Sản xuất và xuất khẩu thủy sản: Thách thức nhiều hơn cơ hội
Hoằng Hóa tích cực bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão. Hoằng Hóa tích cực bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão. Sản xuất chững lại từ năm 2015 và ngày càng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và môi trường Kể từ năm 2008 trở lại…
Sản xuất chững lại từ năm 2015 và ngày càng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và môi trường
Kể từ năm 2008 trở lại đây, diện tích nước mặt nuôi trồng thủy sản đã có dấu hiệu chững lại trước quá trình đô thị hóa cùng với hoạt động phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi trong khi quỹ đất nông nghiệp có hạn. Vài năm gần đây, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ổn định mức trên 1 triệu ha. Theo tính toán từ số liệu Tổng cục Thống kê, từ năm 2000 – 2014, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản trung bình đạt tới 7,7%/năm. Sản lượng thủy sản năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng đạt gần 3,1%, thấp hơn so với những năm gần đây (năm 2014 là 6,8%, năm 2013 là 5,1%). Nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu giảm mạnh, giá thu mua thấp trong khi chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y khá cao, chất lượng con giống không đảm bảo… Do đó nhiều địa phương không mở rộng diện tích nuôi, thậm chí giảm quy mô nuôi với các hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán.
Sang năm 2016, sản xuất thủy sản tiếp tục bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sản lượng 6 tháng đầu năm 2016 (gồm cả đánh bắt và nuôi trồng) ước tính đạt 3.131,3 nghìn tấn, chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.309,4 nghìn tấn, tăng 2,2%, trong khi sản lượng tôm đạt 306 nghìn tấn, giảm 2,5%.
Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nước và nhiễm mặn, nhất là tại vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 893 nghìn ha, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 256,2 nghìn ha, giảm 2,2%; diện tích nuôi tôm đạt 518,2 nghìn ha, giảm 3,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng ước tính đạt 1.586,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.191,4 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 226,6 nghìn tấn, giảm 4%.
Đối với hoạt động khai thác, nếu những tháng đầu năm thời tiết khá thuận lợi cộng thêm với việc các địa phương có chính sách hỗ trợ ngư dân về dầu và vay vốn đóng mới tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ đã khuyến khích bà con ngư dân tích cực ra khơi bám biển nên sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.544,9 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.118 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 79,4 nghìn tấn, tăng 1,8%. Khai thác biển ước tính đạt 1.459,5 nghìn tấn, tăng 3,4%, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 13 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, sự cố xảy ra vào cuối tháng 4/2016, ô nhiễm môi trường tại một số địa phương thuộc vùng biển Bắc Trung bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) đã dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ làm ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều thách thức
Xuất khẩu thủy sản đã
liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2000 – 2014, tốc độ trung bình lên tới gần
13%/năm. Tuy vậy, năm 2015 ngành thủy sản đã không thể giữ được kết quả ấn tượng
như năm 2014. Sản xuất khó khăn và nhu cầu thu hẹp cũng như hàng rào kỹ thuật
ngày càng cao tại các thị trường xuất khẩu truyền thống là những nguyên nhân
chính khiến xuất khẩu thủy sản chững lại. Cả ba mặt hàng xuất khẩu thủy sản
chính là tôm, cá tra và cá ngừ đều đồng loạt giảm so năm ngoái, điều chưa từng
xảy ra trong những năm trước đây. Nếu trong năm 2014, xuất khẩu tôm là điểm
sáng duy nhất đem lại kết quả kỷ lục 4 tỷ USD thì năm 2015 xuất khẩu tôm chỉ đạt
con số 3 tỷ USD, giảm 25% so với năm ngoái. Trừ mặt hàng cá biển tăng 5%, xuất
khẩu tất cả các sản phẩm chính khác đều giảm từ 3 – 25% so với năm 2014.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Bước sang năm 2016, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong các tháng cuối năm.
