Ý nghĩa, công dụng và cách trồng hoa Hoàng Lan « iuHoa

Phải nói trong thế giới cây cảnh, hoàng lan là một trong những loài cây mình yêu nhất. Có lẽ bởi nét đẹp dung dị, nhẹ nhàng cùng hương thơm ngọt ngào, say đắm mà cây đem đến. Mỗi lần đứng dưới bóng cây hoàng lan, được ngửi mùi hương ngào ngạt của cây, cảm…

Phải nói trong thế giới cây cảnh, hoàng lan là một trong những loài cây mình yêu nhất. Có lẽ bởi nét đẹp dung dị, nhẹ nhàng cùng hương thơm ngọt ngào, say đắm mà cây đem đến. Mỗi lần đứng dưới bóng cây hoàng lan, được ngửi mùi hương ngào ngạt của cây, cảm giác như mọi áp lực, căng thẳng mình đang gặp phải tan biến hết vậy <3.

Hình ảnh hoa hoàng lan

Tên gọi và phân bố của hoa hoàng lan

Hoa hoàng lan hay còn có các tên gọi khác là ngọc lan tây, y lan công chúa, Ylang – Ylang. Cây có tên khoa học là Cananga odorata, là một loài cây thân gỗ thuộc Chi Công chúa (Cananga), họ Na (Annonaceae).

Theo Plants of the World Online ghi chép lại thì khu vực bản địa của loài cây này rất rộng, cũng rất khó để xác định nguồn gốc chính xác là bắt đầu từ quốc gia nào, chỉ biết rằng từ lâu đã thấy chúng xuất hiện ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Philippines và một số nơi khác trên thế giới như Borneo, Java, quần đảo Sunda, New Guinea, Queensland, quần đảo Solomon, Sulawesi, Sumatra.

Bạn biết không, ở nhiều nơi trên thế giới, hoàng lan được mệnh danh là hoa của các loài hoa, bởi nét đẹp nhã nhặn nhưng lại mang một hương thơm nồng nàn, lan tỏa khắp không gian, làm say mê vạn vật của chúng. Chắc bởi lẽ đó mà loài hoa này ngày càng được nhiều người yêu thích và trở nên phổ biến khắp nơi. Ngày nay, cây phân bố rộng rãi khắp các châu lục, đặc biệt là các khu vực đảo như quần đảo Andaman, Cook, các đảo trong vịnh Guinea, quần đảo Leeward, Marquises, Nicobar, Tubuai, quần đảo Wallis-Futuna, Windward,… Tại Việt Nam, cây hoàng lan được xem như một loài cây trồng lấy hương đặc biệt nhất. Cây phân bố rải rác khắp cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở các khu vực có địa hình cao, nơi có tiết trời se lạnh và độ ẩm cao như Lào Cai, Lâm Đồng, Cao Bằng, Sapa,…

Hoa hoàng lan rực rỡ tỏa hương thơm khắp trời

Đặc điểm hình thái của cây hoa hoàng lan

Hoàng lan là loại cây thân gỗ có hoa với kích thước khá lớn, mỗi cây trưởng thành đạt chiều cao từ 6 – 15m, ở ngoài tự nhiên, tại những nơi điều kiện khí hậu thích hợp với sự phát triển của cây, có những cây hoàng lan cao lên đến 30m. Thân cây hoàng lan tròn đều, vỏ cây màu xám trắng. Cây có nhiều cành nhánh, trên những cành nhánh non thường có lông tơ li ti, các nhánh cây mọc ngang từ thân chính bung đều cả cây hoặc hơi rủ xuống tạo thành tán hình trụ. Dù nhìn cứng cáp nhưng cành hoàng lan rất giòn và dễ gãy bạn nhé, khi cây trưởng thành thì tán cây xum xuê có thể tạo bóng mát phủ đến 5 – 10m.

Khác với các loài cây thân gỗ cao lớn khác, rễ của cây hoàng lan không đâm sâu dưới lòng đất mà mọc lan rộng theo chiều ngang. Trung bình phần rễ chính của cây chỉ đâm sâu xuống đất khoảng 0,5 – 0,8m, nhưng các rễ phụ lại lan theo chiều ngang đến cả hàng mét. Cũng chính nhờ vậy mà dù rễ không đâm sâu vào lòng đất thì vẫn có phần rễ ngang giữ cây lại, giúp cây sinh trưởng tốt và vững vàng trong mọi điều kiện thời tiết. Hơn nữa đặc điểm này cũng là một lợi thế khi cây có thể phát triển tốt cả ở nơi đất đai khô cằn, sỏi đá.

Hình ảnh những cây hoàng lan cao lớn

Hoàng lan có lá dạng lá đơn, phiến lá hình trứng và thuôn dài, thường mọc đối xứng dày đặc cả hai bên. Mỗi lá hoàng lan có chiều dài trung bình khoảng 15 – 20cm, rộng 4 – 10cm. Phiến lá hoàng lan khá mỏng, bề mặt lá nhẵn bóng ở cả hai bên, mép lá có phần gợn sóng, trên lá có lông tơ ở gân giữa và các gân phụ, hệ gân lá nổi khá rõ.

