Vai trò của các hộ nông dân trong phát triển cộng đồng nông thôn

Vẽ bác nông dân đang gặt lúa | Vẽ tranh đề tài nghề nghiệp Vẽ bác nông dân đang gặt lúa | Vẽ tranh đề tài nghề nghiệp Phát triển cộng đồng nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu ở các quốc gia mà phần đông dân số sinh sống ở khu vực này….

Vẽ bác nông dân đang gặt lúa | Vẽ tranh đề tài nghề nghiệp
Vẽ bác nông dân đang gặt lúa | Vẽ tranh đề tài nghề nghiệp


Phát triển cộng đồng nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu ở các quốc gia mà phần đông dân số sinh sống ở khu vực này. Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn và nhiều nỗ lực, quá trình phát triển cộng đồng nông thôn đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại hạn chế: Vai trò của chủ thể chính – các hộ nông dân (ND) ở một số khía cạnh của đời sống như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá và môi trường còn mờ nhạt, chưa phát huy hết tiềm năng. Do vậy cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá đúng vai trò của các hộ nông dân, tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để có thể đề xuất được các giải pháp phù hợp nhằm phát huy được tiềm năng sẵn có, tận dụng cơ hội để khuyến khích các hộ ND chuyển đổi sang các phương thức, hình thức hoạt động mới, phù hợp hơn, đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển bền vững cộng đồng nông thôn ở nước ta.

Đặt vấn đề

Hiện nay, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, các vấn đề nghiên cứu liên quan đến địa vị, vai trò của chủ thể nông dân vẫn luôn nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học. Hộ nông dân không chỉ là một tác nhân kinh tế mà họ còn là chủ thể của các hoạt động xã hội, tạo thành một kiểu tổ chức xã hội riêng biệt. Ở các khu vực nông thôn nơi hộ nông dân sinh sống, vai trò của họ thể hiện rõ nét ở đặc tính tự quản, tự trị. Nhờ có tính tự trị, tự quản này mà cộng đồng nông thôn không vì biến động xung quanh mà thay đổi hay bị phá vỡ cơ cấu. Tính tự quản, tự trị cũng thể hiện rõ nét trong nhiều xã hội châu Á hiện nay, tạo thành một “di sản” tinh thần tồn tại dai dẳng – làng xã như mô hình làng “Saemaul undong” ở Hàn Quốc, mô hình “Xí nghiệp Hương trấn” ở Trung Quốc, hay mô hình “mỗi làng một sản phẩm – OVOP” ở Nhật Bản… Theo đó, các hoạt động trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và môi trường đều được quản lý theo phương thức truyền thống và mang tính chất tập thể. Các mô hình phát triển nông thôn dựa vào cộng đồng, đặc biệt là dựa vào hộ nông dân trên đã đem lại nhiều kết quả nổi bật và trở thành bài học kinh nghiệm để áp dụng cho phát triển nông thôn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Sự phát triển của cộng đồng dân cư ở mỗi khu vực được đánh giá thông qua 4 khía cạnh chính của đời sống: Chính trị, sản xuất, văn hoá và môi trường. Do đặc điểm về xuất phát điểm, điều kiện sản xuất, sinh hoạt cũng như nhận thức của các hộ nông dân ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với hộ nông dân ở các nước nên việc phát huy vai trò của họ trong xây dựng và phát triển cộng đồng nông thôn ở 4 khía cạnh trên còn nhiều vấn đề tồn tại. Mặc dù là đội quân nòng cốt nhưng vai trò của các hộ trong nhiều lĩnh vực còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Vai trò của chủ thể chính – các hộ nông dân ở một số khía cạnh của đời sống còn mờ nhạt, chưa phát huy hết tiềm năng. Do vậy cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá đúng vai trò của các hộ nông dân, tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để có thể đề xuất được các giải pháp phù hợp nhằm phát huy được tiềm năng sẵn có, tận dụng cơ hội để khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi sang các phương thức, hình thức hoạt động mới, phù hợp hơn, đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển bền vững cộng đồng nông thôn ở nước ta.

Thực trạng vai trò của các hộ nông dân trong phát triển cộng đồng nông thôn Việt Nam

Vai trò của hộ nông dân trong việc tham gia các hoạt động chính trị/tổ chức xã hội nông thôn

Hệ thống chính trị cơ sở nói chung, chính quyền cơ sở nói riêng là của dân, do dân và vì dân. Trong cộng đồng nông thôn, hộ nông dân có vị trí quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở cũng như các tổ chức xã hội ở cộng đồng nông thôn nơi họ sinh sống. Cụ thể vai trò được ghi nhận thông qua:

Tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước quản lý xã hội nông thôn

Xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội nông thôn, để có thể xây dựng một xã hội nông thôn ổn định và phát triển bền vững, thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn, bên cạnh thể chế quản lý từ luật pháp thì sự tự quản lý của cư dân nông thôn cũng rất được coi trọng. Ở nông thôn, người nông dân vừa là chủ thể sáng tạo ra hương ước, vừa là người thực hiện, đưa hương ước vào trong cuộc sống. Theo Báo cáo số 108/BC-BTP ngày 23/5/2016 của Bộ Tư pháp, trong số 125.083 thôn, làng được rà soát, có 109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt, chiếm 87,7%. Việc thực hiện hương ước góp phần không nhỏ trong hoạt động quản lý xã hội nông thôn, xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em; phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, hương ước, quy ước còn là một trong những hình thức để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân thể hiện ý chí, tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước – một trong những yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tính tích cực của hương ước cũng góp phần bảo lưu các truyền thống tốt đẹp như đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau của cư dân làng xã. Nhưng mặt khác, hương ước cũng có mặt hạn chế, đó là hình thức “lệ làng”, phản ánh khá rõ nét tâm lý địa phương chủ nghĩa của nông dân, là thách thức đáng kể đối với quá trình xây dựng và phát triển nông thôn.

