Lai tạo cá Betta
Phân biệt betta trống và betta mái trong 1 phút Phân biệt betta trống và betta mái trong 1 phút Lai tạo cá Betta Tác giả Joep van Esch – nguồn http://www.bettaterritory.nl Trong bài viết này, tôi sẽ gắng cung cấp cho các bạn nhiều thông tin về vấn đề lai tạo cá betta. Nên…
Lai tạo cá Betta
Tác giả Joep van Esch – nguồn http://www.bettaterritory.nl
Trong bài viết này, tôi sẽ gắng cung cấp cho các bạn nhiều thông tin về vấn đề lai tạo cá betta. Nên nhớ là những gì mô tả ở đây là cách lai tạo của riêng tôi. Còn rất nhiều cách khác để lai tạo thành công loài cá xinh đẹp này, mỗi nhà lai tạo đều phát triển cách lai tạo riêng phù hợp với điều kiện của mình.
Trước khi bàn sâu về vấn đề lai tạo, tôi xin đưa ra một số lưu ý quan trọng để nếu bạn quyết định lai tạo cá betta, bạn có thể chăm sóc chúng theo cách tốt nhất có thể:
– Mỗi lứa cá có thể lên đến 300 con!
– Cá đực 2 tháng tuổi cần được tách đàn và nuôi riêng để phát triển tốt. Bạn cần chuẩn bị cho điều này!
– Cá con cần được nuôi dưỡng bằng những loại thức ăn tốt nhất.
– Chăm sóc và nuôi dưỡng bầy cá con cho đến khi chúng trưởng thành (cho ăn, thay nước…) cần rất nhiều sự kiên nhẫn và thời gian.
– Đảm bảo rằng bạn có đủ khả năng tài chính để đeo đuổi thú chơi này.
Chuẩn bị hồ
Để chuẩn bị hồ đẻ, bạn cần những thứ sau đây:
– Hồ kiếng (tối thiểu 10-12 lít)
– Đầu nhiệt (25 Watt)
– Lọ khử chlor (hiệu Aquasafe hay Easy Life)
– Rong
– Ống nhựa hay thủy tinh (để nhốt cách ly cá cái)
– Miếng mút xốp/ lá bàng/ ly nhựa cắt đôi (làm giá thể để cá đực nhả bọt)
– Mảnh chậu gốm trồng cây
Tôi thường lai tạo cá trong các hồ có kích thước 40 x 25 x 25 cm (25 lít) đáy để trống. Mực nước cao 10-15 cm, nhiệt độ được duy trì ở 27-30 độ C nhờ một đầu nhiệt 25 W.
Hồ được thả rong. Tôi thích sử dụng rong đuôi chồn (Ceratophyllum demersum). Rong dùng để hỗ trợ tổ bọt, nơi trú ẩn cho cá mái, làm trùng cỏ sinh sôi (cá bột ăn trùng cỏ khi mới nở). Hơn nữa, rong còn là nơi trú ẩn cho cá bột khi chúng bắt đầu bơi được. Tôi còn sử dụng mảnh chậu trồng cây làm nơi trú ẩn cho cá cái trong quá trình sinh sản.
1. Miếng mút xốp
2. Mảnh lá bàng khô
3. Ống nhựa
4. Mảnh chậu trồng cây
5. Rong
Để tổ bọt có chỗ bám vững chắc hơn, người ta có thể thả vào một miếng mút xốp nhỏ, một ly nhựa cắt đôi, lá bàng khô… Tôi thường cung cấp nhiều lựa chọn cho cá đực bằng cách thả một miếng mút xốp ở góc này và một mảnh lá bàng ở góc đối diện.
Lựa chọn cá bố mẹ
Khi lựa chọn cặp cá bố mẹ, chúng ta cần cân nhắc một số điểm sau đây:
– Bạn muốn bầy cá con trông như thế nào? Bạn lai tạo dựa trên màu sắc, vây hoặc cả hai hay chỉ để cho vui mà thôi? Một khi nhà lai tạo có mục đích cụ thể, họ cần phải tìm kiếm cá bố mẹ có các đặc điểm cần thiết. Cá giống thường không có đủ tất cả các đặc điểm mà bạn mong muốn nhưng tôi xem đây như là công việc lắp ghép thú vị khi mà bạn lai tạo để kết hợp các đặc điểm lại với nhau.
