Rệp, Kiến, Sên và Nhớt gây hại trên Lan
Em CS Kiếm Sọc Phát Tài,Xh, Vh, Ngũ Phúc, Hkđ, Vtq0975710735 Em CS Kiếm Sọc Phát Tài,Xh, Vh, Ngũ Phúc, Hkđ, Vtq0975710735 1. RỆP Tổng họ: Coccoidea – Bộ : Homoptera Thành phần gây hại: Nhóm này bao gồm những loài nói chung có kích thước rất nhỏ, gây hại bằng cách chích hút dịch…
1. RỆP
Tổng họ: Coccoidea – Bộ : Homoptera
Thành phần gây hại: Nhóm này bao gồm những loài nói chung có kích thước rất nhỏ, gây hại bằng cách chích hút dịch cây lan (trên lá, nụ hoa, giả hành, thân). Có nhiều loài Rệp Sáp hiện diện trên hoa, có thể chia Rệp Sáp ra làm 2 nhóm: nhóm Rệp Sáp Dính với các giống phổ biến như Lepidosaphes, Aonidiella, Coccus và Saissetia và nhóm Rệp Sáp Bông với các giống và loài phổ biến như Pseudococcus, Planococcusvà Icerya purchasi.
Có hàng chục loại rệp gây hại trên lan như rệp sáp, rệp vảy, rệp vảy ốc, rệp bông, rệp vừng, rệp sáp nắp vỏ trai….Tất cả các loài này đều có đặc điểm chung là cơ thể tiết ra một lớp sáp che chở cho cơ thể, lớp này hình thành nên một lớp vỏ cứng, có hình dạng, mầu sắc và kích thước khác nhau (Rệp Sáp Dính) hoặc lớp phấn trắng (Rệp Sáp Phấn). Lớp vỏ của nhóm Rệp Sáp Dính có thể tách ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng như ở nhóm Aonidiella, Lepidosaphes hoặc tạo thành vách da không thể tách khỏi cơ thể như ở nhóm Coccus hoặc Lecanium. Quá trình phát triển của Rệp Sáp rất phức tạp, chúng có loài có thể di chuyển và có loài không di chuyển, ở nguyên 1 vị trí và chích hút.
Các loài Rệp Sáp đều có chu kỳ sinh truởng ngắn (đa số dưới 30 ngày), khả năng sinh sản cao, có loài đẻ trứng, có loài đẻ con, nếu điều kiện môi trường thích hợp sẽ có khả năng bộc phát nhanh. Gây hại bằng cách chích hút (ấu trùng và thành trùng Cái) lá, giả hành, nụ hoa, cuống hoa, thân. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, giả hành bị khô, teo tóp lại và chết, nếu trong quá trình tạo nụ, chúng tấn công nụ có thể sẽ tạo ra những bông hoa dị dạng, kém chất lượng. Bên cạnh đó từ vết chích hút của rệp còn là nguồn gốc của bệnh Thối nâu do vi khuẩn và thậm chí là cả virut.
Gây hại chủ yếu vào mùa nắng. Mật ngọt do rầy tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây lan. Tôi sẽ trao đổi với các bạn về chuyên đề nấm ký sinh hoại sinh ở các số sau.
Biện pháp phòng trị: Bạn cần phải thường xuyên theo dõi, quan sát cây lan nhà bạn. Đặc biệt là các kẽ lá, vòi nụ, mặt trên mặt dưới lá… để phát hiện sớm rệp tấn công lan nhà bạn. Nếu bạn thấy ít thì có thể dùng nước rửa chén Sunlight pha loãng với nồng độ 1ml pha 1 lít nước rồi phun vào rệp. Đối với các giống rệp di chuyển được khi dính nước xà phòng rửa chén sẽ chết vì ngộp thở, còn các giống rệp có vảy nằm im 1 chỗ thì phải kết hợp bàn chải đánh răng lông mềm mà chải đi hoặc lấy móng tay cạo bỏ rệp đi.
