Lão nông tiên phong nuôi cá trong “vèo”, lãi hơn 300 triệu đồng/năm
AO CÁ ĐỢI CHỜ – HIỀN NGÂN (St: Hoàng Thắng) I Official MV AO CÁ ĐỢI CHỜ – HIỀN NGÂN (St: Hoàng Thắng) I Official MV Mạnh dạn chuyển đổi mô hình Ông Mai Văn Kiệp (SN 1954) là người tiên phong nuôi cá trong diều lưới (vèo), nhà ở ấp 5, xã Đa Phước,…
Mạnh dạn chuyển đổi mô hình
Ông Mai Văn Kiệp (SN 1954) là người tiên phong nuôi cá trong diều lưới (vèo), nhà ở ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Ông Kiệp kể: “Ngày xưa vùng này nghèo lắm, người dân chỉ biết trồng lúa, bắt cá dưới sông, rạch đem bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Lúc lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ có 1 công (1.000m2) đất trồng lúa, không có nhà nên phải ở đậu nhà mẹ vợ. Đầu năm 2000, anh vợ ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) lên thăm kể chuyện vừa trúng đậm vụ cá trê, lời mấy chục triệu đồng, số tiền này thời đó lớn lắm. Sau khi nghe anh vợ kể, vợ chồng tôi quyết định dùng 1.000m2 đất trồng lúa của mình rồi mượn thêm ít tiền của mẹ vợ để bù vào đổi miếng đất ruộng diện tích 2.277m2 ở gần nhà tính chuyện nuôi cá”.
Dịp may đến với ông Kiệp khi được Hội Nông dân xã đưa về Đồng Tháp tìm hiểu mô hình nuôi cá. Sau khi về địa phương, ông đã phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cùng chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá. Nhiều người nghe xong không dám bỏ cây lúa để nuôi cá vì không có kinh nghiệm, không có vốn và vì cây lúa đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.
“Năm 2001, vợ chồng tôi đào 2 cái ao (diện tích 1.000m2/ao) trên diện tích 2.277m2 đất lúa để nuôi cá trê. Năm này tôi nuôi 2 vụ trúng đậm, thu hoạch từ 5 – 7 tấn cá/ao/vụ, sản lượng của cả năm khoảng 25 tấn. Tiếp tục nuôi cá và tích lũy đến năm 2003, vợ chồng tôi chuyển hẳn về đây xây nhà để ở rồi trả nợ cho mẹ vợ. Vài năm đầu sản lượng ổn định từ 24 – 26 tấn cá/năm, nhưng dần dần giảm xuống. Nên năm 2010, vợ chồng tôi chuyển sang nuôi cá lóc vì có giá, dễ nuôi, sản lượng hàng năm ngang ngửa với cá trê” – ông Kiệp kể tiếp.
Theo ông Kiệp, để nuôi cá thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Nguồn nước, thổ nhưỡng, kỹ thuật đào ao, thức ăn cho cá (cám công nghiệp, đầu cá mua ngoài chợ), phải biết thuốc trị bệnh cá, thời tiết, giá cả và thị trường tiêu thụ. Vụ đầu tiên nuôi cá lóc, do chưa hiểu về loại cá này nên ông Kiệp cũng gặp “trục trặc”, thả 50.000 con giống nhưng cuối cùng chỉ còn 99 con còn sống. Sau đó ông Kiệp phải nhờ kỹ sư khuyến nông hướng dẫn thuốc trị, lúc đó cá mới không chết.
Góp phần cùng chính quyền xây dựng xã nông thôn mới
Khi thấy vợ chồng ông Kiệp khá lên, nhiều hộ dân gần đó lần lượt bỏ lúa để nuôi cá. Đến năm 2013, tại xã có 13 hộ nuôi cá lóc, vào thời điểm này xã Đa Phước đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, khi Hội Nông dân xã gợi ý, ông Kiệp đứng ra vận động những hộ nuôi cá vào tổ hợp tác chăn nuôi để góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức sản xuất trong 19 tiêu chí, đưa xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Một thời gian sau, khi đô thị hóa phát triển chóng mặt, đất lên giá khiến nhiều hộ lấp ao bán đất, tổ hợp tác tan rã và chỉ còn 3 hộ nuôi, dẫn đến không đủ sản lượng cá lóc cho thương lái thu mua nên ông Kiệp bỏ cá lóc chuyển sang nuôi cá tra và cá trê.
Do diện tích mặt nước không đủ lớn, nên ông Kiệp căng lưới ngoài bờ ao, ở giữa mỗi ao ông dùng lưới khoanh lại làm 3 “vèo” (lưới được khoanh thành ô) diện tích 4m x 10m/vèo và nuôi cá trê, bên ngoài “vèo” thả cá tra nhằm tăng thêm doanh thu mà không bị gãy nguồn cung cho thương lái.