Hoa hoàng lan mang một vẻ đẹp độc đáo, có nhiều người nhầm lẫn hoa này với hoa dẻ, bởi hai loài này đều thuộc họ Na và có đặc điểm hình thái khá giống nhau. Hoa hoàng lan có vàng nhạt đến xanh non nhẹ (thường thì khi hoa mới nở mang màu xanh nhẹ nhàng, đến khi già hơn thì chuyển sang sắc vàng), mỗi bông hoa có 6 cánh thuôn dài, phần đỉnh ở mỗi cánh khá nhọn, cánh hoa có hình mũi mác và hơi lượn sóng. Hoa thường mọc rủ thành cành với 2 – 6 hoa mỗi cành. Ngoài vẻ đẹp độc đáo, hoàng lan còn cho mùi thơm nồng nàn vô cùng, mỗi mùa hoa nở là hương thơm lan tỏa khắp trời. Hoa hoàng lan thường nở rộ vào cuối thu đầu đông (khoảng tháng 10 – 12 hằng năm), khi tiết trời se lạnh, mùi thơm của hoàng lan hòa vào phải nói là tuyệt vời.

Hoàng lan mới nở có màu xanh nhẹ
Hoa hoàng lan như ngôi sao rực rỡ

Mỗi bông hoa hoàng lan sau khi tàn sẽ kết thành 1 chùm quả, trong đó có khoảng 8 – 12 hạt. Khi non hạt có màu xanh lục, và khi chín già hạt hoàng lan chuyển sang màu nâu hoặc đen, với bề mặt có phần nhăn nheo.

Quả cây hoàng lan

Hoa hoàng lan được chia làm ba loại, chủ yếu dựa vào kích thước và đặc điểm thân cây. Chúng bao gồm hoàng lan thân cao (6 – 15m), hoàng lan thân lùn (1,5 – 3m) và loại dây leo (có thân mềm, cây hơi thấp).

Ý nghĩa của hoa hoàng lan

Người ta tin rằng hoàng lan là loài hoa đại diện cho sự mạnh mẽ, kiên cường, cho sự sinh sôi, sức sống mãnh liệt. Những bông hoa hoàng lan vàng tươi nổi bật trên nền lá xanh như những ngôi sao sáng rực rỡ, hào quang và mang lại niềm tích cực.

Khi tặng hoa hoàng lan cho người khác, điều này cũng đồng nghĩa với lời cầu chúc vui vẻ, bình an, những điều tích cực đến người nhận.

Hoa hoàng lan mang những ý nghĩa đặc biệt

Công dụng của hoa hoàng lan

Cây hoàng lan có kích thước lá lớn, lại có hoa đẹp, mang hương thơm nồng nàn nên được ưa chuộng trồng làm cây cảnh, tạo bóng mát cho khuôn viên lắm. Cây thường được trồng ở trước cửa nhà, sân vườn hay những nơi công cộng như công viên, vỉa hè, đặc biệt là ở các trường học, mình thấy loài cây này được trồng ở trường khá nhiều.

Không chỉ dừng lại ở tác dụng làm cảnh đâu, vì hoàng lan có hương thơm nên thường được lấy tinh dầu, là nguyên liệu chính để tạo hương liệu trong sản xuất nước hoa, tinh dầu thơm,… vừa giúp thư giãn, giải tỏa áp lực, vừa là phương thuốc ngừa cao huyết áp rất tốt. Hơn nữa, cây còn có nhiều công dụng trong y học, vỏ cây hoàng lan được dùng để điều chế thuốc chữa trị nhuận tràng, đau dạ dày. Ở một số nơi, người ta hái hoa hoàng lan tươi, đem giã nhỏ và đắp vào để chữa bệnh giời leo, hoặc dùng chữa hen suyễn, đau nhức đầu, sốt rét,…

Tinh dầu hoa hoàng lan

Phương pháp nhân giống hoa hoàng lan

Hoa hoàng lan thường được nhân giống bằng hai phương pháp chính là gieo hạt và giâm cành.

Đối với phương pháp gieo hạt

Sau mỗi mùa quả của hoa hoàng lan, khi thấy quả già bạn thu hoạch hạt để đem gieo trồng hoặc cũng có thể mua hạt giống tại các trung tâm bán hạt. Để thu hẹp thời gian hạt nảy mầm, nên ngâm hạt giống hoa hoàng lan vào nước ấm khoảng từ 2 – 4 ngày, sau thời gian này hạt sẽ nảy mầm ngay trong môi trường nước, sau đó bạn đem hạt nảy mầm gieo vào đất ẩm.

Hoặc cũng có thể ngâm trong 6 – 8 tiếng, sau đó đem gieo vào đất, khoảng 1 – 2 tuần sau hạt cũng sẽ nảy mầm như bình thường. Sau khi gieo hạt vào đất xong thì đặt chậu cây thoáng mát, tránh nắng gay gắt trực tiếp, thường xuyên tưới phun sương để giữ ẩm cho hạt phát triển, tránh tưới ngập nước gây úng hạt bạn nhé.

