Phát huy bản sắc kiến trúc đồng bằng sông Cửu Long
Điểm sáng nông sản đồng bằng sông Cửu Long Điểm sáng nông sản đồng bằng sông Cửu Long Theo các định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây về cơ bản, tổng thể kiến trúc nông thôn vùng (ĐBSCL) được định hướng phát triển theo các…
Theo các định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây về cơ bản, tổng thể kiến trúc nông thôn vùng (ĐBSCL) được định hướng phát triển theo các nguyên tắc:
- Kiến trúc và Văn hóa: Xây dựng bản sắc riêng cho tổng thể kiến trúc của mỗi vùng và đô thị, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số – xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương. Đổi mới môi trường văn hóa kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc riêng. Phát triển kiến trúc phải phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, kiến trúc phù hợp với tập quán các dân tộc, không trộn lẫn hoặc áp đặt mô hình chung. Bản chất một vùng đa sắc thái phải được gìn giữ qua kiến trúc địa phương.
- Kết hợp hài hoà giữa cải tạo với xây dựng mới trong kiến trúc tổng thể của mỗi đô thị;
- Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc, cho dù di sản đó mới chỉ hiển hiện được trên dưới 100 năm, nhưng đây là đặc điểm rất riêng của ĐBSCL mà không ở đâu có. Gắn công trình riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của đô thị; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Không quá nhấn mạnh đến tiêu chí thẩm mỹ, giá trị độc đáo của từng công trình riêng lẻ, má căn cứ vào quy mô và tính chất công trình công cộng mà đặt vai trò điểm nhấn đô thị để giữ bản sắc chung của cảnh quan đô, tránh hiện tượng phát triển kiến trúc tự phát, rời rạc và manh mún như hiện nay.
Do vị trí của ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi về biến đổi khí hậu, ngập mặn và nước biển dâng, là khu vực gần xích đạo, số ngày nắng nhiều nên không được lạm dụng kính, gây hiệu ứng nhà kính và nung nóng đô thị. Để đạt được yêu cầu như đã nêu, tất cả các công trình đều phải đạt tiêu chí số 2: Bền vững, công năng và thích ứng.
Về hình thức kiến trúc: Cần loại trừ hiện tượng sao chép, nệ cổ, phục cổ trong kiến trúc đô thị đặc biệt với các công trình hành chính, đồng thời, chống sự “xâm thực” của kiến trúc ngoại lai, kiến trúc quá xa lạ với vùng đất ĐBSCL. Đây là vùng đất có nền văn hóa phát triển mạnh, vẫn giữ được văn hóa phi vật thể, văn hóa tâm linh rất đặc sắc, bản sắc các dân tộc rất rõ ràng. Vì vậy các đô thị ở địa phương phải có chính sách giữ gìn, bảo tồn vốn kiến trúc truyền thống, đặc biệt là kiến trúc tâm linh. Rất nhiều đô thị đã không xếp hạng phải bảo tồn cho các di tích hoặc công trình cũ, tuy công trình chưa được 100 tuổi nhưng đặc thù phía Nam là vùng đất mới nên không thể đòi hỏi như các đô thị cổ khác ở Việt Nam. Nếu không có chính sách giữ lại các công trình cũ, các kiến trúc đặc thù của đô thị ĐBSCL sẽ bị mai một và mất đi.
Dựa vào các tiêu chí đã xây dựng, định hướng phát triển kiến trúc cho từng khu vực nông thôn sẽ theo cách thức đặt mức độ ưu tiên, nhưng yếu tố quan trọng nhất là:
1. Khai thác, đẩy mạnh giá trị “riêng” của từng vùng miền; khai thác nét đặc thù của địa phương để phù hợp với văn hóa, lối sống, phát triển kinh tế, xã hội địa phương; xác định hướng đi phù hợp cho từng khu vực, tạo ra bản sắc địa phương.
