Mỹ trong đánh giá cây cảnh
20 cây cảnh bonsai đẹp nhất thế giới #thegioibonsai #bonsai 20 cây cảnh bonsai đẹp nhất thế giới #thegioibonsai #bonsai Cổ, Kỳ, Mỹ, Văn – Trong cây cảnh nghệ thuật 25/09/2020 Nghệ thuật cây cảnh ở Việt Nam đã có từ thời rất xa xưa. Chăm sóc cây cảnh có thể xem như một nghề…
Cổ, Kỳ, Mỹ, Văn – Trong cây cảnh nghệ thuật
25/09/2020
Nghệ thuật cây cảnh ở Việt Nam đã có từ thời rất xa xưa. Chăm sóc cây cảnh có thể xem như một nghề truyền thống, vừa mang triết lý nhân văn, vừa có hiệu quả kinh tế.
Nghệ thuật cây cảnh ở Việt Nam đã có từ thời rất xa xưa. Chăm sóc cây cảnh có thể xem như một nghề truyền thống, vừa mang triết lý nhân văn, vừa có hiệu quả kinh tế.
Chỉ một chậu cây nho nhỏ, nhưng thu vào đó là cả vũ trụ bao la. Cây cảnh liên quan đến nhiều hình thái nghệ thuật khác nhau. Một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được xem như một bài thơ, một bản nhạc không lời, một bức tranh lập thể, một trang văn… Đó là tính đặc hữu của cây cảnh nghệ thuật mà khó có bộ môn nghệ thuật nào khác có được. Ngày xuân xin giới thiệu một số dáng cây cơ bản và những tiêu chí đánh giá cây cảnh nghệ thuật.
Bốn dáng cây cảnh cổ điển
- Dáng trực là cây nhìn tổng thể từ gốc lên ngọn nói chung là thẳng đứng, nhưng không phải thẳng tuồn tuột mà có nhiều khúc khuỷu thiên hình vạn trạng, rất đẹp mắt. Cây dáng này là thể hiện con người anh hùng bất khuất, tuy có quanh co khúc chiết nhất thời, nhưng nói chung là thẳng đứng, hiên ngang vươn lên.
- Trong tự nhiên, cây bị thiên tai, địch hoạ làm cây đổ nghiêng mà vẫn hiên ngang tồn tại, thể hiện con người có sức sống mãnh liệt, có tinh thần đấu tranh để tồn tại – đó là cây dáng xiên.
- Dáng hoành là cây có dáng nằm ngang mặt chậu; bởi trong tự nhiên có thể do lớp đất màu mỏng, sỏi đá nhiều nên rễ cây ăn nông, bị gió lay bật gốc nằm ngang trên mặt đất hoặc nằm ngang trên vách núi đá, nhưng bộ rễ vẫn bám chặt vào đất mà sống. Cây dáng hoành thể hiện con người có ý chí và nghị lực phi thường, thích nghi hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống.
- Cây dáng huyền là cây có gốc nằm trong chậu nhưng thân trườn qua mép chậu để đổ xuống phía dưới mà sống. Trong tự nhiên đây là cây có cuộc sống nghiệt ngã nhất, vô cùng khó khăn, bất hạnh. Đưa dáng cây này vào trồng trong chậu là biết nâng niu cuộc sống của muôn loài, nói lên tính nhân bản của con người.
Về thẩm mỹ, dáng huyền là dáng kỳ dị nhất, thơ mộng nhất; cây vươn ra thật mềm mại, duyên dáng. Ngày xưa, nhà thơ Lý Bạch thời Đường của Trung Quốc, khi vào xứ Ba Thục thấy hình dáng cây tùng già mọc lộn ngược trên vách đá cheo leo, đã thốt lên: Khô lão tùng điếu quải tuyệt bích (cây thông già khô mọc treo ngược trên vách đá cheo leo).
Bảy dáng cây cảnh
Ngoài bốn dáng cây cổ điển, quan trọng nhất này còn bảy thế cây chính sau đây:
- Thế Tam đa là tượng trưng cho ba ông Phúc tinh, tức là Phúc, Lộc, Thọ.
- Thế Ngũ phúc là cây có 5 tán to gần bằng nhau gồm 4 tán ở cành và một tán ở ngọn, tượng trưng cho Ngũ phúc lâm môn là Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh đến nhà.
