Những chiêu độc tận diệt chim trời
[VTVLIFE – THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT] – Khám phá những điều kì lạ về loài cú [VTVLIFE – THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT] – Khám phá những điều kì lạ về loài cú Độc chiêu tận diệt Dạo một vòng quanh thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, không khó để bắt gặp cảnh người…
Độc chiêu tận diệt
Dạo một vòng quanh thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, không khó để bắt gặp cảnh người dân chào bán công khai các loại chim trên đường. Chim to, chim nhỏ, con bay trên rừng, con lội dưới nước, con chui trong bụi, con treo lồng kiểng, con thả phóng sinh, con làm mồi nhậu… loại nào cũng có. Bày bán nhiều nhất là chào mào, cu gáy, khướu, két (kơ tia), đa đa, cuốc, cò, bìm bịp, mỏ nhát, se sẻ, le le… Giá cả thì thượng vàng hạ cám, đủ cả. Rẻ thì 7.000 – 10.000 đồng một con, đắt thì vài triệu.
Sau nhiều lần thuyết phục, Đ. – sinh viên năm cuối trường Đại học Tây Nguyên mới đồng ý cho tôi theo chân nhóm bẫy chim của cậu với điều kiện “tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh”. Một ngày cuối tuần, trên 3 chiếc xe máy, chúng tôi vượt hơn 100 km về xã Ia Rvê, huyện Ea Súp săn két. Sau khi bỏ lại xe ở nhà dân, chúng tôi lội bộ khoảng 3km đường mòn men theo bờ suối, đến một bãi đất trồng rất nhiều bắp (ngô) thì dừng lại.
Trong lúc tôi ngồi thở dốc vì mệt thì nhóm của Đ. bắt tay vào việc. Họ chặt hai cành le to rồi chọn vị trí cắm sào, căng lưới ở đoạn tiếp giáp giữa vườn bắp và một hàng cây. Lưới bẫy chim có chiều dài 25m, cao 4m khi căng lên giống một cầu môn khổng lồ, cuộn lại nhìn chẳng khác nào mớ tóc rối.
Hai con chim mồi được họ trói chân, buộc vào cây cọc sát vườn bắp, phía sau lưới khoảng 2m. Chiếc điện thoại có sẵn file ghi âm tiếng két kêu được mở với âm lượng tối đa, hai chú két mồi thi nhau “két, két, két” gọi bầy. Từ xa đã bắt đầu nghe tiếng chim rừng đáp trả.
Kéo tôi vào vị trí ẩn nấp, Đ. bảo: “Muốn bắt két phải đến những nơi trồng nhiều bắp vì món khoái khẩu của nó là cái nhân nhỏ trong mỗi hạt bắp. Két rất tinh khôn và cảnh giác, chúng thường tìm những ngọn cây cao rồi chụm lại quan sát, thấy an toàn mới bay xuống đánh chén nên phải chọn vị trí căng lưới giữa hàng cây cao với vườn bắp”. Đúng như lời Đ. nói, chưa đầy 15 phút, từ trong bụi cây tôi thấy rất nhiều két bay về, kêu râm ran vang trời. Chúng đậu trên ngọn cây, bay qua bay lại một hồi rồi bắt đầu sà xuống.
1 con, 2 con, 3 con… hàng chục con mắc lưới chỉ trong tích tắc. Chúng càng giãy giụa càng mắc chặt hơn. Đợi đến khi “lưới nặng chim đầy” nhóm của Đ. mới rời chỗ nấp ra thu hoạch chiến lợi phẩm. Hôm đấy, nhóm bắt được gần 30 con, mỗi con được nhét riêng vào từng vỏ chai nước lớn đã cắt đi một đầu, đục lỗ thông hơi từ trước rồi đậy lại.
Các xe chuyên bán chim trời.
Trên đường về, T. – thành viên nhỏ nhất nhóm, năm nay mới 17 tuổi bảo tôi: “Chị đừng thấy két mắc lưới là tưởng dễ bắt. Mỏ nó sắc như dao và rất cứng, muốn bắt phải đeo bao tay nếu không sẽ bị mổ chảy máu. Bộ lưới bẫy cũng dùng một lần là bỏ vì thu lại thường bị rối, vả lại cũng rách tan hoang rồi.
Cách đây hơn một tháng, bên những đám ruộng lúa vừa gặt còn phơi gốc rạ ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana hàng trăm con cò trắng vẫn nhởn nhơ kiếm ăn. Thế nhưng chỉ ít ngày sau khi các chim thủ xuất hiện, cả cánh đồng vắng hẳn bóng dáng cò. Với giới săn chuyên nghiệp, chuyện lên rừng, xuống ruộng đã quá bình thường.
Họ hiểu tập tính sinh hoạt, địa bàn cư trú của từng loài một. Các tay bẫy bây giờ ít dùng bẫy lồng, bẫy sập vì kém hiệu quả, họ thường dùng bẫy lưới, bẫy keo với sự hỗ trợ của các thiết bị thu phát âm thanh hiện đại để dụ chim về. Chim bẫy sau khi gom lại sẽ được phân loại và định giá, con nào tốt mã hót hay thì bán cho giới chuyên nuôi chim cảnh. Chim rẻ tiền thì bán cho các điểm cung cấp chim phóng sinh. Chim bổ dưỡng thơm ngon thì bán cho nhà hàng, quán nhậu.