Sự tham gia vào các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội tự nguyện còn mờ nhạt ở một số địa phương

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đại diện các hộ nông dân có năng lực, uy tín được bầu tham gia Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức cho các hộ nông dân khác cùng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các Đề án, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; tổ chức giám sát và vận động, hướng dẫn nông dân giám sát việc thực hiện quy hoạch, các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; dự án đầu tư, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết việc làm khi bị thu hồi đất.

Bên cạnh đó, đại diện các hộ còn tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội ND, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thực tế, mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều hoạt động như kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, môi trường… nhưng các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng là những hoạt động nhìn thấy rõ nhất sự tham gia của bản thân nông dân cũng như các tổ chức chính trị – xã hội mà họ là thành viên trong phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các địa phương hiện nay. Qua các phong trào thi đua, ND đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng và thụ hưởng thành quả nông thôn mới, khắc phục một bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tự giác chấp hành, tự nguyện đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất, hiến kế để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc đóng góp sức người, sức của cho xây dựng nông thôn mới, người nông dân còn thể hiện vai trò của mình trong việc chủ động tiếp xúc với chính quyền, nêu sáng kiến, đóng góp ý kiến hoặc tham gia tự quản, giám sát… Sự tham gia đóng góp ý kiến sẽ giúp chính quyền địa phương ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, nhu cầu của người dân, đảm bảo xây dựng cộng đồng nông thôn hiệu quả và bền vững. Nhận thức được điều đó, nhiều địa phương như Phú Thọ, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa… đã tiến hành thu thập ý kiến đóng góp của người dân trong xây dựng đề án nông thôn mới.

Mặt khác, nông dân còn tham gia vào các tổ chức xã hội tự nguyện theo sở thích, nhu cầu như các hội, câu lạc bộ (CLB), phường… Những tổ chức xã hội tự nguyện của nông dân tham gia đóng góp vào quá trình tập hợp, đoàn kết các cá nhân, thực hiện và phát huy quyền “dân chủ” của nông dân trong đời sống xã hội; đóng góp vào phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ và kinh nghiệm, năng lực, nguyện vọng của cá nhân và cộng đồng với các tổ chức như hội bảo trợ/hội người cao tuổi, hội nghề nghiệp và kinh tế khác (như hội Làm vườn, hội Sinh vật cảnh, hội Y học cổ truyền …) (Dương Chí Thiện, 2012). Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay như mô hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Tổ nhân dân tự quản”, mô hình “3 tự – 1 nhờ”, “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới”, “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”, các mô hình khởi nghiệp… huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Ở một chừng mực nhất định, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức xã hội tự nguyện là nơi để truyền tải những kiến nghị, ý kiến của người nông dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là tiến hành các hoạt động giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và chính quyền cấp cơ sở nói riêng.

Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ nông dân tham gia các tổ chức chính trị xã hội ở nông thôn vẫn còn rất hạn chế. Ở một số địa phương, nhiều nông dân chưa nhận thức được vai trò của mình khi tham gia, bàn bạc, thảo luận, ra quyết định những chủ trương liên quan đến xây dựng nông thôn mới, sự tham gia của nông dân mới chỉ dừng lại ở việc đóng góp kinh phí, ngày công lao động; một bộ phận người dân chưa thông hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chưa nhiệt tình tham gia tổ chức thực hiện, còn tư tưởng ỷ lại.

Vai trò của nông dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế

Giai đoạn vừa qua, trước bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng và là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, an dân trong đại dịch. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các hộ nông dân trong phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản. Vai trò của các hộ nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp được ghi nhận ở các nội dung cơ bản như sau:

Theo số liệu thống kê cho thấy, số đơn vị sản xuất nông nghiệp là hộ nông dân chiếm đến 99,84% trong tổng số đơn vị (năm 2020). Tuy nhiên, kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún, đang ngày càng bộc lộ những hạn chế yếu kém, cản trở quá trình CNH – HĐH, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là CNC, cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất; khó tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đều…, cản trở sản xuất lớn phát triển. Do vậy, chuyển đổi sang phát triển các mô hình trang trại là xu hướng tất yếu để phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Mô hình kinh tế hộ nông dân đang dần có sự chuyển đổi sang một hình thức mới – trang trại, góp phần đáng kể phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tuy nhiên xu hướng này còn chậm, chưa đáng kể. Số lượng trang trại từ 29,4 nghìn trang trại năm 2015 lên 32,3 nghìn trang trại năm 2019, bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 2,4%/năm (Tổng cục Thống kê).

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ sang hình thức trang trại đã góp phần giải quyết được vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nền nông nghiệp nước ta khi mà chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao; trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ chuyển đổi tổ chức sản xuất, đầu tư trang trại hiện đại, giống năng suất cao, cho nên năng suất và giá trị sản xuất được cải thiện đáng kể. Giá trị bình quân 1 trang trại năm 2020 đạt 5.662,6 triệu đồng/năm cao hơn thu nhập bình quân 1 hộ khoảng 50 triệu đồng/năm (FAO, 2018; Tổng cục Thống kê, 2021c).