Mỗi vụ cá, ông Kiệp thả khoảng 120kg cá trê giống kích cỡ 10 – 12cm/con (khoảng 60.000 đồng/kg cá giống) vào 6 “vèo” của 2 ao. Mỗi “vèo” ông Kiệp lại ngăn đôi để sau một thời gian những con cá lớn sẽ “trụ” lại 1 ô, cá nhỏ trôi sang ô còn lại, giữa 2 kích cỡ cá không thể tranh ăn, và ông Kiệp thu hoạch bán theo từng lứa từ 1 – 1,7 tấn, theo kiểu cuốn chiếu.
Đối với cá tra, ông Kiệp thả 30.000 – 32.000 con giống kích cỡ 15 – 17cm (khoảng 600kg cá giống/vụ) bên ngoài “vèo” của 2 ao, nuôi trong vòng 2 tháng cá dài khoảng 20cm/con, trong vòng 10 tháng có trọng lượng từ 800gram đến 1,3kg/con, lúc này xuất bán.
Về thức ăn cho cá, theo ông Kiệp lúc đầu cho ăn dặm bằng cám viên công nghiệp, khoảng 30 – 45 ngày chuyển sang cho ăn phụ phẩm là đầu và ruột cá vì giá rẻ, có nhiều đạm. Hàng ngày từ 9 giờ sáng ông Kiệp chạy xe máy ra chợ Bình Đông và những chợ gần đó mua từ 150 – 200kg đầu cá của những người bán cá trong chợ, với giá từ 500 – 1.000 đồng/kg. Sau đó ông chở về nhà đổ phụ phẩm cá vào máy xay nhuyễn rồi ném cho cá dưới ao ăn mỗi ngày 1 lần.
Thoát nghèo bền vững, nuôi 2 con vào đại học
Với tư duy dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tiên phong nuôi cá thịt trong “vèo”, nuôi thêm cá tra ngoài “vèo”, mỗi năm, 2 ao cá diện tích 2.000m2 mặt nước của ông Kiệp thu hoạch từ 10 – 12 tấn cá trê, giá khoảng 17 triệu đồng/tấn; cá tra thu khoảng 14 tấn, giá bình quân 19 triệu đồng/tấn, thương lái vào mua tận ao và họ tự thuê người xúc cá, vận chuyển.
Sau khi trừ hết chi phí: Con giống, thức ăn cho cá, công nuôi…, vợ chồng ông Kiệp vẫn lời hơn 300 triệu đồng/năm, giúp gia đình ông không những thoát nghèo bền vững mà còn dư sức nuôi 2 người con học đại học.
Sở hữu hơn 2.000m2 mặt nước cải tạo từ đất trồng lúa tại khu vực đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhiều hộ nuôi cá lấp ao bán đất lấy tiền gửi ngân hàng sống đời an nhàn, nhưng ông Kiệp vẫn nuôi cá. Khi được hỏi sao ông không làm như người ta? Ông Kiệp cho biết, nhờ nuôi cá giúp kinh tế gia đình ông khá giả, 2 con của ông vào đại học, hơn nữa ông vẫn tiếp tục muốn “làm bạn” với cá. Vì mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, cũng không kém nếu so với nhiều người.
Khi được hỏi về trường hợp lão nông Mai Văn Kiệp, ông Nguyễn Hữu Diền – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) nói: “Ông Kiệp không những là người tiên phong tại địa phương chuyển đổi trồng lúa sang nuôi cá, mà ông còn tiên phong nuôi cá trong “vèo” nhằm tận dụng tất cả diện tích mặt nước nhỏ hẹp của gia đình.
Năm 2013, ông Kiệp tham mưu thành lập tổ hợp tác nuôi cá với gần 20 hộ, góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 để xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau này số hộ nuôi cá tại xã giảm, tổ hợp tác cũng giải thể. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã vẫn có hơn 70 hộ đang nuôi tôm nước ngọt trên diện tích hơn 30ha, vì địa thế của xã được bao quanh bởi sông Cần Giuộc. Mô hình nuôi tôm rất phát triển nhờ một người đưa kỹ thuật về hướng dẫn những hộ xung quanh nhà người này ở ấp 3 cùng nuôi. Cuộc sống của tất cả những hộ nuôi tôm hiện nay rất khá giả”.
Cũng theo ông Diền, nhờ những thành tích trong chăn nuôi, sản xuất, ông Kiệp được Hội Nông dân các cấp tặng nhiều giấy khen. UBND TP Hồ Chí Minh cũng tặng bằng khen, và mới đây ông Mai Văn Kiệp được Hội Nông dân TP bình bầu gương “Nông dân tiêu biểu” năm 2022.