Làm giàu từ nuôi gà thịt
Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật (KHKT) thay vì chăn nuôi truyền thống. Từ đó, góp phần…
Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật (KHKT) thay vì chăn nuôi truyền thống. Từ đó, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao, ổn định đời sống. Điển hình là mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng bán tự động của gia đình ông Lương Ngọc Tuấn – thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến.
Trại gà gia đình ông Tuấn được nuôi bằng hệ thống máng tự động
Bén duyên với nghề nuôi gà từ năm 2013, ban đầu gia đình ông chỉ nuôi nhỏ lẻ, đến năm 2016 khi hệ thống trại gia công phát triển, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống trại khép kín 600 m2 với hình thức nuôi gia công cho công ty New Hope. Mô hình nuôi gà theo hình thức bán tự động của gia đình ông Tuấn được xây dựng khép kín nhưng vẫn đảm bảo thoáng mát nhờ hệ thống quạt thông gió, làm mát, máng ăn, máng uống tự động… với chi phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Tuấn chia sẻ, mô hình nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra, người nuôi không phải lo lắng về giá cả, dịch bệnh… Bởi từ đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật và có bác sĩ thú y theo dõi, tư vấn trong quá trình nuôi.
Được xem là một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu ở địa phương, ông Tuấn đặc biệt chú trọng vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn chuồng trại để nâng cao sức khỏe đàn vật nuôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn cho biết: “Trong chăn nuôi, công tác vệ sinh, an toàn dịch bệnh rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Vì thế, gia đình tôi luôn tuân thủ công tác vệ sinh chuồng trại, sát trùng thường xuyên các khu vực xung quanh. Các phương tiện và công nhân đều phải được khử khuẩn bằng cách đi qua hố vôi sát khuẩn trước khi vào khu vực chăn nuôi, sau mỗi lứa gà xuất bán, chuồng trại sẽ được làm công tác phòng dịch, sát khuẩn trước khi nhập nuôi lứa tiếp theo”.
Được biết, trước kia gia đình ông Tuấn vốn nuôi gà lông màu với hình thức chăn nuôi thông thường, chi phí thức ăn và công lao động cao. Được sự tư vấn của cán bộ Khuyến nông Trạm Khuyến nông Tiên Lãng, để kiểm soát việc thức ăn, nước uống rơi vãi vừa gây lãng phí, vừa mất vệ sinh, tốn công chăm sóc, gia đình ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư lắp hệ thống máng ăn, uống tự động cho đàn gà. Thay vì phải đi đổ thức ăn, nước uống cho từng máng nhỏ thì giờ đây công nhân chỉ việc đổ thức ăn, nước uống vào máng tổng và với một thao tác đóng cầu dao điện là ông Tuấn đã cho cả đàn gà của mình ăn uống xong. Cũng vì không phải đi đổ thức ăn, nước uống cho từng máng nên không gây nên sự xáo trộn, hoảng loạn cho đàn gà, trái lại đàn gà nghe tiếng thức ăn rơi vào máng là túm tụm lại quanh máng mổ ăn, trông như hàng trăm bông hoa cùng bung nở.
Với số lượng đàn vật nuôi lên 6000 con/lứa, gia đình ông tạo mô hình chăn nuôi khép kín; đặc biệt chú trọng áp dụng phương pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học giúp giảm mùi hôi và khí độc, tạo môi trường trong lành và giảm thiểu tối đa dịch bệnh. Cách làm này đã giảm sức lao động đáng kể của công nhân trong quá trình vệ sinh chuồng trại.
Nhờ tối thiểu hóa chi phí trong chăn nuôi mà mô hình nuôi gà thịt của ông Tuấn mang lại hiệu quả về kinh tế hơn so với mô hình chăn nuôi truyền thống. Hiện nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều biến động nhưng mô hình nuôi gà thịt của gia đình ông vẫn phát triển ổn định, mang lại thu nhập cao. Bình quân 6000 gà/lứa với thời gian nuôi từ 100- 105 ngày, khi xuất bán sẽ thu về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng lợi nhuận.
Như vậy, với mô hình nuôi gà thịt bán tự động theo hình thức gia công là sự kết hợp bền vững giữa người nuôi và doanh nghiệp trong mô hình liên kết chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra như trên được xem là mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, mở ra một hướng làm ăn mới cho nông dân.
KS. Nguyễn Thị Mai- Trạm Khuyến nông Tiên Lãng