Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh Triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU ngày 05/6/2013 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đẩy mạnh thực hiện Nghị…
Triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU ngày 05/6/2013 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp của thành phố đến năm 2020; Thành phố đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh vovworld.vn |
Hiện toàn Thành phố có hơn 70 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 230 tổ hợp tác nông nghiệp. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đã thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho các thành viên. Phát triển kinh tế tập thể góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn thể hiện qua việc hình thành các khu sản xuất tập trung, hiệu quả, phát huy thế mạnh từng vùng, như hình thành vùng chăn nuôi bò sữa, phát triển hợp tác xã hoa, cây kiểng ở huyện Củ Chi, nuôi trồng thủy sản ở 02 huyện Nhà Bè, Cần Giờ,
Thành phố cũng tập trung đổi mới phương thức bồi dưỡng cán bộ, nông dân cho hợp tác xã, tổ hợp tác từ thực tiễn. Chú trọng phổ biến kinh nghiệm các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Thành phố cũng thực hiện việc hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng đang công tác tại hợp tác xã nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn sản xuất cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Tổ chức cho vay vốn theo các Nghị định của Chính phủ để tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong quá trình sản xuất giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Trong quá trình phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Thành phố trong thời gian qua cũng cho thấy nhận thức của cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác tại một số xã, phường, thị trấn của các huyện còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; một số hợp tác xã, tổ hợp tác còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố. Nhân lực có trình độ tham gia vào hoạt động của hợp tác xã còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển hợp tác xã kiểu mới và hình thành chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa, một số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
Để phát triển kinh tế tập thể trong ngành nông nghiệp, phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thành phố xác định phải tiếp tục xây dựng các cơ chế khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hạ giá thành sản phẩm và sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh việc tuyên truyền tới cán bộ, xã viên về vai trò của kinh tế tập thể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn; tiếp tục hỗ trợ vốn cho kinh tế tập thể trong quá trình sản xuất và hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ nông sản./.
Quang Anh
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quyết định 231/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.
Tin tức cùng chuyên mục