Thực trạng trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê vối tại Buôn Ma Thuột
máy đào hố cây keo máy khoan đất lh 0943 296 306 máy đào hố cây keo máy khoan đất lh 0943 296 306 Trong những năm gần đây, khi sản phẩm cà phê bị rớt giá, người nông dân tiến hành trồng xen cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. Thực tế đã…
Trong những năm gần đây, khi sản phẩm cà phê bị rớt giá, người nông dân tiến hành trồng xen cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. Thực tế đã có nhiều tỷ phú nông nghiệp giàu lên từ biện pháp trồng xen cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê. Tuy nhiên ngoài diện tích cà phê trồng xen cây ăn quả mang lại hiệu quả thiết thực, còn một thực trạng đáng lo ngại khi nông dân trồng nhiều loại cây ăn quả xen trong vườn cà phê, bất chấp quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, điều đáng quan tâm hiện nay là nông dân tiếp tục trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê đã dày đặc các loại cây trồng trước đó.
Lường trước thực trạng trên, ngày 24/9/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối (tại Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT). Theo đó, ngày 30 tháng 12 năm 2020, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ban hành quy trình kỹ thuật trồng xen tiêu, bơ, sầu riêng trong vườn cà phê vối (tại Quyết định số 80/QĐ-VNLT (SPQG) nhưng thực trạng trên vẫn tiếp diễn. Không khó bắt gặp tại những đơn vị sản xuất cà phê tập trung của các địa phương, một số diện tích trồng xen cây ăn quả bị thất thu, đặc biệt gần đây sản phẩm sầu riêng đang có giá trên thị trường trong nước đã thúc đẩy người sản xuất trồng chêm vào.
Qua quá trình rà soát, nắm bắt thực tế sản xuất của bà con tại địa phương, Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột nhận thấy có nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan) đem đến thực trạng thất thu với phương thức trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê của nông dân.
Về chủ quan, nông dân hễ thấy sản phẩm nông nghiệp nào có giá là trồng, với suy nghĩ trồng dày sẽ cho thu hoạch nhiều nên trồng chêm vào càng nhiều cáng tốt. Có người nghĩ rằng, trồng nhiều loại cây trong một vườn để hạn chế rủi ro và đón đầu giá cả, nhưng chưa tìm hiểu về tác động tương hỗ giữa các ký chủ sâu bệnh hại của cây trồng, là điều kiện gia tăng dịch bệnh. Ngoài ra việc trồng dày còn gây khó khăn cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khi cung cấp dinh dưỡng, nước tưới, tạo hình, không đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây để gia tăng giá trị, vì mỗi loại cây có đặc điểm sinh học khác nhau, chưa kể trường hợp có loại cây không thích nghi với điều kiện tiểu khí hậu của vùng trồng. Hệ lụy hơn, khi tự ý phát triển ồ ạt một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê không theo quy hoạch, thiếu sự liên kết chuỗi giá trị sẽ tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu, phát triển thiếu tính bền vững. Điều quan trọng hơn nữa, nếu trồng xen với mật độ quá dày với tư tưởng phá bỏ dần diện tích cà phê sẽ ảnh hưởng rất lớn đến qui hoạch về diện tích cây trồng đã định hướng của địa phương. Một khó khăn nữa cho cơ quan chuyên môn về đánh giá, hỗ trợ cấp các chứng nhận chất lượng, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
|
Trạm Khuyến nông TP Buôn Ma Thuột thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuát cà phê và trồng xen cây ăn qảu trong vườn cà phê |
Về khách quan, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp của thị trường thường xuyên thay đổi, chưa định hướng được nên vẫn còn hiện tượng “được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa”. Minh chứng như sản phẩm quả bơ Booth vụ mùa 2022 tại Buôn Ma Thuột, nông dân bán tại vườn chỉ có 2000 – 5000 đồng/kg nhưng không có người mua, nông dân đành để rụng đầy gốc, trong khi các năm trước giá bơ Booth lên đến vài chục nghìn một ký. Các công ty hoạt động chế biến sản phẩm cây ăn quả tại địa phương còn ít, trong khi sản lượng sản phẩm cây ăn quả vào mùa vụ rất cao, thời gian bảo quản ngắn, kỹ thuật sơ chế chưa có, chủ yếu bán quả tươi nên giá trị không cao. Một yếu tố tác động đến sản xuất nông nghiệp là thời tiết của Tây nguyên hai mùa (khô và mưa) kéo dài, nếu không có các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, dễ bị dịch hại tấn công các loại cây trồng, hạn chế năng suất và chất lượng sản phẩm. Chưa kể vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các thiết bị đầu tư…) đang khá cao, làm tăng giá thành sản phẩm, khó khăn cho việc cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Một thực trạng nữa là tỷ lệ người lao động trẻ, có kiến thức để tiếp nhận sự chuyển giao khoa học kỹ thuật tại địa phương còn rất thấp. Phần lớn sau khi học tập, các em thường ở lại làm việc ở các thành phố lớn. Theo đó, phần lớn diện tích cây ăn quả chưa được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP) ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu. Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về cung-cầu ngành trái cây.
Trước tình hình đáng lo ngại trong vấn đề trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, thời gian qua Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn bà con qui trình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê cũng như quá trình quản lý cây trồng tổng hợp và hỗ trợ kết nối liên kết đầu ra sản phẩm cây ăn quả nhằm hạn chế tối đa những thất thu có thể xảy ra đối với người sản xuất. Tuy nhiên, đối tượng tham gia tập huấn chưa đáp ứng yêu cầu (như người già, người không trực tiếp sản xuất trong gia đình tham gia tập huấn), nên việc áp dụng qui trình kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt kết quả như mong đợi.
|
Vườn cà phê trồng xen không còn khoảng trống nào để cà phê quang hợp, sinh trưởng và phát triển tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. |
Để gia tăng giá trị thu nhập các loại cây ăn quả giá trị trồng xen và phát triển bền vững diện tích cà phê theo qui hoạch, ngoài hoạt động tập huấn của cơ quan khuyến nông, địa phương cần tăng cường phổ biến tuyên truyền nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê vối mà nhà khoa học và cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo. Nếu trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê với khoảng cách: 12 x 12 m (mật độ 69 cây/ha), cây cà phê khoảng cách 3 x 3 m (1.041 cây/ha), tổng số sầu riêng và cà phê tối đa 1.110 cây/ha. Về chế độ bón phân và phương thức bón của từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng cũng như biện pháp quản lý dịch hại đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn cụ thể. Các địa phương hàng năm cần rà soát, đánh giá để có kế hoạch đề xuất cơ quan quản lý và chuyên môn địa phương tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, đặc biệt là hướng dẫn quy trình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê. Điều quan trọng là khuyến cáo người trực tiếp sản xuất cà phê cần tham gia đầy đủ các lớp tập huấn khi địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn về kỹ thuật phát triển nông nghiệp cho nông dân. Có như vậy mới góp phần đạt một số mục tiêu đã đề ra của Trung ương Đảng về tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp cần đạt được trong thời gian tới cũng như đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt thu nhập bình quân của người dân nông thôn.
Hồ Cẩm Lai
Trạm Khuyến nông TP Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk