Rộng mở tiềm năng nuôi biển
Nhọc nhằn nghề nuôi biển: 20 năm sống dưới nước, lên bờ ở không quen | VTC16 Nhọc nhằn nghề nuôi biển: 20 năm sống dưới nước, lên bờ ở không quen | VTC16 Tiềm năng nuôi biển hở rất lớn Với chiều bờ biển 385km, hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm…
Tiềm năng nuôi biển hở rất lớn
Với chiều bờ biển 385km, hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió nên tỉnh có lợi thế rất tốt để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay nuôi biển ở Khánh Hòa tập trung 2 đối tượng chính đó là tôm hùm và cá biển. Trong đó, năm 2020 toàn tỉnh có tổng số lồng thả nuôi tôm hùm lên đến 60.647 ô lồng, sản lượng trên 1.500 tấn.
Đối với cá biển gồm cá chẽm, cá mú, cá chim vây vàng…, được nuôi thương phẩm với 2 hình thức bằng lồng bè truyền thống và lồng Na Uy. Năm 2020 số lượng lồng nuôi cá truyền thống tại vịnh, đầm trên địa bàn là 9.072 lồng, sản lượng trên 8.200 tấn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị nuôi biển áp dụng nghệ nuôi hiện đại, sử dụng lồng Na Uy là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (sản lượng 6.850 tấn/năm) và Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I với sản lượng khoảng 200 tấn cá/vụ.
Các mô hình nuôi này an toàn cho lồng nuôi, an toàn về dịch bệnh, chịu được cơn bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15 (bão Damrey đổ bộ vào tỉnh vào cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi).
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I nuôi biển theo công nghệ Na Uy trên vịnh Vân Phong. Ảnh: KS.
Theo Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa: Cơn bão số 12/2017 từng gây thiệt hại cho Khánh Hòa rất nặng với hơn 16.500 tỷ đồng, trong đó nuôi trồng thủy sản thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng. Do đó, Khánh Hòa mong muốn chuyển dịch dần nuôi thủy sản truyền thống sang nuôi lồng Na Uy (HDPE).
Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách gì khuyến khích để nhân dân chuyển dịch dần. Đối với nuôi biển hở cách bờ từ 3-6 hải lý, địa phương rất khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Bởi tỉnh hiện có vùng nuôi, mỗi vùng có ngàn ha chỉ cách bờ biển TP Nha Trang từ 4-5 hải lý và khu vực này nuôi biển theo quy mô công nghiệp kiểu Na Uy rất phù hợp.
Tương tự, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, các vùng đầm, vịnh, cửa sông trên địa bàn vẫn còn tiềm năng rất lớn để nuôi biển công nghiệp. Diện tích mặt biển trên địa bàn tỉnh hiện có hàng ngàn ha (cách bờ từ 3-6 hải lý, độ sâu trên 30 m), chất lượng môi trường tốt, ổn định. Tuy nhiên những năm qua, tỉnh vẫn chưa khai thác được lợi thế vùng biển này.
Ông Thế khẳng định, vùng biển trong tỉnh có lợi thế không có ảnh hưởng các luồng ô nhiễm nào, cũng như nguồn nước ổn định và chất lượng nước phù hợp các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, quan niệm nuôi biển của tỉnh, ngoài việc nuôi biển hở, tỉnh còn quy hoạch những vùng nuôi biển ở trên bờ bằng cách sử dụng cấp nước công nghiệp phục vụ nuôi biển.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển
Mới đây, tại hội nghị về phát triển nuôi biển bền vững diễn ra tại Phú Yên, nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đã kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển hở.
Theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, công ty có vốn 100% nước ngoài của Mỹ, được thành lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hơn 12 năm. Công ty đã dành 3 năm để nghiên cứu 30 loài thủy sản toàn cầu và cuối cùng đã chọn cá chẽm là đối tượng nuôi biển tốt nhất tại Việt Nam. Cá chẽm có hệ số chuyển đổi thức ăn tốt, sinh trưởng quanh năm và chất lượng thịt ngon tuyệt vời, có thể thay thế thủy sản nhiệt đới khác như cá mú, cá vược hay cá trác đang bị đánh bắt quá mức.
Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.
Hiện nay, công ty đã vươn lên trở thành đơn vị sản xuất cá chẽm lớn nhất thế giới và đang đặt mục tiêu trong năm tới sản xuất 10.000 hệ sinh khối và 50.000 tấn cá vào cuối thế kỷ này. Năm 2021, công ty đã có kế hoạch xây dựng cơ sở chế biến cá tại Vân Phong (Khánh Hòa).
Cũng theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, tới đây, nhu cầu tiêu thụ protein của thế giới rất lớn, trong đó nhu cầu thủy sản đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển như bờ biển dài, ngành thủy sản có lịch sử lâu đời, khí hậu tương đối dễ chịu và người dân có tinh thần khởi nghiệp làm giàu.
Tuy nhiên để nuôi biển hiệu quả, đại diện Công ty này cho rằng, khu vực dành nuôi biển cần được ưu tiên và tách biệt với sự phát triển công nghiệp.
Cùng với đó, có 4 yếu tố cần phải đảm bảo gồm nguồn giống, chẩn đoán và vacxin, đảm bảo nguồn thức ăn cho cá bố mẹ và thức ăn cho cá nuôi trong quá trình nuôi biển. Đây là yếu tố nuôi bền vững được công ty chú trọng trong quá trình nuôi biển và cũng là những yếu tố đã được các tổ chức hàng đầu thế giới chứng nhận.
Bên cạnh các yếu tố trên, việc sáng tạo, đổi mới và xây dựng thương hiệu cũng được Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chú trọng, ưu tiên cho chiến lược phát triển. Vì vậy, hiện các đối tác cung ứng sản phẩm của công ty là những chuỗi hoặc siêu thị hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ.
Doanh nghiệp này cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu về sản lượng trong lĩnh vực nuôi biển, phục vụ xuất khẩu, Việt Nam cần phải hợp tác, kích hoạt hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có việc ứng dụng công nghệ mới, chẳng như công nghệ Na Uy để giải quyết thách thức trong việc mở rộng quy mô sản xuất, cũng như chống chịu tình trạng thời tiết cực đoan.
Thu hoạch cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, do đó cần có điều kiện bền vững cho nhà đầu tư, chẳng hạn về thời hạn thuê đất và khu vực nuôi trồng cần được bảo về trước tác động môi trường, cũng như cần chính sách phù hợp liên quan đến an toàn sinh học, phụ gia thực phẩm, phụ gia thức ăn…
Cũng như tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Sở NN-PNT Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 51/2014/NĐ-CP quy định về giao khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, để địa phương có cơ sở giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản và thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản.
Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ tham khảo ý kiến của Bộ TN-MT và các bộ ngành khác để trình Chính phủ chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc quy định giao mặt nước biển.
Bởi các cá nhân, doanh nghiệp nuôi biển phải có mặt nước biển. Để có mặt nước biển, phải có đầy đủ cơ sở pháp lý để bàn giao mặt nước biển đảm bảo lâu dài cho doanh nghiệp như các nước đã làm.