– Tuổi của cá: có một số ghi nhận rằng cá Betta sinh sản ở 3 tháng tuổi nhưng tôi thường đợi chúng đạt tối thiểu 4 tháng tuổi mới cho sinh sản.
Trước khi cho sinh sản, bạn phải đảm bảo cá của mình ở điều kiện tốt nhất. Để chuẩn bị, cá của bạn cần được nuôi 1-2 tuần bằng thức có chất lượng cao hay thức ăn tươi sống (tốt nhất là trùng đỏ). Khi bạn cho cá kè nhau mỗi ngày thì chúng sẽ trở nên quen thuộc với nhau và điều này cũng kích thích trứng của cá cái mau chín.
Làm thế nào để phát hiện cá đã sẵn sàng để sinh sản?
Cá cái: mạnh khỏe, linh hoạt, bụng căn trứng, trên thân xuất hiện những sọc đứng.
Chú ý: cá cái nền nhạt thường không có sọc đứng!
Cá đực: mạnh khỏe, linh hoạt, giương vây, màu sắc rực rỡ, nhả bọt.
Cho cá bắt cặp
Sau khi chọn được cặp cá giống và cả hai ở tình trong tình trạng sức khỏe tốt, chúng ta thả cặp cá vào hồ ép đẻ.
Tôi thường thả cá cái vào hồ trước để nó quen với môi trường và khám phá những nơi trú ẩn. Hai ngày sau tôi cách ly cá cái (bằng chai nhựa cắt hai đầu) và thả cá đực vào. Cả hai sẽ bắt đầu phùng mang, giương vi lẫn nhau. Sự xuất hiện sọc dọc trên thân cá cái là dấu hiệu cho thấy nó chuẩn bị sinh sản (nên nhớ cá cái nền nhạt sẽ không có các sọc này). Duy trì hiện trạng 1-2 ngày để cá đực có thời gian xây tổ bọt. Cá cái bị kích thích tạo ra nhiều trứng.
Cặp Betta đang vờn nhau.
Tôi chỉ cho cá ăn khi cá cái vẫn còn được cách ly. Cá cái luôn ăn trong khi tôi thấy cá đực thường ngưng ăn trong quá trình nhả bọt.
Ổ bọt nhìn từ bên trên.
Ổ bọt nhìn từ bên dưới.
Tôi thường thả cá cái ra trước khi tắt đèn khoảng 5-10 phút. Tôi luôn mong mốn cặp cá của mình phối hợp với nhau ngay sau khi thả cá cái. Nếu cá cái không phản ứng và bỏ chạy thì nên vớt nó ra và chờ vài ngày trước khi thử lại.
Sau khi cá cái được thả ra, cả hai sẽ vờn nhau khắp hồ. Nếu cá cái bị cắn vài miếng thì cũng là điều rất bình thường. Sau một lúc, cá cái sẽ quan sát cá đực nhả bọt ở một khoảng cách an toàn. Khi cá đực đã sẵn sàng, nó sẽ nằm ngay dưới tổ bọt và hiếm khi đuổi theo cá cái. Nó cố gắng dẫn dụ cá cái tiến đến ổ bọt một cách ít hung dữ hơn bằng động tác giương vây.
Khi cá cái sẵn sàng đẻ, nó sẽ tiến đến tổ bọt với cái đầu chúc xuống. Chúng bắt đầu thúc vào hông nhau. Ngay sau đó cá đực bắt đầu cuộn lấy cá cái. Đôi khi phải mất thời gian trước khi cá đực làm được như vậy, nhất là đối với những con thiếu kinh nghiệm.
Khi cả hai cuốn lấy nhau, trứng bị ép ra từ bụng cá cái. Ngay lập tức cá đực phóng tinh để thụ tinh cho trứng. Trứng rớt xuống và cả hai cá đực lẫn cá cái bơi xuống ngậm lấy trứng và nhả lên tổ bọt. Mỗi lần đẻ thường diễn ra từ 1 giờ rưỡi đến 3 giờ.
