Khoa học và công nghệ góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới
Nông Nghiệp Nhật Bản Hiện Đại Đến Mức Nào? Nông Nghiệp Nhật Bản Hiện Đại Đến Mức Nào? Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới những năm qua với các đề án, dự án khoa học công nghệ, các mô hình ứng dụng…
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới những năm qua với các đề án, dự án khoa học công nghệ, các mô hình ứng dụng mới đã được triển khai cho thấy vai trò không thể thiếu của khoa học công nghệ.
Mô hình trồng rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh (Trực Ninh). |
Với quan điểm lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, văn hóa, xã hội và môi trường… tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố thực hiện nhiều mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cả trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình xây dựng nông thôn mới. Với các đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Nam Định”, “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định” đã đưa ra các giải pháp để huy động và phát triển các nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển các chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp là kinh tế hộ nông dân, trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp và sự liên kết giữa các chủ thể. “Sản phẩm” thực tế của nó là các “chuỗi” liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực như: chuỗi liên kết gạo sạch Toản Xuân; rau, quả an toàn Ngọc Anh (Trực Ninh); trứng gà Công Phượng (Hải Hậu); cá bống bớp Nghĩa Hưng; các mô hình hợp tác xã chuyên ngành, tổ hợp tác… Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương trực tiếp nghiên cứu và triển khai ứng dụng nhiều đề tài khoa học thiết thực cho nông dân như: nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ có năng suất, chất lượng cao; chuyển giao các công nghệ canh tác nhằm thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương; phát triển các công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Tiêu biểu là dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại tỉnh Nam Định” bằng công nghệ khí canh, đáp ứng 50% nhu cầu giống sạch bệnh cho sản xuất khoai tây thương phẩm của tỉnh. Ứng dụng công nghệ sinh học phục tráng thành công một số giống lúa đặc sản truyền thống như: Tám xoan (Hải Hậu), Dự hương Nam Mỹ (Nam Trực), Tám ấp bẹ Xuân Đài (Xuân Trường); chọn tạo, tuyển chọn các giống lúa mới như: M1-NĐ, CS6, Thiên trường 900. Một số công nghệ mới được ứng dụng thành công như: công nghệ sản xuất phân hữu cơ Nhật Bản, sử dụng cho sản xuất rau an toàn tại xã Yên Cường (Ý Yên); công nghệ trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính bằng kỹ thuật thủy canh hay canh tác trên giá thể không đất; áp dụng công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái trong chăn nuôi trang trại; hoàn thiện quy trình, công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng, cá chim biển vây vàng, cá sủ đất, cá lăng chấm… Những dự án ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai thời gian qua có tác động trực tiếp đến sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh với phương thức sản xuất tiên tiến, đảm bảo chất lượng sản phẩm và ổn định thị trường, chất lượng ngành kinh tế nông nghiệp đi vào chiều sâu, gia tăng giá trị.
Trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hoạt động khoa học và công nghệ tập trung thực hiện các dự án, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi sản xuất, đầu tư công nghệ để sản xuất các sản phẩm mới nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, khai thác hiệu quả mặt bằng và cơ sở vật chất hiện có. Nổi bật là việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong xử lý rác thải nông thôn để vừa thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường, vừa thiết thực cải thiện điều kiện sống cho người dân nông thôn với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đi đầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú (Xuân Trường) với dự án hoàn thiện lò đốt rác sinh hoạt LOSIHO với công suất 300-500kg/giờ; xử lý khí thải của lò đốt khi vận hành đảm bảo đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam. Mô hình công viên bãi rác của Công ty tại thị trấn Xuân Trường nhằm cải tạo khu xử lý rác thải tập trung đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành Trung ương khi về thăm đầu xuân Mậu Tuất 2018 đánh giá cao và được nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Mô hình đã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm đất đai, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã phát huy cao độ trí tuệ, kinh nghiệm tổng hợp của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, cung cấp công cụ đa năng, hữu hiệu cho các ngành, các địa phương thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân tỉnh ta.
Với những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, trong tháng 7 vừa qua, tỉnh ta đã được Trung ương lựa chọn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” nhằm đi sâu đánh giá bản chất những chuyển biến ở nông thôn; nhận diện những yếu tố tác động; phân tích các vấn đề vướng mắc của nông thôn mới; đúc kết các bài học thành công với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… Đây sẽ là cơ sở khoa học để Nam Định nói riêng, cả nước nói chung xác định trọng tâm cho các chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới tỉnh Nam Định” với mục tiêu đưa ra 2 sản phẩm chính là Cẩm nang duy trì và nâng cao xây dựng nông thôn mới; website quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới. Đây là kho tư liệu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tổng hợp bài học kinh nghiệm giúp các xã, huyện trong tỉnh xây dựng nông thôn mới, phục vụ công tác quản lý, điều hành quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động rà soát những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới để đề xuất đưa vào chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ địa phương; tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao đồng bộ ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh sản xuất từ mục tiêu số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh