Tác phẩm si “Nhất Trụ Liên Chi” của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên!
Chuyến đi săn cây đáng nhớ – Fail cây sung nhưng múc được cây Si cao 4 mét! – Phiêu Du Bonsai Chuyến đi săn cây đáng nhớ – Fail cây sung nhưng múc được cây Si cao 4 mét! – Phiêu Du Bonsai Tác phẩm si “Nhất Trụ Liên Chi” của Nghệ nhân Huỳnh…
Tác phẩm si “Nhất Trụ Liên Chi” của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên, người nổi tiếng với tác phẩm Duối cổ thụ Thế Võ Bình Định tiếp tục gây nhiều ngờ cho người yêu cây cảnh.
(ĐS&PL) Thời gian gần đây, giới chơi cây cảnh nghệ thuật bàn tán nhiều về tác phẩm si “Nhất Trụ Liên Chi” của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên, một người thợ kim hoàn từng được biết đến qua tác phẩm Duối cổ thụ Thế Võ Bình Định.
Sở dĩ tác phẩm si trên được nhiều người hâm mộ cây cảnh nghệ thuật gọi là Nhất Trụ Liên Chi, bởi có dáng trực, thẳng đứng, biến ra từ thế trực quân tử, nhưng có hệ thống tay cành quấn quýt lấy nhau, ôm sát quanh thân cây. Chúng xòe đều tứ diện, mặt nào cũng cân đối hài hòa, thành hình chóp dưới to trên nhỏ, không khuyết trống trông rất đẹp…Đó là biểu trưng cho phong lưu, sung mãn, sức mạnh và sự trường tồn…!
Tác phẩm cây cảnh nghệ thuật si “Nhất Trụ Liên Chi” độc đáo, hấp dẫn đẹp tứ diện |
Cũng có người yêu quý tác phẩm độc đáo này mà gọi tác phẩm với tên mĩ miều hơn là “Đường Quyền Tây Sơn”, bởi thân chính của nó trụ vững như một tư thế tấn cố định vững chãi của một võ sĩ Tây Sơn đang bị bao vây tứ phía. Lúc này thế tấn này được giữ nguyên nhưng di chuyển linh hoạt theo tứ phương tám hướng vẫn “Thủ bất ly thân, Túc bất ly địa” (tay không rời thân, chân không rời đất) tạo điều kiện cho những đường tay công thủ liên hồi, biến đổi khôn lường ra đòn bất ngờ về các phía đối phương để triệt hạ…
Cây Si búp đỏ có tên khoa học (Ficus stricta) được đánh giá là một trong những cây thuộc dòng “tứ linh trường thọ” quý hiếm (Sanh, Si, Đa, Đề) đã được ông cha ta tuyển lựa qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây là bốn loại cây thường được trồng ở những nơi linh thiêng, trang trọng thể hiện ước vọng trường tồn, sức sống mãnh liệt của người Việt.
Cây phôi ban đầu hơn 100 tuổi của một gia đình có truyền thống chơi cây cảnh ở Bình Định |
Ngày nay, chúng ta có thể thấy những loại cây trên hiện diện ở khắp các danh nam thắng tích, các vùng miền đến các làng quê Việt. Nó đã đi vào văn thơ hò vè dân gian và trở thành một biểu tượng văn hóa tinh thần của quê hương xứ sở, của làng Việt, tâm hôn Việt Nam.
Tác phẩm si Nhất Trụ Liên Chi cao khoảng 90 cm, hoành thân hơn 100cm, mâm rễ tỏa đều các hướng tạo ra sự vững chãi như một đại cổ mộc hùng vĩ ngoài thiên nhiên ngàn năm tuổi.
Tác phẩm đã hội tụ được sự hài hòa của cả hai trường phái cây cảnh nghệ thuật. Đó là cây cảnh truyền thống (cây Thế Việt Nam) và cây cảnh nghệ thuật đương đại (Bonsai Quốc tế). Đây cũng chính là đặc điểm của nhiều tác phẩm nổi tiếng khác do nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên sưu tầm tạo tác.
Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên đã quyết định cắt trụi để làm lại từ đầu |
Đúng như “Anh Tám” Nguyễn Duy Quý, người anh hùng đất Hoài Nhơn, 20 năm kiên trì khuyến dụ và dẫn dắt lớp lớp nghệ nhân Bình Định phải tạo ra cho đất võ một trường phái cây cảnh nghệ thuật riêng. Ở đó có sự dung hòa giữa các trường phái chơi cây cảnh Nam – Bắc; Từ đường tay, đường thân, mạch rễ phải mang hình thái của những thế võ cổ truyền Tây Sơn quái kiệt, Bình Định Gia mãi trường tồn cùng vận mệnh dân tộc. Những tác phẩm của Huỳnh Thanh Tuyên đã đạt được điều đó.
Những nét độc đáo của một cây cảnh nghệ thuật truyền thống được thể hiện qua các tiêu chí: Cổ – Tinh – Linh – Quái. Nhìn tổng thể đây là một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp từ bố cục đến ngôn ngữ tạo hình, chủ đề, điểm nhấn tác phẩm thể hiện rõ ràng ở nhiều chi tiết như: phô thân, khoe lá, lộ căn cốt, tay chi lắc giật, bông tán tản vân…
Thật bất ngờ toàn thân cây chính phát lộ nu cục, u bướu, tay cành rụt rịt |
Bên cạnh đó, tác phẩm trên còn có những đặc điểm nổi bật của một tác phẩm Bonsai Quốc tế. Đó chính là những “tỷ lệ vàng” được thể hiện qua mối quan hệ giữa chiều cao và đường kính thân chính, độ dài mâm rễ, điểm đóng cành hợp lý theo quy tắc 1/3; độ giật tán; bông tay tạo ra mảng khối rất rõ ràng, có chiều sâu; là sự hợp lý giữa yếu tố không gian và thời gian…
Nét cổ của tác phẩm si Nhất Trụ Liên Chi, ta dễ dàng cảm nhận được qua màu da xám bạc; gốc, rễ, thân cành chun rụt; nu cục, u bướu phát lộ quanh thân; đường chạy thân chính dích dắc biến dạng; lá tăm săn nhỏ; toàn thân đanh lại, thu mình khắc khổ mang dáng vẻ phong sương, mang dấu ấn thời gian…Từ những đặc điểm trên được nhiều người đánh giá tác phẩm phải có niên đại trên 100 năm tuổi.
Bố cục cây ngày càng hài hòa, bổ khuyết hoàn thiện dần |
Từng chi tiết được thể hiện trên tác phẩm rất tinh xảo thể hiện sự tài hoa khéo léo của người tạo tác đã chắt lọc tạo ra những điểm chấm phá hút hồn, gây được ấn tượng mạnh về cảm xúc với người xem.
Ngôn ngữ tạo hình và bố cục tác phẩm hài hòa, chặt chẽ, không có điểm khuyết lộ. Thông điệp về sự “phong lưu, ấm no, sung mãn, đủ đầy, hài hòa” được chủ nhân gửi gắm một cách kín đáo, ý nhị cũng đã thể hiện sự thăng hoa về cảm xúc sáng tạo kết hợp sự khéo léo tài tình trong thao tác kỹ thuật. Mâm rễ vững chãi tượng trưng cho cội nguồn hưng vượng; thân thẳng đứng tượng trưng cho trượng phu quân tử ngay thẳng; tay cành tươi tốt, tỷ lệ hài hòa là sự phát triển bền vững…
Ngắm nhìn tác phẩm trên dù là người chơi cây lâu năm hay người mới chơi đều cảm nhận được cái “hồn” ẩn trong tác phẩm toát ra qua thần thái, sự lôi cuốn, hấp dẫn đến khó diễn tả. Đó là tính trừu tượng ẩn chứa bên trong tác phẩm được biểu lộ ra bên ngoài thông qua các bộ phận, đường nét, màu da, sắc thái của tác phẩm. Qua đó con người có thể đọc được, hiểu, cảm nhận được ngôn ngữ biểu đạt của tác phẩm.
Sự liên chi thể hiện hài hòa nghệ thuật tôn thêm vẻ đẹp của thân chính |
Một điểm khác, không thể không nhắc tới khi bàn về tác phẩm này chính là những nét quái kiệt vượt ra khỏi sự chân phương, khuôn khổ mà ta thường thấy. Đó là những nét biến dị tinh tường, duyên dáng, điệu đà ở thân gốc, rễ, thân, cành, lá; những vùng sắc tổ khác nhau ở màu da; điểm đóng cánh và phân chi vừa cân đối, vừa tự nhiên, đường chạy thân chính mạch lạc…Nét quái duyên dáng này, một phần do con người dùng kỹ thuật tạo ra, một phần do chính tác phẩm trong những điều kiện sống nhất định đã tự “biến” ra một cách ngẫu nhiên…
Điều đáng nói, tác phẩm trên đã khái quát được những giá trị cốt lõi trong một tác phẩm vốn có của cây cảnh nghệ thuật truyền thống. Đó là người nghệ nhân đã dày công sưu tầm tạo tác thể hiện rõ được dấu ấn của thời gian. Những thăng trầm, thử thách của ngoại cảnh, sự vươn lên không ngừng của nội lực bản thể tác phẩm, gắn với những giá trị văn hóa đã làm cho nó trở nên có hồn, có thần đẹp hơn ngoài tự nhiên, ẩn chứa những giá trị nhân văn nói lên thông điệp tư tưởng của con người.
Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên chăm chút tác phẩm hàng ngày |
Được biết, tác phẩm quý này do nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên săn tìm từ một gia đình có truyền thống yêu cây cảnh ở đất võ Bình Định. Họ đã sưu tầm, chăm sóc, tạo tác công phu qua nhiều đời. Họ đã trân trọng những giá trị của ông cha trao truyền tác phẩm này mà để cây phát triển tự nhiên, ít tạo tác, có nét kế thừa. Sau nhiều năm theo đuổi, cách đây gần 2 năm, anh Tuyên đã quyết định bỏ ra một số tiền khá lớn để sở hữu bằng được tác phẩm này.
Ai cũng nghĩ anh Tuyên sau khi sở hữu sẽ giữ nguyên hiện trạng của tác phẩm này để chơi và hưởng thụ những giá trị mà chủ nhân cũ đã lưu giữ bao năm từ ông cha trao truyền.
Tuy nhiên, khác với những gì người ta vẫn tưởng, vừa về tới nhà, nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên lại quyết định “phá tan” tác phẩm này để tạo dựng lại từ đầu, kiến tạo thêm nhiều gia tăng giá trị nghệ thuật theo suy nghĩ riêng, tạo điểm nhấn, sự hài hòa tổng thể theo một ngôn ngữ tạo hình có chủ ý rất rõ ràng.
Một tác phẩm si đẹp long lanh tứ diện hiếm gặp |
Khi đó nhiều người không khỏi cảm thấy “xót xa” luyến tiếc cho một tác phẩm từng là “gia bảo” của một dòng họ, nó ít nhiều đã “vang bóng một thời” lại bị phá tan bởi những nhát cắt có phần vội vã của anh Tuyên.
Họ cho rằng, anh Tuyên đã quá ngông cuồng khi quyết định bỏ ra “đống tiền” để mua cây quý về phá tan thành “đống củi”..?! Họ băn khoăn phải chăng việc làm của người thợ kim hoàn thành đạt này có mục đích gây ra sự tò mò cho cộng đồng.
Mặc cho bao người ngăn cản, anh Tuyên vẫn kiên trì theo đuổi những sáng tạo đột phá, mạnh dạn bỏ đi tất cả những yếu tố thừa của một tác phẩm…Thật bất ngờ, cây Si cổ “nằm ngủ” trăm năm tuổi bỗng như bị “kích thích” mạnh mẽ bởi những nhát cắt khiến toàn thân phát nu cục, thân hình biến dị méo mó khác thường qua từng ngày một. Sự “xung đột” giữa sức sống thân cành già cỗi với phần dăm ngón bông tơ đã kéo tác phẩm phát triển cân đối đều trở lại…
Thêm một tác phẩm mang dấu ấn của người yêu cây cảnh nghệ thuật Bình Định |
Chỉ sau một thời gian ngắn, ai ngắm nhìn tác phẩm Nhất Trụ Liên Chi cũng phải trầm trồ cảm phục sự mạnh dạn, quyết đoán và tài hoa thực sự của người thợ kim hoàn vốn đã được mệnh danh là “người biến củi thành vàng” đất võ Bình Định!
Tiếng lành đồn xa, tác phẩm si Nhất Trụ Liên Chi của nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên được bạn chơi trong Nam ngoài Bắc đến thưởng ngoạn chiêm bái và đã từng có đại gia yêu cây đất Bắc trả với giá trên 1 tỷ đồng nhưng anh Tuyên vẫn quyết định chưa bán tại thời điểm này vì anh muốn phải đầu tư thêm công sức cho tác phẩm thực sự hoàn thiện, mang được những đặc trưng dấu ấn của cây cảnh nghệ thuật Bình Định sau 2 năm nữa!
Ngắm tác phẩm trên song hành cùng với nhiều tác phẩm nổi tiếng khác khắp các vùng miền, chúng ta thêm tự hào về cây cảnh nghệ thuật Việt Nam mang những đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện huyền tích mà người nghệ nhân nghệ sĩ đã gửi gắm trong quá trình tạo tác công phu rèn giũa qua năm tháng…! Thật đáng tự hào biết bao.
Quyết Tuấn
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tac-pham-si-nhat-tru-lien-chi-cua-nghe-nhan-huynh-thanh-tuyen-a290739.html