Các hộ ND là chủ thể chính được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2018, diện tích đất nông nghiệp của cả nước là 27,2894 triệu hecta, trong đó bao gồm đất sản xuất nông nghiệp (11,4985 triệu hecta), đất lâm nghiệp (14,9408 triệu hecta), đất nuôi trồng thủy sản (0,7953 triệu ha) và đất khác. Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các đối tượng sử dụng chiếm 89,62%, trong đó giao cho các hộ nông dân là khoảng 15 triệu hecta, chiếm 55% (Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, 2019). Các hộ nông dân nắm trong tay nguồn lực quan trọng nhất cho sản xuất nông nghiệp đó là đất đai. Việc sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích của các hộ nông dân đã góp phần đem lại những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp nước ta trong những năm vừa qua. Đặc biệt, chủ trương phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã nhận được sự đồng lòng và tham gia tích cực của các hộ nông dân thông qua các chương trình dồn điền, đổi thửa, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2016 thì tại thời điểm 01/7/2016, cả nước có 619,3 nghìn hộ tham gia liên kết sản xuất hình thành mô hình cánh đồng lớn. Bình quân số hộ tham gia một cánh đồng lớn là 274 hộ/cánh đồng. Đồng bằng sông Hồng 264,3 nghìn hộ tham gia, chiếm 42,68% tổng số hộ tham gia cánh đồng lớn của cả nước với 375 hộ/cánh đồng. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 159,8 nghìn hộ tham gia, chiếm 25,80% với 237 hộ/cánh đồng. Đồng bằng sông Cửu Long 141,7 nghìn hộ tham gia, chiếm 22,88% với 244 hộ/cánh đồng. Trung du và miền núi phía Bắc 41,2 nghìn hộ tham gia, chiếm 6,65% với 234 hộ/cánh đồng. Tây Nguyên 10,2 nghìn hộ tham gia, chiếm 1,65% với 123 hộ/cánh đồng. Đông Nam Bộ 2,1 nghìn hộ tham gia, chiếm 0,35% với 50 hộ/cánh đồng.

Kết quả đánh giá giữa kỳ nông nghiệp, nông thôn năm 2020 cho thấy, các hộ nông dân đã tham gia tích cực, giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn trong cả nước. Cả nước có 1.051/8.297 xã đã xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn. Mỗi cánh đồng mẫu lớn có diện tích gieo trồng trung bình là 163,25ha. Có 327,326 nghìn hộ nông dân tham gia mô hình, chiếm tỷ lệ 3,594% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của cả nước. Số hộ nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn có xu hướng giảm so với năm 2016, điều này cho thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả, bền vững. Nhiều nơi xuất hiện hiện tượng cánh đồng “xôi đỗ” – tức là trong cùng 1 phạm vi quy hoạch mô hình vẫn xuất hiện nhiều mảnh ruộng, thửa ruộng của các hộ không đồng ý tham gia mô hình.

Các hộ ND đóng góp nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế nông thôn

Tính đến năm 2020, cả nước có 17.724,6 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 33,06% tổng số lao động trong độ tuổi của nước ta. Số lao động làm việc bình quân mỗi hộ ND đạt 1,53 lao động. Ở quy mô trang trại, các trang trại hiện đang tạo việc làm cho 91.221 lao động, với số lao động bình quân 1 trang trại là 4,43 người (Tổng cục Thống kê).

Đặc biệt, theo đánh giá của FAO (2018) thì năng suất lao động của nông dân Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 9 USD/ngày công lao động. Do năng suất lao động cao nên người nông dân có thể dành thời gian nông nhàn để tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác – các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Tỷ lệ thời gian nhàn rỗi này có thể chiếm tới 81% tổng thời gian có nhu cầu làm việc của người nông dân.

Các hộ ND đã chủ động trong đầu tư trang bị máy móc, thiết bị cho phát triển kinh tế nông nghiệp

Số liệu thống kê cho thấy, thực trạng đầu tư máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân có sự gia tăng đáng kể qua 5 năm, năm 2020 so với năm 2016. Điều đó cho thấy, các hộ nông dân đã chủ động trong đầu tư cho sản xuất, bắt kịp nhu cầu phát triển nền nông nghiệp theo hướng áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là số lượng máy móc, thiết bị mà người nông dân sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất với số lượng tăng đáng kể. Điều này cho thấy, quá trình cơ giới hóa sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại ngày càng được chú trọng. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần năm 2016; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần. Bình quân 100 hộ trồng lúa sử dụng 28,87 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 2,23 lần; 0,44 máy gặt đập liên hợp, gấp 1,61 lần; 2,84 máy gặt khác, gấp 1,32 lần; 4,02 máy tuốt lúa có động cơ, gấp 1,25 lần. Trong những năm vừa qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn được tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng. Tại thời điểm 01/7/2020, tổng diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản sử dụng nhà kính, nhà lưới, nhà màng khu vực nông thôn đạt 56,01 nghìn hecta, gấp 13,70 lần năm 2016. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích đất gieo trồng.

Các hộ ND chủ động trong tích lũy vốn và tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp

Theo báo cáo của Đặng Kim Khôi & Trần Công Thắng (2019), bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân đã được cải thiện, tăng thu nhập giai đoạn 2002-2016 của hộ nông dân đạt 5,75%/năm. Thu nhập bình quân 1 lao động nông thôn năm 2016 đạt 2.423 triệu đồng/tháng thì đến năm 2020 đạt 3.480 triệu đồng/tháng. Cơ cấu thu nhập chủ yếu đến từ các ngành nghề phi nông nghiệp, còn thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng thấp (Hình 1). Điều này dẫn đến vốn tích lũy dành cho tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của các hộ cũng không ngừng được gia tăng. Nếu như năm 2002 chỉ vốn tích lũy bình quân đạt 5 triệu đồng/hộ thì đến năm 2016 đạt khoảng 22 triệu đồng/hộ, năm 2020 đạt khoảng 20,09 triệu đồng/hộ (có suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19). Số vốn tích lũy gia tăng cho thấy các hộ nông dân ngày càng chủ động trong đầu tư cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ của mình.