2. Kế thừa truyền thống: Kế thừa phương thức xây dựng và giải pháp kiến trúc truyền thống của địa phương (tiếp tục nghiên cứu có cải tiến dạng nhà sống chung với lũ), sử dụng vật liệu địa phương.
3. Giữ môi trường cảnh quan: Bảo tồn các giá trị đô thị sẵn có, không tác động quá mạnh đến cảnh quan thân thuộc với người dân. Định hướng theo từng vùng, có thể chia ĐBSCL thành 4 tiểu vùng:
(i) Khu vực các tỉnh ven biển: Đây là vùng bị xâm thực mặn, thiếu nước ngọt trầm trọng, kinh tế chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy hải sản, một vài địa phương có khả năng phát triển du lịch biển. Yếu tố đặc thù của khu vực này là sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc thù sản xuất, hoạt động nghề nuôi trồng dánh bắt hải sản
Thích ứng với biến đổi khí hậu: Xây dựng công trình kiến trúc và quy hoạch các khu tái định cư cho cư dân ven biển, nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai. Đưa ra giải pháp xây dựng phù hợp và thật cụ thể cho từng khu, đề xuất các mẫu nhà đáp ứng đươc các yêu cầu sử dung và bền vững.
Thích ứng với điều kiện sản xuất của người dân: Xây dựng mô hình Nhà ở gắn với sản xuất.
Khu vực ven biển hoạt động nghề nghiệp chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt hải sản, buôn bán… Không gian cư trú ở nông thôn gắn liền với phương thức sản xuất, quy mô hộ gia đình khá cao. Nên thiết kế dạng nhà ở vừa linh hoạt, vừa đa năng. Khu vực nhà sau kết hợp bốn – dịch vụ.
Căn nhà cần được tổ chức dưới không gian rộng đa chức năng; vách tường ngăn được sử dụng rất hạn chế. Bếp kết hợp với các chức năng khác như ăn uống, sinh hoạt gia đình, chăn nuôi…
(ii) Khu vực ngập nước, giáp biên giới Campuchia: Đây là vùng ngập lũ, kinh tế chủ yếu là trồng lúa và các cây nông nghiệp; dân cư đa thành phần, đa văn hóa.
Khai thác các giá trị truyền thống nhằm phát huy tính bản sắc trong điều kiện hiện nay ở từng vùng lãnh thổ khác nhau. Đây cũng là động lực chi phối sự phát triển kiến trúc khu vực nông thôn vùng ngập nước ĐBSCL. Sử dụng vật liệu tự nhiên khai thác tại chỗ (gạch đất nung, ngói, gỗ, dừa nước…). Sử dụng giải pháp kỹ thuật thấp (low tech), xây dựng thủ công. Áp dụng cấu trúc nhà chống ngập nước: nhà trên cọc và nhà nổi với kỹ thuật xây dựng đơn giản, tến tới đa dạng hóa cấu trúc chống ngập nước trong tương lai. Kế thừa kinh nghiệm thích ứng điều kiện khí hậu, cách tổ chức không gian phù hợp với lối sống: Tính dung hòa với tự nhiên; tính linh hoạt/ đa năng: do tính chất cư trú và sản xuất đan xen lẫn nhau nên không gian sử dụng phát triển kiểu cấu trúc “mở”. Các chức năng gần như không tách biệt (ngăn thành phòng riêng) mà theo hướng sử dụng chung..
Ngoài ra kiến trúc ở đây cần lưu ý đến tính Thích ứng
- Thích ứng với các hoạt động trong mùa khô và mùa lũ: Nhà trên cọc, nhà nổi hoặc tôn nền nhà lên cao kết hợp với kiểu kiến trúc không gian mở/ linh hoạt là giải pháp thích ứng trong các tình huống của 2 mùa; Có thể áp dụng một số phương án cho phép nước xâm nhập tầng trệt và di chuyển mọi sinh hoạt lên các tầng cao hơn. Khi có tác động của lũ thì diện tích sử dụng bị thu hẹp và dồn nén; việc sử dụng vách cứng ngăn chia không gian cần hạn chế để dễ dàng chuyển đổi chức năng khi cần thiết, đồng thời phù hợp với lối sống cộng đồng và phương thức sản xuất nông nghiệp của cư dân nơi đây.
