Trở lại Làng nuôi ngựa đua Đức Hòa
Phối giống ngựa thuần chủng 02Beautiful wild horses run wild Cách nuôi và nhân giống ngựa bạch(4) Phối giống ngựa thuần chủng 02Beautiful wild horses run wild Cách nuôi và nhân giống ngựa bạch(4) Trở lại Làng nuôi ngựa đua Đức Hòa Làng ở đây là làng nghề, một làng nghề nuôi ngựa đua truyền…
Trở lại Làng nuôi ngựa đua Đức Hòa
Làng ở đây là làng nghề, một làng nghề nuôi ngựa đua truyền thống làm nên thương hiệu ngựa đua Đức Hòa “vang bóng một thời”. Hiện nay, cùng với việc du lịch phát triển rầm rộ, các trường đua ngựa cũng lần lượt được mở ra thu hút du khách như một môn thể thao giải trí. Vậy có phải đây là lúc làng nuôi ngựa đua Đức Hòa trỗi dậy?
Anh Huỳnh Minh Lý dọn vệ sinh chuồng ngựa
Một chút ký ức
Anh bạn nhà văn, nhà báo già của tôi ở TP.HCM đến Long An rủ tôi về làng nuôi ngựa đua Đức Hòa với nhiều cảm xúc hào hứng rằng làng này chắc sống lại thời hoàng kim của mình.
Tôi liền kể anh bạn nghe năm Nhâm Ngọ (2002), tôi có về làng này để viết bài. Có những sớm mai, tôi chạy xe máy qua những ngả đường của làng nuôi ngựa nào Hòa Khánh Đông, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Thượng,… nghe nhịp móng sắt ngựa gõ lộp cộp cùng tiếng hí từng chuỗi xé không gian của đàn ngựa đua. Từng người, từng người đi xe đạp nắm dây dắt ngựa đến các bãi cỏ hay bến quần ngựa. Người ta chuẩn bị cho ngựa vào đường đua nên quần ngựa chạy dưới nước là cách luyện chân nhảy cho ngựa.
Ngày ấy, tôi có gặp cô giáo Mai Trâm giảng dạy bộ môn chăn nuôi ở Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa. Vốn con nhà nòi nuôi ngựa đua, cô học bác sĩ thú y để chữa trị các bệnh mà ngựa hay mắc phải. Cô đưa tôi đến gặp người chú nuôi ngựa đua ở Đức Lập Thượng. Chú sở hữu một khu chuồng toàn ngựa Úc cao lớn, da láng bóng. Có con ngựa “nái” đứng cho con bú, tạc một hình tượng mẹ con thật đẹp bên góc vườn. Chú kể thành tích từng con ngựa đua Đức Hòa làm bùng nổ pháo vỗ tay hứng khởi của khán giả trên trường đua ngựa Phú Thọ thuở ấy. Danh mã Đức Hòa thì kể không hết, nào Huỳnh Long, Xuân Thành, Mã Thượng, Bảo Thành,… Ông Bộ Đức ở ấp Chánh có cặp Hoàng Nương, Hoàng Lâm, cái và đực đều nhảy giỏi, góp tiếng vinh danh ngựa đua Đức Hòa.
Rồi tôi theo chân cô Mai Trâm về nhà gặp cụ thân sinh của cô ở xã Đức Lập Hạ, cũng tay nuôi ngựa đua lão luyện. Trong ngôi nhà ngói cổ kính, ông cụ già yếu nhưng tỉnh táo chỉ tôi xem nào cờ nào cúp ghi đẳng cấp các giải thưởng mà ngựa nhà cụ đoạt được cả ở Đức Hòa Thượng và Phú Thọ. Vậy mà giờ đây “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” (thơ Ông Đồ – Vũ Đình Liên).
Ở đâu bây giờ?
Tôi và ông bạn già đến Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (nay thay tên Cao đẳng Nghề Long An – chi nhánh Đức Hòa). Cô giáo, bác sĩ thú y Mai Trâm vẫn còn công tác ở đây. Gặp lại tôi, cô vui mừng nhắc chuyện cũ và mở Ipad cho tôi xem bài phóng sự về ngựa đua Đức Hòa của tôi đăng báo mà cô chép vô máy.
Giọng cô buồn: Những chủ ngựa đua mà chú viết hồi đó, nay không ai còn sống; con cháu của họ thì người bỏ nghề, người cố giữ nghề để bảo tồn giống ngựa quý mà các cụ truyền lại. Đàn ngựa đua Đức Hòa mấy năm nay cứ giảm dần giảm dần, hiện không rõ còn được mấy.