Các hộ nông dân đã tích cực, chủ động tham gia các liên kết phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp

Liên kết chuỗi giá trị nông sản đang là định hướng ưu tiên để tổ chức sản xuất nông lâm, thủy sản ở Việt Nam. Hiện tại, có một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và hộ nông dân, giữa HTX với hộ nông dân:

Mô hình doanh nghiệp thuê cơ sở hạ tầng sản xuất của hộ nông dân (như chuồng chăn nuôi, ao nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp) và doanh nghiệp tự tổ chức sản xuất.
Mô hình doanh nghiệp thuê hộ nông dân sản xuất ngay trên cơ sở hạ tầng của hộ nông dân. Theo hình thức này, hộ nông dân bỏ công sức thực hành sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát thực hành kỹ thuật và trả công cho người nông dân thông qua hiệu quả sản xuất. Mô hình này có ưu điểm là hộ nông dân chịu rủi ro thấp về biến động thị trường, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng thu nhập của hộ sẽ chủ yếu từ việc bỏ công sức lao động. Theo mô hình này, doanh nghiệp chỉ thuê các hộ có hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm sản xuất. Đây là mô hình liên kết mà nhiều hộ chăn nuôi mong muốn đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng thị trường và dịch bệnh bùng phát.

Mô hình doanh nghiệp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong mô hình này, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng trực tiếp với hộ nông dân hoặc thông qua tổ chức của họ như HTX. Hộ nông dân sản xuất theo quy trình thống nhất với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về khối lượng và chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể đầu tư ứng trước cây giống, con giống, vật tư đầu vào; tập huấn kỹ thuật và giám sát thực hành sản xuất; thu mua sản phẩm theo cam kết. Đây là mô hình mà phần lớn hộ nông dân mong muốn và được Nhà nước khuyến khích phát triển.

Mô hình doanh nghiệp thuê công nhân nông nghiệp/hộ nông dân sản xuất và ăn chia sản phẩm theo hiệu quả sản xuất. Trong mô hình này, doanh nghiệp có tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất. Doanh nghiệp thuê hộ nông dân thực hành sản xuất, hộ nông dân được trả công theo hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà họ trực tiếp tham gia hoặc được trả một phần tiền công và một phần dựa trên kết quả sản xuất nông nghiệp. Mô hình này đòi hỏi hộ nông dân phải có hiểu biết, kỹ năng sản xuất và gắn liền trách nhiệm của họ với kết quả sản xuất của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (2020, trích Hải Lâm & Phúc Sơn (2021)), hiện nay cả nước có 271 tổ chức khoa học, gần 587 nghìn hộ nông dân, 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, đã xây dựng được 26 mô hình chuỗi liên kết giữa hộ nông dân – HTX – doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 18 mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ mía đường và 8 mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Vai trò của nông dân trong lĩnh vực văn hóa – xã hội

Tích cực tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

Với tư cách là chủ thể của cộng đồng nông thôn, hộ nông dân đã thể hiện tích cực vai trò của mình trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, trước bối cảnh hiện nay có nhiều chuyển biến mạnh mẽ từ các giá trị văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại của thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (Trương Xuân Trường, 2019). Nông dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo lưu những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau”…

Nông dân cũng có ý thức được vai trò của mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của làng nghề thống như là: đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gốm sứ, vẽ tranh dân gian, tạc tượng dân gian… và bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian truyền thống như: võ vật, thơ ca, văn nghệ dân gian truyền thống (hát chèo, hát tuồng, hát quan họ, hát chầu văn, hát ví dặm, hát xoan, đàn ca tài tử, dân ca vọng cổ…). Trên khắp cả nước, nông dân sôi nổi tham gia phong trào khôi phục văn hóa cổ truyền, các công trình văn hóa như đình, đền, chùa, miếu và nghi lễ văn hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, đường làng, ngõ xóm… Người nông dân không chỉ khôi phục và mở rộng các mối quan hệ xã hội của mình, trong đó có việc khôi phục các khuôn mẫu văn hóa cổ truyền và trên cơ sở đó, cũng sáng tạo ra những khuôn mẫu mới. Đồng thời, các quan hệ cộng đồng của người nông dân cũng không hề mất đi mà nó còn được mở rộng hơn, từ gia đình, dòng họ, làng xã cho đến bên ngoài phạm vi làng xã.

Việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các lễ hội truyền thống đang có dấu hiệu thương mại hóa, HĐH, mất đi bản sắc vốn có. Sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội sẽ không thể đạt được nếu như những giá trị văn hóa truyền thống đã được thẩm định qua thời gian bị phai nhạt. Lòng thương người, thương thân, tình nghĩa gia đình, tình nghĩa vợ chồng và sự đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng làng xóm vốn là sức mạnh của người nông dân, là những giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị đồng tiền làm cho xói mòn. Không ít các giá trị văn hóa, phong tục, nét sinh hoạt văn hóa ở một số vùng nông thôn ngày càng bị mai một… Tác hại của sự suy thoái này rất lớn vì chúng liên quan trực tiếp đến con người.

Tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa

Để phát triển văn hoá nông thôn, xây dựng nông thôn mới nhất thiết cần chăm lo xây dựng gia đình với tư cách là một thực thể văn hoá bền vững và phù hợp với sự vận động của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) đã thu hút được sự tham gia của nông dân cả nước nhằm mục tiêu xây dựng gia đình nông dân hạnh phúc, đáp ứng tiêu chí của gia đình văn hóa.

Tại Thái Bình, phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc” do Hội ND phát động được nông dân hưởng ứng. Nhiều loại hình của các CLB, mô hình xây dựng gia đình văn hóa như: CLB “Gia đình phát triển bền vững”, nhóm phòng chống bạo lực gia đình; mô hình phòng, chống ma túy từ gia đình…được thành lập, là nơi để nông dân giao lưu, học hỏi, vận động nhau hướng tới xây dựng gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Nếu như năm 2001, toàn tỉnh Thái Bình có tỷ lệ gia đình đạt gia đình văn hóa là 52,9%; năm 2005 là 62,4%; năm 2010 là 75,6%; năm 2015 là 80,1%, thì năm 2020 toàn tỉnh đã đạt 91,4% gia đình văn hóa. Còn ở Nam Định, trong xây dựng gia đình văn hóa, các hộ nông dân đặc biệt chú trọng các tiêu chí “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Hội viên nông dân tích cực tuyên truyền, vận động thành viên trong gia đình và nhân dân chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm, bảo vệ môi trường, tham gia bảo hiểm y tế… Các cấp Hội ND ở Nam Định đã vận động 309.687 gia đình hội viên nông dân đăng ký thực hiện và có 247.749 hộ gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, qua đó cổ vũ, nhân rộng các điển hình. Ngoài ra, một số địa phương khác như Sóc Trăng, Đồng Nai… phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển. Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng trong năm 2020, có 293.737 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 89,8%, tăng 11.870 hộ so với năm 2015; có 725 ấp, khóm văn hóa, đạt tỷ lệ 93,5%, tăng 93 ấp, khóm so với năm 2015. Tỉnh Đồng Nai, tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội cũng được nông dân phát huy. Tỷ lệ hộ gia đình nông dân tham gia phong trào ngày một đông đảo. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 95,3% gia đình văn hóa thì đến năm 2019 con số này vượt 98,89%. Kết quả này cho thấy, việc xây dựng gia đình văn hóa ngày càng trở thành nét đẹp trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là vùng nông thôn.

Mặc dù phong trào xây dựng gia đình văn hóa đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn tồn tại một số những hạn chế như có những trường hợp gia đình kê khai không đúng, chạy theo thành tích. Có những gia đình nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhưng trên thực tế, một số gia đình có biểu hiện suy thoái về mặt đạo đức trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào một bộ phận gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi cũng diễn ra gay gắt. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng. Do đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của con người nông thôn là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng một đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở các vùng nông thôn.

Vai trò của nông dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn

Thực hiện chương trình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; các cấp Hội ND đã đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành tốt (VietGAP, Global GAP…), sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ và cải thiện môi trường làng nghề; cải tạo hồ, ao, kênh mương bị ô nhiễm; hạn chế sử dụng túi nilon; bảo vệ các lưu vực sông; môi trường biển; trồng và bảo vệ rừng; bình quân mỗi năm xây dựng được hàng nghìn mô hình bảo vệ môi trường nông thôn

Nhiều chương trình, phong trào thi đua như phong trào 3 không, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” góp phần rất lớn trong việc giảm ô nhiễm rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện tốt tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới. Điểm chung nhất của các chưong trình là đề cao vai trò của người nông dân, coi nông dân là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ môi trường, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng cộng đồng nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả là đến năm 2020, cả nước có 3.498 xã và gần 22,96 nghìn thôn xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 42,16% tổng số xã và 34,67% tổng số thôn. So với năm 2016, tỷ lệ xã có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung tăng 6,41 điểm phần trăm; tỷ lệ thôn tăng 10,24 điểm phần trăm. Tỷ lệ xã thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 63,46% năm 2016 lên 74,75% năm 2020; tỷ lệ thôn thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 47,30% lên 58,24%. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 3.236 xã có bãi rác tập trung, chiếm 39,00% tổng số xã và 4.201 xã có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 50,63% tổng số xã trên địa bàn nông thôn. Tỷ lệ xã xử lý rác thải sinh hoạt chiếm 98,55% tổng số xã có bãi rác tập trung; tỷ lệ xã xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chiếm 97,14% tổng số xã có thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (Tổng cục Thống kê, 2021b).

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cũng không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2010, tỷ lệ này chỉ là 87,4% ở khu vực nông thôn thì đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên 96,2%. Đặc biệt, chênh lệch tỷ lệ này ở 2 khu vực nông thôn và thành thị ngày càng được thu hẹp. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ dân có hố xí hợp vệ sinh ở nông thôn chỉ đạt 67,1%, chênh lệch rất nhiều so với tỷ lệ 93,8% ở khu vực thành thị thì đến năm 2020 tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 91,1%.

Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong nâng cao vai trò của các hộ ND trong phát triển cộng đồng nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới

Điểm mạnh

Qua đánh giá thực trạng vai trò của hộ nông dân có thể thấy, lực lượng này có những điểm mạnh nổi bật như sau:

Thứ nhất, số lượng hộ nông dân ở nước ta là một lực lượng đông đảo, chiếm ưu thế trong cộng đồng dân cư nông thôn. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có trên 9,1 triệu hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 50,89% tổng số hộ nông thôn.

