Người trẻ phương Tây cũng ‘về quê nuôi cá và trồng thêm rau’
Mot Doi Nguoi Mot Rung Cay -Trọng Tấn Mot Doi Nguoi Mot Rung Cay -Trọng Tấn Tất cả việc anh làm mỗi ngày là để phục vụ lối sống tự cung tự cấp. “Có rất nhiều việc khó khăn. Chắc chắn không dành cho những người lười nhác”, chàng trai 27 tuổi, đang sống ở…
Tất cả việc anh làm mỗi ngày là để phục vụ lối sống tự cung tự cấp. “Có rất nhiều việc khó khăn. Chắc chắn không dành cho những người lười nhác”, chàng trai 27 tuổi, đang sống ở ngôi làng Benton, thuộc tỉnh New Brunswick, miền đông của Canada, cho biết.
Nơi anh ở là một khu đất nằm sâu trong rừng. Một cây cầu có mái che bằng gỗ bắc qua sông Eel là địa danh dễ xác định duy nhất trong thị trấn. Không có cửa hàng, không có trạm xăng và internet yếu. Nhưng đối với Cummings và bạn gái của anh, đó là nơi hoàn hảo để định cư và bắt đầu lối sống này. Họ đã mua một ngôi nhà đơn sơ bên sông vào tháng 8 năm ngoái.
Chàng trai 27 tuổi này là một trong số hàng trăm người đang thay đổi cuộc sống và chọn New Brunswick làm điểm dừng chân, lý do vì đất ở đây rẻ, cho phép nhiều người có thể mua một lô tương đối lớn để có thể trồng rau, nuôi gà. Nhiều người trong số này chưa từng có kinh nghiệm trồng trọt, hay chăn nuôi nhưng không ngăn cản họ tự sản xuất thức ăn.
Cummings với các con vật trong vườn của mình. Anh bắt đầu về rừng, học cách sống tự túc, tự cấp được gần một năm. Ảnh: CBC.
Phong cách sống này đang thu hút sự chú ý trên Instagram và YouTube, nơi nhiều người trẻ tuổi ở Mỹ và Canada chia sẻ các cách thoát khỏi đại dịch. Chỉ riêng ở New Brunswick, hơn 6.000 người đã tham gia một nhóm hỗ trợ để bán dê hoặc cung cấp các mẹo xây dựng chuồng gà.
Vợ chồng Luke Coleman đang bán gia súc cho những người mới bắt đầu. Theo ông, nhu cầu về chăn nuôi chưa bao giờ cao như hiện nay. Có khoảng 140 người trong danh sách chờ gà. Heo con được bán trước cả khi chúng được sinh ra. Thông thường, Colemans sẽ cần phải rao bán, nhưng năm nay, thậm chí còn chưa quảng cáo đã cháy hàng. “Chúng tôi có thể đã bán được một nghìn con lợn con. Thật không thể tin nổi”.
Ông Colemans – chủ một trang trại trong vùng – là người bán giống lợn, gà và các loài gia súc, gia cầm khác cho người từ thành phố chuyển tới. Ảnh: CBC.
Tại Sackville, phía đông của New Brunswick, vợ chồng Jacob, đến từ Ottawa (Canada) và Jillian Fenwicks, đến từ Kentucky (Mỹ), đã chọn đây làm điểm dừng chân.
Fenwicks có 17 con gà mái đẻ, một con gà trống, một khu vườn lớn và nhiều cây ăn quả. Họ trồng mâm xôi, việt quất, nam việt quất. Hai vợ chồng đang chờ lấy ong mật và hy vọng sẽ có thêm một con bò sữa và cừu trong tương lai.
Jillian Fenwick coi trọng việc tự sản xuất đồ ăn: “Không có gì bổ ích hơn việc có thể lôi ra một lọ cà chua mà bạn đã đóng hộp vào giữa tháng Giêng, ăn vẫn ngon và có thể chia sẻ với những người khác”. Một khi đã quen với cây nhà lá vườn, bạn sẽ không thể chấp nhận nổi đồ ăn nơi khác. “Thật khó để mua một quả cà chua từ cửa hàng tạp hóa, vì nó không ngon”.
Lối sống này cũng hấp dẫn anh Jacob. “Bạn có thể sống hòa hợp với thế giới. Bạn biết khoảnh khắc cỏ bắt đầu xanh tươi, biết từng bông hoa mới nở, biết bất kỳ loại thảo mộc nào mọc lên và chúng được sử dụng để làm gì và bạn có thể thu hoạch thực phẩm trong tự nhiên nào”, anh chia sẻ.
Vợ chồng Jacob và Jillian đã tự tạo ra nhiều thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày. Ảnh: CBC.
Còn với Cummings, tiếng ồn lớn nhất là dòng chảy của con sông và tiếng gà gáy, mấy con thỏ đi lang thang quanh một cái chuồng có hàng rào.
Cummings từ lâu đã quan tâm đến việc sản xuất thức ăn cho mình sau khi cảm thấy không khỏe vì ăn thịt mua ở cửa hàng.”Tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu lý do tại sao một số loại thực phẩm khiến tôi cảm thấy tốt hơn”, anh nói.
Khi đại dịch xảy ra, Cummings muốn có nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo và bắt đầu nghiên cứu cách trồng rau và nuôi gà. Trong 11 tháng qua lối sống này vẫn đang thu hút anh. “Tôi chỉ muốn thu nhập đủ để có thể tồn tại, trả các hóa đơn, đóng thuế và sau đó tôi sẽ hạnh phúc. Vì vậy, có lẽ tôi sẽ sống thế này mãi mãi”.
Bảo Nhiên (Theo CBC)