TP.HCM ký kết hợp tác 5 lĩnh vực với vùng Duyên hải Nam Trung bộ
Sáng 15-4, tại tỉnh Khánh Hòa, UBND TP.HCM và sáu tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đã tổ chức Hội nghị Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Hợp tác năm lĩnh vực Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM…
Sáng 15-4, tại tỉnh Khánh Hòa, UBND TP.HCM và sáu tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đã tổ chức Hội nghị Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Hợp tác năm lĩnh vực
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá việc ký kết năm nội dung chung và những nội dung riêng đặc thù cho từng địa phương rất phù hợp.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.H |
Cụ thể các lĩnh vực trọng tâm được ký kết gồm phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, TP.HCM đã hợp tác với vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong 10 năm qua dựa trên sự cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển.
TP.HCM đã cùng sáu địa phương đã ký kết và phát triển nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội và có đóng góp nhất định cho sự phát triển của cả nước.
Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết nhằm sớm đưa vào phát triển các Nghị quyết của Chính phủ và Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, TP.HCM và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ thống nhất hợp tác trên năm lĩnh vực trong giai đoạn 2023-2025.
“Ngoài những nội dung chung, TP.HCM cũng xác định một số nội cụ thể hợp tác với từng địa phương. Lần này chúng ta ký kết hợp tác chỉ trong ba năm. Đây là cách làm mới, xác định có thời gian và phải có sản phẩm”- ông Hoan nói.
TP.HCM và sáu tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ ký kết hợp tác. Ảnh: H.H |
TP.HCM sẽ hợp tác với tỉnh Bình Định trong bốn lĩnh vực về hỗ trợ xúc tiến đầu tư, địa điểm tổ chức hội chợ triễn lãm, tư vấn hỗ trợ tỉnh phát triển đô thị thông minh và các lĩnh vực an sinh xã hội.
TP.HCM hợp tác với tỉnh Bình Thuận trên bốn lĩnh vực là du lịch, y tế, giáo dục và xúc tiến đầu tư. Hợp tác với Khánh Hòa ở các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ về y tế.
TP.HCM ký kết hợp tác với tỉnh Ninh Thuận và Phú Yên ở năm lĩnh vực, với tỉnh Quảng Ngãi bốn lĩnh vực.
Ông Võ Văn Hoan đề nghị sau khi ký kết, TP.HCM cũng các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, công trình, đề án hành động cụ thể để thực hiện. Từ đó, cuối năm 2025 tổng kết sẽ có được những kết quả cụ thể có thể nhìn thấy được, định lượng được và góp phần cụ thể, thiết thực vào sự phát triển của từng địa phương.
Nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối hợp tác
Tại hội nghị, lãnh đạo sáu tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ đã nêu ý kiến về các lĩnh vực đã ký kết hợp tác với TP.HCM.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết địa phương nằm vị trí trung tâm vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tỉnh xác định việc hợp tác liên kết là nhiệm vụ xuyên suốt nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế để cùng nhau phát triển.
Hội nghị Chương trình hợp tác giữa TP.HCM và vùng Duyên hải Nam Trung bộ được tổ chức ở Khánh Hòa. Ảnh: H.H |
Khánh Hòa kỳ vọng chương trình hợp tác sẽ mở ra nhiều triển vọng mới, cơ hội hợp tác mới với những định hướng mới, có hiệu quả, trọng tâm hơn.
Cùng quan điểm với tỉnh Khánh Hòa, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng để chương trình hợp tác ngày càng hiệu quả cần nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối liên kết vùng.
Theo ông Dũng, Hội đồng sẽ gồm lãnh đạo chủ chốt của sáu tỉnh và TP.HCM để điều phối, góp ý quy hoạch vùng và địa phương. Cùng với đó, Hội đồng sẽ thực hiện chương trình, kế hoạch lớn có tính liên kết giữa nhiều tỉnh, thành phố như quy hoạch phát triển du lịch, giao thông…
Phát biểu kết luận tại hội nghị về việc điều phối các ký kết, ông Phan Văn Mãi đề nghị mỗi địa phương cử một lãnh đạo tham gia vào Hội đồng điều phối. Mỗi tỉnh cử một cơ quan thường trực công tác này. Bên cạnh đó, trong năm nội dung ký kết cũng giao một sở chuyên ngành để phụ trách.
“TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm hệ thống lại toàn bộ nội dung chương trình và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Thành phố cũng sẽ thành lập nền tảng số để cập nhật những thông tin về những kết quả hợp tác và trao đổi thông tin thường xuyên với các địa phương”- ông Mãi nói.
Chủ tịch TP.HCM cũng cho rằng lực lượng chuyển hóa hiệu quả nhất các chương trình hợp tác thành các sản phẩm cụ thể, đóng góp cho sự phát triển chính là doanh nghiệp. Vì vậy, ông Mãi đề nghị chính quyền các tỉnh đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết trong năm lĩnh vực đã ký kết, TP.HCM sẽ quan tâm triển khai hợp tác triển khai y tế, giáo dục. TP.HCM có nhiều bệnh viện, trường đại học có thể tham gia hỗ trợ các địa phương.
Kế đến là hoạt động xúc tiến tiêu thụ hàng hóa ở TP.HCM. Ông Mãi đề nghị các địa phương phải thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm phải được nâng lên sản lượng, chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Vấn đề cuối cùng TP.HCM quan tâm là phát triển logictis, ông Mãi cho biết TP.HCM có thế mạnh về logictis, gần như các doanh nghiệp logictis lớn đều có mặt tại thành phố.
“TP.HCM sẽ chuẩn bị lực lượng, nguồn lực để cùng các địa phương triển khai. Chúng tôi mong lãnh đạo các địa phương quan tâm để triển khai chương trình hợp tác, mang lại hiệu quả cụ thể góp phần vào sự phát triển của từng địa phương”- ông Mãi đề nghị.
Theo UBND TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng Duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn 2013 – 2021 ước đạt 2,35 triệu tỉ đồng, tăng bình quân 8,9%/năm.
Một số tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá như tỉnh Bình Định (tăng 12,77%/năm), tỉnh Bình Thuận (tăng 10,1%/năm), tỉnh Quảng Ngãi (tăng 8,06%/năm), tỉnh Phú Yên (tăng 8,10%/năm),…