Rồi cô bảo chúng tôi đến Phòng Thống kê huyện Đức Hòa để có số liệu chính xác hơn. Chúng tôi đến và nhận được thông tin: Năm 2015, thống kê đàn ngựa đua Đức Hòa còn 151 con. Từ mấy năm nay không thống kê về ngựa nữa. Hồi đó, có người nuôi 14, 15 con ngựa, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bây giờ, người ta nuôi ngựa chủ yếu để làm kiểng thôi.
Nghe cô cán bộ thống kê trẻ tuổi nói mà tôi tặc lưỡi với ông bạn già: Theo số liệu năm 1994, đàn ngựa đua Đức Hòa còn 700 con. Thời cao điểm, “làng” này có lúc lên tới vài ngàn con. Thời ấy, ngựa vào trường đua Phú Thọ phần lớn đến từ Đức Hòa.
Lại thấy ngựa trên đồng cỏ ở Đức Hòa
Ngựa kiểng
Nghe cô cán bộ thống kê nói nuôi ngựa kiểng, bất giác tôi nhớ mới đây có tờ báo viết về một ông đại gia ở Tây Nguyên cất công đi Úc 4 tháng chỉ để tuyển chọn mua về 100 con ngựa đặc chủng cao lớn, uy dũng. Rồi ông thuê máy bay chở ngựa về Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay trong đêm đó, ông còn bao một đoàn xe tải chở hết đàn ngựa về Tây Nguyên nuôi để làm kiểng.
Đại gia nói với tác giả bài báo: “Trên thương trường, mình phải biết chơi lớn mới làm được việc lớn”. Nhìn lên báo, bức ảnh ông đại gia cỡi con tuấn mã trắng, xa xa là đàn ngựa rảo bước ăn cỏ trên thảo nguyên lộng gió, tung bờm ngựa như sóng biển mới đẹp làm sao! Đại gia tâm đắc: “Con ngựa có dáng đi kiêu hãnh, đẹp hơn bất kỳ một cô chân dài nào!”.
Bây giờ Đức Hòa Thượng
Là chỗ nuôi ngựa và từng có trường đua ngựa khá nổi tiếng, Đức Hòa Thượng bây giờ “nửa quê nửa chợ” bởi công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tuy nhiên, vẫn còn những khu đất bạt ngàn cỏ trồng để nuôi bò, nuôi ngựa. Anh Huỳnh Minh Lý ở ấp Chánh, ngoài 40 tuổi, có thâm niên nuôi ngựa 20 năm, dẫn chúng tôi ra xem khu chuồng ngựa ở phía sau ngôi nhà tường khang trang vừa xây xong.
Anh tâm sự, mình là đời thứ 3 nuôi ngựa. Đời ông nội là Huỳnh Văn Quốc, đời cha là Huỳnh Văn Ù đều nuôi ngựa cung cấp cho 2 trường đua ngựa Đức Hòa Thượng và Phú Thọ khi xưa. Hết lo cất nhà, giờ anh lo nuôi ngựa “nái”. Theo anh Lý, ngựa cái mới sinh, nuôi nái 3 năm là phối giống, đẻ mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa 1 con. 1 cặp ngựa con giá 130 triệu đồng.
Anh chia sẻ thêm: “Nuôi ngựa “nái”, có ngựa con bán đều đều. Ở Giồng Lớn kế bên đây có người nuôi hơn chục con, thu nhập cao, gia đình sống khỏe”. Anh còn chỉ chúng tôi đến Hậu Hòa gặp Huỳnh Văn Lào, “con nhà nòi” nuôi ngựa giỏi có tiếng.
Ấp Chánh và Hậu Hòa liền nhau. Nhà anh Huỳnh Văn Lào ở Hậu Hòa khá bề thế ngay mặt tiền con lộ tráng bêtông. Dãy chuồng ngựa từ cổng vô mút phía trong đầy ngựa. Anh Lào trạc tuổi anh Lý, từ nhỏ cũng đã kế thừa nghề nuôi ngựa đua của ông nội và cha. Cha cho Lào 2 ngựa con để nuôi nái, tới nay, anh luôn có 20 con ngựa dự trữ trong chuồng, giống ngựa Malaysia cao lớn, dài đòn.