- Thích ứng với thiên tai (bão, lũ, triều cường): Tác động của thiên tai làm phá hủy nhanh chóng công trình và đe dọa tính mạng con người. Do đó, lựa chọn giải pháp kết cấu hệ khung chịu lực, vật liệu kiên cố, độ bền cao ( BTCT, thép) đủ khả năng chịu được các trận lũ lớn. Cao trình nền sàn vượt lũ cần ứng dụng kết quả quan trắc trong nhiều năm liên tục do chính quyền địa phương công bố
(iii) Khu vực cây ăn trái: Khu vực này đất đai phì nhiêu, dân tập trung đông và sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn trái, trồng hoa. Hình thành từng vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, kinh tế vườn phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng du lịch
Đặc thù của vùng có sự đa dạng về cư trú và có 3 khu vực định cư chính theo đặc điểm cây trồng: Vùng chuyên canh lúa nước, vùng chuyên canh cây ăn trái và vùng vừa trồng cây ăn trái và lúa nước. Nhà ở vùng chuyên canh lúa nước: Nên di dời dân vào điểm dân cư tập trung trên trục đường chính, các điểm dân cư này vẫn gần đất ruộng mà họ canh tác, các ruộng liên kết thành mảng lớn dễ canh tác bằng cơ giới, ưu tiên tại nơi giao nhau giữa đường liên huyện và sông. Modul mỗi nhà giữ nguyên tính thoáng hở trong khuôn viên khu đất, gồm: Sân – nhà – vườn. Nhà ở vùng chuyên canh cây ăn trái: do tính chất cần bảo vệ vườn cây ăn trái, nhà gắn liền với vườn, nhưng có thể dời ra góc của khu đất (bao gồm: khuôn viên nhà ở + đất vườn chuyên canh). Nhà ở vùng vừa trồng cây ăn trái và lúa nước: Trên nguyên tắc giữ nguyên tính thoáng, hở, tùy từng loại nhà và phương thức trồng trọt, sắp xếp bố cục các nhà có thể so le nhau trong cùng một khu đất và modul mỗi nhà vẫn đảm bảo các thành phần: sân – nhà – vườn nhỏ).
Kiến trúc nhà cần được lựa chọn trên tiêu chí dễ dàng mở rộng, linh hoạt, khả thi và hòa hợp tự nhiên. Nghiên cứu trên cơ sở cấu trúc đơn giản của nhà ba gian mà thiết kế các mẫu nhà biến cách cho phù hợp với tình hình vật liệu xây dựng địa phương và thích nghi địa thế từng nơi. Để tiết kiệm diện tích, tính linh hoạt trong nhà dân gian cần được kế thừa bằng cách khai thác tối đa diện tích sử dụng của mỗi chức năng bằng các vách ngăn chia di động, và chồng lớp các không gian chức năng theo thời gian sử dụng trong ngày. Các không gian trong nhà đều có các mặt tiếp xúc ra bên ngoài nhiều nhất, xen kẽ với các không gian chuyển tiếp như hàng hiên rộng (cần khai thác trước mặt nhà), sân trong (nhà cầu). Bố trí mạng lưới kênh rạch dẫn nước vào từng nhà nhằm tưới tiêu cây trồng bằng cách “đào mương lên liếp”. Tổ chức các bến sông tập trung ghe thuyền của các nhà, hoặc đưa ghe vào sát nhà tùy vị trí. Áp dụng hệ sinh thái VAC (vườn, ao, chuồng) hoặc VRAC (vườn, ruộng, ao, chuồng) vào bố cục khuôn viên nhà với các không gian sản xuất như: chuồng nuôi gà, vịt, ao cá.