- Thế Thất hiền là cây có 7 cành cùng 1 gốc, tượng trưng cho 7 người hiền tài ở ẩn trong rừng trúc, rừng thông – đó là những cây tượng trưng cho bậc quân tử.
- Thế Phu phụ, phụ tử, mẫu tử và huynh đệ là những cây thế biểu hiện tình vợ chồng, tình cha con, tình mẹ con và tình anh em trong một gia đình truyền thống phương Đông.
- Thế Long giáng là cây nằm ngang như con rồng hạ xuống mặt đất; gốc là đầu rồng, rễ là râu rồng, thân là mình rồng, cành là chân rồng, lá là vảy rồng và ngọn là đuôi rồng.
- Thế Long thăng là rồng sắp bay lên. Đầu rồng là ngọn cây, mình rồng là thân cây, chân rồng là cành, vảy rồng là lá và đuôi rồng là gốc rễ cây.
- Thế Bạt phong hồi đầu là thế cây đổ giạt theo chiều gió, ngọn cây quay ngoảnh lại, thể hiện sự gan góc chống trả phong ba. Thường thì người ta tạo thế cho cây ngả sang bên phải, ngọn quay ngược về phía gốc.
Đó là 7 thế cây thường thấy trong tạo hình cây cảnh nghệ thuật. Đánh giá cây cảnh nghệ thuật là một công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi người thưởng ngoạn phải có óc nghệ thuật, thẩm mỹ cao và có trí tưởng tượng phong phú.
Tiêu chí Cổ – Kỳ – Mỹ trong cây cảnh
Cổ mộc là cây cảnh cổ thụ lâu năm. Trong cổ mộc lại chia ra hai loại: Cổ lão nhân tạo là do tác giả dùng các biện pháp kỹ thuật làm cho vỏ cây sần sùi, bướu sẹo, hang hốc, phần gỗ bị lũa đi, rêu mốc. Nhưng đó chỉ là làm cổ lão bộ phận, không thể làm cho cây cổ lão toàn diện được. Còn Cổ lão tự nhiên là do thời gian, tuổi tác làm cho gốc rễ, thân cành của cây cũng chùn ngắn lại, lá cũng thu nhỏ và dày hơn, toàn thân đanh lại, dáng vẻ phong sương cùng năm tháng.
Kỳ mộc là cây cảnh kỳ dị thoát khỏi sự chân phương vốn có của nó. Sự kỳ dị này có hai khả năng: Hoặc là do con người dùng kỹ thuật tạo ra, hoặc là do tác động của các yếu tố thiên nhiên và môi trường mà tự thân tạo ra kỳ mộc.
Mỹ mộc là vẻ đẹp tổng thể của cây cảnh nghệ thuật, là sự hài hoà tổng thể từ gốc rễ, thân, cành lá và sự hài hoà giữa cây với chậu, kệ… làm cho ta vừa nhìn thấy đã có ấn tượng tốt ngay từ đầu; tạo được cảm xúc thẩm mỹ.
Hình dáng phải tôn được cái cổ, cái kỳ. Đã có cổ, có kỳ nhưng hình dáng tổng thể không hài hoà, hoàn chỉnh, khoẻ khoắn, không bắt mắt… thì giá trị thẩm mỹ cũng kém đi nhiều. Nếu hội đủ cổ, kỳ, mỹ thì đương nhiên cây cảnh nghệ thuật sẽ hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc.
Trước đây, cây cảnh nghệ thuật là báu vật của các bậc vua chúa, quan lại, các phú hào địa chủ và của các đại gia, họ độc quyền thưởng ngoạn. Ngày nay cây cảnh nghệ thuật là sở hữu riêng của từng người, nhưng ai ai cũng có quyền thưởng ngoạn chúng tại tư gia, công sở hay ở các cuộc triển lãm.
Đúng là nghệ thuật vị nhân sinh, cái đẹp là của chung cho mọi người. Biết quý trọng, nâng niu và thưởng thức cái đẹp là biết quý trọng và hưởng thụ cuộc sống, làm cho cuộc sống và tâm hồn của chúng ta mãi tươi trẻ, thăng hoa!
- Ngày đăng: 25/09/2020
- Bình luận: 0