vùng cao.
“Mục sở thị” vườn sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta
Trước khi liều lĩnh vượt qua quãng đường dốc thăm thẳm, nhiều đoạn trơn trượt do đang trong mùa mưa để lên đỉnh Sam Ta, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, tôi đã từng đọc, nghe rất nhiều thông tin về sâm Ngọc Linh. Đây là loại dược liệu quý vô cùng, được phát hiện từ những năm 1970 trên dãy Ngọc Linh thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum…
Các nghiên cứu đã công bố cho thấy, sâm Ngọc Linh có tác dụng rất tốt cho sức khỏe như: Chống ung thư, ngăn ngừa lão hóa, nâng cao hệ miễn dịch… Đặc biệt, loài sâm này chứa đến 52 hợp chất saponin, cao hơn nhiều so với sâm Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc… Trên thị trường hiện nay, sâm Ngọc Linh có giá hàng trăm triệu đồng/kg; thân, lá của loài cây này cũng có giá từ 10.000.000 – 15.000.000đ/kg; còn hạt có giá 115.000đ- 125.000đ/hạt; cây giống thì tùy theo độ tuổi, loại 1 năm tuổi có giá khoảng 350.000đ/cây…
Giá trị và kỳ vọng về loài sâm quý hiếm đặc biệt này đã được các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và chính quyền nhiều tỉnh nghiên cứu, đánh giá. Đặc biệt, tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1604/VPCP-NN về việc giao Bộ NN&PTNT chủ trì, xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”. Mục tiêu là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng thu nhập cho người dân.
Khi tôi có mặt trên đỉnh Sam Ta, trời đã vào chiều. Mặc dù đang là mùa hè, nhưng không khí mát lạnh. Từng đám mây trắng lững lờ tràn vào đám cây rừng rậm rạp, tạo nên cảnh sắc ẩn, hiện khá liêu trai. Khu nhà lưới trồng sâm được bao bọc, che chở bởi tán cây rừng. Khi đứng tại vườn sâm, thiết bị báo độ cao 1640m so với mực nước biển. Bước chân vào khu nhà lưới, tôi được tận mắt nhìn khu vườn sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi rất tươi tốt. Nhiều cây, có những chùm hoa xanh, chùm quả màu đỏ. Rồi tôi tiếp tục khám phá các khu nhà lưới trồng sâm các độ tuổi khác nhau và khu vườn ươm…
Trên đường từ đỉnh Sam Ta xuống núi, chúng tôi vô tình gặp ông Trưởng bản Sồng A Púa. Cậu thanh niên người Mông tên Sồng A Tráng làm công nhân trồng sâm là con trai ông. Nghe ông Púa trao đổi với ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Thành Long – Chủ nhân khu vườn sâm mới thấy ở họ có sự gắn bó, thân tình.
Ước mong biến “quốc bảo” thành cây làm giàu cho người dân vùng cao
Ngày 17/6/2022, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 339 cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamenisis Ha et Grushv) cho chủ bảo hộ là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long, tác giả giống cây trồng là ông Nguyễn Chí Long.
Để có được sự công nhận này, ông Long đã mất 15 năm và nhiều công sức để đưa cây sâm Ngọc Linh từ núi Ngọc Linh về trồng ở Sơn La. Kể về hành trình này, ông Long chốt lại bởi một từ “duyên”. Công việc trước đây của ông không liên quan đến trồng trọt, nhưng trước khi vào quân ngũ, ông vốn con nhà nông. Khi vào Quảng Nam, có dịp được tận mắt thấy người dân trồng trọt, thu hái, kinh doanh, sử dụng loại sâm quý này, ông bật ra ý nghĩ đem về trồng ở Sơn La.