Một số loại thuốc hóa học gốc Lân hữu cơ có hiệu quả đối với Rệp Sáp khi không sử dụng liên tục một loại nhất định, nên sử dụng thuốc phối hợp thuốc hóa học với Dầu khoáng (0,5%), tuy nhiên để tránh ảnh hưởng của Dầu khoáng đối với cây trồng, phải tôn trọng nồng độ khuyến cáo khi sử dụng.
Hiện nay, trên thị trường giới thiệu sự kết hợp của hai loại thuốc là Movento 150 OD pha chung với SK Enspray 99EC
Dầu khoáng SK Enspray 99EC được dùng như thuốc trừ nhện, trừ các loại sâu hại (phổ rộng), đồng thời hạn chế một số bệnh hại và còn được dùng như chất hỗ trợ cho thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Đối với sâu hại, dầu khoáng có tác dụng gây ngạt (do bịt lổ thở), thối trứng và thay đổi tập tính (ăn, đẻ trứng). Đối với bệnh hại, dầu ngăn cản sự nẩy mầm của bào tử, hạn chế sự phát tán và phá vỡ màng tế bào bào tử.
Dầu khoáng SK Enspray 99EC là thuốc phổ rộng, hiệu quả cao trừ nhện, rệp sáp, các loại rầy, sâu vẽ bùa, ruồi trắng, rầy chổng cánh trên cây ăn trái, cây công nghiệp, rau, cây cảnh, cây trồng trong nhà lưới.
Dầu khoáng SK Enspray 99EC không gây hiệu ứng kháng thuốc, thuộc nhóm độc IV, không độc hại cho cây trồng, an toàn cho người, tôm, cá, ít hại thiên địch, không để lại dư lượng trên nông sản, phù hợp cho chương trình IPM và sản xuất nông sản sạch. Dầu khoáng SK Enspray 99EC pha nước với nồng độ 0,5% (80 ml cho 1 bình 16 lít nước). Phun ướt đều lên mặt dưới lá, kẽ lá và mặt trên lá, phủ đều lên rệp, nhện đỏ…
Movento 150 OD
– Movento là thuốc trừ sâu thế hệ mới, tác động vị độc, lưu dẫn hai chiều. Thuốc có hiệu quả cao, kéo dài trên côn trùng chích hút & các loại côn trùng khác (rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ…). Moventon có tính chuyên biệt cao, chỉ diệt côn trùng khi thuốc đã được cây trồng hấp thu & côn trùng chích hút hoặc ăn các bộ phận của cây trồng. Do đó, Movento rất thân thiện với môi trường & ít ảnh hưởng đến các loại thiên địch. Thuốc được đăng ký sử dụng trên rau, cây ăn trái…tại Mỹ, Châu Âu & nhiều nước trên thế giới.
Công dụng và lợi ích:
– Thuốc có khả năng tìm diệt côn trùng gây hại ẩn núp hoặc khi phun không trúng thuốc (phun trên tán lá diệt được côn trùng gây hại ở phần rễ hoặc trên ngọn xa tầm phun thuốc)
– Giảm được chi phí & công phun do hiệu quả cao và kéo dài.
– Phun trên tán lá diệt côn trùng phá hoại ở phần rễ, nên không cần phải đổ thuốc xuống gốc.
– Thuốc không gây hại kiến vàng nên rất phù hợp cho quản lý dịch hại (IPM) trên cây bưởi (cây có múi)
Hai loại thuốc trên đều không mùi, độc rất nhẹ. Phù hợp cho việc phòng trừ côn trùng cho lan khi trồng lan trong khuôn viên sân vườn sát nơi ở. Có một số bạn bảo thuốc không có tác dụng? Thật ra là tác dụng chậm. Phải phun nhiều lần mới hiệu quả.
