Trang thông tin điện tử Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc
HÀI KỊCH: HẠNH PHÚC Ở CHỐT DỊCH – Trung tâm Văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc HÀI KỊCH: HẠNH PHÚC Ở CHỐT DỊCH – Trung tâm Văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế…
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh hiện đại
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2008, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.235,87 km2 (theo niên giám thống kê năm 2018), phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh – Hà Nội, dân số 1.151.154 người (theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019), có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn tỉnh trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn.
Thành phố Vĩnh Yên, thành phố đô thị loại II
Là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống đó được phát huy cao độ trong sản xuất, chiến đấu. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều địa danh và con người ở Vĩnh Phúc đã in đậm những chiến công được cả nước biết đến, tiêu biểu như chiến thắng Khoan Bộ, Xuân Trạch, Núi Đinh, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân với câu nói bất hủ “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”; Vĩnh Phúc còn được các địa phương biết tới là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp – nông thôn, với phương thức “khoán hộ” táo bạo vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ XX, đó là bước đi mang tính đột phá, tạo cơ sở thực tiễn cho đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng ta sau này.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao quyết định chủ trương đầu tư dự án
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc cho Tập đoàn T&T Việt Nam và Tập đoàn YCH Singapore
Đặc biệt, sau hơn 20 năm tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào. Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có kinh tế phát triển cao, với mức tăng trưởng bình quân đạt 7,1%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp (công nghiệp – xây dựng: 61,59%, dịch vụ: 30,26%, nông lâm nghiệp thủy sản: 8,15%). Năm 2019 thu ngân sách đạt hơn 35.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (sau Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh). Vĩnh Phúc cũng là 1 trong 16 tỉnh/thành phố có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương lớn nhất lên đến 47% (chỉ đứng sau Hà Nội trong số các tỉnh/thành miền Bắc).
Đ/c Lê Duy Thành Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư
cho Tổng giám đốc Công ty TNHH Toto Việt Nam Hiroyuki Suzuki
Trong phát triển công nghiệp, tỉnh đã đưa ra những giải pháp phát triển mang tính đột phá, từ 1 KCN những năm đầu tái lập tỉnh đến nay tỉnh đã hình thành được gần 20 KCN với quy mô hơn 8.000 ha, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã đến đầu tư tại Vĩnh Phúc. Lực lượng lao động của Vĩnh Phúc khá dồi dào, chiếm khoảng trên 60% tổng dân số, trong đó chủ yếu là lao động trẻ, có kiến thức văn hóa và tinh thần sáng tạo để tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt là công nghiệp, đã trở thành môi trường nâng cao tay nghề cho người lao động.
Xuất xưởng Honda CR-V 2020 lắp ráp tại Việt Nam
Môi trường đầu tư, kinh doanh thường xuyên được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã thu hút được 2,86 tỷ USD vốn FDI và 56,27 nghìn tỷ đồng vốn DDI.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày một khang trang, văn minh, hiện đại. Thành phố Vĩnh Yên cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, đô thị Phúc Yên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và cơ bản đã đáp ứng tiêu chí đô thị loại II.
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2020
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông) được quan tâm. Tỉnh đã hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 1,31 triệu lượt đối tượng, nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT từ 71,19% năm 2015 lên 93% năm 2020. Giáo dục và đào tạo liên tục phát triển, luôn xếp trong tốp đầu cả nước. Tính đến năm 2019, 100% các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; năm học 2019 – 2020, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT, đứng thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Học sinh Vĩnh Phúc đạt nhiều huy chương trong các kỳ thi quốc gia, Olimpic khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 0,98%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên, đến năm 2019: 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, số giường bệnh/vạn dân năm 2020 ước đạt 39 giường bệnh, đạt 13,8 bác sỹ/vạn dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan
trao thưởng cho các học sinh đạt giải nhất quốc gia năm học 2020-2021
Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà… Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như: Danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu…
Đặc biệt, đến với Vĩnh Phúc, du khách sẽ không thể bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng như: Khu danh thắng Tam Đảo với phong cảnh đẹp, vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi du khách gần xa; khu di tích, danh thắng Tây Thiên – một quần thể di tích kiến trúc, vừa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, điểm du lịch tâm linh mà ít có nơi nào sánh kịp; Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, FLC Vĩnh Thịnh – chốn thiên nhiên tươi đẹp với khí hậu ôn hòa, không khí trong lành, hệ sinh thái đa dạng,…
Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.