Nhiều doanh nghiệp không biết Bình Dương có nông sản

“Nghe đến Bình Dương, ai cũng nghĩ ngay về một ‘thủ phủ công nghiệp’, ít người biết tỉnh cũng có nền nông nghiệp rất chuyên nghiệp”, ông Lê Minh Sang – Giám đốc Hợp tác xã Tân Mỹ, nói trong diễn đàn xúc tiến tiêu thụ nông sản cuối tuần qua. Ông kể thêm về…

“Nghe đến Bình Dương, ai cũng nghĩ ngay về một ‘thủ phủ công nghiệp’, ít người biết tỉnh cũng có nền nông nghiệp rất chuyên nghiệp”, ông Lê Minh Sang – Giám đốc Hợp tác xã Tân Mỹ, nói trong diễn đàn xúc tiến tiêu thụ nông sản cuối tuần qua.

Ông kể thêm về lần đến kho hàng của một hệ thống siêu thị để chuẩn bị giao nông sản. Nhân viên tại đây khi biết ông đến từ Bình Dương và cung cấp bưởi, đã rất ngạc nhiên. Người này còn nói thẳng: “Bình Dương làm gì có bưởi?”.

TS Trần Minh Hải – Thành viên Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác nhận, nhiều đơn vị chưa biết đến các mặt hàng nông sản của Bình Dương. Khi làm việc với Tổ công tác, nhiều đơn vị thu mua đều bất ngờ khi biết “thủ phủ công nghiệp” lại có nông sản dồi dào. Thậm chí, có những đơn vị đặt tổng kho ở Khu công nghiệp Sóng Thần vẫn cảm thấy lạ lẫm về thông tin trên.

Trong khi đó, số liệu từ Sở Nông nghiệp tỉnh đến cuối tháng 8 cho thấy, Bình Dương có tổng đàn heo gần 884.000 con, tổng đàn gà gần 8,4 triệu con và hơn 10.000 ha cây ăn trái. Xác nhận nông nghiệp công nghệ cao là lợi thế cạnh tranh, toàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp công nghiệp cao, chiếm 96% đàn gia cầm, 65% đàn gia súc và 4.500 ha diện tích trồng trọt.

Nông nghiệp tỉnh này chủ yếu tập trung theo các hợp tác xã, trang trại… nên sức cung ứng cho thị trường rất lớn. Riêng hợp tác xã Tân Mỹ mỗi năm cung cấp khoảng 1.000 tấn bưởi da xanh và bưởi đường lá cam, 150 tấn dưa lưới. Năm tới, đơn vị này dự kiến đẩy mạnh bưởi đường lá cam với sản lượng 600 tấn. Công ty CP Việt Nam tại Bình Dương cũng đang tổ chức nuôi 95.000 con heo, 250.000 con gà thịt, 200.000 gà đẻ trứng, 550.000 con gà ta lai CP, 50.000 con vịt…

Một nông dân đang chăm sóc cam tại huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương, tháng 2/2020. Ảnh: Ngọc Ly

Một nông dân đang chăm sóc cam tại huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương, tháng 2/2020. Ảnh: Ngọc Ly

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cho rằng đã có kết quả trong việc kết nối tiêu thụ nông sản giữa đơn vị sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, doanh nghiệp xuất khẩu. Qua diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện Bình Dương là xứ sở trái cây.

“Ngày xưa trái cây Lái Thiêu rất nổi tiếng. Nhưng qua thời gian, nhiều người lại quên đi tỉnh có thế mạnh về các loại cây ăn trái chủ lực, đặc sản”, ông Nam cho rằng UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp cần chú ý tăng cường quảng bá nông sản hơn. Trong đó, ông lưu ý thêm Bình Dương cũng có thể mạnh về mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.

Ngoài vướng mắc về quảng bá sản phẩm, nông sản Bình Dương hiện đối mặt với nguy cơ ách tắc đầu ra. “Tỉnh đang có hơn 2.000 tấn trái cây gồm bưởi, dưa lưới, cam, quýt, ổi, nhãn và nhiều mặt hàng sản phẩm nông sản chế biến, thịt gia súc, gia cầm, trứng… cần kết nối hỗ trợ tiêu thụ”, ông Bông cho biết.

Ông Đoàn Minh Chiến – chủ một trang trại cùng tên tại huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ từ tháng 4 đến nay, bưởi, măng cụt từ trang trại gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ, giá thành giảm mạnh, có lúc giảm tới 50-60%. Có lúc, ông phải ngồi nhìn bưởi chín rụng đầy gốc, lên đến vài chục tấn.

Ông Lê Thanh Phương – Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam cũng cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi giá thành sản phẩm giảm mạnh xuống mức dưới giá vốn. Tất cả mặt hàng đều đang lỗ. Dựa trên số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước một năm tương đương 20 triệu tấn. Theo đó, tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước năm nay dự kiến cao gấp hơn 10 lần khoản lỗ của Vietnam Airlines công bố.

Ông cho rằng, sức mua thị trường có giảm sút nhưng vẫn không ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân thua lỗ của ngành nông nghiệp chủ yếu là lưu thông hàng hóa bị đứt gãy. Vì thế, công tác kết nối cung – cầu sẽ rất ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ đạo giải quyết vấn đề ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Tùng – Phó cục trưởng Cục trồng trọt, cho biết sắp tới đơn vị này sẽ tăng cường quản lý vùng trồng, trong đó thống kê được loại cây trồng, sản lượng, chất lượng, chứng nhận sản phẩm, thời điểm thu hoạch… tại từng địa phương. Ông Tùng đề xuất các doanh nghiệp tiêu thụ đưa ra danh sách các tiêu chí cần có để được vào hệ thống. Từ đó, Tổ công tác 970 sẽ xem xét và đối chiếu bước đầu, kết nối đơn vị sản xuất phù hợp.

Theo thống kê năm 2020, Bình Dương có 10.000 ha cây ăn trái. Theo ông Tùng, con số thực tế có thể nhiều hơn. So với các tỉnh khác, diện tích trên rất ít. Tuy nhiên, sự khác biệt của tỉnh nằm ở việc tập trung sản xuất tại các trang trại và hợp tác xã quy mô lớn, nên có khả năng cung ứng nông sản tốt.

“Nông sản chất lượng cao là thế mạnh của Bình Dương, nhất là rau màu cho TP HCM và xuất khẩu. Tỉnh nên đi theo mô hình này, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị”, ông Tùng nhấn mạnh.

Cùng với quảng bá, tỉnh nên tính tới chuỗi cung ứng nông sản vào các khu công nghiệp. Mô hình này sẽ giúp bên tiêu thụ an tâm khi đảm bảo được chất lượng và ổn định giá cả sản phẩm. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, cần có doanh nghiệp đứng ra làm vai trò kết nối để đem lại những kết quả cụ thể hơn nếu có vướng mắc nào thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp tháo gỡ nhanh nhất có thể.

Tất Đạt

Bạn đang xem bài viết: Nhiều doanh nghiệp không biết Bình Dương có nông sản. Thông tin được tạo bởi Gia Sư Minh Đức chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Rate this post

Similar Posts