Áp lực đầu tiên là hoạt động sản xuất đang gặp khó khăn, năng suất nuôi trồng thủy sản đang sụt giảm mạnh sau một giai đoạn tăng liên tục nhờ những giải pháp về thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật. Năm 2016, hạn mặn, bệnh dịch và cuộc tranh chấp giữa “tôm – lúa” đang diễn ra căng thẳng tại Đồng bằng sông Cửu Long những ngày gần đây có thể khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê
Khó khăn thứ hai là chi phí sản xuất sẽ tiếp tục tăng, tổn thất trong và sau thu hoạch cao. Ví dụ chi phí sản xuất tôm của Việt Nam cao do phụ thuộc lớn các nguồn cung cấp từ nước ngoài (như con giống, thức ăn, thuốc thú y). Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ đạt 33 – 35%, do môi trường ô nhiễm, nhiều dịch bệnh; trong khi ở các nước xuất khẩu khác như Indonesia, Ấn Độ… tỷ lệ nuôi thành công tới 70%. Đối với cá tra, sau đợt khủng hoảng vừa qua, nhiều người nuôi phân vân chưa dám đầu tư nuôi mới. Nguyên nhân là do thời gian qua giá cả phập phù, lợi nhuận thấp, khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do cá tra được cho là mặt hàng có rủi ro cao.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt cũng là một thách thức lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí thức ăn trong nuôi tôm của Việt Nam cao hơn 40% so với các nước trong khu vực, giá thành sản xuất tôm giống của Việt Nam cao gấp 2 lần so với Ấn Độ, do đó giá thành tôm của nước ta luôn cao hơn các nước từ 1 – 3 USD/kg, nên việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa ra phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ, với mức thuế bình quân là 0,69 USD/kg, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo VASEP, cùng với vấn đề thuế cao thì tới đây còn phải đấu tranh về “chương trình truy suất nguồn gốc của Mỹ” đưa ra những bất hợp lý và gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ta.
Vẫn còn những điểm sáng và cơ hội…
Bên cạnh những thách thức lớn, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới vẫn còn nhiều điểm sáng và cơ hội. Các tiến trình tự do hóa thương mại sâu rộng, với sự hình thành của cộng đồng ASEAN hình thành cũng như một số FTA thế hệ mới sẽ có những tác động tích cực đến ngành thủy sản. Không chỉ tạo điều kiện cho xuất khẩu thông qua dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hội nhập còn giúp ngành thủy sản gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và động lực cải thiện năng lực cạnh tranh.
Thật vậy, khi các FTA có hiệu lực thì thủy sản Việt có lợi thế so sánh so với các nước xuất khẩu khác, không chỉ là các nước Ecuador, Argentina và Ấn Độ mà ngay cả với các thành viên khác của ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Philippines do các nước này hoặc không có FTA với các nước nhập khẩu thủy sản lớn (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản), hoặc không có lợi thế cộng gộp trong 12 nước TPP ngay cả khi đã có FTA với các thị trường này. Trừ mặt hàng surimi, cá ngừ đóng hộp, thăn cá ngừ và cua vẫn phải chịu hạn ngạch nhập khẩu (trong FTA Việt Nam – EU), hoặc lộ trình giảm thuế kéo dài 7 – 10 năm, phần lớn các mặt hàng thủy sản Việt Nam đều sẽ được hưởng mức thuế 0% ngay khi các FTA có hiệu lực hoặc lộ trình cắt giảm rất ngắn từ 3 – 5 năm.
Tại thị trường Hoa Kỳ, nơi có rất nhiều rào cản thương mại với thủy sản Việt Nam, mới đây các Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, phần nào giải tỏa nỗi lo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cũng nhân cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã hiểu rõ những yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ và tiếp tục các nỗ lực nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu để đáp ứng ngày càng tốt hơn, đồng thời có những giải pháp phát triển xuất khẩu cá tra theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm.