Vĩnh Phúc: Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển

Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Phúc Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Phúc Những dấu mốc lịch sử không thể nào quên Ngày 12/2/1950, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên với diện tích là 1.715km2 và 47 vạn…

Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Phúc
Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Phúc

Những dấu mốc lịch sử không thể nào quên

Ngày 12/2/1950, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên với diện tích là 1.715km2 và 47 vạn người.

Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103km2, gần 1,3 triệu dân, trong đó có 9 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số; các đơn vị hành chính gồm: Thành phố Việt Trì, 3 thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã.

Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/11997. Khi tái lập, tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và huyện Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.

Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên là 1.235,87 km2, dân số trên 1,15 triệu người. Vĩnh Phúc tiếp giáp với 4 tỉnh, thành phố: phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, đường ranh giới là dãy núi Tam Đảo, Sáng Sơn; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, ranh giới tự nhiên là sông Lô; phía Nam giáp Hà Nội, ranh giới tự nhiên là sông Hồng; phía Đông giáp hai huyện Sóc Sơn, Đông Anh – Hà Nội. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thành phố, Vĩnh Yên và Phúc Yên; có 7 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo; với 137 xã, phường, thị trấn (trong đó có 110 xã, 12 thị trấn, 15 phường).

Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên

left
center
right
del
Vĩnh Phúc đã có nhiều kết quả phát triển và tăng trưởng ấn tượng trong 70 năm qua (Ảnh: HNV)

Địa hình Vĩnh Phúc đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có trung du và miền núi. Vùng đồng bằng có đồng đất phì nhiêu được bao quanh bởi các dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đáy, sông Cà Lồ, là điều kiện thuận lợi để các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và phía Nam huyện Bình Xuyên phát triển nông nghiệp. Vùng trung du đồi gò bát úp kéo dài từ huyện Lập Thạch qua thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên đất đai tuy kém màu mỡ nhưng có nhiều khả năng phát triển một số cây công nghiệp và cây ăn quả, hoa màu…

Ngoài ra, với quỹ đất dồi dào và những điều kiện thuận lợi khác, đây còn là nơi thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy hoạch các khu công nghiệp lớn của tỉnh. Vùng rừng núi nằm ở phía Bắc tỉnh, trong đó có dãy núi Tam Đảo trùng điệp với ba ngọn Thạch Bàn, Thiên Nhị, Phù Nghĩa quanh năm xanh mát, tuy diện tích không lớn nhưng có giá trị kinh tế cao, nhất là Vườn Quốc gia Tam Đảo với độ che phủ rừng chiếm 90% diện tích, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu.

Với vị trí địa lý và thủy văn thuận lợi, Vĩnh Phúc có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ quan trọng chạy qua. Trong đó, đường bộ có Quốc lộ 2 (Hà Nội – Hà Giang) và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đường sắt có tuyến Hà Nội – Lào Cai; đường thuỷ trên sông Hồng, sông Lô. Ngoài ra, Vĩnh Phúc gần sân bay quốc tế Nội Bài, rất thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế trong nước và quốc tế. Có thể nói, Vĩnh Phúc có vị trí chiến lược hết sức quan trọng không những về kinh tế mà cả về quân sự.

Thêm vào đó, Vĩnh Phúc có lợi thế là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc, vì vậy, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hoá, phát triển các loại hình dịch vụ, tiếp cận nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Ngoài ra thiên nhiên còn ưu đãi Vĩnh Phúc với nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú (danh thắng Tây Thiên, khu nghỉ mát Tam Đảo I, hồ Đại Lải…), cùng với các di tích lịch sử văn hoá và khảo cổ (tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, khu di chỉ Đồng Đậu…) và các khu tham quan, nghỉ dưỡng mới được đầu tư xây dựng như: Tam Đảo II, Khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường… là những tiềm năng lớn để tỉnh phát triển ngành “Công nghiệp không khói” bằng các sản phẩm du lịch phong phú: Tham quan, nghỉ mát, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, tìm hiểu nghiên cứu lịch sử, hội thảo, nghỉ dưỡng cuối tuần…

Phát huy truyền thống vùng đất, con người

Là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng, Vĩnh Phúc không chỉ tự hào là cội nguồn, là đất phát tích của dân tộc, mà bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào cũng có những đóng góp quan trọng vào sự sinh tồn của dân tộc, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, để lại dấu ấn đậm nét trong thiên nhiên, trong sinh hoạt xã hội, trong tính cách con người Vĩnh Phúc.

