Triển vọng với nuôi cá biển – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Khó khăn trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Khó khăn trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Sự kiện Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá biển. Đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển…
Sự kiện
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá biển. Đây là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần giữ vững an ninh và chủ quyền biển, đảo.
Phát triển nuôi cá lồng bè Ảnh: Ngọc Trinh
Việt Nam có tiềm năng lớn về diện tích nuôi biển, diện tích có khả năng sử dụng phát triển nuôi biển bao gồm các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển hở. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, năm 2017, tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo ở nước ta khoảng 244.190 ha, trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha, chiếm 62%; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha, chiếm 33% và vùng biển mở 11.100 ha, chiếm 5%.
Biển Việt Nam có nhiều loài cá phân bố tự nhiên có thể đưa vào nuôi biển như nhóm cá song, cá hồng, cá cam, cá tráp, cá giò, cá vược… Trong chương trình nuôi, đến năm 2020 Việt Nam dự kiến đạt sản lượng 200.000 tấn cá biển nuôi trong đó 50.000 tấn là nuôi theo quy mô lớn.
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng cho nuôi cá biển, những năm qua, Kiên Giang đã dành nhiều đầu tư cho lĩnh vực này. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, ngư dân Kiên Giang đầu tư nuôi hơn 2.100 lồng bè cá trên biển, tập trung ở 2 huyện đảo Kiên Hải, Phú Quốc và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên. Sản lượng thu hoạch trên 1.000 tấn, phần lớn là cá bớp, cá mú, cá chẽm, cá cam, cá hường bạc… Tại huyện đảo Kiên Hải, địa phương đã bố trí nuôi lồng bè ven các đảo có điều kiện thích hợp trên địa bàn 4 xã (Nam Du, An Sơn, Lại Sơn và Hòn Tre). Huyện đảo Phú Quốc phát triển nuôi lồng bè tại các xã Gành Dầu, Thổ Châu, Hòn Thơm và thị trấn An Thới; nuôi cá lồng bè trên biển ở 3 xã đảo là Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương) và xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên). Tập trung nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, đảm bảo an toàn, bền vững và hiệu quả, sản phẩm cá thương phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.
Theo định hướng phát triển thủy sản của Kiên Giang, đến năm 2020, tỉnh quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè ở các huyện đảo, xã đảo đạt từ 3.000 lồng bè trở lên; sản lượng thu hoạch hơn 6.000 tấn, với các đối tượng cá nuôi biển có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá mú, cá hồng, cá cam, cá chẽm… Cùng đó, phát triển nuôi cá biển trong lồng bè công nghiệp, với những đối tượng nuôi là những loài có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá song vua, cá song chấm nâu, cá song da báo, cá song hổ, cá chim vây ngắn, cá chim vây dài, cá vược, cá hồng vân bạc, cá hồng mỹ, cá giò, cá cam và một số đối tượng khác.
Trong năm 2016, Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện Phú Quốc đã nuôi thử nghiệm thành công cá chim vây vàng trong lồng bè, mở ra triển vọng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Qua đó, tỷ lệ sống của cá đạt trên 90%, không xảy ra dịch bệnh; cá đạt trọng lượng 0,5 – 0,7 kg/con; sau 10 – 12 tháng nuôi đạt tổng sản lượng 2,8 – 3 tấn cá thành phẩm. Với giá bán khoảng 160.000 – 180.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng. Tuy là loại cá mới nhưng thực tế cho thấy khách du lịch rất thích thưởng thức, từ đó, tạo tiền đề đảm bảo nguồn tiêu thụ từ việc cung cấp cá cho du khách khi đến tham quan du lịch trên huyện đảo.
Những năm qua, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích người dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển; điển hình là HTX Thương mại Dịch vụ và NTTS Đức Thịnh đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm sạch, chất lượng cao. Hiện, HTX có 10 hộ gia đình với 300 ô lồng, sản lượng cá nuôi biển khoảng 60 – 70 tấn/năm, doanh thu hơn 7 tỷ đồng, trừ chi phí hộ nuôi ít cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Để nâng cao hiệu quả của nuôi cá lồng, mô hình trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp công nghệ cao được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I phát triển trên nền tảng công nghệ nuôi cá lồng của Na Uy thực hiện tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Mô hình có thể sản xuất 100 – 200 tấn cá/năm (cá chim, cá giò, cá vược…) với năng suất nuôi 8 – 12 kg/m3. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư cao hơn so với mô hình nuôi nhỏ lẻ. Ngoài hệ thống lồng quy mô nuôi công nghiệp và quy trình vận hành nuôi của Viện I, một số công ty tư nhân của Na Uy và Australia cũng đã đầu tư một số trang trại nuôi quy mô công nghiệp như công ty Marine Farm AS (Na uy), Australis (Australia) ở vịnh Vân Phong. Riêng khu vực nuôi cá biển của Công ty Australis là khoảng 3.000 tấn/năm với chủ yếu là cá giò và cá song.
>> Mặc dù, nuôi cá biển có nhiều triển vọng, nhưng, mô hình này cũng gặp nhiều khó khăn về con giống, thức ăn, sức tải của môi trường các vùng nuôi, phát triển thị trường và quảng bá thương hiệu… rất cần được tháo gỡ để lĩnh vực này phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế. |