Thứ hai, người nông dân Việt Nam với bản tính hiền lành, cần cù, chịu khó đã và đang làm chủ nền sản xuất nông nghiệp nước ta, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước ta cũng như đóng góp không ít sức người, sức của vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, người nông dân luôn sống hoà mình trong cộng đồng làng xã với các mối quan hệ gia đình, làng xóm thân thiết, chặt chẽ. Lối sống cộng đồng này đã góp phần hỗ trợ, nâng đỡ, tạo ra sức mạnh tập thể cũng như cùng nhau chia sẻ khó khăn, thành quả trong sự phát triển chung của nền kinh tế – xã hội nông thôn nước ta.

Điểm yếu

Hạn chế lớn nhất của nông dân khi tham gia giám sát, đóng góp ý kiến vào quá trình ra quyết định trong phát triển kinh tế nông thôn là do năng lực của họ còn yếu, hiểu biết và các kiến thức về chính trị, kinh tế – xã hội chưa thật sự đầy đủ. Tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình tăng 3,11%/năm). Nếu chỉ tính số lao động nông thôn được đào tạo có chứng chỉ và sơ cấp nghề trở lên còn thấp hơn nhiều). Đa số người nông dân sản xuất dựa trên kỹ năng kinh nghiệm chia sẻ giữa các hộ với nhau theo hình thức không chính thống. Tuy nhiên các kỹ năng, kinh nghiệm này chủ yếu gắn với các kỹ năng chuyên môn của ngành nghề cụ thể, chưa bao gồm các kỹ năng cơ bản khác như kỹ năng tìm kiếm thông tin thị trường, kỹ năng đàm phán, kỹ năng quản trị rủi ro, kỹ năng vận hành các trang thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất… nên nhiều hộ nông dân không thu được kết quả, hiệu quả sản xuất như kỳ vọng.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Số trang trại mới chỉ chiếm 0,26% trong tổng số hộ sản xuất nông nghiệp, 99,74% còn lại là các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, do diện tích đất sử dụng bình quân mỗi hộ rất nhỏ và manh mún. Thực trạng đất đai manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp của các hộ nông dân nước ta hiện nay. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1m2 lên 2.026,3m2 (Tổng cục Thống kê, 2021a). Bình quân mỗi hộ được quyền sử dụng diện tích đất là 0,45ha – đây là mức sở hữu đất đai thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, tổng số hộ có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5ha chiếm tới 63% (Tổng cục Thống kê, 2017). Quy mô đất đai quá nhỏ như vậy không đảm bảo điều kiện để đạt được hiệu quả tối ưu trong sản xuất của các nông hộ, và đồng thời không thể thực hiện được mục tiêu CNH, HĐH nền nông nghiệp nước ta.

Thu nhập của đa số hộ nông dân còn chưa cao, chưa có tích luỹ vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình.

Tuy nhiên, theo thống kê của FAO (2018), bình quân mỗi hộ nông dân nhỏ đạt giá trị sản xuất đạt khoảng 50 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này được đánh giá là thấp so với mức thu nhập bình quân của các hộ gia đình nông thôn. Đây là rào cản cho tích luỹ và chi tiêu của các hộ trong đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, do thu nhập thấp, người nông dân cũng không đủ tự tin để vay vốn tín dụng để đầu tư. Mức vốn vay tín dụng của các hộ nông dân hiện nay còn rất nhỏ, không đáng kể để đảm bảo các hộ có thể mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư cho những máy móc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNC trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Liên kết giữa các hộ và các tổ chức kinh tế – xã hội khác còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Có thể nói dù là hình thức nông hộ hay hình thức trang trại thì tỷ lệ tham gia các liên kết còn rất thấp. Điều này cho thấy, đa phần các hộ, trang trại hiện còn hoạt động riêng lẻ, tự phát. Do vậy chưa hình thành chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bền vững để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đầu ra.

Cơ hội

Nông nghiệp, nông thôn vẫn luôn được coi là trụ cột của nền kinh tế – xã hội Việt Nam do vậy chủ thể chính là hộ nông dân vẫn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ không chỉ của Đảng, Nhà nước mà còn của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước.

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, đem lại nhiều thành tựu quan trọng có thể áp dụng cho sản xuất nông nghiệp và phát triển xã hội nông thôn theo hướng hiện đại hoá, công nghệ số hoá. Theo đó, hộ nông dân sẽ là tế bào cơ sở cho sự chuyển đổi này. Họ sẽ chính là người thực hiện cũng như người hưởng lợi từ quá trình này.

Áp lực của quá trình đô thị hoá quá nhanh sẽ được san sẻ bớt sang các khu vực nông thôn ven đô. Nhờ đó, đời sống cộng đồng dân cư nông thôn ven đô này sẽ có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ các công trình hạ tầng ven đô này.

Thách thức

Tâm lý an phận, ngại thay đổi của người nông dân là rào cản lớn nhất cho phát triển cộng đồng xã hội nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững. Đa số hộ nông dân bao đời nay đều bằng lòng với diện tích đất đai được thừa kế từ đời này sang đời khác. Họ bằng lòng với điều kiện sản xuất sẵn có, lối sống tằn tiện cố hữu, khó thay đổi. Tâm lý này ảnh hưởng đến khía cạnh “cầu” về các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trên thị trường khu vực nông thôn.

Các mối quan hệ gia đình, làng xã quá thân thiết cũng dẫn tới thách thức trong công tác đấu tranh, chống lại các tệ nạn xã hội và các vấn đề bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng dân cư nông thôn. Đây chính là lý do dẫn tới nhiều lề lối, hủ tục vẫn tồn tại ở khía cạnh văn hoá – xã hội nông thôn nước ta.

Số lượng hộ nông dân có xu hướng giảm theo thời gian do qúa trình di cư và chuyển đổi nghề của lao động nông thôn. Mặc dù, con số này có xu hướng giảm so với năm 2016. Việc số hộ nông dân làm nông nghiệp giảm trong giai đoạn gần đây cho thấy, nghề nông nghiệp không phải là ngành sản xuất chính của các hộ gia đình sinh sống ở khu vực nông thôn, thay vào đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp ngày càng phổ biến. Điều này là xu hướng tất yếu bởi lẽ thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp đem lại thu nhập cao và ổn định hơn cho lao động nông thôn. Điều này đặt ra bài toán cho phát triển nền nông nghiệp nước ta trong thời gian tới là cần ổn định số đơn vị hộ sản xuất nông nghiệp để có quy hoạch, kế hoạch phát triển cụ thể cho từng ngành nghề, từng địa phương.

Biến đổi khí hậu và dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sống và sản xuất của các hộ ND. Diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng và vượt qua sự khả năng nhận diện, tầm kiểm soát và khả năng thích ứng của các hộ ND. Nếu cộng đồng dân cư nông thôn không sớm được hỗ trợ nâng cao nhận thức và có những kịch bản đối phó với những công nghệ, mô hình thích ứng phù hợp thì sẽ bị tác động nặng nề khi các sự kiện thiên tai xảy ra.

Kết luận và kiến nghị về nâng cao vai trò của các hộ ND trong phát triển cộng đồng nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới

Về khía cạnh đời sống chính trị: vai trò của các hộ ND còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Do vậy cần thiết cần huy động thêm sự tham gia của hộ nông dân trên cơ sở tự nguyện để họ có thể tham gia, đóng góp ý kiến, tranh luận, phản biện một cách dân chủ trong các tổ chức chính trị xã hội theo Quy chế dân chủ cơ sở và nay là Pháp lệnh dân chủ. Người nông dân sẽ có cơ hội tham gia gánh vác việc dân, thực hiện nghĩa vụ với dân (Đặng Thị Việt Phương và Bùi Quang Dũng, 2011).

Về khía cạnh sản xuất: do sự tham gia liên kết sản xuất (ngang -dọc) của các hộ ND vẫn còn lỏng lẻo, do vậy cần sự đồng lòng và nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò kết nối của Nhà nước, Chính phủ, Hội ND, Liên hiệp, Liên minh các Hợp tác xã, Hiệp hội các doanh nghiệp, các nhà khoa học để người ND có thêm cơ hội tham gia sâu, rộng vào các liên kết, huy động sức mạnh tập thể, khai thác các tiềm năng cho phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Về khía cạnh văn hoá – xã hội: các giá trị văn hoá xã hội truyền thống vẫn được các hộ nông dân trân trọng và giữ gìn, bảo tồn. Tuy nhiên, do quá trình phát triển của điều kiện kinh tế – xã hội và cơ hội, thách thức từ bên ngoài dẫn đến cần xác định được những giá trị văn hoá chính thống cần bảo tồn và kiên quyết loại bỏ những luồng tư tưởng, phong trào văn hoá phi chính thống, không có lợi cho cộng đồng nông thôn. Đặc biệt, cơ hội về hội nhập toàn cầu sẽ tạo điều kiện quảng bá và khai thác tốt các giá trị văn hoá truyền thống đặc trưng của khu vực nông thôn Việt Nam với các du khách quốc tế thông qua các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bản địa,…

Về khía cạnh môi trường: môi trường sống ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập, nhận thức và ứng xử của người nông dân chưa coi trọng bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do vậy cần thiết phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân theo hướng phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp. Ở nhiều quốc gia, sự ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp vẫn là một thách thức đáng kể đối với việc cải thiện và bảo vệ môi trường nước của họ. Trong nghiên cứu của K.L. Blackstocka & cs. (2010) trình bày những phát hiện từ một tổng quan tài liệu về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của nông dân trong đó có đề cập đến sự thay đổi trong cách tiếp cận để cung cấp lời khuyên cho người ND. Thay vì đặt nông dân ở vị trí thụ động tiếp nhận lời khuyên, tiếp nhận chuyển giao kiến thức từ các chuyên gia, nông dân có thể đặt câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết, trao đổi kiến thức. Khi nông dân nhận thấy ý kiến của họ được lắng nghe, được tôn trọng, họ sẵn sàng hợp tác với các chuyên gia, chuyển đổi phương thức sản xuất, áp dụng các biện pháp để giảm thiểu sự ô nhiễm đối với môi trường nước.

Như vậy, phát triển cộng đồng dân cư nông thôn cần quan tâm đến cả 4 khía cạnh của đời sống chính trị, sản xuất, văn hoá và môi trường. Điều kiện để phát triển cộng đồng nông thôn là phải lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định. Nguồn lực bên trong bao gồm hệ thống chính trị, tài nguyên con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, nước, không khí, trong đó, yếu tố con người quyết định tất cả. Chính vì vậy, người nông dân đóng vai trò là chủ thể, là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp được coi là động lực của quá trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Nông dân tham gia tích cực trong mọi quá trình ra quyết định về chính sách phát triển nông thôn; xây dựng cộng đồng nông thôn. Để người nông dân thực sự “được tự do và tự quyết định trên luống cày, thửa ruộng của mình”, lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh làm giàu, làm đẹp cho mình, cho quê hương chính chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đang hướng tới.

