Tranh cãi không hồi kết về việc nuôi chó mèo ở chung cư: Cấm liệu có phải là cách?
Sự thật nuôi mèo trong nhà là HỌA hay PHÚC Sự thật nuôi mèo trong nhà là HỌA hay PHÚC Khi chuyển đến ở nhà chung cư, vấn đề khiến rất nhiều “con sen” băn khoăn đó là quy định nuôi chó mèo của từng nơi. Theo luật, chó mèo không bị cấm nuôi ở…
Khi chuyển đến ở nhà chung cư, vấn đề khiến rất nhiều “con sen” băn khoăn đó là quy định nuôi chó mèo của từng nơi.
Theo luật, chó mèo không bị cấm nuôi ở chung cư. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung thì rất nhiều ban quản lý (BQL) đã đặt ra các quy định khá nghiêm ngặt.
Với những người không nuôi chó mèo, họ cũng gặp nhiều cảnh “dở khóc dở cười” với thú cưng của nhà hàng xóm. Tranh cãi xoay quanh việc có nên cấm nuôi chó mèo ở chung cư hoặc nuôi thì nên quy định thế nào vẫn là điều được bàn tán rôm rả trên MXH.
“Con sen” khổ tâm vì quy định của BQL
Minh Anh (19 tuổi, sinh viên) cho biết trước đây, cô bạn ở tại một chung cư ở quận 6 và có nuôi 2 chú chó corgi. Tuy nhiên, sau sự cố 1 chú chó ị bậy trong thang máy khiến BQL chung cư ban hành lệnh cấm. Không thể nhờ gia đình hay họ hàng chăm sóc “boss” nên cuối cùng, Minh Anh đành chuyển ra sống ở nhà mặt đất nguyên căn để có thể tự do nuôi chó.
Nhiều người ở chung cư thích nuôi chó mèo (Ảnh: Pinterest)
Mạnh Luân (27 tuổi, IT) thì cho biết chung cư ở quận 4 nơi anh ở cho phép nuôi chó mèo nhưng có một số quy định khá tréo ngoe như… cấm chó mèo đi thang máy. Vậy là mỗi lần muốn đưa mèo qua nhà bạn chơi, Luân phải ôm thú cưng rồi đi thang bộ mười mấy tầng để tuân thủ đúng quy định.
Ngọc Hà (23 tuổi, nhân viên văn phòng) tâm sự: “Chung cư mình ở quận 2, TP.HCM có quy định khá chặt chẽ như chó mèo nhỏ khi đi thang máy phải để trong túi/ giỏ đựng có nắp đậy. Với chó lớn phải có rọ mõm. Những khu vui chơi của trẻ em thì có biển cấm chó mèo còn công viên lớn thì có thể thoải mái. Ngoài ra, nếu chó mèo ị bậy mà bị phát hiện sẽ phải nộp phạt. Tuy nhiên, có nhiều bạn kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” để chó mèo ị bậy khiến mọi người phàn nàn nên mình rất sợ có ngày BQL sẽ cấm nuôi”.
“Dở khóc dở cười” thậm chí là phát cáu vì chó mèo nhà hàng xóm
Không thể phủ nhận, việc nuôi chó mèo trong chung cư cũng làm ảnh hưởng đến khá nhiều đến những người khác.
Lan Anh (30 tuổi) kể: “Chung cư nhà mình quy định là chó ra khỏi nhà phải đeo rọ mõm nhưng bạn chủ nào cũng bảo chó nhà mình nhỏ không cắn đâu. Chó to hay chó nhỏ không quan trọng, quan trọng là quy định vậy rồi mà bạn không làm theo nên mình rất bực bội”.
Ngọc Hà (24 tuổi) bức xúc: “Mình vào thang máy đông người mà thấy 2 chú chó rất to đứng chen chúc. Đứng gần như vậy rồi lỡ chó có bệnh gì lây qua người, người dị ứng lông thú vật mà vô tình dính vào thì phải làm sao?”.
Một người dắt chó đi dạo nhưng không đeo rọ mõm (Ảnh: Facebook)
Chưa kể, nhiều người cũng bức xúc việc chó mèo ị bậy ở công viên, vườn hoa… nhưng chủ nhân lớ lờ vì “cha chung không ai khóc” và vì khu vực này không có camera nên sẽ không bị phạt.
Có nên cấm nuôi chó mèo?
Thành viên trong một group dân cư chia sẻ: “Việc nuôi chó mèo là quyền tự do và sở thích của mỗi gia đình, không nên cấm đoán. Chúng ta nuôi chủ yếu ở nhà riêng chứ không phải ở nơi công cộng.
Việc nuôi chó mèo thì tự mỗi cá nhân nuôi phải có ý thức để không ảnh hưởng đến người xung quanh như dắt chó mèo đi dạo thì nhớ mang túi theo để hốt phân, không cho chó mèo tè bậy, chó dữ thì phải có rọ mõm…
Mèo được để trong túi khi mang ra nơi công cộng
Thay vì cấm đoán nuôi, chúng ta hãy để những người nuôi tự chịu trách nhiệm với việc nuôi bằng khung phạt rõ ràng nếu vi phạm quy định”.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn ủng hộ việc cấm nuôi chó mèo để khỏi tốn công sức quản lý và xử phạt đồng thời tránh được rất nhiều phiền toái.
Nếu không cấm thì cần làm gì?
Ý kiến của một thành viên trong group dân cư đang nhận được nhiều sự đồng tình đó là phạt thẳng tay những ai làm trái với quy định của BQL.
Người này chia sẻ: “Đã là ở tập thể ai cũng sẽ thấy chuyện mình làm là bình thường còn sẽ thấy không thích chuyện người khác làm mà không hợp ý mình.
1 chú chó tè bậy khiến nhiều người bức xúc (Ảnh: Facebook)
Phạt tiền chính chủ chính là bồi thường tổn thất cho mọi người phải chịu đựng cái họ không thích. Mình nghĩ cứ phạt tiền đều như nhau, phạt thẳng mấy triệu đến mấy chục triệu. Tiền nộp phạt xung vào quỹ chung, trả thêm tiền cho các cô lao công phải dọn dẹp phân chó mèo…”.
Tựu trung lại, việc nuôi chó mèo ở chung cư vẫn còn đang nhận được rất nhiều ý kiến tranh cãi. Ở những không gian chung, mọi người đều phải ý thức cao để không làm ảnh hưởng đến bất kì ai.