Nuôi bướm ^^ Tại sao không?
Nuôi Sâu Iron Man Thành Bướm – Oleander hawk moth (Bướm Trúc Đào Chim Ưng) Nuôi Sâu Iron Man Thành Bướm – Oleander hawk moth (Bướm Trúc Đào Chim Ưng) Đối với giới sưu tầm tiêu bản, săn tìm, vợt bắt bướm đem làm tiêu bản chẳng còn gì lạ. Thậm chí, có thể nói…
Đối với giới sưu tầm tiêu bản, săn tìm, vợt bắt bướm đem làm tiêu bản chẳng còn gì lạ. Thậm chí, có thể nói ngược lại rằng đây là một trong những loại động vật côn trùng được sử dụng làm tiêu bản phổ biến nhất.
BƯỚM CHANH DI CƯ
Catopsilia pomona (Fabricius, 1775) khá phổ biến tại Việt Nam
Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng có điều kiện đi thực địa vợt bắt bướm, hơn nữa một số loài bướm chỉ xuất hiện trong một số thời điểm trong năm, khiến cho không phải ai cũng có cơ hội săn tìm được. Giải pháp cho vấn đề này là tìm ấu trùng bướm về nuôi, không mất quá nhiều công sức và thời gian, nhưng cuối cùng ta cũng có một chú bướm trưởng thành đẹp.
BƯỚM BÁO HOA VÀNG
Cethosia cyane (Drury, 1773)
phân bố khắp Việt Nam, tập trung nhiều ở phía bắc
Mặt khác cũng cần nói rằng, ấu trùng bướm rất có tiềm năng trở thành một loại pet đẹp, độc đáo. Hãy nhìn chú ấu trùng dưới đây, sở hữu một con sâu róm như thế đâu phải ý tồi ^^
Ấu trùng bướm khế (Attacus atlas (Linnaeus 1758))
Ấu trùng bướm đêm Hyalophora cecropia
Ấu trùng bướm Polyura Sempronius
ấu trùng bướm ko rõ tên ^^
Bài viết này sẽ là bài đầu tiên trong loạt bài về loài côn trùng này, và do đó nó sẽ là bài về hướng dẫn thiết kế chuồng trại, và nuôi dưỡng loài côn trùng này.
Căn nhà cho sâu bướm
Thiết kế chuồng trại cho sâu bướm không cần phải quá công phu, chỉ cần một chiếc hộp đủ lớn, thoáng mát, an toàn cho sâu bướm chống lại những loài gây hại, đồng thời cũng ngăn chặn sâu bướm có thể trốn thoát.
Một chiếc hộp nuôi tiêu chuẩn nên có kích thước mặt nền lớn gấp 3 lần kích thước con sâu, như vậy sẽ đủ dài rộng cho con vật di chuyển. Chẳng hạn, để nuôi 10 con sâu dài khoảng 6cm, có thể sử dụng hộp nhựa kích thước 25cmx 25cm. Yếu tố quyết định ở đây là đảm bảo không gian riêng cho mỗi con sâu có thể tự do dịch chuyển, mà không gây va chạm cho con sâu khác.
Thông thường, loài ấu trùng này ít dịch chuyển, ngoại trừ để đến với nguồn thức ăn hoặc tìm nơi để hóa kén nên bạn cũng không cần quá công phu với hộp đựng, với diện tích vừa phải, nắp đậy an toàn, thoáng khí (có thể đục vài lỗ trên nắp như với cách setup tank nuôi ấu trùng bọ cánh cứng). Điều cuối cùng bạn phải làm với hộp này là để một ít giấy vệ sinh làm nền, để hứng những chất bài tiết của chúng, nếu không muốn cọ rửa hộp thường xuyên ^^
Thực đơn hàng ngày cho sâu bướm
Sâu bướm ăn lá các loài cây, cỏ thực vật khác nhau. Nhưng đừng nghĩ rằng thức ăn của chúng sẽ giống nhau, tùy từng loài mà có loại lá phù hợp. Điều tốt nhất bạn nên làm là lấy loại lá từ chính thân cây mà bạn tìm được sâu bướm.
Cần chú ý rằng loài côn trùng này cũng rất phàm ăn, và thức ăn của chúng là những lá cây tươi, nên phải đảm bảo nguồn cung cấp thường xuyên. Trong trường hợp lá héo và không còn đủ nước, sâu bướm sẽ không ăn loại lá này nữa.
Có thể dự trữ nguồn thức ăn cho sâu bướm bằng cách cắt lấy nhánh cây đem về để trong lọ hoa. Với phương pháp bảo quản tương tự phương pháp bảo quản hoa tươi trong lọ, bạn có thể giữ những lá cây này sẽ luôn được tươi trong thời gian ngắn hạn.
Môi trường cần thiết để nuôi sâu bướm
Sâu bướm cần môi trường hơi ẩm để phát triển. Tuy nhiên không phải loài nào cũng yêu cầu độ ẩm giống nhau, vì vậy nên tìm hiểu kỹ môi trường sống tự nhiên của từng loài riêng biệt để có thiết kế phù hợp.
Trong trường hợp bạn chưa hiểu rõ độ ẩm cần thiết, cách tốt nhất và cũng là đơn giản nhất là tẩm ướt chiếc lá – thức ăn cho sâu bướm – trước khi để vào hộp. Hơi nước được giữ trên lá sẽ cung cấp độ ẩm cần thiết.