(iv) vùng đặc thù:Thành phố Cần Thơ vốn là TP có đặc thù riêng – là đô thị đang phát triển mạnh, là đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương và là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của khu vực ĐBSCL. Ở đây còn tồn tại khá nhiều công trình cổ và công trình cổ và cũ có giá trị bảo tồn.
Cần Thơ cần tôn tạo và phát triển bản sắc của một đô thị sông nước. Lấy sông để hình thành các trục cảnh quan cho đô thị, bố trí các không gian cây xanh, lối đi bộ và đường giao thông dọc các tuyến kè, từ đó hình thành những không gian xanh xuyên suốt tạo hành lang sinh thái đan xen trong đô thị. Cần Thơ cần phải phát triển các hoạt động sinh hoạt kinh tế, du lịch gắn với sông nước để có thể thể hiện tính chất của một đô thị sông nước với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”. Đối với công trình được xây dựng trong tương lai, cần phải có hình thức kiến trúc phù hợp với đặc điểm tự nhiên và khí hậu của vùng, đồng thời có những đặc điểm riêng cho các công trình để tạo ra được nét đặc trưng phù hợp với cảnh quan sông nước, cảnh quan đô thị và môi trường sống hiện đại. Cần kế thừa truyền thống trong giải pháp kiến trúc, trong hình thức kiến trúc.Ví dụ có thể chuyển tải hình thức kiến trúc kiểu nhà cổ truyền thống Nam bộ (nhà cổ Thuận Hưng), nhà cổ Bình Thủy trong việc tổ chức không gian nội thất đặc trưng mang đậm dấu ấn Á Đông vào những công trình dịch vụ – du lịch (khách sạn, resort, nhà nghỉ dạng home-stay,…) hoặc nhà vườn có mật độ xây dựng thấp. Các giải pháp này sẽ giúp ngăn ngừa hiện tượng phổ biến loại hình kiến trúc nhà ở đô thị (nhà chia lô, biệt thự theo kiểu kiến trúc hiện đại) vào các khu vực nông thôn; tạo nét đặc trưng cho thể loại nhà vườn ở khu vực nông thôn có kết hợp với du lịch.
Đối với các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa cần phải có kế hoạch chi tiết về công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng để đề ra giải pháp bảo tồn hoặc cải tạo kịp thời và phù hợp, tránh trường hợp đập phá hoặc xây mới.
Hình thức kiến trúc TP Cần Thơ trước hết cần thể hiện tinh thần thời đại thông qua việc sáng tạo các mô thức thẩm mỹ mới với vai trò tích cực của công nghệ và vật liệu xây dựng hiện đại. Tuy nhiên chúng cũng không thể tách rời hoàn toàn với các thiết chế thẩm mỹ truyền thống và bản địa.
Thiết chế thẩm mỹ là cơ sở định hướng cho sự vận hành, chuyển đổi các giá trị truyền thống trong hình thức kiến trúc hiện nay theo một nguyên tắc thống nhất, đảm bảo việc ứng dụng không vượt ra khỏi đặc trưng thẩm mỹ của kiến trúc truyền thống. Nghĩa là, giá trị văn hóa dù chuyển đổi theo phương thức nào (nguyên gốc, một phần hay tương ứng) đều có thể nhận biết được “tính dân tộc” trong các hình thức biểu hiện của nó thông qua mô tả, gợi ý và phán đoán thẩm mỹ hài hòa về các phong cách kiến trúc: kiến trúc hiện đại, kiến trúc phong cách Đông Dương, kiến trúc truyền thống Nam bộ, kiến trúc đặc trưng của miền sông nước vốn đã hình thành và phát triển ở Cần Thơ hoặc có thể phát triển theo những xu hướng thiết kế kiến trúc khác.