Khi cá đực cảm thấy đã đủ nó sẽ đuổi cá cái đi và cá cái sẽ trốn vào đám rong. Đây là lúc để vớt cá cái ra và đem đi dưỡng cho lần sinh sản kế tiếp. Cá đực chăm sóc tổ một mình. Lúc này tôi thường nhỏ vài giọt Liquifry no.1 để làm lượng trùng cỏ trong hồ sinh sôi. Từ bây giờ, cần để đèn 24/24 cho đến khi cá con có thể bơi và cá đực được bắt ra.
Khi bạn theo dõi kỹ lưỡng quá trình sinh sản, bạn hiếm khi thấy cá cái bị thương nặng. Trong hầu hết trường hợp, cá cái rời hồ đẻ ở tình trạng sức khỏe tốt. Nếu cá cái bị thương nặng, chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp nó phục hồi sau vài tuần.
Trứng nằm trên ổ bọt.
Nuôi dưỡng cá con
Ở nhiệt độ từ 28-30 độ C, trứng được thụ tinh trong tổ bọt sẽ bắt đầu nở sau từ 25-30 giờ. Sau khi nở, sự hiện diện của cá con có thể dễ dàng được nhận thấy bằng cách quan sát bên dưới tổ bọt. Một nhúm những cái đuôi nhỏ lòi ra từ ổ bọt bởi vì cá con vẫn mang noãn hoàng và các vây bơi còn chưa phát triển đầy đủ.
Cá con một ngày tuổi treo mình trên ổ bọt.
Mỗi khi có con nào rơi khỏi tổ, cá đực nhẹ nhàng ngậm nó vào miệng và nhả lại lên tổ bọt. Đây có vẻ như là một công việc không có hồi kết…
Cá đực đang chăm sóc cá con.
Sau khoảng hai ngày túi noãn hoàng ở cá con được tiêu thụ hết và cá con bắt đầu bơi trên mặt nước. Cá đực cố hết sức đem cá con trở lại tổ. Lúc này, cá đực có thể được bắt ra để dưỡng sức cho lần sinh sản kế tiếp. Bầy cá con có thể tự kiếm ăn vì trong nước đã có sẵn trùng cỏ. Một ngày sau khi cá con có thể bơi lội tự do, tôi bắt đầu cho chúng ăn ấu trùng artemia 2-3 lần/ngày. Sau khoảng một tuần, tôi cẩn thận hút chất cặn trong hồ ép bằng ống hút đầu cột vải thưa để tránh hút phải cá con. Nước sạch châm vào hồ phải có cùng nhiệt độ.
Cá bột bắt đầu tự bơi được.
Cá 2 tuần tuổi.
Cá 2 tuần rưỡi tuổi.
Sau khoảng từ 3-4 tuần tuổi, bên cạnh artemia tôi bắt đầu cho cá ăn trùn chỉ. Thay từ 10-15% nước hồ sau mỗi hai ngày. Từ 4-6 tuần tuổi, cá bắt đầu lên màu (với những màu nhạt như màu vàng thì phải đợi lâu hơn).
Cá 3 tuần rưỡi tuổi.
Cá 5 tuần tuổi.
Ở 6-8 tuần tuổi, bên cạnh trùn chỉ, tôi bắt đầu cho cá ăn trùng đỏ tươi và đông lạnh. Lượng nước mỗi lần thay tăng lên một chút, từ 20-30% mỗi hai ngày. Ở độ tuổi này chúng ta có thể thấy những con đực đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong bầy. Chúng thường có vây lớn hơn, gây gổ với những con cá đực khác và phùng mang. Lúc này tôi thường bắt chúng ra nuôi riêng.
Cá HMPK xanh metallic 7 tuần tuổi.
Cá HMPK xanh dương mask 9 tuần tuổi.
Cá HMPK xanh thép metallic 11 tuần tuổi.
Cá HMPK xanh dương mask 22 tuần tuổi.