Nhiều năm gắn bó với tỉnh miền núi này, ông biết trên những đỉnh núi cao, nơi có những cánh rừng già, thời tiết và độ cao khá tương đồng với núi Ngọc Linh. Nghĩ là làm, ông bỏ cả tỷ đồng mua cây giống đem về trồng trộm dưới tán những cánh rừng già, có mây mù bao phủ quanh năm, khí hậu mát mẻ ở huyện Thuận Châu, Sốp Cộp, sông Mã, Mộc Châu, Mai Sơn… Tuy sau hơn một năm, từ 1.000 cây giống, số cây còn sót lại chỉ vài chục nhưng ông lại rất vui. Bởi lẽ, những cây còn sót lại sinh trưởng tốt, giúp ông khẳng định rằng, cây sâm Ngọc Linh có thể trồng được trên đất rừng Tây Bắc.
Từ kết quả này, ông chọn tán rừng ở bản Sam Ta, bản Ít Hò, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn để trồng số lượng lớn. Lúc này, ông mua cây giống các độ tuổi về trồng, mua hạt về ươm và kết quả là cây giống thì sinh trưởng tốt, cho ra hoa, ra quả, ra hạt; hạt thì nảy mầm ươm thành cây… Tiếp đến, ông mạnh dạn xin chủ trương của các ngành chức năng tỉnh Sơn La về dự án đầu tư trồng cây dược liệu (cụ thể là cây sâm Ngọc Linh).
Cuối tháng 11/2019, UBND tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương theo Quyết định số 2467/QĐ-UBND ngày 2/10/2019 về đầu tư dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại bản Sam Ta, bản Ít Hò, xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn). Trao đổi với tôi, ông Phạm Hồng Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm huyện Mai Sơn cho biết, khu vực dự án trồng sâm Ngọc Linh nằm trong quy hoạch đất rừng sản xuất.
Mục tiêu dự án là trồng dược liệu dưới tán rừng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, không tác động đến rừng. Đây cũng là khu vực sinh sống của người dân tộc Mông. Việc cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt ở khu vực này cũng là cơ hội sinh kế cho người dân bản địa. Hiện nay, diện tích 3.000 – 4.000m2 trồng sâm của doanh nghiệp là đất mượn của người dân do các thủ tục thuê đất chưa hoàn thiện.
Nói về chất lượng sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La, ông cho chúng tôi xem Phiếu phân tích và kiểm nghiệm định tính saponin so sánh với sâm Việt Nam của Trung tâm Ứng dụng KHCN Dược liệu (Viện Dược liệu) cho thấy hợp chất chính đặc trưng cho Sâm Việt Nam.
Ông Long muốn được tặng bà con sống xung quanh đỉnh Sam Ta cây giống để trồng và cùng mở rộng vùng trồng, phát triển thành sản phẩm dược phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế, từ đó tạo ra sinh kế bền vững. Hiện nay, ông đã thu hái thân, lá, củ và chế biến thành sản phẩm cao sâm Ngọc Linh Sơn La. Ông đã dành tặng sản phẩm này cho bạn bè, người thân sử dụng và bước đầu có kết quả khả quan.
Khi mới gặp cháu Trần Khánh Hòa, 19 tuổi ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, nhìn sắc vóc của cháu, tôi không biết cháu vừa trải qua bạo bệnh. Hoà bị ung thư vòm hầu giai đoạn 4. Ban đầu khi điều trị hóa chất, xạ trị sức khỏe cháu rất yếu, sau này cháu sử dụng cao sâm Ngọc Linh thì thể chất được nâng lên, ngủ ngon. Một số người sử dụng sản phẩm này cũng cho biết, sức khoẻ được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, ông Long đang hoàn thiện quy trình sản xuất để cho ra đời sản phẩm hợp quy chuẩn để đưa ra thị trường.
Mặc dù trồng sâm trên đất đi mượn, nhưng ông Long rất hào hứng khi chia sẻ về việc sẽ mở rộng vùng trồng sâm và hỗ trợ người dân trong khu vực cùng tham gia. Tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam 2022 diễn ra tại Sơn La hồi tháng 5, cùng với hàng trăm nông sản của tỉnh nhà, sản phẩm được bào chế từ cây sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La được giới thiệu với khách tham quan. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, từ tâm huyết của chủ dự án, cây sâm Ngọc Linh sẽ được trồng dưới nhiều tán rừng già, nơi có độ che phủ cao và khí hậu phù hợp ở Sơn La.