Những truyền thống quý báu đó cũng chính là những giá trị bền vững để nhân dân Vĩnh Phúc viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế giai đoạn mới.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương các loại và hàng nghìn Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhân dân Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Đứng trước những khó khăn như vậy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc quán triệt chủ trương của Trung ương, tập trung giáo dục để toàn dân thống nhất về tư tưởng; tập hợp lực lượng khôi phục lại nền kinh tế do chiến tranh, trong đó tập trung khôi phục năng lực sản xuất nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm nhằm ổn định đời sống nhân dân. Những kết quả đạt được trong những năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, bước đầu ổn định đời sống nhân dân, tình hình chính trị và xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải tạo nền kinh tế theo hướng XHCN. Các phong trào xây dựng hợp tác xã, tham gia tổ đổi công, làm thủy lợi, chống hạn, đắp đê, khai hoang phục hóa… diễn ra sôi nổi, đạt kết quả cao.

Từ năm 1958 phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Vĩnh Phúc bắt đầu thực hiện đại trà theo sự chỉ đạo của Trung ương. Một số hợp tác xã được xây dựng đã trở thành điển hình tiên tiến như: Hợp tác xã Lai Sơn, xã Cộng Hòa (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) có nhiều thành tích vận động nông dân vào hợp tác xã. Đến cuối năm 1960, trong toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ bằng con đường hợp tác hóa. Đối với nông nghiệp, ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh, đã xây dựng được 1.350 hợp tác xã, thu hút 107.944 hộ nông dân (chiếm 92,68% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh) vào HTX. Đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp đã đưa 14.559 thợ thủ công, 5.393 hộ vào làm ăn trong các loại hình hợp tác xã, tổ chức kinh doanh phục vụ.

Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến những chuyển biến căn bản về mặt xã hội; công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cũng đã được đẩy mạnh; tạo nên động lực chính trị quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn mới vững vàng hơn, đó là thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960).

Triển khai thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Kết quả, cả ba chỉ tiêu chủ yếu là năng suất, diện tích và sản lượng cây trồng đều tăng so với những năm trước. Năm 1963, sản lượng lương thực quy thóc đạt 231.312 tấn, tăng 3,18% (bằng 7.133 tấn) so với năm 1962, trong đó riêng thóc tăng 2,33%; năm 1964 đạt 256.740 tấn, vượt kế hoạch 4,39%, tăng 27.320 tấn so với năm 1963; năm 1965 đạt 257.173 tấn, trong đó riêng thóc đạt 197.945 tấn bằng 101,5% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 1964. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1964 tăng 37,3% so với năm 1960. Đáng phấn khởi là từ năm 1963 đến 1965, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thuỷ lợi và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt là về năng suất lúa.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa kịp tổng kết thì chiến tranh xảy ra, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Hòa chung khí thế quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống chiến tranh nào của quân dân miền Bắc, quân dân Vĩnh Phúc với truyền thống cách mạng vẻ vang đã xiết chặt đội ngũ trong tư thế “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, thanh niên hăng hái trong phong trào “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang” quyết tâm bảo vệ vững chắc những thành quả xây dựng CNXH, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Trong 10 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc) đã động viên 145.437 thanh niên lên đường nhập ngũ (trong đó có 4.773 nữ). Ngoài ra, toàn tỉnh có 3.850 thanh niên hoạt động trong các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, phục vụ trên các chiến trường. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, quân và dân Vĩnh Phú, (trong đó có Vĩnh Phúc) được Quốc hội, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 42.174 người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ các loại; 67.803 người được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ các loại…

Thời kỳ 1976-1996, đặc biệt là 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1996) trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nông, lâm nghiệp giảm xuống; cơ chế kinh tế mới được khẳng định và đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ đắc lực nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có những mặt tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện.

Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước tặng nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sỹ tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc) Huân chương Sao Vàng.

Thời kỳ 1997 đến nay, để đưa Vĩnh Phúc phát triển theo đúng định hướng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh. Sau 23 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực.

Bạn đang xem bài viết: Vĩnh Phúc: Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển. Thông tin được tạo bởi Gia Sư Minh Đức chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Rate this post

Similar Posts