Cách trồng táo xanh khiến sâu, ruồi đục quả phải ‘chào thua’
Quy trình, công nghệ trồng cây táo xanh ở Nam Trung bộ do Viện Nha Hố nghiên cứu chuyển giao giúp kiểm soát gần như tuyệt đối sâu hại, nhất là sâu, ruồi đục quả. Những năm gần đây, cây táo xanh được người dân các tỉnh Nam Trung bộ phát triển mạnh, diện tích…
Quy trình, công nghệ trồng cây táo xanh ở Nam Trung bộ do Viện Nha Hố nghiên cứu chuyển giao giúp kiểm soát gần như tuyệt đối sâu hại, nhất là sâu, ruồi đục quả.
Những năm gần đây, cây táo xanh được người dân các tỉnh Nam Trung bộ phát triển mạnh, diện tích tăng lên nhanh chóng bởi hiệu quả kinh tế vượt trội.
Tuy nhiên, thời tiết bất thuận, sâu bệnh hại gia tăng, nhất là ruồi đục trái khiến một số người dân trồng táo thiệt hại nặng. Nhằm tìm giải pháp thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận cũng như sâu bệnh, ngoài việc nghiên cứu các giống táo mới có năng suất, chất lượng cao, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) đã triển khai nghiên cứu các quy trình kỹ thuật, công nghệ mới cho cây táo.
Các quy trình kỹ thuật, công nghệ mới do Viện Nha Hố nghiên cứu đã giúp nâng cao giá trị cho cây táo. Ảnh: Minh Hậu.
Các mô hình canh tác cây táo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Nam Trung bộ được Viện Nha Hố thực hiện tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa với quy mô lớn. Theo đó, Viện đã sử dụng giống táo mới chất lượng cao ghép trên gốc ghép có khả năng chịu hạn để tăng khả năng chống chịu. Đồng thời, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa cục bộ tầm thấp kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới và gắn sensor cảm ứng theo dõi độ ẩm đất.
Để quản lý hiệu quả ruồi đục quả và các loài sâu hại, Viện Nha Hố đã nghiên cứu và sử dụng hệ thống bao lưới chắn côn trùng di động được thông qua hệ thống ròng rọc nhằm giúp đối lưu không khí, tận dụng tối đa bức xạ mặt trời, tăng khả năng đậu quả và chất lượng táo. Cùng với đó, sử dụng các loại bẫy để bắt con trưởng thành sâu đục quả, ruồi đục quả và sâu róm hại cây táo.
Viện cũng nghiên cứu ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học để khuyến cáo phòng trừ sâu bệnh hại táo trong những trường hợp cần thiết phải xử lý. Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh để cải tạo đất. Trồng cây họ đậu để che phủ đất, giảm công làm cỏ, không sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất, tăng khả năng giữ ẩm của đất.
Bao lưới chắn côn trùng di động được thông qua hệ thống ròng rọc, giúp quản lý hiệu quả sinh vật gây hại. Ảnh: Mai Phương.
Hiện nay, mô hình sử dụng các giống táo mới TN01 và TN05 do Viện Nha Hố nghiên cứu chọn tạo cho năng suất đạt 40 – 45 tấn/ha/vụ, độ brix đạt > 13%, gần như không bị sâu, ruồi đục quả gây hại.
Tỷ lệ quả bị hại trên mô hình giảm xuống dưới 5%; giảm trên 20% lượng nước tưới, 10 – 15% lượng phân bón; giảm 60 – 70% số lần phun thuốc BVTV. Chất lượng sản phẩm an toàn, đồng thời giảm số vụ sản xuất/năm (mô hình chỉ sản xuất 1 vụ/năm thay vì bình thường để thu hái không tập trung quanh năm).
Mô hình canh tác cây táo bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại doanh thu từ 800 – 900 triệu đồng/ha/vụ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nha Hố cho biết, thời gian qua, táo là một trong những cây đặc thù của khu vực Nam Trung bộ và cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do vậy, Viện tập trung cho nghiên cứu sản xuất táo an toàn, áp dụng khoa học công nghệ mới để chuyển giao, xây dựng các mô hình phục vụ phát triển sản xuất. Hiện, Viện đã triển khai các mô hình nghiên cứu từ giống đến kỹ thuật và đã đạt những thành tựu bước đầu. Đặc biệt, việc kiểm soát, quản lý ruồi đục quả và các đối tượng sâu bệnh hại không còn phụ thuộc vào phun thuốc hoá học.
Tạo thảm thực vật bằng cây đậu đen ở vườn táo. Ảnh: Minh Hậu.
“Chúng tôi sử dụng các biện pháp kỹ thuật như dùng lưới bao trên toàn cánh đồng táo để ngăn chặn dịch hại từ bên ngoài xâm nhập vào. Bên trong dùng các loại bẫy đèn, bẫy có keo dính, bẫy protein… để bắt con trưởng thành của sâu hại nên đã khống chế được sâu hại. Ngoài ra, Viện cũng áp dụng kỹ thuật quản lý cỏ dại như trồng cây che phủ đất, sử dụng bạt phủ mặt đất, tránh việc phải phun thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó, để giảm công lao động, chúng tôi ứng dụng công nghệ tưới tự động tiết kiệm nước bằng hình thức phun mưa cục bộ, kết hợp tưới nước với bón phân”, TS Mai Văn Hào chia sẻ.
Cũng theo TS Hào, trước đây, vùng sản xuất táo như huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và một số vùng lân cận có nhiều hộ dân mất trắng do ruồi, sâu đục quả gây hại. Tỉ lệ táo bị hư hại do ruồi, sâu đục quả có vườn lên đến 70%. Từ khi ứng dụng mô hình canh tác táo bền vững, trên 90%, thậm chí 100% táo không bị ruồi, sâu đục quả, chất lượng đảm bảo an toàn.
Thảm thực vật ở vườn táo bằng cây đậu đen thu hút sinh vật có ích phát triển. Ảnh: Mai Phương.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật (Viện Nha Hố” cho biết: Nam Trung bộ là vùng nắng hạn và vấn đề thoái hóa đất đang diễn ra mạnh mẽ, do vậy thảm thực vật, cây đậu, có nhiều ưu điểm. Khi làm thảm thực vật bằng cây đậu đen, đậu có khả năng sinh trưởng khỏe, che phủ đất, cải tạo đất, giúp giảm nước tưới, đặc biệt hạn chế cỏ dại và đáp ứng nguồn phân hữu cơ cho đất.
Ngoài ra, việc trồng cây đậu đen cũng tạo ra tổ sinh thái, giúp các loài sinh vật có ích phát triển. Trong vườn đậu có các thiên địch như nhóm nhện lớn, các loại ong ký sinh… Nếu duy trì tốt ổ sinh thái, sẽ hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo BVTV, tăng hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu sản xuất an toàn.