Đối với phương pháp giâm cành

Hiện nay, đây là phương pháp được ưa chuộng khi trồng hoàng lan bởi tỷ lệ sống sót cao, cây phát triển nhanh hơn và mang được những đặc tính tốt đẹp của cây mẹ.

Đối với cây giống, nên chọn những cây hoàng lan khỏe mạnh, xanh tốt, không bị sâu bệnh hại. Trên cây chọn những cành bánh tẻ (không quá non cũng không quá già) khỏe mạnh, đường kính khoảng 1 – 3cm là được , cắt cành dài khoảng 15 – 20cm, vặt bỏ bớt lá rồi ngâm cành vào dung dịch kích thích ra rễ (có thể dùng Atonik hoặc Bimix Super Root) trong khoảng 4 – 6 giờ . Sau đó giâm cành xuống hỗn hợp đất đã chuẩn bị sẵn, sau đó tưới nước cho bầu giâm. Đặt cây vào nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Khoảng 3 – 5 tuần sau, cây sẽ cho rễ con và phát triển khỏe mạnh, lúc này tùy vào kích thước của cây mà bạn đem đi trồng ở nơi phù hợp nhé.

Một số lưu ý khi trồng hoa hoàng lan

Video tham khảo cách trồng và chăm sóc cây hoa hoàng lan

Về đất trồng

Hoàng lan là một loài cây cảnh khá dễ chăm sóc, cây có thể phát triển tốt ở nhiều môi trường đất khác nhau, kể cả đất sét và những nơi đất đai cằn cỗi. Có một đặc điểm là hoàng lan thích đất chua và không chịu được đất phèn, mặn, do đó nên lưu ý. Để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển thì trước khi gieo trồng nên trộn đất với xơ dừa, tro trấu, phân hữu cơ,… để đất tơi xốp và màu mỡ hơn bạn nhé (nên trộn theo tỷ lệ 70% đất và 30% phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa).

Về nước tưới

Hoàng lan là loại cây không chịu được ngập úng, nhưng lại có khả năng chịu hạn khá tốt, do đó tưới cây với tần suất 2 – 3 ngày/ lần là được, nếu tưới quá nhiều cây sẽ bị rụng lá. Khi cây trưởng thành và cao lớn thì mỗi tuần tưới nước cho cây 1 lần cũng không vấn đề gì bạn nhé. Nhưng việc tưới nước cũng phải dựa vào thời tiết nữa, trời mưa thì không cần tưới thêm nước cho cây, vào những mùa nắng nóng khô hạn thì tăng tần suất tưới để cây xanh tốt, khỏe mạnh.

Về ánh sáng

Hoàng lan là loài cây ưa sáng, với điều kiện ánh sáng đầy đủ, cây xanh tốt, xum xuê và cho hoa nhiều hơn, hoa đậm màu và mang mùi thơm nồng nàn, bên cạnh đó, hoàng lan là cây thân gỗ to nên khi trồng bạn nên chọn vị trí thoáng đãng, không gian rộng để cây phát triển. Nhưng cũng lưu ý là lúc cây còn nhỏ thì tránh để cây ở dưới ánh nắng gay gắt nhé, bởi vì lúc này cây chưa đủ sức để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Về phân bón

Cây hoàng lan có thể sinh trưởng tốt mà không cần quá nhiều chất dinh dưỡng, nên cũng không cần quá bận tâm về vấn đề bón phân cho cây. Định kỳ 2 – 3 tháng bón 1 lần NPK cho cây là được rồi, nếu có phân chuồng thì bón thêm cho cây. Khi bón phân, đặc biệt là phân bón hóa học thì bạn nên hòa loãng với nước và tưới đều xung quanh gốc cây hoặc bón xong thì phải tưới nước ngay để cây hấp thụ phân bón tốt hơn, bởi hoàng lan có bộ rễ mọc ngang là chủ yếu nên nếu bón tập trung vào gốc thôi cây sẽ khó hấp thụ chất dinh dưỡng.

Về sâu bệnh hại

Bạn nên thường xuyên làm cỏ và quan sát cây để sớm phát hiện sâu bệnh hại và kịp thời chữa trị cho cây. Cây hoa hoàng lan khá khỏe mạnh, nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp tình trạng sâu đục thân, sâu hại lá, khi gặp trường hợp này thì phun thuốc cho cây sớm để khỏi lan ra các vị trí khác bạn nhé, nhất là đối với cây con.

Về cắt tỉa cây

Hoàng lan là cây thân gỗ lớn, hơn nữa cành nhánh lại giòn và dễ gãy, do đó nên thường xuyên cắt tỉa cây, bỏ đi các cành nhánh thừa, đặc biệt là vào mùa mưa bão gió lớn.

Một số hình ảnh chọn lọc của cây hoa hoàng lan

Nguồn tham khảo thông tin:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_lan

Bạn đang xem bài viết: Ý nghĩa, công dụng và cách trồng hoa Hoàng Lan « iuHoa. Thông tin được tạo bởi Gia Sư Minh Đức chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Rate this post

Similar Posts