TP HCM cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đấy trồng lúa
Chuyển biến tích cực từ việc tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM Chuyển biến tích cực từ việc tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM Thành phố đã có chủ trương giảm đất trồng lúa tại Nghị quyết số 80/NQ-CP…
Thành phố đã có chủ trương giảm đất trồng lúa tại Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 – 2020). Theo đó, diện tích đất trồng lúa năm 2015 trên địa bàn là 18.675 ha, giảm 8.919 ha so với năm 2010 và đến năm 2020 chỉ còn 3.000 ha đất chuyên trồng lúa.
Trong Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27/4/2019 của UBND Thành phố về việc Ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, theo đó đến năm 2025, Thành phố còn 1.000 ha đất lúa.
Ngày 9/12/2019, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4712/QĐ-BNN-TT về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, trong 2 năm 2019 và 2020, Thành phố sẽ chuyển đổi 4.416 ha diện tích gieo trồng lúa (tương ứng 2.649,9 ha diện tích canh tác lúa) sang mục đích nông nghiệp. Bao gồm: 3.187 ha diện tích gieo trồng (tương ứng 1.259,5 ha diện tích canh tác) sang đất trồng cây hàng năm, 1.043 ha diện tích gieo trồng (tương ứng 1.043 ha diện tích canh tác) sang đất trồng cây lâu năm, 186 ha diện tích gieo trồng (tương ứng 74,5 ha diện tích canh tác) sang đất nuôi trồng thủy sản.
Thu nhập từ 1 ha trồng lúa trên địa bàn Thành phố thấp hơn nhiều so với các cây màu khác như bắp giống… và thấp hơn rất nhiều lần so với trồng các loại rau, hoa. Do đó, nếu chỉ chuyên trồng lúa sẽ khó có cơ hội cho các loại hình sử dụng đất nông nghiệp khác có hiệu quả cao hơn cây lúa phát triển. Trong đó, đặc biệt là các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực, nên không thể bảo đảm mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
Hoa cây cảnh đem lại lợi nhuận cao nhất trong cơ cấu cây trồng ở TP HCM |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TP HCM không giống như các tỉnh ở ĐBSCL – “Thủ phủ của cây lúa”; là địa bàn đất chật, người đông, nhưng Thành phố lại là nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn đối với ngành hàng rau, hoa, cây cảnh… và thị trường tiêu thụ khá lớn. Hơn nữa đây là ngành hàng truyền thống của nông nghiệp thành phố, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Theo Sở NN&PTNT TP HCM, tính bình quân trên ha, hoa cây cảnh đem lại lợi nhuận cao nhất 1,427 tỉ đồng/ha, đứng thứ 2 nuôi cá cảnh đạt 485 triệu đồng/ha, thấp nhất là sản xuất lúa đạt 59 triệu đồng/ha.
Trong sản xuất lúa, nếu độc canh cây lúa chỉ đạt 17 triệu đồng/ha, nếu luân canh 2 lúa – 1 bắp đạt 42,1 triệu đồng/ha, nếu luân canh 1 lúa với 2 màu (rau, đậu…) đạt 116,4 triệu đồng/ha.
Như vậy, sản xuất lúa mang lại giá trị thấp nhất trong các loại hình sản xuất.
Thực tế nhiều năm qua, rau, hoa, cây cảnh không những xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần làm giàu đối với không ít hộ nông dân ở ngoại thành Thành phố. Điều đó cho thấy, Thành phố không phải là địa bàn để bố trí phát triển cây lúa, cần phải chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang cây trồng chủ lực khác như: rau, hoa, cây cảnh.
Ngoài ra, đối với một so khu vực có tính đặc thù của từng vùng sinh thái (ngọt ven sông, mặn ven biển, lợ, thấp trũng, vùng phèn…), Thành phố có thể mở rộng ra để chuyển đổi cho một số vật nuôi chủ lực và nuôi trồng thủy sản mà định hướng phát triển chung của Thành phố và các huyện, quận có đất trồng lúa đã có kế hoạch chuyển đổi.
Để đảm bảo mục tiêu về nâng cao thu nhập của người nông dân, cải thiện đời sống, thực hiện tốt Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của Thành Phố, cần thiết phải tiến hành lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Do đặc thù của Thành phố như đã phân tích ở trên sẽ xem xét và có lộ trình chuyển đổi đất lúa không những cho trồng các loại cây mà còn cho cả các đối tượng là vật nuôi chủ lực và nuôi trồng thủy sản nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: Chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa; phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng, hạn chế đầu tư lớn và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Sở NN&PTNT nhìn nhận, việc lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại TP HCM năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là hết sức cần thiết.