Tài liệu tham khảo
Bùi Quang Dũng (2013). Nông dân – Những vấn đề cơ bản và đương đại. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
Bùi Quang Dũng & Nguyễn Thị Khánh Hòa (2017). Sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Tạp chí Xã hội học, số 3.
Đặng Kim Khôi & Trần Công Thắng (chủ biên) (2019). Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Hà Nội.
Đặng Thị Việt Phương & Bùi Quang Dũng (2011). Các tổ chức xã hội tự nguyện ở nông thôn đồng bằng sông Hồng: Liên kết và trao đổi xã hội. Tạp chí Xã hội học, số 4, tr31.
Dương Chí Thiện (2012). Vai trò và những đóng góp chủ yếu của các tổ chức xã hội tự nguyện trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 2, tr14.
FAO (2018). Small Farm Family. Retrieved 7 7, 2021, from Food and Agriculture Organization of the United Nations: www.fao.org/family-farming/themes/small-family-farmers
Nguyễn Đức Chiện (2020). Nhận diện giá trị văn hóa cốt lõi của làng Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí KHXH-NV Nghệ An, số 7, tr14.
Nguyễn Thị Trà Vinh (2016). Nghiên cứu các chính sách và giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ Chương trình Nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguyễn Trọng Bình (2020). Một số vấn đề đặt ra về sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay. Tạp chí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trần Đức Viên (2020). Nông nghiệp Việt Nam: những vấn đề tồn tại. Tại: https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nong-nghiep-Viet-Nam-Nhung-van-de-ton-tai-26635 (Truy cập ngày 15/7/2021)
Trương Quốc Cần & Đào Thế Anh (2021). Gỡ bỏ những rào cản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và đảm bảo quyền lợi của nông dân. Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi. Tại: https://cisdoma.org.vn/go-bo-nhung-rao-can-de-nang-cao-hieu-qua-su-dung-dat-nong-nghiep-va-dam-bao-quyen-loi-cua-nong-dan/ (Truy cập ngày 20/7/2021)
Trương Xuân Trường (2019). Về phát triển nông thôn và vai trò của văn hóa trong phát triển nông thôn ở nước ta. Tạp chí Cộng sản.

  • Góp ý sửa đổi về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư
  • Đề xuất tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố
  • Một số góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
  • Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi: Biến ‘rác’ thành nguyên liệu
  • Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
  • Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào Chăm
  • Phát huy giá trị văn nghệ đại chúng trong xây dựng nông thôn mới: Đầu tư cho sáng tạo bài bản là đầu tư căn cơ, bền vững
  • Bảo đảm lợi ích hài hòa cho các bên khi thu hồi đất
  • Đề cương về văn hóa Việt Nam: Thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc
  • Điều chỉnh tiền lương, phụ cấp y tế càng sớm càng tốt
  • Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Lợi ích chính đáng của nhân dân là điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi chủ trương, đường lối
  • Hà Nội – “ngôi sao sáng” trên bản đồ xây dựng nông thôn mới(Tapchinongthonmoi.vn) – Với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Hà Nội được Trung ương đánh giá là “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
  • Nghệ An có thêm nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới(Tapchinongthonmoi.vn) – Chiều 11/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới để thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.
  • Hội Nông dân Võ Nhai tổ chức thành công đại hội điểm cấp huyện(Tapchinongthonmoi.vn) – Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển” trong 2 ngày 11-12/4 Hội Nông dân huyện Võ Nhai đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Nông dân huyện Võ Nhai lần thứ X. Đây là đại hội điểm cấp huyện của Thái Nguyên.
  • Hội An sẽ linh hoạt các giải pháp thu phí bảo tồn di sản(Tapchinongthonmoi.vn) – Trước những ồn ào của dư luận quanh chủ trương siết chặt thu phí qua bán vé tham quan phố cổ Hội An, chính quyền địa phương đã quyết định tạm lùi thời điểm triển khai để tiếp tục lắng nghe và tìm các giải pháp hữu hiệu hơn. Ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An đã trao đổi quanh vấn đề này.
  • Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốcThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
  • Thời tiết nồm ẩm, trẻ dễ ốm, làm gì để phòng bệnh?Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển, vậy cần làm gì để phòng bệnh?
  • Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc giaBộ Tư pháp đã có Quyết định số 522/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
  • Đồng tháp: Phát triển du lịch xanh trên đất Sen hồngPhó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Đồng Tháp đẩy mạnh việc xây dựng và cơ cấu lại sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, trong đó chú trọng du lịch nông nghiệp, sinh thái.
  • Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với LàoNhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 10-11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn của báo chí về kết quả chuyến thăm.
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm LàoChiều 11/4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Vientiane, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
  • 1

    Thực trạng giai cấp Nông dân Việt Nam hiện nay và một số vấn đề đặt ra

  • 2

    Phim Bão ngầm: “Chọn đạo diễn Đinh Thái Thụy vì đời tư không có scandal”

  • 3

    Hội Nông dân Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Nông dân Thế giới (WFO)

  • 4

    Nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Đô Lương

  • 5

    Vĩnh Long đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh

Bạn đang xem bài viết: Vai trò của các hộ nông dân trong phát triển cộng đồng nông thôn. Thông tin được tạo bởi Gia Sư Minh Đức chọn lọc và tổng hợp cùng với các chủ đề liên quan khác.

Rate this post

Similar Posts