Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh
TPST phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt giúp nâng cao đời sống bà con TPST phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt giúp nâng cao đời sống bà con Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh đang trở thành hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế…
|
Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh đang trở thành hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: TSBN). |
Huyện Lương Tài được biết đến là một địa phương có phong trào nuôi cá lồng trên sông phát triển khá mạnh. Nhờ chất lượng nước tốt và lưu tốc dòng nước sông Thái Bình thuận lợi, việc nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Đến cuối năm 2021, toàn huyện Lương Tài có khoảng gần 800 lồng nuôi cá; sản lượng ước đạt khoảng 17.000- 18.000 tấn, chiếm một phần ba sản lượng cá lồng toàn tỉnh Bắc Ninh.
Với hơn 80 lồng nuôi cá, bình quân hằng năm gia đình ông Đỗ Văn Nên ở xã Trung Kênh (Lương Tài) thu lãi khoảng 2 tỷ đồng từ tiền xuất bán cá thành phẩm. Ông Đỗ Văn Nên chia sẻ: “Nuôi lồng cá trên sông giúp nâng cao mật độ nuôi khoảng 20 lần so với nuôi cá trong ao đất. Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại gấp nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống”.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật giúp bà con áp dụng vào sản xuất; đưa các giống cá có năng suất, sạch bệnh vào nuôi trồng. Ngành Nông nghiệp cũng tạo điều kiện và hỗ trợ vật tư làm lồng nuôi, hóa chất xử lý môi trường nước cho các lồng nuôi trên sông. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đang có khoảng 180 hộ nuôi cá lồng trên sông với số lượng lồng nuôi lên đến gần 2.300 lồng, sản lượng đạt trên 6.230 tấn, giá trị kinh tế ước đạt gần 350 tỷ đồng. Nghề nuôi cá lồng trên sông tập trung tại các huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Yên Phong… Cá lồng được nuôi chủ yếu trên hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu, với các loại cá có giá trị như: Cá tầm, lăng đen, lăng chấm, lăng hồng, trắm cỏ, diêu hồng, ngạnh sông, chép, rô phi đơn tính…
Hiện nay, cá lồng của Bắc Ninh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ mạnh tại nhiều thị trường lớn như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, các mô hình nuôi cá lồng trên sông hiện cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ 4 – 6 tấn/lồng/26 m2 mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 42 triệu đến 60 triệu đồng/lồng nuôi/lứa. Đối với các hộ nuôi cá trắm đen có lãi 180 triệu đồng/lồng/lứa; chép giòn đạt 181 triệu đồng/lứa; cá lăng vàng đạt 146 triệu đồng/lứa; trắm cỏ 56 triệu đồng/lứa… Vì vậy, nuôi cá lồng trên sông đã mở ra hướng đi mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân sinh sống ở các vùng ven sông.
Thực tiễn tại tỉnh Bắc Ninh thời gian qua cho thấy, so với cách nuôi cá truyền thống (nuôi cá thâm canh trong ao đất) thì nuôi cá lồng trên sông có nhiều thuận lợi như việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch… Năng suất cá nuôi lồng cao hơn rất nhiều, hiệu quả kinh tế đem lại cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông cũng đang gặp phải một số vướng mắc như: Diện tích mặt nước trên các sông có thể nuôi cá lồng còn hạn chế; nguồn nước sông chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước do rác thải sinh hoạt và công nghiệp, tác động không nhỏ đến việc nuôi cá lồng; việc bảo đảm nguồn cung cá giống có thời điểm còn bị động; việc quy hoạch, quản lý còn thiếu đồng bộ; nhiều nơi phát triển mang tính tự phát dẫn đến phá vỡ trong quy hoạch phát triển nuôi lồng. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá các sản phẩm không ổn định…
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, so với nuôi cá thâm canh ao đất, nuôi cá lồng trên sông đòi hỏi vốn đầu tư cao, hiểu biết về khoa học kỹ thuật nhất là kinh nghiệm đánh giá nguồn nước…
Thời gian tới, để nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt mang lại hiệu quả cao, tỉnh Bắc Ninh sẽ hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, hạn chế tình trạng số lồng vượt quá quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn cho nông dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP; đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, các đối tượng thủy đặc sản như cá lăng chấm, trắm giòn, chép giòn, tầm… Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ./.