Vấn đề nhiệt độ cũng rất quan trọng, tùy từng loài riêng mà có nhiệt độ chuồng trại riêng. Điều này cũng tương tự với nuôi ấu trùng bọ cánh cứng, nhiệt độ thích hợp sẽ đảm bảo sức khỏe và tốc độ phát triển, ngược lại nhiệt độ cao hơn và thấp hơn sẽ gây hại cho chúng.
Dọn dẹp, lau rửa chuồng trại
Sâu bướm ăn nhiều, do đó hệ tiêu hóa của chúng cũng bài tiết rất nhiều. Vì vậy bạn cũng dọn dẹp chuồng trại của chúng thường xuyên, tốt nhất là hàng ngày.
Các chất bài tiết của chúng kết hợp với độ ẩm của chuồng có thể làm xuất hiện nấm mốc và vi khuẩn, do đó việc dọn dẹp này chính là cách phòng ngừa bệnh cho sâu bướm.
Việc dọn dẹp này không mất quá nhiều công sức, nếu bạn có lót giấy vệ sinh làm nền hộp đựng như trình bày ở trên, công việc của bạn chỉ là thay đổi lớp giấy này bằng lớp giấy mới, dĩ nhiên với những cuống lá, hoặc lá héo mà sâu bướm để thừa lại, bạn cũng nên loại bỏ cùng lúc.
Khi sâu bướm hóa kén…
Sau khi đạt kích thước tối đa, sâu bướm sẽ hóa kén. Trước khi bắt đầu giai đoạn này của cuộc đời, chúng sẽ di chuyển nhiều hơn, nhằm tìm khu vực tốt nhất để xây tổ kén.
Nếu bạn quan sát thấy hành vi này của chúng, cần tách riêng chúng ra, và để con ấu trùng sắp hóa kén vào một khu vực riêng rẽ. Đó có thể là một cành cây hoặc một hộp có vách bám để chúng làm nơi cố định xây tổ kén.
Với chiếc hộp mới này, bạn không cần để thức ăn hay gì nữa, môi trường của hộp cũng nên khô thoáng. Và bạn cũng không nên dịch chuyển hộp nhiều hay có những tác động mạnh ảnh hưởng tới quá trình làm tổ kén. Tất cả những gì tốt nhất trong giai đoạn này là hãy để chú sâu yên thân.
Khi chiếc tổ kén đã hoàn thành, bạn có thể nhẹ nhàng tách chúng ra và treo chúng lên một sợi dây. Thực ra điều này cũng không cần thiết nếu tổ kén vốn bám lấy một thân cây, nhưng trong trường hợp tổ kén nằm trong hộp đựng, bạn nên làm như thế. Bởi khi chú nhộng phá vỡ tổ kén, chàng bướm rất cần không gian rộng để phát triển đôi cánh – không gian chật chội trong hộp đựng có thể gây nên thảm họa.
Và hãy nhớ rằng, dù để mặc tổ kén bám lấy một cành cây hoặc treo tổ kén lên sợi dây, thì khu vực này cũng phải được ngăn lại để đề phòng chú bướm chui ra và bay đi mất ^^
Mỗi loài sâu bướm có thời gian nhộng khác nhau, có thể từ 8 ngày đến vài tháng. Nhiệt độ và độ ẩm của mỗi loài trong giai đoạn này cũng không hề giống nhau, nên bạn cũng phải lưu ý đến điều này nhằm đảm bảo cho chú nhộng phát triển tốt.
Khi nhộng hóa bướm….
Với những ai muốn làm tiêu bản, có thể giai đoạn này là kết thúc, vì chú bướm hoàn thiện của bạn đã xuất hiện. Tuy nhiên nếu bạn muốn giữ chúng để nuôi, thì nên đọc thêm một chút ^^
Bướm trưởng thành thường hay bay, nên không gian chuồng của chúng phải rất lớn. Bạn có thể sử dụng chiếc lồng mắt lưới để đựng chúng, nhưng không nên sử dụng hộp bằng nhựa hay bể kiếng, bởi những loại này thường khá nhỏ, khiến chú bướm có thể hỏng cánh khi va chạm vào thành hộp, vả lại những hộp này cũng rất trơn, bướm khó bám vào vách được.
Thức ăn cho bướm trưởng thành khá dễ. Mặc dù trong tự nhiên, mỗi loài có thể hút những loại mật hoa khác nhau hoặc không ăn gì cả trong giai đoạn trưởng thành, nhưng trong môi trường nuôi nhốt bạn có thể tự làm thức ăn cho chúng mà không mất quá nhiều thời gian, chỉ cần một cốc nhỏ nước đường hòa tan, tỉ lệ 7 phần nước 1 phần đường. Bạn có thể thêm vài giọt mật ong để tạo hương thơm cho thức ăn.
Bướm trưởng thành mỗi loài cũng có những yêu cầu khác nhau về nhiệt độ và độ ẩm, do đó bạn nên tìm hiểu về môi trường tự nhiên loài bạn đang nuôi dưỡng để có thể tạo môi trường phù hợp. Nếu cần bạn nên trang bị thêm một bóng đèn trong lồng, hầu hết các loài bướm đều thích khu vực có ánh sáng mạnh, và hạn chế những khu vực tối lạnh. Nhưng nhớ là không để bướm tiếp xúc trực tiếp với bóng đèn, nhiệt độ cao có thể gây hại cho chú bướm.