Dù nghề chính là chạy xe ôm, nhưng trong những ngày vắng khách, anh P. (phường Khánh Xuân) vẫn thường rong ruổi đi bẫy chim sẻ nhậu chơi và kiếm thêm thu nhập. Bảo bối hành nghề của anh là những hộp keo dính có xuất xứ từ Trung Quốc. Chỉ cần một cây cần tự chế dài khoảng 5m, một cây nhôm làm thanh ngang bôi keo gắn vào cần và một máy điện thoại có tải nhạc tiếng chim kêu rít rít là những chim thủ như anh có thể tha hồ kiếm cơm.
Không vất vả như bẫy các loài chim khác, bẫy chim sẻ chỉ quanh quẩn trong thành phố vẫn có ăn. Tuy nhiên, anh P. phải thừa nhận: “Bẫy chim sẻ giờ khó rồi, chim ít lại nhát người. Mỗi nơi chỉ bẫy được một vài lần là bị chúng “bắt bài” ngay, lần sau quay lại khó mà dụ được”. Dịp rằm tháng 7 vừa rồi, anh P. kiếm được bạc triệu nhờ bán chim phóng sinh.
Bày bán đầy đường
Thâm nhập vào giới “nhậu chim”, tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến những cách chế biến “độc” của hội này. Cò xáo măng, cu nướng sả ớt, sẻ rô ti, cuốc chiên vàng giờ đã quá tầm thường. Nếu chưa được nếm rượu tiết chim sẻ, thức uống được rỉ tai nhau “tráng dương, bổ thận, chồng uống vợ khen” thì coi như chưa phải dân sành sỏi.
Trong một lần trà dư, tửu hậu, anh Nguyên – Phó giám đốc một công ty xây dựng tư nhân trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Nghề của tớ thường xuyên phải giao lưu, ngày xưa đi tiếp khách mà có thịt thú rừng đã là sang lắm rồi, nhưng bây giờ thứ đấy chỉ là dạng vừa thôi, vì toàn đồ nuôi. Đặc sản của giới sành nhậu bây giờ là chim trời”. Rồi anh kể vô vàn món ngon được chế biến từ hàng chục loại chim khác nhau khiến bạn nhậu phải cúi đầu bái phục.
Tại các điểm bán chim trời lưu động, nếu khách có nhu cầu sẽ được người bán nhổ lông sạch sẽ và hướng dẫn cách chế biến cụ thể. Người bán chim trời ở khu vực Cầu Trắng (phường Ea Tam) quảng cáo: “Anh chị mua chim gì? Ở đây tụi em bán đầy đủ các loại, số lượng bao nhiêu cũng có, nhổ lông làm thịt nếu muốn”. “Có bán bẫy chim không?” – Tôi hỏi. “Lưới bẫy các loại, keo dính hay file ghi âm tiếng chim em đều có cả. Bẫy không chất lượng không lấy tiền”, người bán chim đáp.
Tại ngã tư đường Lê Duẩn – Nguyễn Công Trứ (đoạn gần ngã 6, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột) cảnh bán chim lưu động diễn ra công khai. Vừa dừng đèn đỏ, chị bán chim nhanh nhảu: “Em ơi mua chim mỏ nhát về nấu cháo ăn đi. Chim trời chị bẫy được, tuy nhỏ nhưng thịt thơm ngon lắm, chị bán mở hàng 30.000 đồng/con, mua cả chùm (10 con) thì chị lấy rẻ 250.000 đồng thôi”.
Thấy tôi không mặn mà lắm, chị tiếp tục mời mua sẻ đồng, chèo bẻo về rô ti, nướng sả ớt. Tương tự trên đường Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ, đường đi Quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư Mgar), thị xã Buôn Hồ nạn mua bán chim trời diễn ra khá nhộn nhịp. Họ chào bán công khai và chỉ tạm lánh mặt khi thấy xe đô thị và môi trường Đắk Lắk đi qua.
Đến hẹn lại săn, những thợ bẫy vẫn ngày đêm tất bật chuẩn bị lưới, lồng, keo bẫy… tận diệt chim trời. Mỗi ngày, có hàng ngàn con chim bị bắt, giết thịt. Việc quan tâm và bảo vệ các loài chim hoang dã là rất cần thiết, nếu không lượng chim trời sẽ giảm đi đáng kể, không những thế còn tăng nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.
Ông Đỗ Ngọc Dũng – Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: Công tác bảo tồn thiên nhiên đã được chú trọng nhưng chỉ tập trung vào động vật rừng, còn các loại chim trời vẫn đang gặp khó trong xử lý vì các quy định về động vật rừng liên quan tới các loài này rất chung chung. Trước tình trạng mua bán chim trời diễn ra công khai trên đường phố, Chi cục kiểm lâm cũng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm tra để xử lý nhưng việc xử lý chưa hiệu quả.