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, có nhiều cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành, có địa hình đa dạng với đường bờ biển dài, các núi đá, rừng nguyên sinh được bảo tồn.
Đa dạng về hình thức kiến trúc: Phú Quốc có cả hình thức khai thác kinh tế truyền thống, các khu vực đất nông thôn, các làng nghề, làng chài, các khu trồng tiêu, trồng cây ăn quả, nuôi trồng khai thác thủy – hải sản và có cả những khu vực phát triển hiện đại, các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Vì vậy về định hướng kiến trúc cần sự đa dạng, chấp nhận nhiều hình thức khác nhau. Vừa tôn trọng và phát huy kiến trúc nông thôn, làng nghề truyền thống hiện hữu. Vừa phát triển kiến trúc mới một cách hài hòa, phù hợp theo địa hình, khí hậu, giảm thiểu tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường và thích hợp với lối sống văn hóa của người dân. Chấp nhận hình thức phát triển mới xen cài ở những nơi thích hợp trong phạm vi diện tích làng hiện hữu, các không gian văn hóa đặc trưng để hấp dẫn khách du lịch. Cho phép phát triển loại hình lưu trú homestayed.
Đa dạng về cấu trúc công năng: Do hình thức kinh tế công nghiệp đa dạng mới, nhiều ngành nghề như: Làm nước mắm, chế biến hải sản mực khô, tôm đông lạnh, chế biến gỗ, sửa chữa tàu thuyền, các cơ sở nuôi trai ngọc khai thác ngọc trai… Kiến trúc của loại hình công trình này phục vụ dây chuyền sản xuất các sản phẩm đặc trưng, có không gian vượt khẩu độ lớn. Ngoài việc đảm bảo yếu tố bền vững, khẩu độ này cho phép tạo nhiều khả năng chuyển đổi linh hoạt, vừa là nơi sản xuất, vừa có thể là nơi giới thiệu cho khách du lịch tới tham quan cách thức tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Cần đẩy mạnh tính sáng tạo trong thiết kế để biến Phú Quốc thành một đô thị đặc thù thực sự có sức hấp dẫn du lịch. Áp dụng kiến trúc công nghệ cao, sử dụng vật liệu mới để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình hiện đại cho Phú Quốc.
Thay lời kết
ĐBSCL cần có một bản quy hoạch, kế hoạch tổng thể (Master Plan) trong đó Định hướng phát triển Kiến trúc vùng ĐBSCL cần phải được thực hiện đồng bộ với định hướng phát triển nông nghiệp, quy hoạch giao thông, cảnh quan, quy hoạch môi trường….
Định hướng phát triển kiến trúc chưa phải là những đề xuất các giải pháp, mô hình cụ thể. Sau khi có định hướng từ phía Bộ Xây dựng, các địa phương cần đưa định hướng về địa phương và chuyển biến nó thành các giải pháp cụ thể cho từng khu vực, từng thể loại công trình. Mỗi địa phương sẽ khai thác thế mạnh của mình để thực hiện từng bước các tiêu chí ưu tiên trong phát triển kiến trúc. Bộ cũng cần tiến hành tiếp các nghiên cứu ứng dụng cho từng hạng mục cụ thể, chia nhỏ tới từng vùng để nghiên cứu mô hình nhà ở, công trình công cộng phù hợp với yếu tố văn hóa, tự nhiên của khu vực. Các nghiên cứu mẫu nhà, thí điểm các dự án thực tế, kết hợp với dự án cộng đồng để “kích hoạt” sự phát triển kiến trúc của các địa phương. Các địa phương trong 4 vùng cần phối hợp với nhau để phổ biến các giải pháp về nhà ở và các công trình công cộng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các mẫu nhà kiên cố, các mẫu nhà ven kênh rạch, các cụm dân cư vượt lũ… để ứng phó với hiện tượng nước biển dâng đang ngày càng phức tạp.
*Nguyễn Thị Hạnh Nguyên
Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)