“Ngựa tui bán ra khắp các khu du lịch ở mọi nơi trong nước. Hồi xưa, một con ngựa đua giỏi đem bán dư tiền mua hàng trăm tấn lúa. Còn bây giờ, tui có con Sonic 5 tuổi, đã nhảy 2 trận đều đoạt giải cao, nhưng giá không cao. Tui thấy nuôi ngựa “nái”, ngựa thường, hiệu quả kinh tế hơn” – anh Lào bộc bạch.
Anh Huỳnh Văn Lào dắt ngựa đi ăn
Yêu nghề, giữ giống và nuôi ngựa đa dạng
Anh Lý và anh Lào đều nói mình còn nuôi ngựa là do yêu nghề và tiếc giống ngựa tốt, phải duy trì để bảo tồn, chứ trăn trở lắm. Dự án trường đua ngựa Đức Lập Thượng công bố quá lâu rồi mà không thấy đâu hết! Người dân Đức Hòa xem đua ngựa là một môn thể thao lành mạnh, bổ ích. Khi xưa, hễ có đua ngựa ở Phú Thọ là bà con kéo nhau đi coi rần rần, ghiền hơn xem đá bóng. Đành rằng bây giờ trường đua ngựa vẫn có nhưng không cuốn hút như xưa. Thôi thì nuôi ngựa thường để bán. Các khu du lịch cần có ngựa cho du khách cỡi giải trí, chụp hình. Khu du lịch Bảy Núi vẫn dập dìu xe thổ mộ đưa khách dạo chơi, ngoạn cảnh. Du lịch sinh thái Bến Tre cũng vậy. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đường sá đi lại khó khăn, cần có ngựa cỡi. Chiến sĩ miền biên viễn núi non đèo dốc cheo leo hiểm trở, cần có ngựa cỡi.
Nói chung, dù có hiện đại thế nào, con người vẫn cần có ngựa không chỉ để làm kiểng, để vui chơi thể thao, giải trí mà còn để cỡi khi các phương tiện giao thông khác chưa thay thế được. Do vậy mà nhu cầu về ngựa vẫn còn và còn đòi hỏi làng nuôi ngựa đua không chỉ đơn thuần nuôi ngựa đua mà cần nuôi nhiều loại ngựa theo nhu cầu xã hội và thị trường./.
Quang Hảo
- Xóm Đáy ngày xưa… (12/04)
- Bắc Bộ tiếp tục mưa phùn, nồm ẩm, sáng sớm và đêm trời lạnh (12/04)
- Lan tỏa phong trào thi đua ‘Văn hóa công sở’ (11/04)
- Thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 trên cả nước có gì đáng chú ý? (11/04)
- ‘Bỏ túi’ những mẹo khử mùi hôi cho quần áo khi trời mưa ẩm (11/04)
- Phở, bánh mỳ và càphê Việt trong top món ăn đường phố hấp dẫn nhất (11/04)
- Rạch lốp ô tô ở Hà Nội: Khi xã hội đen kiểm soát dịch vụ thiết yếu (11/04)
- Từ ngày 11/4, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ giảm dần (11/04)
- Toàn cảnh vụ rơi trực thăng ở Hải Phòng khiến 5 người tử nạn
- Bình Phước: Lửa thiêu rụi cửa hàng thiết bị điện sau tiếng nổ lớn
- Tin mới về vụ “cưỡng chế nhà này, dỡ cả nhà kế bên”
- Phương pháp cứu người khi bị điện giật
- Đề nghị nghề tôm khô Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Cách tính lương hưu năm 2023
- Thời tiết ngày 30/3: Bắc Bộ có mưa rải rác, trời rét
- Thời tiết ngày 29/3: Miền Bắc mưa dông, miền Nam nắng nóng đạt đỉnh, có nơi 37 độ
- Chi hội trưởng phụ nữ tận tâm với công việc
- Bí thư chi bộ ấp ‘miệng nói, tay làm’
- Long An – Nơi rồng xanh bay xa
- Thu hoạch hẹ nước trái mùa
- Nhọc nhằn nghề bốc vác lúa
- Năng động, nhiệt huyết trong công tác
- Phương pháp cứu người khi bị điện giật
- Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
- Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Ngọc Châu dự lễ khánh thành cầu giao thông nông thôn tại Đức Huệ
- Nỗ lực giảm nghèo về thông tin
- Tin mới về vụ “cưỡng chế nhà này, dỡ cả nhà kế bên”
- ‘Điểm tựa’ cho người khiếm thị
- So sánh giá uy tín 2momart.vn