Quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm
Hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao đầm nuôi cá nước ngọt Hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao đầm nuôi cá nước ngọt Quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm Nuôi tôm là một trong những nghề thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: Tép Bạc Nuôi tôm là một trong những nghề…
Quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm
Nuôi tôm là một trong những nghề thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: Tép Bạc
Nuôi tôm là một trong những nghề đóng góp to lớn vào nền kinh tế nước nhà, quy mô sản xuất càng mở rộng kéo theo là những rủi ro về dịch bệnh, việc bổ sung những kiến thức về quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm cũng góp phần quan trọng không kém.
Xử lý nước thải ao bằng hệ thống công nghiệp
Với hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thay và nước xi phông sẽ được tách các chất rắn lơ lửng bằng thiết bị lọc trống. Nước sau khi tách chất rắn lơ lửng sẽ được đưa vào các bể xử lý sinh học. Bể lọc sinh học với các giá thể sinh học lơ lửng trong nước sẽ được sục khí tích cực và nhờ vào số lượng lớn vi sinh trong bùn hoạt tính sẽ chuyển hóa các hợp chất hữu cơ hòa tan thành hợp chất vô cơ không độc hoặc sinh khối vi khuẩn.
Xử lý nước thải ao tôm công nghiệp. Ảnh: westerntechvn.com.vn
Nước sau khi qua khỏi bể lọc sinh học được chuyển qua bể lắng để tách bùn, sau đó chuyển qua bể khử trùng diệt khuẩn và tuần hoàn tái sử dụng hoặc thải ra môi trường. Lượng bùn phát sinh từ bể lắng sẽ được thu gom vào bể chứa bùn để xử lý hoặc tận dụng trồng cây.
Ưu điểm của phương pháp là xử lý nước thải với hiệu suất cao và thời gian xử lý nhanh. Thế nhưng, đây là phương pháp đòi hỏi chi phí cao, cần có chuyên môn sâu về nguyên lý kỹ thuật để vận hành. Chỉ áp dụng được đối với các công ty lớn, khó áp dụng đại trà.
Phương pháp xử lý bằng ao sinh học
Phương pháp ao sinh học trong xử lý nước thải nuôi tôm dựa trên nguyên lý của xử lý nước thải. Nhờ vào quá trình phân hủy sinh học các hợp chất hữu cơ của các loại vi sinh hữu ích, các loài thủy sản ăn chất cặn lắng hữu cơ để xử lý các chất rắn lơ lửng, rong tảo trong ao.
Trên thực tế, hệ thống xử lý bằng ao sinh học được thiết kế gồm nhiều ao kế tiếp nhau có công dụng khác nhau, trong đó chủ yếu là ao lắng và ao xử lý sinh học kỵ khí, hiếu khí hoặc tùy tiện (ao có cả vùng kỵ khí và hiếu khí).
Xử lý nước thảo ao tôm bằng phương pháp sinh học. Ảnh: Tép Bạc
Tác dụng của các ao lắng nhằm giữ lại phần lớn chất lơ lửng trước khi nước thải được đưa vào các ao sinh học, thiết kế ao lắng phải phù hợp để có đủ thời gian lắng các cặn lơ lửng. Tại các ao xử lý sinh học, chất hữu cơ lơ lửng sẽ được phân hủy sinh học bằng hệ vi sinh vật có trong ao cũng như tận dụng nuôi các loài thủy sản như cá nâu, sò, nghêu, cá rô phi… để xử lý các chất rắn lơ lửng, rong tảo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người dân thường nuôi cá trê để tận dụng vỏ tôm lột, cá phi, cá nâu để xử lý chất thải xi phông từ ao nuôi.
Phương pháp này có ưu điểm là chi phí thấp, dễ thực hiện và áp dụng đại trà. Tuy nhiên, để triển khai thì đòi hỏi phải có diện tích lớn để bố trí ao sinh học. Chất lượng nước sau xử lí còn biến động và thời giản xử lý cũng khá lâu.
Ứng dụng công nghệ Biofloc
Hoạt động dựa trên nền tảng là thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng bằng cách bổ sung nguồn Carbon bên ngoài như mật đường vào ao nuôi trong điều kiện không thay nước và chúng sẽ chuyển hóa các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi thành sinh khối cơ thể của chúng.
Ứng dụng công nghệ Biofloc trong việc xử lý nước thải ao tôm. Ảnh: Tép Bạc
Nguyên lý của công nghệ này là do cơ thể của vi khuẩn dị dưỡng được cấu tạo bởi tỷ lệ C:N khoảng 4:1, do vậy với sự hiện diện của hàm lượng nitơ cao trong ao nuôi (dưới dạng NH3/NH4+) thì chỉ cần cung cấp nguồn carbon bên ngoài vào ao nuôi thì vi khuẩn dị dưỡng sẽ sinh trưởng mạnh mẽ, lấn át sự phát triển của tảo, làm sạch nước ao giúp hạn chế tối đa được việc thay nước và làm giảm lượng nước thải phát sinh.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn phát sinh một lượng nước xi phông nhỏ và cần có các biện pháp xử lý bổ sung để xử lý triệt để lượng thải này.
Ngoài ưu điểm là đảm bảo an toàn sinh học, hàm lượng chất ô nhiễm thấp (nhờ phần lớn đã được chuyển hóa), phương pháp còn giúp giảm chi phí sản xuất, vận hành nhờ giảm hệ số chuyển đổi thức ăn FCR và tiết kiệm nhờ không thay nước.
Song đó, đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về kỹ thuật vận hành, nhu cầu về điện cao (phải đảm bảo luôn có nguồn điện dự phòng) và cần áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung để xử lý nước thải từ quá trình xi phông.
Nhất Linh @nhat-linh
Nguồn: Tép Bạc