Lợi ích của kiến vàng với vườn cây ăn trái
Nuôi kiến vàng – Đàn kiến vào ban đêm ( phần 2) Nuôi kiến vàng – Đàn kiến vào ban đêm ( phần 2) Kiến vàng được xem là loài thiên địch lợi hại. Các bệnh thường gặp trên cây cam quít như: Greening, sâu vẽ bùa, bệnh do các loài dịch hại bọ xít,…
Kiến vàng được xem là loài thiên địch lợi hại. Các bệnh thường gặp trên cây cam quít như: Greening, sâu vẽ bùa, bệnh do các loài dịch hại bọ xít, nhện… đều giảm nhiều khi nuôi kiến vàng trong vườn.
Kiến vàng từ lâu đã được xếp vào hàng loài thiên địch lợi hại của ruộng đồng, vườn tược. Cứ xét qua tác dụng diệt sâu bọ có hại của kiến vàng cũng đủ nhận ra điều này. Ở Trung Quốc, vườn cam có kiến vàng có số trái rụng do bọ xít xanh rất ít, còn ít hơn khi dùng thuốc hóa học. Ở châu Phi, kiến vàng không cho hai loại bọ xít hại dừa trên các vườn dừa phát triển. Nhiều nước, cây ca cao có kiến vàng sẽ không bị chuột phá. Trên xoài sâu ăn lá đừng hòng còn sống sót khi có kiến vàng cư trú. Đây là những nghiên cứu nghiêm túc cũng như xét qua thực tế tại nông thôn nhiều nước và được các nhà khoa học công nhận.
Còn ở nước ta, từ lâu bà con nông dân ở vùng ĐBSCL có tập quán đem tổ kiến vàng về buộc trên cây trong vườn cam quít, làm cầu cho kiến leo từ cây nọ sang cây kia. Đơn giản vì các vườn cam quít có mặt kiến vàng không còn bóng dáng lũ kiến hôi (kiến đen-làm cam quít sượng và mất nước). Một loại bệnh trên cây cam quít là greening, đặc biệt thường gặp trên các vườn cam, nhất là các vườn cam mật. Greening do rầy chổng cánh gây ra. Cây cam khi nhiễm bệnh có lá gân vàng, cho trái nhỏ, phát triển không bình thường (bị vẹo), nhiều hạt lép, trái màu xanh. Khi kiến vàng xuất hiện sẽ tiêu diệt rầy chổng cánh, nên vườn cam quít có kiến vàng sẽ không bị bệnh greening, đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Cây ăn quả miền Nam.
Khi bà con nông dân sử dụng không đúng thuốc thì sâu vẽ bùa sẽ phát triển rất mạnh. Sâu do bướm đẻ trứng vào ngọn non, nở ra ăn lá non chui vào lớp dưới biểu bì lá, ăn tới đâu làm biểu bì phồng tới đó và có màu trắng bạc. Lá cây bệnh bị đục quăn lại, có những đường ngoằn ngoèo dị dạng nên gọi là vẽ bùa. Kiến vàng cũng trị được loại này. Nhiều con ong, ruồi ký sinh trên mình sâu vẽ bùa thường sinh sôi nảy nở mạnh mẽ nếu có kiến vàng và thế là chúng áp đảo tiêu diệt luôn sâu vẽ bùa. Một loài dịch hại đáng sợ nữa ở vườn cây ăn trái Nam bộ là nhện, nhất là nhện vàng. Nhưng nhiều nhà vườn cam mật ở Cần Thơ có nuôi kiến vàng trong vườn thì nhện có mặt rất ít .
Vì thế khi trồng cam quít bà con nên nuôi thêm kiến vàng hay để kiến có sẵn trong môi trường phát triển tự nhiên, chỉ cần chút ít công chăm sóc. Về điều kiện ĐBSCL thuận lợi cho kiến vàng phát triển và sống sót, dù môi trường có thuốc BVTV. Để định cư kiến, tốt nhất là du nhập tổ kiến vàng từ tháng 6-10 dương lịch vì giai đoạn này hình thành kiến chúa, kiến đực và phân đàn mạnh. Chỉ cần lấy hai tổ kiến ngẫu nhiên (được gấp lại bởi hai lớp lá) đưa vào vườn chưa có kiến, cung cấp thức ăn mấy ngày đầu và cần loại trừ kiến hôi trong vườn.
Đặc biệt kiến vàng rất ưa các vườn cam quít có trồng xen xoài, cóc, mãng cầu hay bình bát, sắn. Các vườn cây loại này có kiến vàng đảm bảo trái nhiều nước, vỏ bóng đẹp mà không cần dùng tới thuốc trừ sâu.
Cần bảo vệ kiến vàng bằng cách không phun thuốc trừ sâu cực độc, chỉ phun thuốc vào buổi chiều mát khi kiến vàng đã về tổ, tránh phun vào các tổ kiến, không phun vào các cây tạp ven đường và không phun nhiều ngày liên tiếp. Tránh dùng thuốc có gốc cúc tổng hợp. Kinh nghiệm nhiều nông dân cho thấy khi vườn có đủ mật số kiến vàng sẽ đỡ được 50-100% số lần phun thuốc.