Vĩnh Phúc: Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp “Phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”
Vĩnh Phúc chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển nông thôn, miền núi Vĩnh Phúc chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển nông thôn, miền núi Toàn cảnh Diễn đàn Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới…
Toàn cảnh Diễn đàn
Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
Năm 2021, thế giới có hơn 71 triệu ha canh tác nông nghiệp hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác (thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế). Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Ở Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ hàng nghìn năm nay và hình thức canh tác này cũng rất được chú trọng trong những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016 và đạt khoảng 495.000 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên.
Nhận thức được xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều hoạt động để xây dựng cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam như đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ nhằm quản lý phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam và Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh việc triển khai sản xuất có nhiều thuận lợi, song thực tiễn sản xuất cho thấy việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang gặp phải một số khó khăn như: chính sách ưu đãi, việc cung cấp vật tư cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chi phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ…
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, các công nghệ, giải pháp trong sản xuất NNHC nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tại mỗi vùng, địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Tại Diễn đàn đã tổ chức Lễ ký Biên bản hợp tác giữa Tập đoàn Quế Lâm với Trung tâm Khuyến nông 23 tỉnh, thành phố nhằm góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Lễ ký Biên bản hợp tác giữa Tập đoàn Quế Lâm với Trung tâm Khuyến nông 23 tỉnh, thành phố
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Mô hình chăn nuôi bò nhà ông Nguyễn Quốc Tuấn tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, cỏ làm thức ăn tạo vòng tuần hoàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình cây ăn quả hữu cơ tại xã Kim Long, huyện Tam Dương sử dung phân bón hữu cơ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm giúp cây trồng sinh trưởng tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tạo ra các sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dung. Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai khá hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát, khi các hộ xung quanh đã xảy ra dịch bệnh, đàn lợn của tất cả các hộ tham gia đều an toàn, không mắc bệnh. Mặt khác, do sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống, đệm lót sinh học nên đàn lợn phát triển tốt, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm FCR, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do không sử dụng nước tắm trong quá trình nuôi nên tiết kiệm chi phí, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ, sử dụng cho cây trồng (ngô, đỗ tương..) phục vụ nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi.
Nhiều nông dân quan tâm đến sản xuất hữu cơ
Theo đánh giá của ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ đã bước đầu chuyển đổi nhận thức của người sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng duy trì và mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ về trồng trọt, chăn nuôi đã có hiệu quả, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra những nhóm giải pháp để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận:
Một là, chính sách ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hai là, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ba là, giải pháp về khoa học và công nghệ để thúc đầy sản xuất NNHC. Trong đó tập trung ở các khía cạnh: giống, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu xác định các sản phẩm phù hợp.
Bốn là, vấn đề liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Năm là, xây dựng, quản lý, tổ chức chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn NNHC.
Hải Nguyễn – Đỗ Tuấn