NHIỀU CƠ HỘI CHO GIỐNG VỊT CỎ
Đặc điểm ngoại hình Vịt cỏ là giống vịt nhà có nguồn gốc ở Việt Nam, đây là một trong những giống vịt được nuôi phổ biến rộng rãi ở vùng nông thôn nước ta. Chúng có nguồn gốc từ vịt trời, qua quá trình thuần hóa tự nhiên tạo thành giống vịt cỏ thích…
Đặc điểm ngoại hình
Vịt cỏ là giống vịt nhà có nguồn gốc ở Việt Nam, đây là một trong những giống vịt được nuôi phổ biến rộng rãi ở vùng nông thôn nước ta. Chúng có nguồn gốc từ vịt trời, qua quá trình thuần hóa tự nhiên tạo thành giống vịt cỏ thích nghi với đời sống chăn thả. Do không có tác động chọn lọc, nên giống vịt này đang bị pha tạp nhiều, vì vậy chúng có nhiều màu lông khác nhau như màu vàng, có con màu xanh, màu cà cuống có chấm đen, có con đen nhạt. Vịt có đầu thanh, mắt sáng, linh lợi, mỏ dẹt, khỏe và dài, mỏ thường có màu vàng, có con mỏ màu xanh cà cuống lấm chấm đen, có con màu tro. Vịt cổ dài, mình thon nhỏ, ngực lép. Chân hơi dài so với thân, thường có màu vàng, có con màu nâu, một số con màu đen (những con này toàn thân có màu da xám). Những con màu lông khác thì có da trằng hơi vàng. Vịt có dáng đi nhanh nhẹn, kiếm mồi giỏi, tỷ lệ nuôi sống cao.
Thịt ngon, năng suất đẻ trứng cao
Vịt cỏ có khối lượng mới nở 42 g/con. Lúc trưởng thành con trống nặng 1,6 kg, con mái nặng 1,5 kg/con. Mặc dù vịt có khối lượng thấp nhưng thịt thơm ngon, tỷ lệ thân thịt khoảng 50%, tỷ lệ xương 15 – 16% ở vịt đã chéo cánh. Trọng lượng giết thịt lúc 75 ngày tuổi chỉ đạt 950 – 1.100 g/con. Trọng lượng vịt bỏ nội tạng đầu, chân chiếm 70% so trọng lượng sống, trọng lượng thịt đùi là 15,2% và trọng lượng thịt ức là 8,8%.
Ưu điểm nổi bật của vịt cỏ là khả năng đẻ trứng cực cao. Vịt có tuổi đẻ 20 – 21 tuần khối lượng vịt vào đẻ 1,5 – 1,6 kg/con. Mỗi năm có thể đẻ 150 – 250 quả, tùy theo điều kiện nuôi dưỡng, khối lượng trứng có thể lên tới 70 g và có tỷ lệ phôi rất cao. Vịt nuôi khoảng 70 – 80 ngày tuổi là có thể giết thịt. Trứng vịt có tỷ lệ lòng đỏ cao, lòng trắng ít và là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Trong trứng có đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, các men và hormone. Hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng tương quan với nhau rất thích hợp và cân đối.
Thích ứng khí hậu nhiệt đới
Vịt cỏ phân bố mọi nơi trên mọi vùng miền của đất nước. Trong vòng 10 năm trở lại đây, vịt có xu hướng chủ yếu phân bố ở Đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung, ở các tỉnh phía Nam có số lượng vịt giảm dần và được thay thế bằng vịt Anh Đào. Lượng vịt cỏ chiếm tới 80% tổng số đàn vịt trong nước hiện nay. Khả năng kiếm mồi của vịt cỏ rất tốt, có năng lực thích ứng với khí hậu nhiệt đới cao nên giống vịt cỏ cũng đang được cải tạo tiến giống và lai giống để đạt được năng suất thịt cũng như trứng cao nhất.
Vịt cỏ có tập tính theo đàn, di chuyển nhanh, tìm kiếm mồi giỏi, chịu đựng kham khổ, chống đỡ bệnh tật tốt, thuận lợi cho việc chăn thả trên đồng bãi. Chúng cũng là một trong những biểu tượng của làng quê Việt, nhất là quen thuộc ở những vùng sông nước. Hiện, người dân có thể nuôi vịt cỏ theo 2 hình thức là nuôi trên cạn và thả đồng.
Phục hồi loài thủy cầm quý
Ở nước ta, trước đây ở các vùng miền đều nuôi nhiều nhưng nổi tiếng nhất phải nói đến vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội). Tuy nhiên hiện nay, gần như 99% vịt chế biến dưới cái tên vịt cỏ Vân Đình trên mọi miền tổ quốc đều không phải là vịt cỏ mà là giống vịt lai, vịt siêu, không còn nuôi thả đồng mà bằng cám công nghiệp.
“Vịt cỏ đi xuống bởi người chăn nuôi đang chạy theo đầu cân, giờ chúng tôi muốn phục hồi, phát triển nó để bán theo đầu con. Trước tiên phải tổ chức lại khâu sản xuất giống nhằm bảo tồn rồi phát triển nó lên. Sau đó mời doanh nghiệp vào để quảng bá, tiêu thụ. Nếu doanh nghiệp đặt hàng thì người chăn nuôi có thể yên tâm để sản xuất quanh năm”, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết.
Cũng theo bà Hòa, trong thời buổi giá thức ăn cao như hiện nay, nếu nuôi vịt siêu thịt bằng cám công nghiệp dễ bị lỗ, còn nuôi vịt cỏ theo hướng hữu cơ, tận dụng các nông sản sẵn có sẽ mang tính cạnh tranh cao. Để phục hồi lại con vịt cỏ Vân Đình, ước tính Hà Nội phải mất 5 – 10 năm, trước tiên ở giai đoạn 1, từ năm 2022 – 2025 mới chỉ là khởi đầu, sang giai đoạn 2, từ năm 2025 – 2030 sẽ phát triển theo chiều sâu, bài bản.
Nhằm bảo tồn và phát triển vịt cỏ; Tôn vinh người nuôi vịt cỏ và chế biến vịt cỏ; Quảng bá sản phẩm đặc sản vịt cỏ, năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề xuất UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội thi Vịt cỏ Vân Đình lần thứ nhất. Tại Hội thi, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, định hướng của thành phố thời gian tới, chăn nuôi gia cầm được duy trì ổn định với quy mô khoảng 40 triệu con. Trong đó, ngành chăn nuôi tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa như vịt cỏ Vân Đình, gà Mía Sơn Tây, phục vụ công tác lai tạo giống cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Đối với chăn nuôi vịt, vùng trọng điểm sản xuất giống vịt được phát triển tập trung tại 2 huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống vịt cỏ tại huyện Ứng Hòa. Đặc biệt, hiện nay, giống vịt cỏ Vân Đình đang được nuôi phục vụ công tác lai tạo giống tại các đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ NN&PTNT và phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.