Tuần phun 1 lần, ít nhất 3-6 lần khi trị rầy, rệp, sâu và nhện… Khi phòng bệnh thì nên nửa tháng phun 1 lần vào lúc chiều mát. Không nên phun sáng! Khi phun thuốc bạn PHẢI PHUN ướt đẫm bộ rễ và toàn bộ cây lan mới mang lại hiệu quả cao.
Trên thị trường hiện nay có hàng ngàn loại thuốc khác nhau. Bạn chỉ cần nhận biết được tên của loại côn trùng đang hại lan nhà bạn, sau đó bạn ra nhà thuốc Bảo Vệ Thực Vật (BVTV) hỏi mua đúng loại.
2. KIẾN
Kiến rất ít khi gây hại trực tiếp cho lan (đôi khi có cắn đầu rễ và lá lan), nhưng nếu chúng bu kín cả vòi nụ và tha rệp lên cây lan để nuôi rệp lấy mật thì lại là chuyện khác. Nếu vòi nụ bị kiến bu thì khi nở ra chắc chắn sẽ có nhiều bông hoa bị tàn phế quăn queo lồi lõm. Kiến cũng là một trong các nguyên nhân gián tiếp gây các loại bệnh do nấm, vi khuẩn và vi rút trên lan.
Diệt kiến với một trong các loại thuốc sau:
– FENDONA
Quy cách: Chai 50ml; chai 500ml; chai 1 lít; vỉ 5ml, tấm 4 vỉ x 5ml
Hoạt chất: Alpha – Cypermethrin 10%
Nguồn gốc: Sản phẩm của Basf (Đức) – Tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới.
Đối tượng diệt trừ: Muỗi, kiến, gián, ruồi, bọ chét, bọ xít hút máu, bọ đậu đen, kiến 3 khoang, rận, rệp,…
Đặc tính và công dụng:
– Hiệu lực phun tồn lưu kéo dài từ 4 – 6 tháng trên nhiều bề mặt phun khác nhau: gạch, đất, vôi, sơn nước, xi măng, gỗ,…
– Tẩm mùng (màn) hiệu lực kéo dài từ 10 – 12 tháng
– Không mùi, không để lại vết bẩn trên bề mặt sau khi phun
– An toàn cho sức khỏe người và môi trường
– Regent 800 WG – hãng Bayer (Trị nhện gié, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bọ xít, bọ trĩ , rệp, kiến…)
3. SÊN VÀ NHỚT chính là kẻ thù số một của người nông dân trồng lan khi mùa mưa tới. Chỉ sau một tháng mưa dầm, sên nhớt phát triển với tốc độ chóng mặt về số lượng và tàn phá hết mầm non cùng lá non giò lan. Mưa nhiều, độ ẩm giả thể trồng lan luôn ẩm ướt, nền giàn đọng nước và nhiều cỏ dại chính là điều kiện thuận lợi để sên và nhớt sinh trưởng và phát triển.
Kinh nghiệm cho người mới chơi lan
Hồi mới chơi lan, tôi cứ TƯỞNG ghép lan lên gỗ vú sữa và nhãn phải để cả vỏ thì lan mới tốt, rễ mới sung. Nhưng khi vỏ của khúc gỗ mục đi, mùn của vỏ chính là thức ăn và ổ của sên và nhớt, là ổ của nấm và vi khuẩn, của cuốn chiếu, bọ trĩ và giun. Trên một giò lan trung bình, tôi đếm được khoảng hai chục con sên và nhớt, chúng chỉ nhỏ bằng chân que hương (nhang) hoặc nhỏ hơn, nhưng sức phá hoại của chúng thì thật khủng khiếp. Chúng ăn hết mầm non và lá non của những giống lan có giả hành, chúng gặm cụt đầu rễ của hầu hết các giống lan đơn thân. Còn đối với các giống sên và nhớt lớn bằng đầu đũa tới cổ tay người thì sức phá hoại không thể hình dung nổi.
