Khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa vùng trung du và miền núi
QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI Ở LÂM ĐỒNG QUẢN LÝ VÀ VẬN HÀNH CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI Ở LÂM ĐỒNG Khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa vùng trung du và miền núi Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, trong 5 năm qua, giá…
Khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa vùng trung du và miền núi
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh tăng mạnh, từ 6.753 tỷ đồng năm 2016 lên 8.640 tỷ đồng vào năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 6%/năm.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, để đạt được kết quả này trước hết phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Trong 10 năm (2010 – 2020), tỉnh Lào Cai đã tập trung hỗ trợ phát triển, hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung, như dược liệu 3.584 ha; trong đó, cây dược liệu lâu năm đạt gần 3.000 ha gồm sa nhân tím, chè dây, tam thất, giảo cổ lam..; vùng chè trên 6.000 ha, sản lượng ước đạt gần 38.000 tấn; vùng chuối diện tích 3.300 ha, sản lượng ước đạt 68.500 tấn; vùng dứa diện tích 1.700 ha, sản lượng ước đạt 33.000 tấn.
Cùng với đó, những năm trở lại đây, chuỗi giá trị ngành hàng quế phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao đã đưa loại cây trồng này trở thành một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh.
Hiện Lào Cai đã xây dựng được vùng quế gần 47.000 ha, khai thác được 55.000 tấn cành, lá và 5.100 tấn vỏ quế mỗi năm. Ngoài các cây trồng hàng hóa chủ lực, Lào Cai cũng là địa phương có thế mạnh với những cây trồng đặc hữu, giàu tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, cây rau, cây hoa cắt cành, địa lan và nhiều vùng sản phẩm mang tính bản địa.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, bên cạnh các mô hình hộ chăn nuôi lợn địa phương nhỏ lẻ thì các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn cũng đã được hình thành, đặc biệt là ở các địa phương vùng thấp của tỉnh, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và một phần cung ứng ra các địa phương lân cận.
Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng về tổng thể trong giai đoạn vừa qua, người nông dân vẫn phải tập trung sản xuất an sinh, nên sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn còn chậm.
Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vẫn chủ yếu tập trung hỗ trợ trực tiếp, với phương thức “lấy người dân là trung tâm” khiến nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún, cào bằng, chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, nông nghiệp Lào Cai sẽ ngày càng khó khăn hơn khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, ra nhập thị trường nông sản thế giới.
Theo lộ trình của các hiệp định đã ký kết, đến năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc cắt giảm thuế với các khu vực kinh tế khác. Điều đó đồng nghĩa với việc nông sản trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nông sản của nhiều quốc gia vốn có giá thành rẻ, sản xuất theo tiêu chuẩn cao.
Bởi vậy trước đây, khi chưa hội nhập, sản xuất theo hướng hàng hóa là việc có thể làm hoặc không làm, nhưng tới nay thì không thể trì hoãn, bởi nếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an sinh thì nông sản của Lào Cai sẽ không còn cơ hội để hội nhập quốc tế.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, từ thực trạng và những yêu cầu của quy luật phát triển, tỉnh Lào Cai đã ban hành một Nghị quyết về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tập trung vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn để nâng cao giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, mức sống của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá gồm: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất.
Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.
Từ kinh nghiệm đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2020, tỉnh Lào Cai xác định hướng đi của nông nghiệp hàng hóa là “không dàn hàng ngang”, mà phải “đi sau về trước”. Với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông, lâm sản (đặc biệt chế biến chè, dứa, gỗ, tinh dầu quế) đã tạo đầu ra ổn định cho nông sản, giúp ổn định đời sống cho người nông dân.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 230 doanh nghiệp/hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp) với số vốn đăng ký đạt trên 7.500 tỷ đồng.
Đã có 50 dự án do các doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến nông – lâm sản, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5.315 tỷ đồng; tổng diện tích đất được sử dụng cho các dự án là trên 17.100 ha. Ngoài ra, còn có 6 dự án đã được chấp thuận nghiên cứu đầu tư với tổng kinh phí dự kiến trên 250 tỷ đồng.
Đến nay, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 16.000 lao động tại địa phương, nhiều dự án đầu tư đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước như chè hữu cơ Bản Liền, quế hữu cơ Nậm Đét, tinh dầu quế, gạo Séng cù, lê Tai Nung, cá hồi Sa Pa… qua đó đã góp phần xây dựng thương hiệu nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại địa phương./.