Vào ban ngày bạn sẽ không thấy được hoặc rất khó để phát hiện ra sên và nhớt trên giò lan, nhưng ban đêm từ 18h trở đi, chúng sẽ từ các khe kẽ của giò lan và từ sâu bên trong giá thể bò ra để ăn mùn, ăn ngọn lan, mầm lan, nụ hoa và cánh hoa…
Đối với các loại sên nhớt kích thước lớn, bạn chỉ cần dùng loại BẢ SÊN khoảng 35.000đ/kg (sản xuất tại Việt Nam) và rải lên giá thể, rải khắp nền giàn và xung quanh giàn là được. Trung bình mùa mưa nên rải bả sên 1 tháng 1 lần.
Đối với sên và nhớt kích thước nhỏ như cây kim khâu cho tới bằng đầu chân hương (nhang) (khoảng 2-3mm) thì các loại bả này tôi cũng thử nhưng không mấy hiệu quả. Bạn nên dùng loại bả của Thái Lan tên là DEADMEAL-5, loại này rất đắt tiền (giá gấp 10 lần loại của Việt Nam sản xuất), trên 1 chậu đường kính 14cm bạn chỉ cần rải khoảng 25 viên là đủ. 1kg bả này có thể rải được hơn 1500 chậu lan.
Đối với các giò lan ghép gỗ và nền giàn thì dùng Thuốc diệt ốc dạng bột – Osbuvang 80WP đê phun.
– Quy cách: Gói 100gram, dạng bột. Hoat chất :Metaldehyde
Công dụng:
Bạn phải phun ướt đẫm cả giò lan vào buổi chiều tối (tốt nhất là 18h), đảm bảo tất cả các khe rãnh trên giò lan đều đẫm thuốc. Phun hai tới ba lần, cách nhau 3-7 ngày mới dứt điểm được cả trứng. Bạn nhớ phải bảo hộ kỹ cơ thể khi phun thuốc.
Hai loại thuốc này có VẠCH MÀU XANH ĐẬM nói lên mức độc là ÍT ĐỘC. Nhưng ít độc thì vẫn là CÓ ĐỘC, các bạn cẩn thận 1 chút.
Nhân tiện đây tôi cũng lưu ý các bạn cách nhận biết mức độ độc dựa vào vạch cảnh báo trên bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật. Vạch này thường ở phần dưới cùng của chai thuốc hoặc gói thuốc.
– Vạch màu đỏ trên bao bì là thuốc độc nhóm I, thuộc loại rất độc và độc
– Vạch màu vàng trên bao bì là thuốc độc nhóm II, thuộc loại độc trung bình.
– Vạch màu xanh (xanh đậm) trên bao bì da trời là thuốc độc nhóm III, thuộc loại ít độc.
– Vạch màu xanh lá cây trên bao bì là thuốc độc nhóm IV, thuộc loại độc rất nhẹ.
BẮT SÊN NHỚT THỦ CÔNG
Nếu chỉ có vài chậu lan, bạn có thể thái vài lát dưa leo hoặc rau xà lách mỡ rồi đặt lên chậu lan khoảng 18h, rồi một hai tiếng sau chịu khó soi đèn và lấy lát dưa leo dính đầy sên nhớt ra.
Tóm lại để rà soát được các loại côn trùng gây hại bạn phải thường xuyên quan sát cây lan, ban đêm phải chịu khó soi đèn kiểm tra xem có côn trùng hoặc sên nhớt hại lan hay không. Lưu ý là không được pha chung thuốc côn trùng với thuốc sên nhớt và các loại thuốc phòng chữa bệnh khác.
Trong chuyên đề sau sẽ đề cập tới Nhện Đỏ, Bọ Trĩ, Cuốn Chiếu, Muỗi, Ruồi Vàng, Gián… gây hại trên lan, mong các bạn đón đọc
(Bài đã đăng trên tạp chí số 301 tháng 10 năm 2018)
Nguyễn Ngọc Hà
Tin tức khác